Tản mạn từ một chuyến đi về Miền Kỷ Niệm
Ngày đăng: 03/05/2011 - 08:32:11
Phần 2: Những người Việt Nam đã gặp ở Olomouc
Chiều thứ Bảy đầu tiên ở Olomouc, sau khi làm bài kiểm tra phân loại trình độ tiếng Séc, chúng tôi thong thả dạo bộ trở về ký túc xá với ý định dọc đường tìm một quán nào đó để ăn tối. Đây rồi, một quán ăn nhanh kiểu châu Á. Đẩy cửa vào, một phụ nữ mặc áo phông mầu đỏ đứng phía sau quầy hàng, mỉm cười chào đón chúng tôi.
“Đây là quán ăn Trung Quốc hả chị?” Tôi hỏi người phụ nữ khoảng chừng 40 tuổi này bằng tiếng Séc. Thay cho câu trả lời, chị hình như nói điều gì đó và lấy tay ra hiệu mời chúng tôi vào. Tôi nói tiếng Việt với hai đồng nghiệp của mình “Chắc là người Trung Quốc”.
“Ồ, các anh chị là người Việt à. Vào đây, vào đây đi!”
Chúng tôi ngồi xuống và hỏi chị có món gì ngon ngon theo kiểu Việt Nam không. Chị cười và đáp: “Cuối buổi rồi, chỉ còn mỗi cơm và thị kho thôi”. Lúc ấy chúng tôi thèm một bát xúp hay một bát canh nóng cho đỡ mệt sau hai ngày tàu xe với một chặng đường dài từ Việt Nam sang. Chị chủ quán vui vẻ nấu thêm cho chúng tôi bát canh nóng.
“Các anh chị ở Việt Nam sang được bao lâu rồi?”
“Hôm nay là ngày đầu tiên ở đây.”
“Các anh chị sang đây để làm gì?”
“Để học tiếng Séc.”
“Sang làm gì? và học tiếng Séc để làm gì? Chúng em có ai học tiếng Séc đâu. Cứ dạy nhau nói tiếng bồi, thế mà dân Tây cũng hiểu hết đấy.”
Lúc này chúng tôi mới ngớ ra. Chị Lê (sau này chúng tôi mới biết tên chị) cứ nghĩ chúng tôi cũng sang để kinh doanh buôn bán như nhiều người mình ở đây. Khi biết chúng tôi là những thày cô giáo đã từng dạy tiếng Séc cho nhiều thế hệ sinh viên Việt Nam, chị vui và nhiệt tình lắm. Ăn xong, chị chỉ thu của chúng tôi có 2 phiếu ăn cho bữa tối, lại tặng thêm một hộp trà hoa quả và mấy chiếc ly cho chúng tôi dùng. Ra về, chúng tôi cùng chia nhau niềm vui là mình đi đâu cũng được mọi người giúp đỡ. Sau này, thỉnh thoảng chúng tôi ghé qua ăn ở quán của chị, mới biết thêm rằng chị và ba bốn thanh niên khác đều là những người quê ở Quảng Bình, làm công ăn lương cho người chủ quán cũng là người Việt. Quán ăn bình dân của chị đông khách. Những món ăn của quán chị có hương vị cơm Tầu thì đúng hơn, nhưng người dân nơi đây họ đều nghĩ đó là những món ăn Việt Nam.
Một hôm khác, tình cờ đi ngang qua một cửa hàng bách hóa có cái tên là Duha, tôi muốn ghé vào mua một đôi giầy trệt đi cho đỡ mỏi chân. Không ngờ đấy là cửa hàng của một người Việt. Cửa hàng to với ba tầng, rất nhiều đồ, có thang dây chạy, có cả những nhân viên bán hàng là người Séc. Biết chúng tôi là những giáo viên sang học bổ túc tiếng Séc 4 tuần, người thanh niên ở quầy thu ngân đẹp trai và còn rất trẻ, nói giọng xứ Nghệ, tươi cười trò chuyện hỏi thăm và mời chúng tôi đến nhà chơi. Anh còn nói: “Các cô vào xem hàng đi, cần thứ gì các cô cứ chọn, cháu sẽ tặng các cô.” Chính điều này lại làm chúng tôi e ngại. Tôi chỉ chọn một đôi giầy trệt số 35, đúng ý của mình và rất vừa với đôi chân nhỏ xíu, mà các cửa hàng khác không có. Chàng trai ấy nhất định không chịu nhận tiền thanh toán của tôi. Tôi chỉ biết cảm ơn tấm lòng của anh dành cho một người đồng hương như tôi. Hôm tạm biệt Olomouc, hai chúng tôi có ghé qua chào tạm biệt chàng thanh niên cởi mở và nhiệt tình ấy. Mới sáng sớm mà cửa hàng của anh đã đông khách ra vào.
Chúng tôi khám phá thêm nhiều điều thú vị ở Olomouc, thiên đường của chúng tôi, thêm một vẻ đẹp, thêm một di tích văn hóa, thêm một công trình kiến trúc mới xây, thêm những con người đáng mến và thêm những hương vị ẩm thực mới… Hôm nay, chúng tôi chọn nhà hàng Trung Hoa ở quảng trường Horní, nghe mọi người nói thức ăn ở đấy ngon lắm. Nhà hàng Trung Hoa, nhưng sao lại có những bức sơn mài khảm trai của Việt Nam và các cô phục vụ rất giống người Việt. Chọn chỗ ngồi gần cửa sổ, chúng tôi thấy một người phụ nữ nhỏ nhắn, nhanh nhẹn, ước chừng 35 đến 40 tuổi, hướng đến phía chúng tôi. Cô hỏi bằng tiếng Séc, xem chúng tôi chọn món nào. Chúng tôi băn khoăn, vì không thông thạo các món ăn Trung Hoa viết bằng tiếng Séc. Bỗng cô reo lên: “Các anh chị là người Việt ư?” Chúng tôi nhờ cô tư vấn. Bữa cơm ấy rất ngon, đây là nhà hàng thứ 2 có nhiều món ngon sau nhà hàng Hanácká chuyên các món ăn đặc sản vùng Morava. Cô gái đó, người Sài Gòn, tên là Phương. Phương thật nhiệt tình và tốt bụng. Thỉnh thoảng lúc vắng khách cô trò chuyện với chúng tôi, giúp chúng tôi hiểu thêm hoàn cảnh người phụ nữ dễ mến này. Cô tâm sự “Ở lâu với người chồng Séc cũng thấy thương, thấy mến. Người Séc họ hiền lành và tốt bụng lắm.” Hôm chia tay, Phương rất chu đáo mua tặng mỗi người chúng tôi một gói quà nhỏ, một chút tình cảm của những người đồng hương dành cho nhau. Chúng tôi tặng Phương một chiếc khăn quàng và hẹn Phương có dịp đến Hà Nội hãy gọi cho chúng tôi…
Buổi chiều cuối cùng ở thành phố rất thanh bình này, sau môn thi tổng kết đánh giá chất lượng, cô Hoa và tôi đi thăm quan Hội chợ triển lãm hoa quốc tế. Chỉ còn chiều nay nữa thôi, ngày mai chúng tôi sẽ xa nơi này và không biết bao giờ mới được quay trở lại. Chuyến tàu điện đi hướng Tržnice khiến chúng tôi thay đổi ý định trở lại trung tâm thành phố. Đã nhiều lần định đến chợ để tận mắt chứng kiến cuộc sống của người Việt ở nơi đây, nhưng bận quá. Hôm nay, hình như là duyên phận vậy, không thể không đến. Khi chúng tôi đến nơi, thì chợ vừa mới đóng cửa, chỉ còn 2 người đang vội vã dọn hàng, có lẽ họ là người Việt Nam. Hai chúng tôi bần thần vì đã bỏ lỡ cơ hội hiểu thêm về cuộc sống của cộng đồng người Việt ở Olomouc. Bỗng có một người đàn ông trung niên đến hỏi có phải chúng tôi là người Việt không? Trò chuyện với anh vài câu bằng tiếng Séc, anh khẳng định chắc chắn chúng tôi đã ở Séc lâu rồi. Và khi biết chúng tôi từ Hà Nội đến, anh mừng lắm.
“Chắc các chị nhiều tuổi hơn em. Em cũng người Hà Nội. Lâu lắm rồi em không được nói chuyện với người Hà Nội. Hôm nay thật may quá.”
Chúng tôi hỏi tên anh. Anh nhất định không nói. Anh chỉ kể cho chúng tôi nghe, trước kia anh sang Tiệp học nghề, rồi ở lại Séc làm việc. Sau đó lấy vợ người Séc, có với nhau hai đứa con.
“Thế ở nhà anh nói với các con bằng tiếng gì ?”. Tôi hỏi.
“Tiếng Séc. Chúng không biết tiếng Việt, nên em thèm được nghe nói tiếng Việt chuẩn của người Hà Nội lắm.”
Tôi thanh minh, rằng tôi không phải gốc người Hà Nội, nhưng đã sống ở Hà Nội từ khi 3 tuổi và có thể nói âm giọng của tôi chuẩn Hà Nội và vì ở Hà Nội lâu như vậy, nên cứ nhận mình là người Hà Nội.
Người đàn ông có mái tóc cắt cua đã điểm bạc ấy như gặp được người thân. Anh cứ tiếc sao chúng tôi không đến thăm chợ sớm hơn để anh có cơ hội trò chuyện với chúng tôi nhiều hơn và để dẫn chúng tôi đi thăm nhiều nơi. Chuyện lòng vòng thế nào, không ngờ cả hai chúng tôi và anh đều quen một một thày giáo người Việt. Thầy giáo ấy đã ở Séc nhiều năm. Tôi đã từng nghe những câu chuyện tình của thầy giáo ấy và thầy còn có hai con với một phụ nữ Séc. Người ấy giờ đã trở về Việt Nam với vợ và các con, những người đã cùng anh vượt qua những năm tháng gian khổ nhất của cuộc đời. Người phụ nữ Séc và 2 đứa con vẫn sinh sống ngay tại Olomouc. Có người cho rằng thầy giáo ấy vô trách nhiệm với hai đứa con sinh sau đẻ muộn. Có người lại cho rằng thầy vô trách nhiệm với tất cả những đứa con và với cả hai người phụ nữ.
Người đàn ông mới quen dường như muốn thời gian ngừng trôi để trò chuyện thêm với chúng tôi thì phải. Anh hỏi:
“Bây giờ các chị còn đi đâu nữa?”
“Đi ăn tối rồi về chuẩn bị hành lý.”
“Vậy em sẽ đi cùng để được trò chuyện thêm với các chị, để vơi đi nỗi nhớ quê hương. Không hiểu tại sao em cứ cảm thấy có thể tâm sự và cởi mở với hai chị”.
Anh từ chối khéo là đã ăn cơm chiều, ngồi nhìn chúng tôi ăn, anh chỉ muốn được nghe, được nói tiếng Hà Nội. Anh vui vẻ kể nhiều chuyện về cuộc sống của những người Việt ở Olomouc. Anh chia sẻ với chúng tôi những suy tư của mình. Tôi hỏi đùa anh: “Giá như được trẻ lại, anh có lấy vợ người Séc nữa không?”
“Em có người phụ nữ Việt Nam nào đâu để so sánh, mà biết vợ Séc hơn hay vợ Việt hơn.” Anh hóm hỉnh đáp.
Cả ba chúng tôi cùng cười vui.
Buổi tối cuối cùng ở Olomouc thất thú vị và đặc biệt. Kỷ niệm về một người đồng hương chưa từng quen biết mà những câu chuyện, tâm sự anh dành cho chúng tôi lại rất chân tình, như dành cho những người thân rất hiểu anh. Chúng tôi nhận ra niềm vui trên gương mặt người đàn ông ấy; nhận ra những tình cảm của những con người Việt đã gặp. Họ đã chia sẻ, giúp đỡ chúng tôi. Và có phải chính chúng tôi cũng đã mang đến cho họ tình cảm của quê hương đất nước?
Những người Việt đã gặp để lại trong chúng tôi một cảm nhận thật dễ mến. Họ chăm chỉ cần cù; cuộc sống của họ khấm khá, nhưng chúng tôi cảm thấy như họ vẫn còn thiếu một điều gì đó… Chia tay với những người Việt dễ mến mà chúng tôi đã gặp ở Olomouc, chúng tôi không khỏi bịn rịn, lưu luyến, cầu chúc những điều tốt lành nhất sẽ đến với họ, sức khỏe, hạnh phúc và ăn nên làm ra. Những con người mới quen đã góp phần làm chuyến đi của 3 chúng tôi thêm ấm áp, thêm niềm vui, tiếng cười và thêm những kỷ niệm đẹp đáng nhớ.
“Đây là quán ăn Trung Quốc hả chị?” Tôi hỏi người phụ nữ khoảng chừng 40 tuổi này bằng tiếng Séc. Thay cho câu trả lời, chị hình như nói điều gì đó và lấy tay ra hiệu mời chúng tôi vào. Tôi nói tiếng Việt với hai đồng nghiệp của mình “Chắc là người Trung Quốc”.
“Ồ, các anh chị là người Việt à. Vào đây, vào đây đi!”
Chúng tôi ngồi xuống và hỏi chị có món gì ngon ngon theo kiểu Việt Nam không. Chị cười và đáp: “Cuối buổi rồi, chỉ còn mỗi cơm và thị kho thôi”. Lúc ấy chúng tôi thèm một bát xúp hay một bát canh nóng cho đỡ mệt sau hai ngày tàu xe với một chặng đường dài từ Việt Nam sang. Chị chủ quán vui vẻ nấu thêm cho chúng tôi bát canh nóng.
“Các anh chị ở Việt Nam sang được bao lâu rồi?”
“Hôm nay là ngày đầu tiên ở đây.”
“Các anh chị sang đây để làm gì?”
“Để học tiếng Séc.”
“Sang làm gì? và học tiếng Séc để làm gì? Chúng em có ai học tiếng Séc đâu. Cứ dạy nhau nói tiếng bồi, thế mà dân Tây cũng hiểu hết đấy.”
Lúc này chúng tôi mới ngớ ra. Chị Lê (sau này chúng tôi mới biết tên chị) cứ nghĩ chúng tôi cũng sang để kinh doanh buôn bán như nhiều người mình ở đây. Khi biết chúng tôi là những thày cô giáo đã từng dạy tiếng Séc cho nhiều thế hệ sinh viên Việt Nam, chị vui và nhiệt tình lắm. Ăn xong, chị chỉ thu của chúng tôi có 2 phiếu ăn cho bữa tối, lại tặng thêm một hộp trà hoa quả và mấy chiếc ly cho chúng tôi dùng. Ra về, chúng tôi cùng chia nhau niềm vui là mình đi đâu cũng được mọi người giúp đỡ. Sau này, thỉnh thoảng chúng tôi ghé qua ăn ở quán của chị, mới biết thêm rằng chị và ba bốn thanh niên khác đều là những người quê ở Quảng Bình, làm công ăn lương cho người chủ quán cũng là người Việt. Quán ăn bình dân của chị đông khách. Những món ăn của quán chị có hương vị cơm Tầu thì đúng hơn, nhưng người dân nơi đây họ đều nghĩ đó là những món ăn Việt Nam.
Một hôm khác, tình cờ đi ngang qua một cửa hàng bách hóa có cái tên là Duha, tôi muốn ghé vào mua một đôi giầy trệt đi cho đỡ mỏi chân. Không ngờ đấy là cửa hàng của một người Việt. Cửa hàng to với ba tầng, rất nhiều đồ, có thang dây chạy, có cả những nhân viên bán hàng là người Séc. Biết chúng tôi là những giáo viên sang học bổ túc tiếng Séc 4 tuần, người thanh niên ở quầy thu ngân đẹp trai và còn rất trẻ, nói giọng xứ Nghệ, tươi cười trò chuyện hỏi thăm và mời chúng tôi đến nhà chơi. Anh còn nói: “Các cô vào xem hàng đi, cần thứ gì các cô cứ chọn, cháu sẽ tặng các cô.” Chính điều này lại làm chúng tôi e ngại. Tôi chỉ chọn một đôi giầy trệt số 35, đúng ý của mình và rất vừa với đôi chân nhỏ xíu, mà các cửa hàng khác không có. Chàng trai ấy nhất định không chịu nhận tiền thanh toán của tôi. Tôi chỉ biết cảm ơn tấm lòng của anh dành cho một người đồng hương như tôi. Hôm tạm biệt Olomouc, hai chúng tôi có ghé qua chào tạm biệt chàng thanh niên cởi mở và nhiệt tình ấy. Mới sáng sớm mà cửa hàng của anh đã đông khách ra vào.
Chúng tôi khám phá thêm nhiều điều thú vị ở Olomouc, thiên đường của chúng tôi, thêm một vẻ đẹp, thêm một di tích văn hóa, thêm một công trình kiến trúc mới xây, thêm những con người đáng mến và thêm những hương vị ẩm thực mới… Hôm nay, chúng tôi chọn nhà hàng Trung Hoa ở quảng trường Horní, nghe mọi người nói thức ăn ở đấy ngon lắm. Nhà hàng Trung Hoa, nhưng sao lại có những bức sơn mài khảm trai của Việt Nam và các cô phục vụ rất giống người Việt. Chọn chỗ ngồi gần cửa sổ, chúng tôi thấy một người phụ nữ nhỏ nhắn, nhanh nhẹn, ước chừng 35 đến 40 tuổi, hướng đến phía chúng tôi. Cô hỏi bằng tiếng Séc, xem chúng tôi chọn món nào. Chúng tôi băn khoăn, vì không thông thạo các món ăn Trung Hoa viết bằng tiếng Séc. Bỗng cô reo lên: “Các anh chị là người Việt ư?” Chúng tôi nhờ cô tư vấn. Bữa cơm ấy rất ngon, đây là nhà hàng thứ 2 có nhiều món ngon sau nhà hàng Hanácká chuyên các món ăn đặc sản vùng Morava. Cô gái đó, người Sài Gòn, tên là Phương. Phương thật nhiệt tình và tốt bụng. Thỉnh thoảng lúc vắng khách cô trò chuyện với chúng tôi, giúp chúng tôi hiểu thêm hoàn cảnh người phụ nữ dễ mến này. Cô tâm sự “Ở lâu với người chồng Séc cũng thấy thương, thấy mến. Người Séc họ hiền lành và tốt bụng lắm.” Hôm chia tay, Phương rất chu đáo mua tặng mỗi người chúng tôi một gói quà nhỏ, một chút tình cảm của những người đồng hương dành cho nhau. Chúng tôi tặng Phương một chiếc khăn quàng và hẹn Phương có dịp đến Hà Nội hãy gọi cho chúng tôi…
Buổi chiều cuối cùng ở thành phố rất thanh bình này, sau môn thi tổng kết đánh giá chất lượng, cô Hoa và tôi đi thăm quan Hội chợ triển lãm hoa quốc tế. Chỉ còn chiều nay nữa thôi, ngày mai chúng tôi sẽ xa nơi này và không biết bao giờ mới được quay trở lại. Chuyến tàu điện đi hướng Tržnice khiến chúng tôi thay đổi ý định trở lại trung tâm thành phố. Đã nhiều lần định đến chợ để tận mắt chứng kiến cuộc sống của người Việt ở nơi đây, nhưng bận quá. Hôm nay, hình như là duyên phận vậy, không thể không đến. Khi chúng tôi đến nơi, thì chợ vừa mới đóng cửa, chỉ còn 2 người đang vội vã dọn hàng, có lẽ họ là người Việt Nam. Hai chúng tôi bần thần vì đã bỏ lỡ cơ hội hiểu thêm về cuộc sống của cộng đồng người Việt ở Olomouc. Bỗng có một người đàn ông trung niên đến hỏi có phải chúng tôi là người Việt không? Trò chuyện với anh vài câu bằng tiếng Séc, anh khẳng định chắc chắn chúng tôi đã ở Séc lâu rồi. Và khi biết chúng tôi từ Hà Nội đến, anh mừng lắm.
“Chắc các chị nhiều tuổi hơn em. Em cũng người Hà Nội. Lâu lắm rồi em không được nói chuyện với người Hà Nội. Hôm nay thật may quá.”
Chúng tôi hỏi tên anh. Anh nhất định không nói. Anh chỉ kể cho chúng tôi nghe, trước kia anh sang Tiệp học nghề, rồi ở lại Séc làm việc. Sau đó lấy vợ người Séc, có với nhau hai đứa con.
“Thế ở nhà anh nói với các con bằng tiếng gì ?”. Tôi hỏi.
“Tiếng Séc. Chúng không biết tiếng Việt, nên em thèm được nghe nói tiếng Việt chuẩn của người Hà Nội lắm.”
Tôi thanh minh, rằng tôi không phải gốc người Hà Nội, nhưng đã sống ở Hà Nội từ khi 3 tuổi và có thể nói âm giọng của tôi chuẩn Hà Nội và vì ở Hà Nội lâu như vậy, nên cứ nhận mình là người Hà Nội.
Người đàn ông có mái tóc cắt cua đã điểm bạc ấy như gặp được người thân. Anh cứ tiếc sao chúng tôi không đến thăm chợ sớm hơn để anh có cơ hội trò chuyện với chúng tôi nhiều hơn và để dẫn chúng tôi đi thăm nhiều nơi. Chuyện lòng vòng thế nào, không ngờ cả hai chúng tôi và anh đều quen một một thày giáo người Việt. Thầy giáo ấy đã ở Séc nhiều năm. Tôi đã từng nghe những câu chuyện tình của thầy giáo ấy và thầy còn có hai con với một phụ nữ Séc. Người ấy giờ đã trở về Việt Nam với vợ và các con, những người đã cùng anh vượt qua những năm tháng gian khổ nhất của cuộc đời. Người phụ nữ Séc và 2 đứa con vẫn sinh sống ngay tại Olomouc. Có người cho rằng thầy giáo ấy vô trách nhiệm với hai đứa con sinh sau đẻ muộn. Có người lại cho rằng thầy vô trách nhiệm với tất cả những đứa con và với cả hai người phụ nữ.
Người đàn ông mới quen dường như muốn thời gian ngừng trôi để trò chuyện thêm với chúng tôi thì phải. Anh hỏi:
“Bây giờ các chị còn đi đâu nữa?”
“Đi ăn tối rồi về chuẩn bị hành lý.”
“Vậy em sẽ đi cùng để được trò chuyện thêm với các chị, để vơi đi nỗi nhớ quê hương. Không hiểu tại sao em cứ cảm thấy có thể tâm sự và cởi mở với hai chị”.
Anh từ chối khéo là đã ăn cơm chiều, ngồi nhìn chúng tôi ăn, anh chỉ muốn được nghe, được nói tiếng Hà Nội. Anh vui vẻ kể nhiều chuyện về cuộc sống của những người Việt ở Olomouc. Anh chia sẻ với chúng tôi những suy tư của mình. Tôi hỏi đùa anh: “Giá như được trẻ lại, anh có lấy vợ người Séc nữa không?”
“Em có người phụ nữ Việt Nam nào đâu để so sánh, mà biết vợ Séc hơn hay vợ Việt hơn.” Anh hóm hỉnh đáp.
Cả ba chúng tôi cùng cười vui.
Buổi tối cuối cùng ở Olomouc thất thú vị và đặc biệt. Kỷ niệm về một người đồng hương chưa từng quen biết mà những câu chuyện, tâm sự anh dành cho chúng tôi lại rất chân tình, như dành cho những người thân rất hiểu anh. Chúng tôi nhận ra niềm vui trên gương mặt người đàn ông ấy; nhận ra những tình cảm của những con người Việt đã gặp. Họ đã chia sẻ, giúp đỡ chúng tôi. Và có phải chính chúng tôi cũng đã mang đến cho họ tình cảm của quê hương đất nước?
Những người Việt đã gặp để lại trong chúng tôi một cảm nhận thật dễ mến. Họ chăm chỉ cần cù; cuộc sống của họ khấm khá, nhưng chúng tôi cảm thấy như họ vẫn còn thiếu một điều gì đó… Chia tay với những người Việt dễ mến mà chúng tôi đã gặp ở Olomouc, chúng tôi không khỏi bịn rịn, lưu luyến, cầu chúc những điều tốt lành nhất sẽ đến với họ, sức khỏe, hạnh phúc và ăn nên làm ra. Những con người mới quen đã góp phần làm chuyến đi của 3 chúng tôi thêm ấm áp, thêm niềm vui, tiếng cười và thêm những kỷ niệm đẹp đáng nhớ.
Nguồn tin: Trần Minh Hiền
Các tin khác:
- TIỆC ÂM NHẠC GIỮA NHỮNG NGƯỜI BẠN II(20/08/2023 - 20:06:16)
- THÔNG BÁO HOẠT ĐỘNG MỪNG XUÂN QUÝ MÃO 2023(13/01/2023 - 09:02:03)
- Tin buồn(25/07/2020 - 00:00:00)
- Thông báo dừng thu nhận ủng hộ Việt Nam và CH Séc chống dịch bệnh Covid 19(26/03/2020 - 20:46:22)
- Thông báo về việc ủng hộ Việt Nam và CH. Séc chống dịch bệnh Covid 19(23/03/2020 - 00:00:00)
- THÔNG BÁO MỜI THAM DỰ TIỆC MỪNG XUÂN CANH TÝ 2020 VÀ GIẢI TENIS HỮU NGHỊ VIỆT-SÉC(15/01/2020 - 07:50:41)
- Thông báo triệu tập Đại biểu dự Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Hữu nghị Việt Nam - Séc lần thứ IV, nhiệm kỳ 2019 - 2024(06/06/2019 - 00:00:00)
- Thông báo chương trình hoạt động chào mừng Xuân Kỷ Hợi(28/01/2019 - 10:40:10)
- LIÊN HOAN PHIM SÉC – SLOVAKIA LẦN ĐẦU TIÊN TẠI VIỆT NAM(01/11/2018 - 00:00:00)
- Đại sứ quán Cộng hòa Séc thông báo về việc mở Trung tâm tiếp nhận hồ sơ xin thị thực ngắn hạn Schengen tại Hà Nội(08/10/2018 - 14:21:50)