Ngày đăng: 27/01/2010 - 07:53:35
Ông Chủ tịch Hội người Việt Nam ở Teplice là Chu Minh Trí cho biết: nếu có ai đó mang họ Nguyễn thì có thể chắc chắn đó là người Việt Nam, đó cũng là họ thường gặp nhất ở Việt Nam. Dù là đàn ông hay phụ nữ họ đều mang chung một họ là Nguyễn chứ không có thay đổi gì cả. Đôi khi cả làng cùng mang chung một họ này. Ngoài ra còn có hai họ thường gặp nữa ở người Việt Nam là họ Trần và họ Phạm.
Những người họ Nguyễn chủ yếu làm nghề kinh doanh
Trong số 5926 người nước ngoài sống ở Teplice thì người Việt Nam chiếm ưu thế. Tổng số coa 2146 người Việt Nam sống ở đây. Nhiều người trong số họ đã sang Séc từ thời kỳ còn tồn tại Hội đồng tương trợ kinh tế của các nước xã hội chủ nghĩa. Hiện tại họ sinh sống ở đây vì thế hệ tương lai của mình và làm ăn dễ dàng. Ông Chu Minh Trí hiện nay là chủ một khách sạn ở Moldava còn cho biết là ông sang Séc từ năm 1975 và làm việc ở Poldi Kladno. Trong thời gian lao động ông đã học thêm ở trường Trung cấp Công nghiệp và sau đó học ở Trường Đại học Mỏ ở Ostrava. Sau cuộc cách mạng nhung năm 1989 ông làm phiên dịch cho Đại sứ quán Việt Nam một thời gian rồi chuyển sang kinh doanh cá thể.
Cũng theo ông Trí, người Việt Nam không quen với việc nhận trợ cấp của nhà nước cho nên ai nấy đều cố gắng kiếm cơ hội thành công trong kinh doanh. Ở những nơi người Séc bỏ đi vì chi phí cao mà lợi nhuận thấp thì người Việt Nam thế chỗ. Việc đó dĩ nhiên chẳng đơn giản chút nào. Họ thường phải thuê cửa hàng với giá cao hơn chỉ vì một điều đơn giản vì họ là người Việt Nam. Nhiều người trong số họ đã làm việc quần quật từ sáng đến tối trong suốt cả tháng. Từ lâu việc người Việt Nam chỉ biết bán hàng chợ đã không còn đúng nữa. Hiện nay rất nhiều người Việt Nam đã thành công trong việc kinh doanh các cửa hàng thực phẩm cỡ nhỏ (Večerka) và đồ ăn nhanh.
Ông Karel Blaschke nhân viên phòng cấp giấy phép kinh doanh ở Teplice cho biết trong số những người mang họ Nguyễn ở Teplice thì chỉ có 3 người trong số họ là không có giấy phép kinh doanh. Hầu hết họ đều sử dụng loại giấy phép kinh doanh tự do để có thể bán buôn, bán lẻ. Có 51 người có giấy phép kinh doanh theo ngành nghề chủ yếu là bán hàng ăn. Cũng có trường hợp kinh doanh hiệu sơn sửa móng chân, móng tay và một trường hợp kinh doanh nghề mộc.
Người Việt Nam ở vùng Bắc Séc còn được biết đến qua các thông tin từ cảnh sát, nơi có nhiều địa điểm trồng cần sa bị phát hiện. Theo ông Chu Minh Trí thì đó là các trường hợp đặc biệt và chủ yếu rơi vào những người không kiếm được công ăn việc làm và kinh doanh thất bại. Họ thường phải làm việc trong những điều kiện vô cùng khắc nghiệt phục vụ cho mạng lưới sản xuất và buôn bán các chất ma túy trên thế giới. Ngoài ra thì lực lượng hải quan cũng thường quan tâm đến các chợ là nơi thường có những người buôn bán các mặt hàng nhái, hàng giả nhãn.
Ông Chu Minh Trí còn cho biết là trong Hội người Việt Nam họ thường nhắc nhở nhau tuân thủ các quy định của pháp luật sở tại. Họ còn giúp đỡ nhau trong các công việc liên quan đến pháp luật, xã hội và nghiệp vụ kinh doanh để những người mới đến có thể nhanh chóng hòa nhập vào môi trường mới.
Những người mang họ Nguyễn trong các trường học
Bên cạnh việc kiếm tiền giúp đỡ gia đình họ hàng ở quê nhà những người Việt Nam còn sang Séc vì thế hệ tương lai của mình. Họ muốn giành cho con cái mình một tương lai sáng sủa hơn. Thường thì các bậc cha mẹ có trình độ học vấn không cao và cũng chẳng có công ăn việc làm. Họ mong cho con cái mình có được điều kiện tốt hơn mà Cộng hòa Séc là một nơi tương đối thuận lợi cho họ vì trẻ em đi học trong các trường công không mất tiền học phí như ở Việt Nam.
Vì thế trong các trường học cũng có những học sinh mang họ Nguyễn. Ông Giám đốc Sở Giáo dục và thiết bị trường học Teplice cho biết là từ mẫu giáo đến trung học việc xuất hiện những người mang họ Nguyễn chẳng có gì là đáng ngạc nhiên. Có khoảng 30 Hiệu trưởng các trường khác nhau ở Teplice cho biết là trong trường có học sinh mang họ Nguyễn. Đa số đều trả lời là trong trường có khoảng một hoặc hai em học sinh mang họ này.
Riêng tình hình ở trường Gymnázium Teplice thì hơi khác. Ông Hiệu trưởng trường, Zdeněk Bergman cho biết là trong trường có rất nhiều người mang họ Nguyễn. Đó là hai học sinh nam, 6 học sinh nữ và 3 học sinh nữ khác mang họ Nguyenová. Trong số những người mang họ nguyễn ở trường thì có 5 trường hợp là họ và tên được cấu tạo bằng nhiều từ khác nhau vì vậy họ có thể ghi cả Nguyễn Thị hay Nguyễn Xuân. Như vậy có thể tạm tính là trong các trường học ở Teplice có khoảng 29 học sinh mang họ Nguyễn.
Mục đích tối thiểu là phải tốt nghiệp phổ thông
Khác với các bạn là người Séc các học sinh Việt Nam có nhiệm vụ nặng nề hơn. Ông Chu Minh Trí cho biết họ bắt buộc phải chú tâm học hành tử tế và tối thiểu phải tốt nghiệp phổ thông. Các bậc cha mẹ là người Việt Nam không hài lòng với kết quả học tập trung bình của con cái mình. Nếu có ai đó học kém thì bố mẹ sẵn sàng chi tiền học thêm. Các trẻ em Việt Nam sau khi học ở trường về tối thiểu phải học thêm 2 tiếng ở nhà sau đó mới được phép nghỉ ngơi chơi bời tự do.
Một nữ học sinh 14 tuổi tên là Nguyễn Thị Thảo, còn gọi là Tina sang Cộng hòa Séc cách đây 4 năm cho biết là từ Việt Nam sang em đến thẳng trường học của Séc khi chưa hề biết tiếng Séc. Phải mất khoảng nửa năm sau em mới hiểu được tất cả. Giờ đây thì em đã nói rất thông thạo tiếng Séc. Một nam học sinh cùng lớp của Thảo tên là Phạm Xuân Dũng, còn gọi là Tomáš cũng có hoàn cảnh tương tự. Một nữ học sinh Việt Nam cùng lớp đã giúp chàng trai học tiếng Séc. Người bạn của Tomáš là Phạm Xuân Duy Anh, bí danh là Zoi bổ sung thêm là bố mẹ rất coi trọng việc học hành cho nên không muốn con cái mình bỏ sót bất cứ điều gì cần phải học. Học sinh này đã tự học tiếng Séc qua bà “Dì” của mình là người nhận trách nhiệm trông nom cậu ta.
Cả ba học sinh này đều có dự định rất rõ ràng về tương lai của mình là phải vào học trường Gymnázium Teplice và sau đó học đại học. Nguyễn Thị Thảo cho biết là cô rất thích học toán và chắc chắn sẽ đi học đại học. Còn ngành nào thì cô chưa biết mọi chuyện cũng còn phụ thuộc vào ý kiến của cha mẹ. Hiện tại trong các trường đại học ở Praha có 15 sinh viên Việt Nam đến từ Teplice trong đó có 7 sinh viên vừa mới nhập trường vào năm thứ nhất hồi năm ngoái.
Ông Chu Minh Trí còn cho biết thêm là ngay cả Hội người Việt Nam ở Teplice cũng khuyến khích các học sinh Việt Nam học tập đạt kết quả tốt. Cuối năm học trước họ đã tặng quà cho 15 học sinh Việt Nam có điểm trung bình loại giỏi (1,2). Khen thưởng 6 học sinh trung học đạt điểm trung bình 1,5.
Tina, Tomáš và cả Zoi đều không có dự định sẽ ở lại Cộng hòa Séc sau khi tốt nghiệp đại học. Zoi giải thích là nếu trở thành một bác sĩ hay luật sư giỏi thì cũng có thể kiếm được công ăn việc làm tốt ở Việt Nam. Hơn nữa ở đó Zoi có nhiều bà con họ hàng hơn.
Ông Chu Minh Trí cũng giải thích thêm là cách đây khoảng 10 năm thì có tới một nửa số sinh viên Việt Nam ở lại Cộng hòa Séc sau khi tốt nghiệp đại học. Nhưng thời gian đã thay đổi. Hiện nay ở Việt Nam đã có rất nhiều các công ty nước ngoài nơi mà những người có kiến thức có thể được trả công xứng đáng. Hiện tại ở Việt Nam lại cần rất nhiều người có trình độ chuyên môn cao. Họ được trọng dụng hơn là ở Cộng hòa Séc.
Nguồn tin: Vietinfo
- THÔNG BÁO HOẠT ĐỘNG MỪNG XUÂN ẤT TỴ 2025 MỪNG 75 NĂM THIẾT LẬP QUAN HỆ NGOẠI GIAO GIỮA VIỆT NAM VÀ CỘNG HÒA SÉC(20/01/2025 - 00:00:00)
- TIỆC ÂM NHẠC GIỮA NHỮNG NGƯỜI BẠN II(20/08/2023 - 20:06:16)
- THÔNG BÁO HOẠT ĐỘNG MỪNG XUÂN QUÝ MÃO 2023(13/01/2023 - 09:02:03)
- Tin buồn(25/07/2020 - 00:00:00)
- Thông báo dừng thu nhận ủng hộ Việt Nam và CH Séc chống dịch bệnh Covid 19(26/03/2020 - 20:46:22)
- Thông báo về việc ủng hộ Việt Nam và CH. Séc chống dịch bệnh Covid 19(23/03/2020 - 00:00:00)
- THÔNG BÁO MỜI THAM DỰ TIỆC MỪNG XUÂN CANH TÝ 2020 VÀ GIẢI TENIS HỮU NGHỊ VIỆT-SÉC(15/01/2020 - 07:50:41)
- Thông báo triệu tập Đại biểu dự Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Hữu nghị Việt Nam - Séc lần thứ IV, nhiệm kỳ 2019 - 2024(06/06/2019 - 00:00:00)
- Thông báo chương trình hoạt động chào mừng Xuân Kỷ Hợi(28/01/2019 - 10:40:10)
- LIÊN HOAN PHIM SÉC – SLOVAKIA LẦN ĐẦU TIÊN TẠI VIỆT NAM(01/11/2018 - 00:00:00)