Tin mới
Tiểu thuyết NGỌT NGÀO VỊ ĐẮNG: Chương một và chương hai

Ngày đăng: 12/10/2011 - 21:40:16

Tác phẩm được giải thưởng của Nhà Xuất bản Thanh niên


MỘT

Dòng suối Tiên một buổi sáng mùa hè êm ả. Nước chảy róc rách. Hai bên bờ lau sậy um tùm. Đó đây, những bông hoa chuối đỏ tươi. Những viên đá cuội nằm rải dọc suối như những chùm trứng ngỗng trời lúc màu đen xì, lúc lại ánh lên lấp lánh khi mặt trời chiếu xuống và dòng nước ào qua. Ở một khúc quanh, dòng suối bị bẻ cong đột ngột, nước xoáy sâu thành vũng. Xa hơn một quãng về hạ lưu, một bãi cỏ xanh như tấm thảm trải dài điểm thêm một vài bông cúc trắng hoang dại nở xòe nghiêng ngả trước những cơn gió lướt qua. Xa xa, đỉnh núi Labiang ẩn hiện sau những đám mây trắng. Không gian trong trẻo và thanh bình quá. Chỉ có tiếng suối róc rách, hát mãi bản tình ca bất diệt của thiên nhiên. Tiếng xào xạc của những ngọn gió núi mơ hồ. Trong rẫy nhà ai, sầu riêng đang vào độ chín. Những quả sầu riêng tủa gai nhọn hoắt như gợi tới những trắc trở, đau buồn…

Văn thong thả bước trên thảm cỏ xanh. Nắng trưa dìu dịu. Đoàn công tác của anh chỉ chừng có một giờ đồng hồ để nghỉ ngơi, sau đó lại tiếp tục cuộc hành trình về Đà Lạt. Trong bữa cơm trưa, Văn tình cờ ngồi đối diện với Maruska, một cô gái Tiệp 16 tuổi đi du lịch theo các chú chuyên gia. Anh cũng được biết thêm, cô bé tóc nâu có sống mũi cao, nước da trắng mịn, nét mặt thanh tú ấy là con của một nữ giám đốc nhà máy bia nổi tiếng. Đoàn của anh có nhiệm vụ tiền trạm cho buổi làm việc của nữ giám đốc ấy trong vài ngày tới. Cuộc gặp gỡ tình cờ vừa rồi như thức dậy trong tâm trí anh những kỷ niệm khó quên của thời trai trẻ. Văn ngạc nhiên đến sững sờ khi cô bé ấy có những nét của Alena, người yêu cũ của anh. Một người con gái đã tạc vào lòng anh những kỷ niệm mà dù lớp bụi thời gian có cao dày đến mấy cũng không lấp nổi…

Văn ngồi xuống bãi cỏ. Bầu trời bao la chỉ có những đám mây trắng bay qua lặng lẽ. Văn mơ màng như đang sống trong hồi tưởng. Những kỷ niệm trôi chầm chậm như những thước phim quý giá, đưa anh về mười sáu năm trước. Và khi những kỷ niệm của tình yêu một thuở hiện về Văn lại trở nên lúng túng. Lúng túng với chính mình. Anh lại đứng lên, đi qua thảm cỏ, chui vào vườn cây, chạy ra suối như kiếm một cái gì. Anh tìm dòng suối Tiên của vùng cao nguyên Labiang ư? Hay anh tìm bầu trời nhớ thương, khắc khoải của một thời? Văn cũng không biết nữa. Anh như một kẻ mộng du, đầu óc trống rỗng. Nếu có gì đang ngự trị trong anh thì đó là hình bóng của một tình yêu bất tử và cái tên Alena đã thành máu thịt.

Anh nhìn ngước lên đỉnh Labiang. Ngọn núi xa mờ, thẫm xanh đang được một vầng mây trắng ôm ấp. Và cái tên Alena lại hiện về trong tâm trí anh. Cái tên ấy như từ dòng suối mát, như từ đỉnh núi xa mờ kia, như từ rừng cây, như từ đồng ruộng ào đến bất ngờ.

Và Văn cất tiếng gọi thật to:

- Alena…! Alena!...

Anh như muốn hét lên để tên nàng vang vọng khắp đồi núi. Anh muốn tiếng gọi của anh sẽ vượt ngàn vạn dặm, đến cùng cô gái có mái tóc vàng và đôi mắt xanh như nước hồ thu anh yêu dấu thuở nào. Tiếng gọi của Văn chạm vào vách núi, thành một tiếng vọng âm vang, lan đi mãi…

Văn bỗng trở về với thực tại. Một cảm giác trống rỗng, đau buồn xâm chiếm hồn anh. Văn sờ tay lên ngực. Một cảm giác nhói đau ập tới, như có bàn tay vô hình đang bóp chặt tim anh. Tại sao mình đến nông nỗi này? Tại sao mười sáu năm qua mối tình tưởng chết rồi vẫn sống lại? Tại sao khi nhắc đến tên một người con gái mà mình khốn khổ thế này? Tại sao…? Văn cảm thấy chới với, một trạng thái không trọng lượng, anh không biết mình đang vô tình làm đau những ngọn cỏ dưới chân. Và để tự trấn an, anh bước vội.

Sau bữa cơm trưa, Maruska không thấy Văn đâu cả. Cô thơ thẩn đi dạo quanh khu đồi. Và thoảng trong tiếng gió, cô nghe ai đó gọi tên mẹ mình. Tiếng một người đàn ông nghe trầm và ấm. Cô đi về phía có tiếng gọi ấy. Lúc đầu, Maruska tưởng mình nghe nhầm. Nhưng không. Tiếng gọi ấy ngày càng một gần, hối hả, thôi thúc, như mẹ cô đang đi lạc đâu đây và tiếng người đàn ông đang gọi tìm…

Maruska đuổi theo và bắt đầu đoán ra người gọi tên mẹ cô có lẽ là Văn. Và cô chụm tay lại, dồn hết sức mình, gọi to:

- Chú Văn…!

Văn vẫn bước đi. Anh không nghe thấy bước chân của Maruska đang gấp gáp đuổi theo. Và khi khoảng cách không còn xa, cô nói trong hơi thở:

- Chú Văn… chú đi đâu… vội vã vậy? Tại sao chú biết tên mẹ cháu…? Tại sao chú gọi tên mẹ cháu…?

Văn không nghe thấy, anh cứ lẩm lũi đi tới, mái tóc pha sương của anh lòa xòa lúc cuốn vào cành cây lúc lật phật trước gió. Anh đang chạy trốn sự thật, chạy trốn cô bé đang đuổi theo anh. Cô bé có mẹ Tiệp đang tìm bố ở Việt Nam. Trong bữa cơm trưa, chính Văn đã phải tránh cái nhìn của Maruska. Cô bé như ngơ ngác trước mọi điều xa lạ trước cuộc sống ở đây. Chiếc mũi cao và khuôn mặt trái xoan thì ngay từ phút đầu gặp anh đã ngờ ngợ. Không ngờ nữ Giám đốc liên doanh của nhà máy bia Việt- Tiệp ít ngày nữa tới Việt Nam lại là Alena. Chỉ nội cái tên đó thôi đã làm sống dậy một thời của tuổi trẻ nơi xứ người, nơi mà mùa đông tuyết trắng phủ kín khắp nơi đã vùi tình yêu đẹp nhất đời anh. Anh tưởng rằng đời mình đã đi đến xế chiều, không gia đình, không vợ con, đơn độc trên cõi đời, chỉ còn công việc với đam mê tìm nguồn nước xây dựng nhà máy bia… Đoàn chuyên gia sang trước đã mang theo người con gái mười sáu tuổi của nữ giám đốc và chính Văn đã nhận ra, đã linh cảm mơ hồ về sợi dây huyết thống.

Maruska đuổi kịp Văn, nói tiếng Việt khá sõi:

- Chú Văn!

Lại một bất ngờ nữa đến với Văn. Giọng nói lơ lớ của cô bé, song khá trôi chảy cho phép anh nghĩ đến một khả năng, Maruska đã được người mẹ chuẩn bị khá chu đáo trước khi sang Việt Nam. Ngôn ngữ chính là rào cản mà người mẹ đã nghĩ đến trước tiên. Và Maruska đã vượt qua dễ dàng. Đến khi cô bé huơ tay, chiếc vòng cẩm thạch ngời lên trong ánh nắng, Văn thật sự giật mình. Anh bàng hoàng. Mọi vật trước mắt anh chao đảo. Chiếc vòng màu xanh ngọc ánh lên những tia sáng mát dịu kỳ lạ. Thấy Văn cứ chăm chăm nhìn, cô bé bật cười:

- Chú Văn, chú có vẻ lạ chiếc vòng này nhỉ? Vòng này mẹ cháu tặng làm kỷ niệm trước khi sang Việt Nam, nghe bảo đó là loại đá rất quý.

Văn hỏi Maruska:

- Có phải mặt trong có hai vết vân đỏ như máu không cháu?

Đến lượt cô gái tròn mắt ngạc nhiên nhìn Văn:

- Sao chú Giám đốc biết chiếc vòng này như vậy.

Cô tháo vòng. Văn cầm vòng cẩm thạch mà tay run run. Anh đã nhìn thấy hai vân đỏ như màu cờ, nhỏ như hai lỗ đồng xu phía trong. Trời ơi! Mười sáu năm trước chiếc vòng này có màu bích nhạt, giờ đây nó xanh đậm hơn như mặt nước hồ thu trong buổi sáng trời quang mây. Chiếc vòng bóng lên nhiều, chứng tỏ chủ nhân của nó vẫn chăm chút, nâng niu và truyền vào đó một luồng sinh khí. Anh đã nghe mẹ mình kể chiếc vòng cẩm thạch như có linh hồn. Nếu như chủ nhân của chiếc vòng ốm đau thì màu xanh của nó sẽ xám xịt như bầu trời trước cơn giông. Còn nếu như chủ nhân chiếc vòng mạnh khỏe thành đạt thì màu của nó ngày một xanh đậm lên như màu ngọc bích và sẽ có rất nhiều vân trắng nổi lên. Văn mân mê chiếc vòng hồi lâu, anh như bị thôi miên trước hai chấm đỏ đang rực lên như giọt máu tươi bị rơi vào. Anh lẩm bẩm: “Đúng nó rồi, nó đây. Nhưng tại sao lại trên tay cháu?”.

Maruska nhìn Văn không chớp. Điều làm cô bé ngạc nhiên, ngạc nhiên đến thú vị là Văn hiểu khá kỹ về chiếc vòng này, về những phép mầu nhiệm mà nó chứa đựng. Không kìm nổi tò mò, cô bé hỏi:

- Chắc chú Văn biết lai lịch chiếc vòng này. Chú kể cho cháu nghe đi. Bao lần cháu bảo mẹ kể cho cháu nghe mà mẹ không chịu kể. Chú ngày xưa ở Tiệp Khắc có biết mẹ cháu không?

Văn không nói gì, anh như bị chìm trong mộng ảo…


HAI


Mười sáu năm trước.

Tiếng chuông vỡ ra trong không gian, lan vào trong các lớp học của trường Đại học Tổng hợp Purkin Brno. Tiếng chuông chấm dứt buổi gặp mặt cuối cùng của sinh viên trong năm học, báo hiệu một mùa hè đầy thơ mộng bắt đầu. Từ các giảng đường, sinh viên ùa ra với niềm vui háo nức. Vậy là một năm học vất vả đã qua đi. Những cây táo, cây lê hai bên đường đã treo đầy quả xanh mũm mĩm, như mời gọi khách qua đường. Vườn hoa trước giảng đường rực rỡ muôn màu. Hoa tuylíp vàng đỏ bên những bụi cẩm chướng lung lay reo đùa với nắng hè. Ở Tiệp Khắc mùa đông dài lê thê, chỉ có tuyết trắng bao phủ. Mặt trời không biết trốn biệt ở phương nào. Xuân sang, trời ấm dần lên, mặt trời trở về sau những ngày tha phương. Ánh nắng còn yếu ớt nhưng cũng đủ đánh thức những chồi non bật dậy. Những gốc hoa sau những tháng ngày ngủ dưới tuyết, cựa mình cùng hơi ấm để rồi không lâu sau đó ban tặng cho đất trời những nụ hoa. Chỉ có mùa hè mặt trời mới rực rỡ, nắng vàng chảy tràn mọi nẻo đường. Văn, sinh viên Việt Nam khoa Hóa Sinh đi lẫn trong các bạn Tiệp Khắc, anh cũng cảm thấy vui lây với họ, ngày mai các bạn của anh đã đoàn tụ với gia đình.

- Văn ơi, chào Văn nhé. Chúc bạn một mùa hè đẹp đẽ.

Các bạn đi qua còn để lại những lời nói chân thành với người bạn Việt Nam học giỏi, hiền lành. Văn mỉm cười, đáp:

- Chúc các bạn có những chuyến đi thú vị và gặp nhiều điều lạ mà chỉ có mùa hè mới đem tới cho các bạn thôi.

- Văn!

Một tiếng gọi rụt rè nhưng rất dễ thương khiến anh quay lại. Văn không ngờ, người gọi anh chính là Alena. Anh cảm thấy hồi hộp, tim đập rộn lên. Văn trả lời như một cái máy:

- Alena, tôi tưởng bạn đã về rồi.

Alena bước tới. Hai người sánh đôi cùng bước. Cả hai đều im lặng. Thỉnh thoảng, Alena ngước nhìn Văn, bắt gặp đôi mắt anh cũng đang nhìn cô. Đôi má cô chợt ửng lên, đôi mắt long lanh như ẩn chứa một điều gì sâu thẳm. Phải, cô định hỏi Văn nhiều điều nhưng cô không biết bắt đầu từ đâu. Cuối cùng, Alena chỉ có một câu hỏi bâng quơ:

- Mùa hè đã đến rồi Văn ạ. Văn định làm gì trong mùa hè này?

Đến lượt Văn bối rối. Chính anh cũng không biết mình sẽ làm gì, sẽ đi đâu, sẽ đi cùng ai. Sự bối rối ở một chàng trai mới lớn biểu hiện qua những cử chỉ vụng về, những động tác thừa. Văn vuốt tóc để lấy lại tự nhiên:

- Văn cũng chưa biết nữa. Thăm một vài người bạn, rồi đi lao động, thế là hết hè.

Alena mạnh dạn:

- Thế Văn không định đến Poprad chơi sao? Poprad đẹp lắm, ở đấy Văn có thể đi thăm các núi cao Tatra. Văn sẽ được biết người Poprad quí mến khách như thế nào.

Văn mỉm cười, hỏi đùa:

- Nhưng có ai mời Văn đâu?

- Alena rất muốn mời Văn đến đó. Chỉ sợ Văn chê đất quê không phải nơi để đại bàng đậu thôi.

Một người bạn trai tên Victor cùng lớp đi bên nói chọc vào:

- Alena ơi, bạn hãy mời tôi đi, tôi sẽ đến với Poprad và rắc lên mái tóc vàng của bạn những cánh hoa hồng thơm hương đồng nội.

Văn biết Alena là một cô gái xinh đẹp, nhưng đối với các chàng trai tán tỉnh vụng về, cô thường tỏ ra rất lạnh lùng. Vì thế nhiều cậu sinh viên đã đặt cho cô biệt hiệu “Công chúa tóc vàng băng giá”. Lần này cũng vậy, cô trả lời luôn:

- Tôi sẽ đem những cánh hoa hồng bạn tặng làm nước hoa rắc lên chỗ bạn đã ngồi trong nhà của tôi.

Những người xung quanh nghe thấy cuộc đối thoại, họ cười ồ lên khiến cậu con trai đỏ mặt rảo bước vượt lên, ném lại một câu chua xót:

- Khiếp, đúng là một bông hồng đầy gai, ai mà dám đụng vào chứ.

Tốp sinh viên đi vượt lên. Alena quay sang Văn tiếp tục nói chuyện:

- Văn phải biết rằng không có người bạn trai nào vui chung trong ngày hè cùng Alena cả. Alena sẽ cô đơn lắm, Văn ạ!

Rồi cô nói vẻ nuối tiếc:

- Mùa hè thích thật, có nắng vàng, có rừng xanh, nhưng Alena cũng thật thích những ngày đến giảng đường, những ngày vui cùng bạn bè trong lớp.

Câu chuyện đang vui thì đến bến tàu điện, Alena bước lên tàu còn ngoái lại:

- Chào Văn nhé, Văn không đến Poprad thì Alena sẽ rất buồn đấy.

- Văn sẽ đến, Alena cứ yên tâm.

Văn nhìn theo tàu chạy, một tình cảm mơ hồ chợt đến. Anh nhớ Hà Nội, nhớ tiếng leng keng của tàu điện dọc đường Hà Đông – Bờ Hồ. Mùa này, chắc quê nhà đã râm ran tiếng ve gọi hè trên những cành sấu chi chít quả. Và phố phường sẽ cháy lên màu hoa phượng. Bất chợt, hình ảnh Lệ Hằng hiện ra. Với Văn, đó là một niềm chua xót. Một mối tình không thành. Một vết thương chẳng bao giờ thành sẹo…

Cũng mùa hè như thế này năm năm trước, anh đã chia tay Hằng sang Tiệp Khắc học. Người ta thường nói, “xa mặt, cách lòng”. Văn không tin điều đó. Và cũng không muốn nó đến với mình. Vậy mà nó lại xảy ra, như một định mệnh trớ trêu. Thư từ qua lại được hai năm thì thưa dần và cuối cùng anh nhận được lá thư chia tay của Hằng cũng vào một ngày hè nóng bỏng. Trong thư, Hằng viết: “Con gái chúng em có thì, anh lại biền biệt biết bao giờ về nước? Mà khi về chắc em đã già rồi, liệu anh có thể đến với em, một cô nông dân tay đã chai sạn vì năm tháng, chúng mình không thể hợp nhau được, nên em xin anh hãy quên em đi…”. Lá thứ ấy như một nhát dao đâm vào tim Văn… Song anh đã cố gượng dậy. Bài học cay đắng ấy mỗi khi nhớ lại, tim anh vẫn thót lại. Và bây giờ, một mùa hè lại đến. Mùa hè của đất nước Tiệp Khắc xinh đẹp. Nắng không nồng nàn, không chói lọi như quê nhà, đủ quyến rũ trai thanh gái lịch tìm đến cùng nhau, để vui bên nhau dưới vòm trời cao xanh và nắng ngọt ngào như mật ong rót xuống…

*
* *

Sân bay Poprad một buổi sáng tháng bảy, trong phòng đợi, Văn đang vui chuyện cùng bác Khánh, cán bộ Đại sứ quán, thì nghe tiếng thông báo của nhà ga:

- Máy bay đi từ Praha lúc 8 giờ 10 phút đang hạ cánh xuống đường băng.

Bác Khánh vui vẻ bảo Văn:

Đi cùng đoàn với thiếu nhi Việt Nam có cả thiếu nhi Lào, Căm-pu-chia và một vài nước không liên kết châu Phi, châu Á nữa. Đợt trại hè Thiếu nhi quốc tế lần này có khoảng 50 nước tham dự. Vì thế cháu phải cố gắng.

Văn thú thực:

- Cháu lo trong quá trình ở trại hè, nhỡ sơ suất điều gì làm ảnh hưởng đến uy tín nước ta thì thật xấu hổ lắm bác ạ.

Bác Khánh động viên:

- Sứ quán rất tin tưởng ở khả năng học tập cũng như lòng nhiệt tình của cháu nên mới cử cháu đi phiên dịch đợt này. Cháu yên tâm, bên cạnh cháu còn có một bạn nữa phụ trách thiếu niên của tỉnh Lạng Sơn, hai anh em bàn bạc với nhau giải quyết công việc sao cho suôn sẻ. Bác chỉ đến xem tình hình ăn ở ra sao, chiều nay bác phải về rồi, ở Sứ quán còn nhiều việc quá.

Khi cửa máy bay mở, các em thiếu niên đủ các màu da như một bầy chim non ùa xuống. Nắng dát vàng con đường các em đi. Các em ngỡ ngàng trước phong cảnh hùng vĩ của núi rừng miền đông bắc Tiệp Khắc. Bầu trời sáng mùa hè xanh thắm không một gợn mây… Nhưng các em cũng mệt nhoài sau chuyến bay quá dài trong đời. Bác Khánh và Văn bước đến bên các em thiếu niên Việt Nam. Tiếng ríu rít nổi lên:

- Cháu chào bác ạ! Em chào anh ạ!

Bác Khánh ân cần:

- Chào các cháu, các cháu mệt lắm phải không? Dũng thử nói bác nghe tình hình sức khỏe các em ra sao nào?

Dũng là người phụ trách đoàn thiếu niên vội nói:

- Các em đi không quen, em nào cũng bị nôn. Chúng cháu đến Praha tối qua có em bị ngất, nhưng từ hôm qua đã quen dần rồi ạ.

Mấy người bạn Tiệp Khắc trong ban tổ chức trại đến bảo Văn cho các em lên xe về khách sạn. Giữa lúc ấy, một cô gái Lào rất trẻ có khuôn mặt bầu bĩnh chạy đến bên đoàn Việt Nam. Cô nói tiếng Việt khá sõi:

- Anh ơi, đến phiên dịch giúp chúng tôi với, người của chúng tôi chưa đến, chẳng ai ở đây biết tiếng Tiệp cả.

Một thoáng bỡ ngỡ đến với Văn. Cô gái Lào có nước da bánh mật, tóc xõa ngang vai, nụ cười với hàm răng trắng. Cô mặc chiếc áo cộc, tay dài, xẻ ngực và ngắn ngang thắt lưng. Chiếc váy cô mang có màu sắc rực rỡ được pha nhiều màu theo sợi dọc, có những đường kim tuyến lấp lánh. Cô có nét đẹp thầm kín. Vừa muốn làm quen với cô gái, vừa muốn giúp cô, Văn đáp:

- Các bạn chờ cho một chút!

Cô gái mỉm cười:

- Thế nào anh cũng sang đây nhé!

Sau khi hướng dẫn cho các em lên ô tô, Văn vội đến đoàn Lào, Căm-pu-chia. Ở đó, một bạn Tiệp đang vất vả giải thích nhưng không ăn thua.

Cô gái Lào nói tiếng Việt Nam khá sõi kia thấy Văn đến mừng rỡ:

- May quá!

Văn đề nghị:

- Tại sao bạn không để các em cùng đi với đoàn Việt Nam về khách sạn?

Cô gái Lào như vỡ lẽ:

- Ừ nhỉ, vậy mà tôi không nghĩ ra!

Những chiếc ô tô chở các đoàn thiếu niên chuyển bánh đưa những người bạn nhỏ từ bốn biển năm châu vào thành phố Poprad.

Chiều hôm ấy, Văn đã biết được hoàn cảnh của mười em thiếu niên Việt Nam. Có một em từ Minh Hải, một em từ Bình Định, hai em từ Lạng Sơn và một em từ Côn Đảo… Còn lại là các em ở Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh. Các em rất lạ lẫm trước mọi vật, mọi việc, vì thế Văn phải hướng dẫn các em từ chuyện sinh hoạt đến chuyện đi lại. Bác Khánh về có dặn lại Văn:

- Cháu phải chú ý hướng dẫn các em, sao cho các em thấy yêu mến đất nước bạn.
Sau bữa cơm chiều, Văn cùng Dũng cho các em họp, anh hỏi:

- Các em có thấy mệt nữa không?

Mấy em trai vội nói:

- Chúng em khỏe lắm rồi.

Chi, Hà, Lệ, ba em gái cũng gật đầu.

- Các em có thích nghe anh kể chuyện về nền giáo dục Tiệp Khắc không?

- Có, chúng em thích lắm, anh Văn kể đi.

Văn nói:

- Nền giáo dục Tiệp Khắc bảo đảm cho mọi người dân đều có điều kiện học tập. Hệ giáo dục ở Tiệp Khắc được phân chia như sau: mẫu giáo, phổ thông cơ sở, trung học và đại học. Các bạn nhỏ từ 3 đến 6 tuổi sẽ được ở miễn phí trong các trường mẫu giáo. Nhà trường sẽ cho các em ăn ngày 4 bữa, không kể bữa tối. Trường mẫu giáo do chính quyền địa phương, xí nghiệp hoặc các hợp tác xã đứng ra xây dựng. Hệ phổ thông cở sở hiện nay là 9 năm. Trong một lớp học ở Tiệp Khắc quy định chỉ có 25 em. Phần lớn các trường phổ thông và trung học đều có nhà ăn tập thể.

Chi hỏi Văn:

- Thế đi học ở Tiệp Khắc có phải đóng tiền không anh?

Văn xoa đầu:

- Ở Tiệp Khắc, mọi người đi học đều không phải trả tiền. Ngoài ra học sinh trường phổ thông và trung học còn được phát không sách giáo khoa. Học sinh đại học thì có chế độ học bổng được phân làm ba loại: học bổng xã hội do Nhà nước đài thọ, học bổng xí nghiệp do cơ quan mình cử đi học đài thọ, học bồng phần thưởng do nhà trường cấp cho những học sinh đạt điểm cao trong học tập.

Lệ níu tay Văn:

- Anh ơi! Các bạn thiếu nhi Tiệp Khắc có hiểu gì về Việt Nam không?

Văn vui vẻ:

- Đã là nước xã hội chủ nghĩa thì các bạn được giới thiệu rất kỹ trong chương trình học về đất nước và con người Việt Nam. Biết đất nước ta còn khó khăn, đặc biệt là các vùng biên giới phía Bắc, các bạn đã có những phong trào tiết kiệm đóng góp cho Việt Nam. Như vừa rồi có bạn học sinh lớp 8 Praha đã gửi 8.000 curon đến Sứ quán Việt Nam từ tiền nhịn ăn sáng, đi lao động thêm ngoài giờ học. Các em có biết ý nghĩa ngày Quốc tế thiếu nhi 1-6 không?

Các em nhỏ ngơ ngác:

- Anh kể cho chúng em nghe đi.

Văn say sưa kể:

- Sau hiệp định Muynich tháng 9 năm 1938, Phát xít Đức đã đổ bộ vào xâm chiếm Tiệp Khắc. Năm 1941, Hít-le cử tướng R.Hây-đơ-rích khét tiếng tàn bạo sang Tiệp Khắc làm quyền bảo hộ của đại quốc. Trước những tội ác giết người hàng loạt của Hây-đơ-rích, hắn đã bị du kích Tiệp Khắc mai phục ám sát. Kế hoạch đê hèn trả thù được bọn Đức quốc xã nhắm vào làng Li-đi-xe. Làng Li-đi-xe cách Praha 20 km về phía Tây. Sáng mùng 9 tháng 6 năm 1942 bọn phát xít đã bao vây làng, bắt tất cả mọi người đi hành quyết, 192 người bị giết trong đó có 98 trẻ em. Nhà cửa, trường học bị san phẳng. Nhưng Li-đi-xe không thể chết. Li-đi-xe bị san phẳng nhưng sẽ sống mãi, bất diệt trong lòng nhân dân Tiệp Khắc và nhân dân tiến bộ thế giới. Liên đoàn Phụ nữ dân chủ quốc tế họp tại Mat-xơ-cơ-va đã lấy ngày mùng 1 tháng 6 là ngày quốc tế thiếu nhi để ghi nhớ sự kiện trên.

Các em nhỏ nghe Văn nói hết sức cảm động. Chi, em gái từ Lạng Sơn tâm sự:

- Chúng em ở nhà nhận được nhiều quà của bè bạn bốn phương, nghe anh kể em càng quí mến các bạn Tiệp Khắc quá.

Có tiếng gõ cửa phòng, cô gái Lào ló đầu vào:

- Anh Văn ơi, giúp tôi với, có một em nhỏ bị sốt nhờ anh gọi bác sĩ giúp.

Văn bảo:

- Dũng ở lại với các em, mình qua kia xem, chốc nữa mình về.

Văn gọi bác sĩ của trại đến phòng các em thiếu niên Lào. Bác sĩ khám, cho thuốc rồi dặn:

- Em bé bị cảm nắng thôi, uống thuốc sẽ hết sốt. Nếu có gì thì gọi tôi. Rất sẵn lòng phục vụ các anh chị.

Văn nghĩ, đây là cơ hội tốt để nói chuyện với cô gái Lào. Nhưng là một chàng trai chưa từng trải trong trường đời, Văn không khỏi bối rối khi ngồi cạnh cô. Văn lấy hết can đảm và cuối cùng, những câu hỏi bâng quơ bật ra:

- Chị nói tiếng Việt giỏi quá, chắc trước chị ở Việt Nam?

Cô gái mỉm cười:

- Vâng! Tôi ở Hà Nội suốt bảy, tám năm. Tôi học hết cấp III mới về Lào công tác.

Văn hỏi:

- Tên tôi là Văn, chị biết rồi, còn tên chị là gì?

- Tôi tên là Sao Mi.

Văn nhìn chiếc khăn dài kẻ ô đen trắng quấn chéo vai phủ ngực Sao Mi, khen:

- Chị có chiếc khăn Phạ biêng đẹp quá!

Cô gái nhìn Văn ngạc nhiên:

- Sao anh biết đây là khăn Phạ biêng, chẳng nhẽ anh đã từng ở Lào?

- Có, tôi sang hồi năm 1971, chiến đấu ở mặt trận đường 9 Nam Lào Savanakhet.

Cô gái xuống giọng:

- Chết thật, thế mà Sao Mi cứ tưởng anh Văn là học sinh phổ thông sang đây cơ.

Văn cười:

- Thế thì càng tốt chứ sao, ai mà chả thích trẻ lâu hả Sao Mi.

Nói chuyện một lúc, cả Văn lẫn Sao Mi đều có cảm giác hai người đã quen biết từ lâu. Họ xa nhau bây giờ gặp lại. Sao Mi coi Văn như người nhà. Văn coi Sao Mi như em gái. Sao Mi đổi cách xưng hô từ tôi sang em trong một lời đề nghị:

- Chúng em chưa quen biết ở đây, anh giúp chúng em phiên dịch. Em thì một chữ Tiệp bẻ đôi không biết.

Văn thầm nghĩ: Cô bé này cư xử thật khéo. Ở Hà Nội lâu có khác. Có nhiều nét lịch lãm của một cô gái Hà Nội. Anh bảo Sao Mi:

- Các em thiếu niên Lào cũng như thiếu niên Việt Nam thôi, Sao Mi đừng ngại ngần gì cả.

Sau khi căn dặn thêm vài điều Văn tạm biệt Sao Mi trở về đoàn Việt Nam. Trước ngày khai mạc trại, Văn mang một nỗi niềm muốn được đến thăm Alena. Nhưng khi hỏi người dân địa chỉ anh mới biết Alena ở cách Poprad gần mười cây số. Lúc đầu, Văn muốn đến đó ngay. Nhưng sự gặp gỡ Sao Mi như níu chân anh lại. Trái tim anh thúc giục anh hãy đi. Khối óc thì bảo ở lại. Con người anh bỗng thành một khối mâu thuẫn. Và Văn nhủ thầm để hôm khác vậy.

Đêm ấy, bao kỷ niệm về đất nước Lào miên man tràn về. Năm 1971, chàng lính mới Trịnh Thành Văn vừa kịp biết bắn súng thì đã được tung vào chiến trường đường 9 Nam Lào. Năm ấy, đế quốc Mỹ huy động 24.000 quân miền Nam Việt Nam với 21.000 quân Mỹ hỗ trợ đằng sau và trên 1.500 máy bay các loại mở chiến dịch “Lam Sơn 719” đánh vào đường 9 - Nam Lào với ảo tưởng chia cắt hai nước Việt Nam và Lào, chia cắt Nam, Bắc Đông Dương, giam chân và đánh bại bộ phận quan trọng của chủ lực Việt Nam, tạo điều kiện cho kế hoạch “Việt Nam hóa chiến tranh ở miền Nam” đồng thời hỗ trợ cho lực lượng phản động ở Lào chiếm lại các vị trí đã mất ở Nam Lào, thực hiện ý đồ chiếm Nam Việt Nam, Nam Lào và Cam-pu-chia. Nhưng quân và dân Lào, với sự tham gia rất lớn của chủ lực Việt Nam đã đánh bại chiến dịch Lam Sơn 719 trên chiến trường Lào. Đây là những năm tháng gian khổ ác liệt nhất của chiến tranh trên đất bạn Lào. Tham gia được vài trận đánh thì Văn và đại đội bị máy bay địch phát hiện. Một đàn máy bay đến quần đảo ném bom vào đội hình đại đội. Hầu hết đồng đội của anh trúng bom hy sinh, Văn bị mảnh bom trúng bắp đùi. Anh bò lết thoát khỏi khu vực chiến sự. Nhưng vì vết thương chảy nhiều máu nên anh bị ngất bên bờ con suối. Khi tỉnh dậy Văn đã thấy mình nằm trên nhà sàn và loáng thoáng có tiếng người Lào nói, đó là một người phụ nữ và một cô gái. Thấy anh rên hừ hừ kêu khát, họ mừng rỡ chạy lại đưa nước cho anh uống. Nhờ sự chăm sóc của hai mẹ con người Lào mà vài ngày sau anh hồi sức lại. Cả bản Cok Phô (Cây bồ đề) cùng vui lây với gia đình bà Nàng Pheng đã cứu sống anh bộ đội Việt Nam. Nhờ bà Nàng Pheng và cô con gái là Nàng Phan mà Văn đã học được ít tiếng Lào. Theo tục lệ, bản tổ chức lễ Baci cầu hôn cho người thân vừa thoát khỏi tai nạn. Văn được là nhân vật chính của buổi lễ hôm ấy. Từ sáng sớm, bà Nàng Pheng đã làm một mâm cỗ cầu hôn, người ta gọi là Phạ Khoách. Ở giữa là một chiếc mâm đan bằng tre có chân cao mười phân bày những bồ đài làm bằng lá chuối, trên đỉnh cắm một chùm hoa rừng, giữa các bồ đài hoa nhỏ là một bồ đài lớn, cao, ở giũa có một thanh gỗ nhỏ để buộc đứng một chùm hoa rừng lớn và treo vào đó những đồng bạc giấy. Ngoài ra, quanh các bờ đài hoa là cơm rượu, trứng gà, thịt gà, bánh nếp, khoai lang, sắn,… và nến, chỉ trắng buộc cổ tay. Những bà con trong bản được mời đến đem thêm thức ăn hoặc vài củ khoai sắn, gọi là sự đóng góp tình nghĩa và ai cũng có nến và chỉ. Chủ lễ là Phò bản mặc bộ đồ trắng, ngồi đối diện với Văn. Các cây nến được thắp sáng và đặt chung quanh mâm. Khói hương trầm bốc lên và bắt đầu làm lễ. Mọi người đặt một bàn tay sờ vào mâm lễ, còn một bàn tay đặt dọc theo ngực để khấn khi người chủ lễ niệm thần chú. Sau những lời cầu chúc tốt đẹp cho Văn, mọi người giơ hai tay chắp ngang trán đồng thanh hô lên một tiếng “Sa” (nói tắt tiếng “Sa thứ” có nghĩa cầu được như thế). Mỗi người trong buổi lễ lại đến buộc một sợi chỉ trắng cho Phò bản. Người Lào gọi là Phuộng Khẻng, nghĩa là buộc chỉ cổ tay như buộc hồn lại với thể xác người và cầu phúc cho người. Phò bản lại buộc vào tay Văn, mọi người cũng làm theo với những lời chúc tụng tốt đẹp. Buổi lễ kết thúc bằng cuộc liên hoan nhỏ. Văn không thể nào quên được tình cảm của bà con bản Cok Phô với những cử chỉ thân mật, đoàn kết yêu thương…

*
* *


Sáng hôm ấy trên một bãi cỏ rộng, hàng trăm em thiếu niên các dân tộc, các màu da khác nhau đứng tề tựu đông đủ. Đoàn thiếu niên Tiệp Khắc đông nhất, các em đứng thành hàng, rồi kế đó đoàn thiếu niên Liên Xô, Đức… Băng, cờ, khẩu hiệu đủ màu, đủ thứ tiếng. Tiếng trống rộn vang. Tiếng kèn lanh lảnh. Thật đúng là ngày hội của thiếu nhi quốc tế.


Đoàn thiếu niên Việt Nam đứng cùng đoàn thiếu niên Lào, Cam-pu-chia. Đoàn Cam-pu-chia lần đầu tiên tham dự trại hè quốc tế. Cờ đỏ sao vàng tung bay bên cạnh cờ đỏ năm ngọn tháp và cờ của đất nước Triệu Voi. Đoàn có 8 em, chị đoàn trường giỏi tiếng Pháp nhưng tiếng Tiệp thì không biết. Phiên dịch cho đoàn Việt Nam, Lào, Cam-pu-chia liên hệ với nhau chặt chẽ. Chị đoàn trưởng khi biết Văn giỏi tiếng Tiệp thì mừng lắm, chị tâm sự:

- Các anh ở nhà khi đi có dặn phải hết sức tranh thủ sự giúp đỡ của các bạn Việt Nam. Có anh bên cạnh, chúng tôi yên tâm lắm.

Văn chỉ cho mọi người rõ từng đoàn:

- Kia là các đoàn thiếu niên Colombia, Libi, Syri…

Rồi anh nói:

- Chúng ta có một tuần ở trại, hàng ngày sẽ có những cuộc đi chơi, thăm thắng cảnh, và có ngày thì tổ chức vui khỏe, tìm hiểu bè bạn năm châu.

Quay lại với các em thiếu nhi Việt Nam, Văn dặn dò:

- Các em phải chú ý ghi nhật ký hằng ngày, học được cái gì hay, thấy cái đẹp cũng nên ghi vào cả. Về còn kể cho các bạn nghe nữa chứ.

Lệ, em gái Côn Đảo, đáp lại:

- Em sẽ ghi đều. Bà con trong xóm hôm em đi có dặn sang đây phải cố gắng quan sát về kể cho bà con nghe xem chủ nghĩa xã hội đẹp như thế nào.

Văn khẽ xoa đầu Lệ. Anh rất muốn hỏi thêm nhiều chuyện về hòn đảo bất khuất trung kiên. Hòn đảo mà tên tuổi cả nước ta đều biết và Văn mong một lần tới thăm. Nhưng lúc ấy có tiếng loa giới thiệu đồng chí Chủ tịch Ủy ban Thiếu niên nhi đồng nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Tiệp Khắc lên phát biểu khai mạc trại hè Thiếu nhi quốc tế năm 1984.

Sau bài phát biểu của đồng chí Chủ tịch, các em thiếu niên reo hò lần lượt diễn qua lễ đài trở về lều của mình. Khu trại nằm ven cánh rừng thông. Dưới những gốc cây xanh tốt sum sê là những chiếc lều được căng sẵn.

Các em nhỏ sung sướng trong ngôi nhà nhỏ xíu xinh xinh. Những túp lều bằng vải may không rộng lắm, bên trong là những đồ đạc đơn giản dùng cho cắm trại nhưng các em cảm thấy thật ấm cúng, như ở trong nhà mình. Các bạn nhỏ lăng xăng mỗi người một việc. Lệ bảo:

- Các bạn ơi, chúng mình sẽ treo ảnh bác Hồ và giăng hoa cho trại của mình!

Dũng lôi trong túi xách ra những chồng dây hoa. Các em tự trang trí. Rồi anh đưa một ít dây cho Văn:

- Cậu chạy sang lều các bạn Lào, Cam-pu-chia xem sao.

Khi Văn đến trại của đoàn Lào, Sao mi cũng đang treo những tấm khăn thêu công phu trong lều. Những tấm thổ cẩm màu sắc êm dịu, không khoa trương.

Văn nhìn rất lâu tấm khăn thêu hình một cô gái đẹp ăn mặc quần áo của người Thượng Lào ngồi trên bành voi. Một cô gái trẻ, dịu dàng, đẹp thùy mị. Phút chốc, Văn so sánh với khuôn mặt của Sao Mi. Người thợ dệt chắc hẳn không mời Sao Mi làm người mẫu nhưng sao mà người trong tấm khăn thêu có nhiều nét giống Sao Mi đến thế! Và như vô tình, lần đầu tiên, Văn được ngắm Sao Mi, đương nhiên là trên tấm thêu. Anh thấy tim mình rộn lên. Một cảm giác lạ lùng đang xâm chiếm tâm hồn anh. Một cảm giác rất lạ mà Văn chưa tìm ra từ để gọi. Văn chìm vào giấc mơ. Anh thấy mình đang làm quản tượng, dắt chú voi và Sao Mi qua cánh đồng Chum Xiêng Khoảng, nơi những chiếc chum đá cao trên 2m, có những chiếc cao 3m nặng 14 tấn nằm khắp nơi trên bình nguyên dài rộng. Bên cạnh những chiếc chum đá ấy có cả những đĩa đá lớn và chỏm cầu đá nằm la liệt. Hai người dừng lại bên bờ sông Mê Kong cho chú voi uống nước… Rồi hình ảnh Nàng Phan đêm đêm bên chiếc khung dệt bằng gỗ, dệt những tấm vải thổ cẩm lóng lánh muôn màu…

Sao Mi mải công việc, không để ý đến vẻ lạ lùng trên khuôn mặt của Văn. Nghe tiếng chân người, Sao Mi khẽ ngẩng lên, cô thấy Văn đang chăm chú nhìn vào bức tranh trên tay:

- Anh Văn có điều gì mà bần thần cả người thế?

Văn giật mình, trở lại với thực tại. Câu hỏi của Sao Mi đã làm tan giấc mơ lãng mạn của anh. Văn cảm thấy như mình đang làm việc không được Sao Mi cho phép và bị cô bắt quả tang. Cũng may đó chỉ là giấc mơ. Song, ai mà biết được giữa mơ và thực có khoảng cách bao nhiêu? Và Văn tự hỏi: mình đang sống trong thực hay trong mơ? Để lấy lại vẻ tự nhiên, Văn vội lảng sang chuyện khác:

- Tôi thấy bức thêu đẹp quá, có phải của Sao Mi không?

Sao Mi nhìn Văn, hồn nhiên đáp:

- Không phải đâu, của chị em thêu tặng đấy.

Văn định nói điều gì nhưng anh quay đi:

- Sao Mi cầm lấy mấy dây hoa, tôi phải lại đằng kia một lát.

Văn đột ngột bước đi. Sao Mi nhìn theo cho đến khi Văn vào hẳn trong lều. (xem tiếp kỳ sau)

Đoàn Hoài Trung


Xem tin theo ngày: