Ngày đăng: 24/10/2010 - 14:39:07
Ông chia sẻ với Tuổi Trẻ góc nhìn về sự chuyển biến và thay đổi ngôn ngữ trên thế giới hiện nay, trong đó có Việt Nam.
Tiến sĩ Ivo Vasiljev là thành viên nhóm nghiên cứu ngôn ngữ Praha rất nổi tiếng trong lịch sử châu Âu từ năm 1928 và vẫn hoạt động đến nay; thành viên Hội Ngôn ngữ châu Âu, Hội Hữu nghị Czech - Việt Nam và Hội Văn nghệ Việt Nam tại CH Czech. Ông từng dịch tác phẩm Nhật ký trong tù của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ nguyên bản tiếng Hán sang tiếng Czech. |
Tập trung nghiên cứu về loại hình ngôn ngữ, tôi thấy tiếng Việt đối lập với ngôn ngữ châu Âu, nhất là trong hệ Slave; mọi quy tắc trong ngôn ngữ, cách vận dụng, xây dựng cấu tạo ngôn ngữ đối lập nhau. Vấn đề dịch đúng từ tiếng Việt ra tiếng Czech và ngược lại rất khó.
Ví dụ: động từ về phải mất nửa trang từ điển để giới thiệu cách dùng. Ở một cửa hàng trên đường Lê Thánh Tôn, Q.1 (TP.HCM) có hàng chữ giới thiệu “Hàng mới về”. Trước đó, “hàng” không có ở đây, mà bây giờ lại “về”?
Người Czech từng rất lo lắng về việc ngôn ngữ của mình đang biến đổi. Chúng tôi từng rất muốn giành lại vị trí quan trọng ở châu Âu và luôn so sánh với các nước láng giềng như Đức, Pháp, Anh. Chúng tôi từng luôn chú ý đến việc duy trì sự trong sáng của tiếng Czech và bài trừ tất cả tiếng ngoại lai có khi một cách rất vô lý.
Có thời người Czech tạo ra nhiều từ mới một cách áp đặt, bỏ những từ quen thuộc và có nguồn gốc xa xôi từ tiếng Đức mà thay bằng những từ không ai muốn dùng. Giai đoạn đó được khắc phục bằng công tác nghiên cứu khoa học và trau dồi ngôn ngữ dân tộc của những người sáng lập nhóm nghiên cứu ngôn ngữ Praha.
Ở Việt Nam, việc dùng teen thay cho thiếu niên hay catwalk thay cho sàn diễn thời trang cũng giống như trong tiếng Czech. Xu hướng quốc tế hóa ngôn ngữ đang diễn ra và thực tế xã hội phân hóa rất phong phú, nên có nhiều trường hợp cần dùng từ chính xác hoặc gần gũi với cách sống.
Chắc chắn ở đại hội Đảng thì không ai dùng teen mà dùng thiếu niên, nhưng trong cuộc sống hằng ngày người ta lại thích dùng teen hơn. Những từ mới, lai căng chỉ có thể phổ biến trong xã hội với phạm vi hạn chế của một tầng lớp xã hội mà thôi. Chúng ta cũng không biết những từ đó có tồn tại lâu dài không. Chúng ta không cần quá lo lắng vì những thay đổi ngôn ngữ đó. Quan trọng là biết mình ở vị trí nào để sử dụng ngôn ngữ thế nào cho phù hợp.
Ngôn ngữ chứa đựng văn hóa. Nhưng cũng có những lúc ngôn ngữ trung lập với văn hóa. Ví dụ, gạch, cây tre có liên quan tới văn hóa vì không phải nước nào cũng dùng, cũng có. Hồn, phách liên quan tới tín ngưỡng, không thể nào dịch bằng một từ mà phải dùng tới mấy câu. Ngôn ngữ phản ánh tất cả khía cạnh của đời sống, trong đó có văn hóa.
Nhưng đôi khi văn hóa không trực tiếp liên quan tới ngôn ngữ, ví dụ, tục thờ cúng ông bà của người Việt rất phong phú, tôi không cần biết tiếng vẫn có thể hiểu được nội dung. Có những lĩnh vực văn hóa trực tiếp được biểu hiện và tạo ra bằng ngôn ngữ, như ca dao và tục ngữ vừa là văn hóa vừa là ngôn ngữ.
Ngôn ngữ là mối lo lắng của nhiều đời ở nhiều nước. Nhưng giới ngôn ngữ học nghĩ rằng ngôn ngữ dân tộc bất diệt, nếu có 86 triệu người Việt Nam và thêm mấy triệu người Việt Nam ở nước ngoài, lịch sử chứng minh dân tộc Việt Nam vẫn còn đây sau cả ngàn năm Bắc thuộc thì không có gì phải quá lo lắng. Có thể có tình trạng những cộng đồng ít người, sống trong sự bao vây của các cộng đồng mạnh thì cộng đồng ít người có thể mất ngôn ngữ của mình.
Trong quá trình mất mát họ có thể dùng xen kẽ hai, ba ngôn ngữ khác nhau. Người Việt ở nước ngoài có thể mất ngôn ngữ nếu bố mẹ họ và Nhà nước Việt Nam không tạo điều kiện để họ giữ được tiếng mẹ đẻ. Việt Nam cũng như nhiều quốc gia đang bị ảnh hưởng bởi những tác nhân bên ngoài, nhưng quá trình toàn cầu hóa là sự giao lưu kinh tế, văn hóa, còn ngôn ngữ sẽ lâu bị ảnh hưởng hơn.
Tôi nói tiếng Nga như tiếng mẹ đẻ. Tôi cũng nói tiếng Đức, tiếng Triều Tiên, tiếng Pháp, tiếng Việt, tiếng Anh nhưng dùng nhiều nhất là tiếng Czech, tiếng Anh và tiếng Việt. Tôi “mới” chỉ học tiếng Việt khoảng 50 năm, giờ mở cuốn sách ra hai, ba câu vẫn gặp ít nhất một từ chưa biết. Ngôn ngữ tiếng Việt rộng lắm. Nếu một quốc gia mà vẫn có những người dân ý thức gìn giữ văn hóa và ngôn ngữ thì không có gì đáng ngại trước những ảnh hưởng của toàn cầu hóa.
HẠNH NGUYÊN ghi
Tiến sĩ LVO VASILJEV
Nguồn tin: Tuổi trẻ Online
- TIỆC ÂM NHẠC GIỮA NHỮNG NGƯỜI BẠN II(20/08/2023 - 20:06:16)
- THÔNG BÁO HOẠT ĐỘNG MỪNG XUÂN QUÝ MÃO 2023(13/01/2023 - 09:02:03)
- Tin buồn(25/07/2020 - 00:00:00)
- Thông báo dừng thu nhận ủng hộ Việt Nam và CH Séc chống dịch bệnh Covid 19(26/03/2020 - 20:46:22)
- Thông báo về việc ủng hộ Việt Nam và CH. Séc chống dịch bệnh Covid 19(23/03/2020 - 00:00:00)
- THÔNG BÁO MỜI THAM DỰ TIỆC MỪNG XUÂN CANH TÝ 2020 VÀ GIẢI TENIS HỮU NGHỊ VIỆT-SÉC(15/01/2020 - 07:50:41)
- Thông báo triệu tập Đại biểu dự Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Hữu nghị Việt Nam - Séc lần thứ IV, nhiệm kỳ 2019 - 2024(06/06/2019 - 00:00:00)
- Thông báo chương trình hoạt động chào mừng Xuân Kỷ Hợi(28/01/2019 - 10:40:10)
- LIÊN HOAN PHIM SÉC – SLOVAKIA LẦN ĐẦU TIÊN TẠI VIỆT NAM(01/11/2018 - 00:00:00)
- Đại sứ quán Cộng hòa Séc thông báo về việc mở Trung tâm tiếp nhận hồ sơ xin thị thực ngắn hạn Schengen tại Hà Nội(08/10/2018 - 14:21:50)