Ngày đăng: 19/12/2010 - 16:20:00
Tới dự buổi Hội thảo về phía Việt Nam có các ông: Lê Văn Phòng, Bí thư thứ nhất, Trưởng Ban quản lý Lao động – Đại sứ quán Việt Nam tại CH Séc, ông Lê Minh Cầu – Phó Chủ tịch Thường trực Hội người Việt Nam tại CH Séc, đại diện một số cựu lưu học sinh và sinh viên Việt Nam hiện đang theo học đại học tại Praha. Về phía Séc có bà Boušková, nguyên chuyên viên Bộ Lao động và các vấn đề Xã hội CH Séc, bà Francoise Mayer – Giám đốc Viện Pháp về nghiên cứu khoa học xã hội CEFRES có trụ sở đóng tại Praha, một số nhà nghiên cứu xã hội học và các sinh viên Khoa Triết trường Đại học Tổng hợp Univerzity Karlovy Praha.
Thay mặt Ban tổ chức, Tiến sỹ Marek Čaněk đã chào mừng và giới thiệu với các vị khách mời tham dự Hội thảo. Theo ông Čaněk thì cộng đồng người Việt Nam hiện đang làm ăn, sinh sống tại CH Séc là một cộng đồng rất đông đảo nhưng cho tới nay sự hiểu biết về quá trình hình thành và phát triển của những người Việt Nam định cư tại CH Séc từ trước năm 1989 còn rất hạn chế. Chính vì những lý do trên mà nội dung cuộc Hội thảo lần này sẽ dành phần lớn thời gian để đề cập tới sự có mặt của những người Việt Nam tại Tiệp Khắc (cũ). Qua các bài nghiên cứu và phát biểu lần này sẽ là những ý kiến đóng góp cho Hội thảo để làm rõ hơn về lịch sử phát triển của cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống tại CH Séc hiện nay.
Nhà xã hội học Alena Alamgir đến từ Trường Đại học Rutgers Univerzity đã trình bày đề án nghiên cứu của mình trên cơ sở Hiệp định giữa hai Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Tiệp Khắc đã ký kết từ những năm trước đây, đặc biệt là các hiệp định vào các năm 1973, 1974, 1979 về việc đào tạo học sinh học nghề, thực tập sinh tại Tiệp Khắc và Nghị định thư trao đổi về số lượng học sinh Việt Nam sang học và thực tập có thời hạn hàng năm tại Tiệp Khắc, tiếp đó vào năm 1980 hai bên đã ký Hiệp định về hợp tác lao động. Đề tài nghiên cứu về lịch sử của cộng đồng người Việt được bà Alena Alamgir thực hiện trên cơ sở các văn bản lưu trữ của Bộ Lao động và các vấn đề Xã hội Tiệp Khắc (cũ) cũng như ở một số nhà máy, xí nghiệp và trường nghề trước đây đã có học sinh học nghề, thực tập sinh và sau những năm 1980 đã có công nhân Việt Nam đến làm việc. Đặc biệt trong phần trình bày của mình, bà đã đi sâu nghiên cứu nội dung các hiệp định và nghị định thư đã được hai bên ký kết, trong đó có các qui định về thời hạn học tập và làm việc, nghĩa vụ và quyền lợi, chế độ lương bổng, mức đóng thuế theo qui định của hai nhà nước áp dụng cho các công dân Việt Nam học tập, thực tập và làm việc tại các trường nghề, nhà máy, xí nghiệp của các vùng Séc, Morava, Slovakia trước đây cũng như việc thực hiện các hiệp định đã nêu. Vấn đề về ý thức tổ chức kỷ luật của các công dân Việt Nam học tập và làm việc tại Tiệp Khắc cũng được nêu rất cụ thể.
Trong phần trình bày của mình, ông Trần Việt Hùng - cựu lưu học sinh học nghề, phiên dịch và đơn vị trưởng thuộc các đơn vị lao động Việt Nam tại Tiệp Khắc đã nêu bật mối quan hệ hữu nghị truyền thống rất tốt đẹp giữa hai nước Việt Nam và Tiệp Khắc cũ - CH Séc ngày nay đã được hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào ngày 2/2/1950, đặc biệt một sự kiện đáng ghi nhớ là vào tháng 7/1957 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dẫn đầu đoàn đại biểu Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sang thăm hữu nghị chính thức Tiệp Khắc, mở ra một trang sử mới trong quan hệ hợp tác giữa hai nước và hai dân tộc. Trong những năm tháng trước đây Tiệp Khắc đã giúp đỡ Việt Nam xây dựng một số công trình như: Bệnh viện Hữu nghị Việt – Tiệp, Cung Văn hóa Hữu nghị Việt – Tiệp, Nhà máy sản xuất giày da tại Hải Phòng; Cung Văn hóa Thiếu nhi, Nhà máy khóa Đông Anh tại Hà Nội; Trung tâm phục hồi chức năng trẻ tàn tật tại Thái Nguyên và gần đây nhất là xí nghiệp sản xuất phân vi sinh tại Hải Dương. Người dân Việt Nam ai cũng biết đến các sản phẩm nổi tiếng được sản xuất tại Tiệp Khắc như: Xe ô tô buýt Karosa, xe máy Babeta, xe đạp Favorit, Eska…
Trải qua 60 năm quan hệ hữu nghị và hợp tác, Tiệp Khắc trước đây và CH Séc ngày nay đã giúp Việt Nam đào tạo hàng nghìn kỹ sư, bác sỹ, tiến sỹ, phó tiến sỹ, học sinh học nghề, thực tập sinh và công nhân hợp tác lao động…Về lịch sử của cộng đồng người Việt Nam sang học tập tại Tiệp Khắc cũ, phải kể đến lớp sinh viên đầu tiên được Nhà nước Việt Nam cử sang học tại Tiệp Khắc năm 1952 gồm 4 người (trong số đó có Kỹ sư Lương Văn Tích năm nay đã 86 tuổi, hiện đang sống tại Praha). Vào năm 1956, Nhà nước Việt Nam đã cử 100 thiếu nhi sang học tập tại thị trấn Chrastava nằm cạnh thành phố Liberec. Những năm tiếp theo 1956 -1957 nhóm sinh viên tiếp theo được nhà nước Việt Nam cử sang Tiệp Khắc học tập ...
Ông Hùng cho biết, qua nghiên cứu tài liệu và các bài viết của phía CH Séc hiện nay của một số nhà nghiên cứu về lịch sử hình thành cộng đồng người Việt Nam tại Tiệp Khắc cũ và CH Séc ngày nay có thể lấy mốc là từ năm 1973, sau khi hai Chính phủ Việt Nam và Tiệp Khắc ký kết hiệp định hợp tác trong lĩnh vực đào tạo học sinh học nghề Việt Nam tại các trường dạy nghề của Tiệp Khắc, các hiệp định này được ký và bổ sung vào các năm 1973, 1974, 1979 và 1980. Từ những năm 1973 đến năm 1980 đã có hàng nghìn học sinh học nghề của Việt Nam sang học tại Tiệp Khắc, sau những năm 80 số lượng thực tập sinh và công nhân hợp tác lao động Việt Nam sang làm việc có thời hạn tại Tiệp Khắc theo thống kê của phía Tiệp Khắc có khoảng 35 nghìn người. Cho đến nay tại CH Séc có khoảng 65 nghìn người Việt Nam đang học tập và làm ăn sinh sống.
Tại Hội thảo, ông Hùng đã nêu, phân tích và so sánh về sự có mặt của người Việt Nam tại Tiệp Khắc cũ trước năm 1989 (theo nội dung chính của Hội thảo), có thể chia theo các nhóm như sau:
- Sinh viên và nghiên cứu sinh.
- Học sinh học nghề, thực tập sinh vừa học vừa làm.
- Công nhân hợp tác lao động ( có trình độ tay nghề và không có tay nghề).
Ông Hùng cũng nhắc lại những kinh nghiệm của những năm tháng trước đây về hệ thống tổ chức, quản lý của phía Việt Nam và phía Tiệp Khắc tại các nhà trường và các nhà máy, xí nghiệp của bạn đối với các công dân Việt Nam… Ông cũng nhắc lại ngạn ngữ Việt Nam có câu “Uống nước nhớ nguồn”, các thế hệ người Việt Nam đã từng học tập, lao động và sinh sống tại Tiệp Khắc trước đây và CH Séc ngày nay luôn ghi nhớ công ơn của các thày, cô giáo, đốc công… và các cơ quan hữu quan của Tiệp Khắc cũ và CH Séc ngày nay đã tạo mọi điều kiện thuân lợi giúp đỡ cộng đồng người Việt Nam…
Nguồn tin: Tạp chí Quê Hương trên Internet
- THÔNG BÁO HOẠT ĐỘNG MỪNG XUÂN ẤT TỴ 2025 MỪNG 75 NĂM THIẾT LẬP QUAN HỆ NGOẠI GIAO GIỮA VIỆT NAM VÀ CỘNG HÒA SÉC(20/01/2025 - 00:00:00)
- TIỆC ÂM NHẠC GIỮA NHỮNG NGƯỜI BẠN II(20/08/2023 - 20:06:16)
- THÔNG BÁO HOẠT ĐỘNG MỪNG XUÂN QUÝ MÃO 2023(13/01/2023 - 09:02:03)
- Tin buồn(25/07/2020 - 00:00:00)
- Thông báo dừng thu nhận ủng hộ Việt Nam và CH Séc chống dịch bệnh Covid 19(26/03/2020 - 20:46:22)
- Thông báo về việc ủng hộ Việt Nam và CH. Séc chống dịch bệnh Covid 19(23/03/2020 - 00:00:00)
- THÔNG BÁO MỜI THAM DỰ TIỆC MỪNG XUÂN CANH TÝ 2020 VÀ GIẢI TENIS HỮU NGHỊ VIỆT-SÉC(15/01/2020 - 07:50:41)
- Thông báo triệu tập Đại biểu dự Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Hữu nghị Việt Nam - Séc lần thứ IV, nhiệm kỳ 2019 - 2024(06/06/2019 - 00:00:00)
- Thông báo chương trình hoạt động chào mừng Xuân Kỷ Hợi(28/01/2019 - 10:40:10)
- LIÊN HOAN PHIM SÉC – SLOVAKIA LẦN ĐẦU TIÊN TẠI VIỆT NAM(01/11/2018 - 00:00:00)