Tin mới

                       BỘ NỘI VỤ                                                                                  CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
                                                                                                                                        Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
 


ĐIỀU LỆ HỘI HỮU NGHỊ VIỆT NAM – SÉC (sửa đổi bổ sung)
(Điều lệ sửa đổi này đã được Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Hội thông qua ngày 30/6/2013, đang trình Bộ Nội vụ phê duyệt )

Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Tên gọi, biểu tượng

1. Tên tiếng Việt : Hội Hữu nghị Việt Nam - Séc.

2. Tên tiếng nước ngoài : Tên giao dịch bằng tiếng Séc : Společnost Vietnamsko - českého přátelství.               

Tên giao dịch bằng tiếng Anh : Viet Nam - Czech Republic Friendship Association  (VCFA).

3. Tên viết tắt : Hội Việt - Séc.

4. Biểu tượng : không có.

Điều 2. Tôn chỉ, mục đích

1. Hội hữu nghị Việt Nam - Séc (sau đây gọi tắt là Hội) là một tổ chức xã hội, là thành viên của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam, hoạt động theo Điều lệ Hội, Điều lệ Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và tuân thủ luật pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

2. Mục đích hoạt động của Hội là góp phần vào việc tăng cường và mở rộng quan hệ đoàn kết hữu nghị, sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Séc; tranh thủ sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân Cộng hòa Séc đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân Việt Nam; tham gia làm cầu nối góp phần thúc đẩy phát triển quan hệ hợp tác nhiều mặt trong các lĩnh vực kinh tế-thương mại, khoa học-công nghệ, giáo dục-đào tạo, văn hoá, thể thao, du lịch v.v… giữa nhân dân hai nước Việt Nam và Séc.

Điều 3. Phạm vi hoạt động và địa vị pháp lý của Hội

1. Hội có tư cách pháp nhân, con dấu, tài khoản riêng; hoạt động theo quy định pháp luật Việt Nam và Điều lệ Hội được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

2. Trụ sở của Hội đặt tại 105 A Quán Thánh, Ba Đình, Hà Nội.

3. Hội hoạt động trên phạm vi cả nước, trong lĩnh vực đối ngoại nhân dân.

4. Hội chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn, hỗ trợ và kiểm tra của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam và các cơ quan Đảng, Nhà nước khác có liên quan đến lĩnh vực hoạt động của Hội theo quy định của pháp luật.

Điều 4. Nguyên tắc tổ chức, hoạt động

1. Tự nguyện, tự quản.

2. Hiệp thương dân chủ và thống nhất hành động bình đẳng, công khai, minh bạch.

3. Tự bảo đảm kinh phí hoạt động và tự chịu trách nhiệm trước pháp luật.

4. Không vì mục đích lợi nhuận.

5. Tuân thủ Hiến pháp, pháp luật và Điều lệ Hội.

Chương II
QUYỀN HẠN, NHIỆM VỤ

Điều 5. Nhiệm vụ và Quyền hạn của Hội

1. Tuyên truyền, giới thiệu, thông tin với nhân dân Cộng hòa Séc về lịch sử, đất nước, con người, nền văn hóa và những thành tựu xây dựng đất nước của nhân dân Việt Nam về chính sách của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

2. Tổ chức và phối hợp với các cơ quan nhà nước, các tổ chức nhân dân, các địa phương, các đơn vị cơ sở tiến hành các hoạt động nhằm vun đắp và phát triển quan hệ hữu nghị truyền thống giữa nhân dân hai nước Việt Nam và Cộng hòa Séc phù hợp với đường lối đối ngoại của Đảng và pháp luật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

3. Xây dựng và phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác với các hội hữu nghị, các tổ chức xã hội khác của Séc thông qua các hoạt động trao đổi đoàn; trao đổi sách báo, phim ảnh... và các hoạt động khác phù hợp với quy định của pháp luật hai nước.

4. Khuyến khích, hỗ trợ, tham gia làm cầu nối thúc đẩy phát triển quan hệ hợp tác về kinh tế - thương mại, khoa học – công nghệ, giáo  dục – đào tạo, văn hóa thể thao, du lịch... giữa các đối tác Việt Nam và Séc.

5. Xuất bản tạp chí, chuyên san và các ấn phẩm tuyên truyền hoạt động của Hội theo quy định của pháp luật.

6. Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn và nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Chương III
HỘI VIÊN

Điều 6. Hội viên của Hội

1. Hội viên chính thức: Tất cả các tổ chức và công dân Việt Nam trên 18 tuổi tán thành Điều lệ Hội, tự nguyện làm đơn xin gia nhập Hội, hoàn thành thủ tục đăng ký hội viên và được Ban Thường vụ Hội đồng ý, sẽ được gia nhập Hội.

2. Hội viên liên kết: Các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp nước ngoài, người Việt Nam ở nước ngoài đang hoạt động, sản xuất, kinh doanh hợp pháp tại Việt Nam, với tinh thân tự nguyện giúp đỡ về tài chính, công sức, trí tuệ; tán thành Điều lệ Hội, có thể được Ban Thường vụ Hội, xét kết nạp là hội viên liên kết của Hội.

3. Hội viên danh dự: Những cá nhân Việt Nam tiêu biểu có nhiều đóng góp xuất sắc cho việc thực hiện tôn chỉ, mục đích của Hội, được Ban Chấp hành Hội chấp thuận.

4. Hội viên liên kết và hội viên danh dự có quyền và trách nhiệm như hội viên khác của Hội, trừ quyền bẩu cử, ứng cử vào các vị trí lãnh đạo của Hội và biểu quyết các vấn đề của Hội   

Điều 7. Nhiệm vụ của hội viên

1. Chấp hành Điệu lệ và thực hiện các nghị quyết của Hội; tích cực tham gia các hoạt động của Hội nhằm giữ gìn và phát triển tình hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Séc; chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; chấp hành Điều lệ, quy định của Hội.

2. Tuyên truyền rộng rãi về Hội trong nhân dân Việt Nam để thu hút hội viên mới góp phần phát triển tổ chức, mở rộng phạm vi hoạt động của Hội.

3. Tham gia đầy đủ các hoạt động và sinh hoạt của Hội.

4. Thực hiện chế độ thông tin, báo cáo theo quy định của Hội.

5. Đóng hội phí đầy đủ và đúng hạn theo quy định của Hội.

Điều 8. Quyền của Hội viên

1. Được dự Đại hội, ứng cử, đề cử, bầu cử các cơ quan, các chức danh lãnh đạo và Ban Kiểm tra Hội theo quy định của Hội.

2. Tham gia thảo luận, đóng góp ý kiến xây dựng và biểu quyết thông qua các quyết định, chủ trương và chương trình hoạt động của Hội.

3. Được Hội giúp đỡ và tạo điều kiện thuận lợi để hoạt động nhằm mục đích góp phần tăng cường quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa nhân dân Việt Nam và nhân dân Séc phù hợp với tôn chỉ, mục đích của Hội.

4. Được tham gia các hoạt động do Hội tổ chức; được Hội thăm hỏi, giúp đỡ khi khó khăn.

5. Được quyền xin ra khỏi Hội.

Điều 9. Xóa tên và khai trừ hội viên

1.Khi muốn ra khỏi Hội, hội viên phải làm đơn gửi Ban Thượng vụ Hội để xóa tên trong danh sách hội viên.

2.Hội viên hoạt động trái với Điều lệ và nghị quyết của Hội hoặc không sinh hoạt Hội trong 2 (hai) năm liên tục sẽ bị Ban Thường vụ Hội quyết định khai trừ khỏi Hội và xóa tên trong danh sách hội viên.

Chương IV
TỔ CHỨC, HOẠT ĐỘNG

Điều 10. Cơ cấu tổ chức của Hội

1. Tổ chức của Hội hữu nghị Việt Nam - Séc gồm:

a) Đại hội đại biểu toàn quốc;

b) Ban Chấp hành;

c) Ban Thường vụ;

d) Ban Kiểm tra;

e) Ban Thư ký và các ban chuyên môn, tổ chức trực thuộc (nếu có).

2. Tại các tỉnh và thành phố trực thuộc Trung ương, nếu có nhu cầu thành lập Hội hữu nghị Việt - Séc cấp tỉnh, sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật nếu tự nguyện làm tổ chức thành viên của Hội.

3. Tùy theo yêu cầu và điệu kiện cụ thể Hội có thể thành lập chi hội tại các doanh nghiệp, cơ quan, trường học, các ban liên lạc. Các Chi hội cử ra một Ban phụ trách của Chi hội gồm Chi hội trưởng, các Chi hội phó và Thư ký để lãnh đạo công tác của Chi hội và chịu sự chỉ đạo hướng dẫn của Hội.

Điều 11. Đại hội đại biểu toàn quốc

1. Đại hội đại biểu toàn quốc (Đại hội) là cơ quan lãnh đạo cao nhất của Hội được tổ chức 5 năm một lần, do Ban Chấp hành triệu tập. Số lượng đại biểu tham dự Đại hội do Ban Chấp hành Hội quyết định.

2. Đại hội được coi là hợp lệ khi có ít nhất 2/3 (hai phần ba) tổng số đại biểu Đại hội bất thường được triệu tập khi có 2/3 (hai phần ba) số ủy viên Ban Chấp hành hoặc hơn 1/2 (một phần hai) tổng số hội viên chính thức đề nghị để xem xét giải quyết những vấn đề nảy sinh bất thường (kể cả việc giải thể Hội theo quy định).

3. Người đại diện hợp pháp theo ủy quyền của các cơ quan, tổ chức là hội viên có lý do chính đáng không dự Đại hội, được quyền ủy nhiệm bằng văn bản cho người lãnh đạo khác của đơn vị mình dự thay. Người được ủy nhiệm có quyền hạn và trách nhiệm tại Đai hội như đại biểu chính thức.

4. Biểu quyết tại Đại hội.

Đại hội thông qua các nghị quyết bằng hình thức bỏ phiếu kín hoặc giơ tay do Đai hội quyết định. Việc biểu quyết thông qua các quyết định của Đại hội phải được quá 1/2 (một phần hai) số đại biểu chính thức có mặt tán thành.

5. Đại hội có nhiệm vụ:

a) Tổng kết đánh giá các mặt hoạt động, công tác quản lý và điều hành của Hội trong nhiệm kỳ trên cơ sở Điều lệ Hội và các nghị quyết của Đại hội nhiệm kỳ cũ;

b) Báo cáo, phê chuẩn định hướng hoạt động và các giải pháp để thực hiện nhiệm vụ của Hội trong nhiệm kỳ mới;

c) Báo cáo tình hình thu chi tài chính nhiệm kỳ cũ và dự toán kinh phí cho nhiệm kỳ mới;

d) Thảo luận việc sửa đổi, bổ sung và biểu quyết thông qua Điều lệ hoặc đổi tên Hội; quyết định việc chia tách, sáp nhập, hợp nhất, giải thể Hội (nếu có);

e) Bầu Ban Chấp hành, Ban Kiểm tra Hội  nhiệm kỳ mới;

f) Thông qua các nghị quyết của Đại hội.

Điều 12. Ban Chấp hành

1. Ban Chấp hành Hội là cơ quan điều hành hoạt động của Hội giữa hai kỳ Đại hội. Số lượng thành viên của Ban Chấp hành do Đại hội quyết định, gồm: Đại diện các bộ, ban, ngành, tổ chức nhân dân, doanh nghiệp, một số cá nhân tiêu biểu, người đứng đầu hoặc người đại diện cho các thành viên tập thể.

2. Nhiệm kỳ của Ban Chấp hành theo nhiệm kỳ của Đại hội. Ủy viên Ban Chấp hành có thể bị miễn nhiệm trước thời hạn theo quyết định của Đại hội bất thường hoặc theo đề nghị của 2/3 (hai phần ba) số hội viên chính thức. Trong trường hợp ủy viên Ban Chấp hành không còn công tác tại tổ chức, doanh nghiệp hội viên chính thức thì tổ chức, doanh nghiệp hội viên chính thức đó được cử người khác thay thế và phải thông báo cho Chủ tịch Hội trong vòng 30 (ba mươi) ngày, người được cử thay thế chỉ được công nhận là ủy viên Ban Chấp hành với sự chấp thuận của ít nhất 2/3 (hai phần ba) số ủy viên Ban Chấp hành.

3. Ban Chấp hành Hội họp thường kỳ một năm 2 (hai) lần. Khi cần, Ban Chấp hành có thể họp bất thường theo triệu tập của Chủ tịch Hội. Các quyết định, nghị quyết của Ban Chấp hành được thông qua và có hiệu lực khi có trên 1/2 (một phần hai) số ủy viên chính thức dự họp tán thành.

4. Nhiệm vụ và quyền hạn của Ban Chấp hành:

a) Lãnh đạo, tổ chức và hướng dẫn thực hiện Điều lệ, nghị quyết, quyết định chương trình công tác hàng năm và các công tác khác của Hội;

b) Bầu và bãi nhiệm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, Tổng thư ký; Phó Tổng thư ký, các ủy viên Ban Thường vụ, ủy viên Ban Chấp hành. Trong thời gian giữa hai kỳ Đại hội, Ban Chấp hành có quyền bầu bổ sung không quá 1/3 (một phần ba) số lượng ủy viên Ban Chấp hành đã được Đại hội quyết định theo đề nghị của Ban Thường vụ Hội;

c) Triệu tập Đại hội nhiệm kỳ, Đại hội bất thường và các hội nghị, hội thảo của Hội.

Điều 13. Ban Thường vụ Hội.

1. Ban Thường vụ là cơ quan thường trực của Ban Chấp hành, gồm: Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, Tổng thư ký và một số ủy viên. Số lượng ủy viên Ban Thường vụ do Ban Chấp hành quyết định nhưng không quá 1/3 (một phần ba) tổng số ủy viên Ban Chấp hành.

2. Nhiệm vụ và quyền hạn của Ban Thường vụ:

a) Chỉ đạo, điều hành các công việc của Hội giữa hai kỳ họp Ban Chấp hành;

b) Phê duyệt chương trình hành động toàn khóa và các chương trình công tác năm của Hội; hướng dẫn thực hiện diều lệ Hội, nghị quyết Đại hội và các nghị quyết của Ban Chấp hành;

c) Trong các lĩnh vực hoạt động cụ thể, Ban Thường vụ có thể lập ra các ban công tác và cử các đồng chí trong Ban Chấp hành phụ trách đồng thời báo cáo trước Ban Chấp hành Hội tại phiên họp gần nhất;

d) Quyết định khen thưởng, kỷ luật và xóa tên hội viên trong danh sách hội viên của Hội;

đ) Ban Thường vụ Hội họp ít nhất một năm 4 (bốn) lần, khi cần thiết có thể họp bất thường.

Điều 14. Ban Kiểm tra Hội

1. Ban Kiểm tra Hội do Đại hội bầu, số lượng, cơ cấu, tiêu chuẩn thành viên do Đại hội quyết định. Trưởng ban, Phó Trưởng ban do Ban Kiểm tra bầu. Nhiệm kỳ của Ban Kiểm tra cùng với nhiệm kỳ của Đại hội.

2. Ban Kiểm tra có nhiệm vụ và quyền hạn:

a) Kiểm tra tư cách đại biểu tham dự Đại hội;

b) Kiểm tra, giám sát việc thực hiện, chấp hành Điều lệ, nghị quyết Đại hội; nghị quyết, quyết định của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, các quy chế của hội trong hoạt động của các tổ chức, đơn vị trực thuộc Hội, hội viên; xem xét, giải quyết đơn, thư kiến nghị, khiếu nại, tố cáo trong nội bộ Hội.

Điều 15. Chủ tịch Hội

1. Chủ tịch Hội do Ban Chấp hành Hội bầu trong số ủy viên Ban Thường vụ, là người đại diện pháp nhân của Hội trong các mối quan hệ với các đối tác trong, ngoài nước và trước pháp luật về những vấn đề có liên quan đến Hội.

2. Chủ tịch Hội có nhiệm vụ, quyền hạn:

a) Lãnh đạo, quản lý mọi hoạt động của Hội;

b) Thay mặt Ban Chấp hành phối hợp với các cơ quan quản lý ngành thực hiện các hoạt động trong quan hệ đối ngoại, đối nội của Hội;

c) Triệu tập và chủ trì các cuộc họp của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ;

d) Chủ trì cuộc họp Ban Chấp hành nhiệm kỳ kế tiếp cho đến khi bầu xong Chủ tịch mới.

Điều 16. Phó Chủ tịch Hội

1. Các Phó Chủ tịch Hội do Ban Chấp hành Hội bầu trong số ủy viên Ban Thường vụ, giúp Chủ tịch chỉ đạo hoạt động của Hội trong những lĩnh vực được phân công và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch.

2. Các Phó Chủ tịch được Chủ tịch phân công giải quyết từng vấn đề cụ thể và được ủy quyền điều hành công việc của Ban Chấp hành khi Chủ tịch vắng mặt.

Điều 17. Ban Thư ký

Ban Thư ký gồm: Tổng Thư ký, Phó Tổng thư ký và một số Ủy viên Ban thư ký. Phó Tổng thư ký do Chủ tịch quyết định theo đề nghị của Tổng thư ký. Ban Thư ký có nhiệm vụ giúp Ban Thường vụ chuẩn bị nội dung các kỳ họp và triệu tập các kỳ họp; theo dõi, giúp đỡ các hội viên trong triển khai tổ chức hoạt động; giải quyết các công việc hàng ngày của Hội, quản lý tài sản, cơ sở vật chất, tài liệu và tài chính của Hội.

Điều 18. Chế độ phối hợp công tác trong nội bộ Hội

1. Hội điều phối, hướng dẫn, hỗ trợ các hội viên về tổ chức và hoạt động trong đó chú trọng đến các hội viên là tổ chức.

2. Các hội viên là tổ chức mà có Ban Chấp hành, căn cứ vào những điều khoản quy định trong Điều lệ này để làm cơ sở đề xuất nội dung hoạt động của tổ chức mình và báo cáo kết quả công tác định kỳ 6 (sáu) tháng một lần cho Ban Thư ký Hội.

Chương V
TÀI SẢN VÀ TÀI CHÍNH

Điều 19. Tài sản và tài chính của Hội

Tài sản, tài chính của Hội được hình thành từ các nguồn:

1. Hội phí do các hội viên đóng góp (do Ban Chấp hành Hội quy định hàng năm);

2. Ủng hộ tự nguyện của các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước bằng tiền hoặc bằng hiện vật phù hợp với quy định của pháp luật;

3. Các nguồn thu hợp pháp khác.

Điều 20. Quản lý và sử dụng tài sản, tài chính

1. Tài sản và tài chính của Hội do Ban Thư ký chịu trách nhiệm quản lý theo nguyên tắc tập trung, thống nhất và được chi cho hoạt động Hội theo quy chế của Ban Thường vụ Hội.

2. Việc sử dụng tài sản và tài chính, chế độ báo cáo tài chính của Hội phải đúng theo nguyên tắc, quyết định của Hội và quy định của pháp luật. Ban Thư ký được giao trách nhiệm quản lý tài sản, tài chính phải có báo cáo định kỳ về thu, chi và thực hiện đúng những quy định của Ban Thường vụ.

3. Chủ tịch Hội là Chủ tài khoản của Hội (nếu có) tại các tổ chức tín dụng hợp pháp; trong trường hợp thấy cần thiết, Chủ tịch Hội có thể ủy nhiệm  một Phó Chủ tịch làm đồng Chủ tài khoản.

4. Tài sản, tài chính của Hội khi sáp nhập, chia tách, giải thể được thực hiện theo quy định của pháp luật.

Chương VI
GIẢI THỂ VÀ THANH QUYẾT TOÁN TÀI SẢN, TÀI CHÍNH

Điều 21. Hội giải thể trương các trường hợp

1. Kết thúc nhiệm kỳ Đại hội và không tiếp tục tổ chức Đại hội nhiệm kỳ tiếp theo trong thời gian sáu tháng kể từ khi nhận được văn bản yêu cầu hội tổ chức Đại hội của Bộ Nội vụ.

2. Theo quyết định của Đại hội đại biểu toàn quốc hoặc Đại hội toàn thể hội viên của Hội.

3. Theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Điều 22. Giải thể và xử lý tài chính khi giải thể

Khi Hội bị giải thể, Ban Thường vụ và Ban Kiểm tra Hội phải tiến hành kiểm kê tài sản, kiểm quỹ và báo cáo Ban Chấp hành Hội quyết định việc xử lý tài sản, tiền tồn quỹ và tiến hành thủ tục giải thể theo quy định của pháp luật.

Chương VII
KHEN THƯỞNG, KỶ LUẬT

Điều 23. Khen thưởng

1. Hội viên của Hội có nhiều thành tích trong các hoạt động của Hội sẽ được Hội biểu dương, khen thưởng hoặc đề nghị Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam biểu dương, khen thưởng. Trường hợp có thành tích đóng góp đặc biệt xuất sắc, Hội có thể đề xuất Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam đề nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét, có hình thức biểu dương, khen thưởng phù hợp với quy định của pháp luật.

2. Ban Chấp hành Hội quy định cụ thể thẩm quyền, thủ tục, tiêu chuẩn và hình thức khen thưởng trong nội bộ Hội.

Điều 24. Kỷ luật

1. Hội viên của Hội hoạt động trái với Điều lệ và nghị quyết của Hội, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà có hình thức kỷ luật như khiển trách, cảnh cáo, khai trừ khỏi Hội.

2. Ban Chấp hành Hội quy định cụ thể thủ tục và thẩm quyền kỷ luật trong nội bộ Hội theo Điều lệ Hội và quy định của pháp luật.


Chương VIII
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 25. Thể thức sửa đổi, bổ sung Điều lệ

Việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ này phải do Đại hội đại biểu toàn quốc của Hội thông qua và trình Bộ Nội vụ xem xét, quyết định phê duyệt.

Điều 26. Hướng dẫn thực hiện Điều lệ Hội

Ban Chấp hành của Hội có trách nhiệm hướng dẫn việc thi hành Điều lệ này.

Điều 27. Hiệu lực thi hành

1. Các tổ chức của Hội, hội viên phải tuân thủ Điều lệ này trong mọi trường hợp.

2. Điều lệ này có 8 Chương, 27 Điều được Đại hội đại biểu toàn quốc nhiệm kỳ III (2013-2018) của Hội hữu nghị Việt Nam - Séc thông qua ngày 30 tháng 6 năm 2013 tại Thành phố Hà Nội và có hiệu lực thi hành sau khi có Quyết định phê duyệt của Bộ trưởng Bộ Nội vụ./.

Nguồn tin : Hội hữu nghị Việt nam - Séc