Tin mới
Những mối tình Việt - Séc

Ngày đăng: 26/10/2011 - 17:02:40

Đơn giản và bình dị, da diết và tràn ngập cảm xúc yêu thương… đó là những cung bậc tình cảm của những mối tình Việt - Séc.


Bà Trần Minh Hiền, Ủy viên Ban thường vụ, Phó Tổng thư ký Trung ương Hội Hữu nghị Việt - Séc, nguyên Chủ nhiệm khoa Ngôn ngữ Séc tại trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội xúc động khi kể về tình thầy trò vượt qua những dại khờ con trẻ, đôi bạn thân giúp nhau từ con chữ bẻ đôi… để sau gần 40 năm gặp lại, niềm vui vỡ òa trong thổn thức thời gian. Bốn mươi năm trước, những ngày đầu tiên trên giảng đường đại học, sau một năm học tiếng Séc ở Teplice, khả năng nghe giảng của tất cả sinh viên Việt Nam còn kém lắm. Đây là một vấn đề khó khăn đối với sinh viên Việt Nam. Trong giảng đường tôi đã ngồi quan sát thấy 2 người bạn Séc Oldříška Vaculová và Miroslav Kučera chăm chỉ chép bài và chữ rất đẹp. Từ đó, tôi thường mượn vở của 2 bạn để chép lại. Cũng từ ngày ấy, tôi chia vở nghe giảng của mình làm hai phần theo chiều dọc, phần bên phải tôi tự ghi bài giảng của thầy giáo và luôn để cách những khoảng trống những chỗ mình không nghe được để sau khi mượn vở 2 người bạn kia sẽ bổ sung và phần bên trái ghi chú phần này xem sách nào, trang nào. Thỉnh thoảng Mirek cũng nhờ tôi mua hộ vé ăn trưa ở nhà ăn Bubeneč của trường. Chúng tôi dần gắn bó với nhau hơn trong suốt những năm học tại trường.

Chiều thứ hai, ngày 23/8/2010, 36 năm sau ngày chia tay không hề liên lạc, tôi đến thăm người bạn cũ Mirek Kučera tại khoa Toán Lý trường cũ tôi học. Cánh cửa phòng làm việc bật mở, một người đàn ông đứng tuổi tóc cắt cao đang mỉm cười. Tôi nhận ra anh, người bạn cũ cùng học của mình bằng chính nụ cười đôn hậu và dễ mến ấy. Chúng tôi nắm chặt tay nhau trong giây phút vô cùng xúc động, bà Hiền kể.

Còn PGS.TS Nguyễn Thị Chính, Ủy viên Ban Thường vụ trung ương hội, Phó Chủ tịch thường trực Hội Giáo dục và Chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam vẫn chưa quên một biến cố trên đất Séc. “Năm 1972, tôi bị đau ruột thừa phải vào viện phẫu thuật. 5 ngày sau mổ tôi bị nhiễm trùng. Nghĩ tới đất nước, quê hương mình đấu tranh anh dũng mà cố nhịn, nén không cho mình khóc. Sau 1 ngày hôn mê tỉnh dậy, các bác sĩ chăm sóc tôi hết mình. Tôi muốn ăn gì mọi người cũng chiều tôi, chăm sóc cho tôi từng ly từng tí như người trong gia đình. Trước đó, khi tôi nằm viện muộn lịch trình học, cô giáo dạy tiếng ngày nào cũng bảo tôi tới nhà để kèm học. Bất cứ lúc nào, khó khăn ở đâu cô cũng tìm cách giúp”.

Trong ký ức của ông Phan Đăng Điều, Phó Chủ tịch thường trực Hội Hữu nghị Việt Nam - Séc vẫn chưa phai nhạt những tình cảm đáng quý của người Tiệp Khắc (cũ) dành cho lưu học sinh Việt Nam. Ông Điều kể: Tôi sang Tiệp Khắc học ngành hoá, chuyên ngành cao phân tử tại Đại học Hóa Kỹ thuật Pardubice. Trước khi vào đại học, chúng tôi được học tiếng Séc tại thành phố nghỉ mát Teplice. Nhìn xuyên suốt cả 6 năm học tiếng rồi đại học, tôi có một nhận xét chung là người Tiệp Khắc mà chúng tôi đã có thời gian dài tiếp cận, dù họ là giáo sư, cán bộ giảng dạy, công nhân viên các trường hay những người trông coi các ký túc xá sinh viên, những người phục vụ ăn uống, những người dân..., hầu như tất cả ai cũng yêu thương quý mến sinh viên Việt Nam. Họ quy củ, nghiêm khắc trong công việc, nhưng trong tình cảm lại rất đôn hậu, thương yêu chúng tôi như con cháu trong gia đình.

Tôi sang Tiệp Khắc khi mới hơn 19 tuổi. Đó là lần đầu tiên xa nhà nên cảm giác rất nhớ nhung gia đình, quê hương. Chỉ học tiếng Séc 7 tháng rồi chúng tôi vào trường đại học luôn. Thách thức lớn đối với chúng tôi hồi đó là tiếng nước bạn thì còn rất yếu lại không có từ điển trực tiếp, phải tra từ điển từ Việt - Nga rồi sang Nga - Séc, rất vất vả và mất thời gian. Tại giảng đường chẳng thu nhận được bao nhiêu nên việc tự học ở nhà là chủ yếu. Với tinh thần không ngừng nỗ lực vươn lên hoàn thành nhiệm vụ học tập; với sự giúp đỡ nhiệt tình của thầy cô và bạn bè Tiệp Khắc cùng với sự giúp đỡ lẫn nhau trong tập thể sinh viên người Việt Nam, chỉ sau năm đầu, chúng tôi đã vượt qua được thử thách đó và kết thúc tốt đẹp chương trình mấy năm du học.

Tôi có rất nhiều kỷ niệm đẹp về tình người không biên giới từ những năm tháng không thể nào quên đó. Còn nhớ khi vừa chân ướt chân ráo đặt chân lên mảnh đất thành phố Teplice, tôi đã bị ốm và phải vào nằm viện tại Ustí nad Labem. Nửa tiếng Séc bẻ đôi không biết; lại trong tâm trạng mới xa quê hương, nay thêm xa anh em sinh viên Việt nam, tôi vừa buồn vừa lo. Nhưng chính những ngày trải nghiệm đầu tiên ấy đã cho tôi cơ hội để cảm nhận và hưởng thụ đầy đủ sự yêu thương, tinh thần trách nhiệm, sự tận tình của các bác sĩ, y tá Tiệp Khắc; sự quan tâm chăm sóc của các thầy dạy tiếng và của anh em đơn vị học tiếng Việt nam ở Teplice. Một kỷ niệm nữa cũng rất khó quên. Đó là lúc tôi làm luận án tốt nghiệp, do sơ suất trong quá trình làm thí nghiệm nên bị a - xít bắn vào mắt. Đang là thời kỳ cao điểm của làm luận án mà tôi phải vào viện điều trị. Tôi đã được bệnh viên chữa trị, chăm sóc chu đáo; các bạn bè Séc cũng như Việt Nam quan tâm thăm hỏi. Thầy giáo hướng dẫn luận án tốt nghiệp động viên tôi: Em cứ yên tâm điều trị, thầy sẽ hết sức giúp đỡ để em hoàn thành luận án đúng thời hạn và thầy tin em sẽ bảo vệ xuất sắc. Những tình cảm đáng qúy đó mãi mãi ăn sâu vào trái tim tôi. Ân nghĩa của nhân dân và nhà nước Tiệp Khắc trước đây, nay là Cộng hòa Séc và Cộng hòa Slovakia đối với tôi - và tôi tin chắc với tất cả những người đã có nhiều năm tháng học tập, làm việc tại nước bạn, đã là hoặc chưa phải là hội viên Hội Hữu nghị Việt Nam - Séc đều thực sự rất sâu nặng. Tôi nghĩ trách nhiệm của chúng tôi là phải góp sức cùng vun đắp cho tình hữu nghị giửa nhân dân hai nước mãi mãi xanh tươi, bền vững.

Ông Đỗ Ngọc Việt Dũng, Ủy viên Ban thường vụ, Phó Tổng thư ký Trung ương hội, Giám đốc câu lạc bộ Bohemia kể lại một tấm lòng Việt - Séc. Trong số những chuyên gia Séc sang Việt Nam, tôi biết một người có con trai mới hai mươi tuổi không may bị đứt mạch máu ở tiểu não vì nhảy lên đánh đầu khi đá bóng. Sau cấp cứu, mổ bị liệt thần kinh, một mắt khâu hẹp lại vì không chớp được và bị mất thăng bằng, không tự đi lại. Hiểu được nỗi lòng của người cha Séc, tôi đã tìm đến các bác sĩ bên y học cổ truyền thì biết là có thể khắc phục và làm càng sớm càng tốt. Vì thế, tôi đã bàn với người cha mang cháu sang Việt Nam điều trị bằng châm cứu và thuốc đông y.

Ông Dũng kể, vào những năm 1997 - 1998, đồng lương chuyên gia của họ cũng ít ỏi lắm lại không tin tưởng vào phương pháp nên anh bạn tôi chần chừ. Tôi đã quyết là tài trợ vé máy bay và tìm một bác sĩ với giá rất hợp lý cho hai cha con sang Việt Nam, không chữa được thì cũng đi du lịch Việt Nam. Nói là làm, tôi bay sang Cộng hòa Séc mua vé trực tiếp đi cùng cháu sang Việt Nam. Những ngày đầu thật nan giải, ngôn ngữ bất đồng phải thường xuyên có phiên dịch. Nhìn hộp kim có cái dài đến 20 cm, châm khắp người, thuốc uống thì đắng, bài thể dục nặng, cháu rất sợ… Một tháng trôi qua chưa tiến triển gì, chúng tôi đều lo. Tôi xác định với anh bạn và bác sĩ là không có gì để mất, không thể xấu hơn được, cứ kiên trì theo phác đồ điều trị.

Rồi những ngày vui đã đến, hệ thống thần kinh có biểu hiện hoạt động trở lại. Bắt đầu là các co giật nhẹ trên mặt và trạng thái mất thăng bằng giảm. Cháu đã có thể tự đi lại. Sau 3 tháng, kết quả điều trị đã rõ ràng hơn. Chúng tôi mừng hơn khi nhận tin cháu về tới Séc an toàn và mong muốn điều trị tiếp. Có niềm tin, kết quả cụ thể, anh bạn Séc quyết định đưa cháu sang đợt hai. Kết quả lần sau còn mĩ mãn hơn nhiều. Ngoài việc đi lại ổn định, ném được cả quả bóng vào rổ, vết khâu trên mắt từ nhiều năm đã được cắt bỏ do mi mắt đã khép mở, hoạt động. Nhìn chàng trai trẻ đầy năng lượng sống hôm nay tôi cảm nhận được sự gắn bó sâu xa của tình Việt - Séc.

Nguồn tin: Báo Thời Đại


Xem tin theo ngày: