Ngày đăng: 03/05/2012 - 09:54:19
Bên thềm „Braník“ ven bờ Vltava – dòng sông trôi như một sự tình cờ?
Sáng nay, 30. 4. 2012 giở trang từ điển đang soạn dở để viết tiếp thì bắt gặp mục từ Braník, lòng tôi bỗng dưng xốn xang. Sẽ chẳng có gì phải bồi hồi nếu như ở khu vực Braník của Praha 4 không có một biệt thự đẹp trên một con phố nhỏ: số 8, Nad Kostelem, nơi đã từng là trụ sở của Đại sứ quán Cộng hòa miền Nam Việt Nam trong những năm 1972 – 1976. Ở nơi đó, một thanh niên mới ra trường là tôi đã bắt đầu bước vào nghề phiên dịch và đã có may mắn chứng kiến nỗi vui mừng „khôn xiết“ của ngày 30.4.1975, ngày giải phóng miền Nam. Tôi muốn để chữ „khôn xiết“ trong ngoặc để chỉ đúng tâm trạng lúc bấy giờ, vì sau này niềm vui ấy dường như cũng đã nhạt phai ít nhiều.http://www.secviet.cz
Chiều, lấy xe đạp xuyên qua cánh rừng Kunratice xuống bờ sông Vltava rồi leo ngược lên đồi tìm lại ngôi nhà xưa. Đã bao năm trôi qua nhưng cảnh vật nơi đây hầu như không thay đổi. Ngôi biệt thự trên đồi cao vẫn y nguyên như thế, chỉ khác lá cờ hai màu xanh đỏ của Cộng hòa miền Nam Việt Nam một thời tung bay trên ngọn cột cờ ở khu vườn trước mặt nay thay bằng lá cờ vầng trăng. Bây giờ ở đó là trụ sở của Đại sứ quán Tuynidi. Một người phụ nữ da ngăm đen mở cổng mỉm cười: „Ông có cần gì không?“. „Dạ thưa, không. Đây là nơi tôi đã ở và làm việc gần 40 năm trước“. „Vậy ông có muốn vào thăm không?“. „Dạ, tôi không dám làm phiền, chỉ xin bà cho tôi được đứng ngắm mảnh vườn này và chụp vài kiểu ảnh. Ngày này cách đây 37 năm ở nơi đây đã là một ngày trọng đại. Đại sứ quán miền Nam Việt Nam chúng tôi đã đón ngày vui giải phóng Sài Gòn chính ở trong tòa nhà này“. „Thế ạ? Xin mời ông cứ tự nhiên“.
Ngôi biệt thự bé nhỏ này đã từng là có những buổi đón tiếp các vị lãnh đạo cao nhất của Việt Nam lúc bấy giờ là Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng trong các chuyến viếng thăm chính thức Tiệp Khắc của các đoàn Đảng, Quốc hội và Chính phủ VNDCCH sau Hiệp định Paris 1973. Sau ngày miền nam giải phóng, Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam, luật sư Nguyễn Hữu Thọ sang thăm chính thức Tiệp Khắc với tư cách nguyên thủ quốc gia và cũng đã ghé qua đây thăm Đại sứ quán. Nhiều đoàn anh hùng, dũng sĩ miền nam được Công đoàn bạn mời sang chữa bệnh hoặc lên Karlovy Vary nghỉ điều dưỡng, sau vài tuần lễ về qua đây ăn bữa cơm chia tay rồi lại lên đường về nước để ra chiến trường. Giá như nơi đây có được một tấm biển nhỏ bằng đồng ghi lại những kỉ niệm ấy! Nó xứng đáng là một bảo tàng nhỏ của nước Việt Nam.
Lượn xe xuống ven sông, ngồi trên thảm cỏ ngắm dòng nước trôi dưới chân cầu và nhìn sang phía bên kia sông có khu đồi Barrandov với các phim trường nổi tiếng nhất châu Âu, lòng tôi buồn man mác. Trời vẫn trong xanh và nước vẫn dịu dàng như ngày nào năm xưa. Những lứa đôi đang vui đùa kia ngày ấy chưa ra đời. Mình cũng đã có một thời trẻ trung như họ, nhưng không có được cái hồn nhiên phơi phới của họ bây giờ.
Hè 1972, tôi ra trường. Mặc dù là sinh viên miền bắc mới tốt nghiệp đại học kĩ thuật nhưng tôi vẫn được gọi làm cán bộ phiên dịch cho Đai sứ quán miền Nam – ĐSQ của Chính phủ Cách mạng lâm thời CH miền Nam Việt Nam.
Những ngày cuối năm 1974 chưa ai trong hai Đại sứ quán của Việt Nam biết được thời thế đang chuyển vần nhanh như vậy. Cái tết năm ấy vẫn bình thường. Ở các cuộc giao ban, anh Dương Đức Hà, đại sứ miền bắc và chị Phan Minh Hiền, đại sứ miền nam vẫn nhắc đến chỉ đạo ở nhà là Đại sứ quán miền Nam cần nhanh chóng chuẩn bị điều kiện cho khả năng sẽ có một Đại sứ quán của miền nam hòa hợp hòa giải, tức là sẽ có sự tham gia của đại diện chính quyền Sài Gòn phía bên kia. Nhưng những ngày đầu năm 1975 tình hình diễn biến vô cùng nhanh. Tin tức thắng trận dồn dập đưa sang. Bản bulletin in rônêô do Đại sứ quán miền Nam biên dịch sang tiếng Séc và tôi được phân công vẽ bản đồ phải thay đổi liên tục, chưa kịp tô xong vùng giải phóng này đã lại tô thêm vùng giải phóng mới. Đại sứ bảo: cháu cứ tô dôi ra một chút cũng không sao, vài ngày nữa có lẽ chúng ta chiếm được vùng ấy rồi.
Mãi tới chiều 30.4.1975, Đại sứ miền bắc mới gọi điện sang: „Nhà“ báo tin chính thức: Sài gòn đã hoàn toàn giải phóng. Không khí như vỡ òa. Ngày ấy kĩ thuật thông tin còn đơn giản, tất cả chỉ ngóng chờ vào tin của bộ phận cơ yếu qua máy đánh tạch tè.
Thời ấy có những tiếng lóng mà cán bộ Đại sứ quán hay dùng như „phòng hạnh phúc“ để chỉ phòng họp mật, được cách âm và rà soát kĩ các thiết bị nghe trộm, „chị Hai“ để chỉ giao thông ngoại giao, những người đặc quyền không bị khám xét vì mang tài liệu ngoại giao cơ mật đi qua các nước. Hai ông anh phe ta thì gọi là ông „tai voi“ và ông „mì chính“ vì một ông có quạt tai voi rất được ưa chuộng còn ông kia có mì chính tuyệt hảo, hai thứ hàng tiêu dùng chiến lược lúc bấy giờ của người miền bắc. Ông tai voi thì còn khách khí, chứ ông mì chính thì thân thiết như người nhà. Lần nào sứ quán Việt Nam tổ chức chiêu đãi họ cũng là những người đến sớm nhất và ra về sau cùng với câu nói muôn thủa „chiến thắng của các đồng chí là chiến thắng chung của chúng ta“. Đại sứ quán của ông mì chính nằm trong một khuôn viên rất rộng, mọi công trình xây dựng trong đó đều do thợ từ chính quốc sang thi công để giữ bí mật. Thế mà hàng năm họ đều mời tất cả cán bộ nhân viên của hai Đại sứ quán Việt Nam sang dinh thự của họ để dự chiêu đãi và vui chơi cả ngày, cùng nhau ca hát, chơi bóng bàn, thi bóng chuyền. Thân lắm.
Thế mà sau chiến thắng 30. 4 khoảng một tuần ông tai voi mới đến chúc mừng, còn ông mì chính thì nhạt, hình như hơn nửa tháng sau họ mới „xin có lời chúc mừng nồng nhiệt nhất“. Mình thì vẫn cứ tưởng rằng „của chung nhân loại chiến công này“ (Tố Hữu).
Những người bạn Tiệp thì bao giờ cũng chân thành. „Hôm nay chúng tôi đi lao động thứ bảy cộng sản là để ủng hộ Việt Nam đấy. Ủng hộ Việt Nam thì đi ngay chứ ủng hộ Ả Rập thì chẳng đi!“. Thời ấy ở Tiệp Khắc cũ (tức là cả nước Séc và Xlôvakia bây giờ) chỉ có khoảng chưa tròn một nghìn sinh viên và thực tập sinh Việt Nam. Những ai đã từng ở Tiệp Khắc dạo ấy chắc còn nhớ thời tiết trong những ngày tháng 5 năm 1975 cũng đẹp và ngập tràn nắng ấm như năm nay. Thanh niên Việt Nam được nhân dân nước bạn rất yêu quý. Sau chiến thắng không những chỉ có cán bộ hai Đại sứ quán Việt Nam bận rộn mà ở tất cả các thành phố trên khắp đất nước Tiệp Khắc thanh niên sinh viên Việt Nam đều được mời dự họp mặt chúc mừng. Sau này nghĩ lại, có lẽ là người dân Tiệp chúc mừng ta thoát khỏi chiến tranh chứ không phải vì chiến thắng chiến tranh. Các chi đoàn thanh niên Tiệp tổ chức dạ hội, có những cô gái Tiệp không được nam thanh niên Việt Nam mời nhẩy thì ngồi khóc. Họ có biết đâu rằng „quân ta không dám“ vì „chạm vào em thì anh cũng ra đi“.
Thế là đã 42 năm kể từ ngày lần đầu tiên tôi đặt chân đến Praha để vào học đại học. Ngày ấy làm sao nghĩ được rằng bao nhiêu năm sau mình lại vẫn ngồi đây?. Đất nước này vừa quen vừa lạ, vẫn hiền hòa êm dịu như giai điệu và ca từ của bài quốc ca: „Ở đâu quê hương tôi, quê hương tôi đâu? Tiếng nước chảy róc rách trên những cánh đồng cỏ mênh mông, rừng thông reo rì rầm qua các vách đá cheo leo và hoa xuân long lanh trong những vườn cây trái. Ôi Thiên đường trần gian! ...“. Đã trải qua bao thăng trầm nhưng người dân đất nước này vẫn thân thiện như vậy. Họ chia sẻ ngọt bùi cay đắng với mình, nhưng hình như mình chỉ biết dửng dưng, ngọt thì xin chia những đắng thì thôi. Năm 68 họ bị quân đội các nước bạn sang can thiệp, mình vẫn như người ngoài cuộc, thậm chí còn lên tiếng sớm nhất ủng hộ kẻ xâm lăng.
Đã có bao nhiêu nước lặng lẽ trôi đi dưới chân cầu Barradov kia. Ra trường đã 40 năm, lại nghĩ về nghề và nghiệp. Nghề có thể thay đổi nhưng nghiệp thì không. Hình như nghiệp là cái gì đó của kiếp trước và còn truyền đến kiếp sau? Cụ Nguyễn Du dậy: „Đã mang cái nghiệp vào thân / Thì đừng trách lẫn Trời gần Trời xa“. Mình thế là may lắm rồi, theo đuổi bao nhiêu nghề: ngoại giao, ngoại thương, kinh doanh, văn nghệ ... nhưng cuối cùng lại về với nghiệp dậy học và viết. Đi du lịch các nước thấy những người mang cái nghiệp đàn ca lại tự hỏi: tài ba như họ mà sao không được biểu diễn trong nhà hát mà phải ra vườn hoa? Chắc là cái nghiệp nó vậy. Đứng trên sân khấu cuộc đời, nếu được diễn đúng vai của cái nghiệp thì thành tài thành danh, bằng không thì cũng phải giỏi lấy một cái nghề để kiếm tiền. Như triết lí Đạo Phật, sắc sắc là đấy mà không không cũng là đấy. „Ngoảnh mặt nhìn cuộc đời, thời gian lặng lẽ trôi. Bại thành và được mất, bỗng chốc hóa hư không“. Khi sân khấu cuộc đời khép lại thì chỉ còn có nghiệp, lại trở về với con người thật của mình mà Tạo hóa đã ban cho. Mới trưa nay vị Đại sứ đương nhiệm gọi điện đến: “Thưa thầy, hôm nay là ngày lễ. Xin chúc mừng thầy và xin phép hôm nay nghỉ học.“. Ông học có lẽ vì yêu chữ, chứ không phải cần chữ. Ở cương vị đã từng làm cố vấn Chủ tịch nước như Ông, chỉ cần ới một tiếng là có muôn người thưa, chứ đâu phải đến tận nhà tầm sư học đạo? Ông học là vì con người thật của Ông như thế.
Điều quan trọng là phải có những người bạn chân thành. Như anh Ivo Vasiljev đã 50 năm nay vẫn gắn bó với Việt Nam. Tôi hân hạnh được quen Anh từ những ngày làm phiên dịch ở Đại sứ quán miền Nam. Dạo ấy Anh đã giúp chúng tôi nhiều lắm. Đã hơn một năm nay Anh và tôi ngày nào cũng dành 4 – 5 tiếng để cộng tác biên soạn từ điển, một „đại công trình dối già“ của hai anh em. Công trình này đòi hỏi tính kiên trì nhưng cũng mang đến cho chúng tôi nhiều niềm vui. Mỗi lần viết về một mục từ là mỗi lần lục tìm tài liệu công phu, tiếp cận với những thông tin phong phú về ngôn ngữ, văn học, lịch sử, địa lí và các kiến thức đa dạng của nhiều ngành nghề. Cứ biết thế đã, như dòng nước kia cứ lặng lẽ trôi, rồi sẽ đến năm nào, tháng nào đó cuốn từ điển mới sẽ được ra đời, chưa biết nó có được được công nhận là hữu ích hay không nhưng dẫu sao đấy cũng sẽ là một dấu ấn, một kỉ niệm không bao giờ quên.
Tôi đã viết thư cho Anh về dự thảo mục từ „Braník“. Anh đã sửa lại đôi chút và chúng tôi đã nhất trí viết mục từ ấy trong từ điển mới:
Braník đ., một vùng đất lịch sử nằm ở hữu ngạn sông Vltava, đối diện với khu Barrandov bên kia sông, ngày nay (2012) thuộc địa phận Praha 4. Vào thế kỉ 14 Braník thuộc quyền quản lí của hoàng hậu Séc và một số nhà thờ Praha, tiền thuế đánh từ các bè gỗ đưa về đây trên sông Vltava, theo quyết định của Hoàng đế Karel Đệ Tứ được huy động để nuôi các cha cố trong lâu đài Praha. Tại khu vực này, ngôi biệt thự số 8 trên phố Nad Kostelem đã một thời (1972 – 1976) là trụ sở của Đại sứ quán Cộng hòa Miền Nam Việt Nam (thuộc Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam). Sau năm 1976 ĐSQ miền Nam đã sát nhập với ĐSQ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trụ sở ở phố Holečková, Praha 5.
Chiều nay ngồi ở ven bờ Braník, bên dòng Vltava mà suy nghĩ mông lung. Lại nhớ câu hát của nhạc sĩ Nguyễn Nam „chỉ còn một mình anh ngồi hát với dòng sông“.
Ảnh chụp tại trụ sở Đại sứ quán Cộng hòa miền Nam Việt Nam ở số 8 phố Nad Kostelem, Braník, Praha 4 mùa hè 1974: Bà Nguyễn Thị Định và các anh hùng, dũng sĩ miền Nam với cán bộ nhân viên ĐSQ miền Nam và các em sinh viên. Người đứng bên phải bà Định là bà Phan Minh Hiền, Đại sứ miền Nam, người đứng bên trái là ông Dương Đức Hà, Đại sứ VNDCCH. Tác giả ngồi thứ hai từ trái qua.
Nguồn tin: www.secviet.cz
- TIỆC ÂM NHẠC GIỮA NHỮNG NGƯỜI BẠN II(20/08/2023 - 20:06:16)
- THÔNG BÁO HOẠT ĐỘNG MỪNG XUÂN QUÝ MÃO 2023(13/01/2023 - 09:02:03)
- Tin buồn(25/07/2020 - 00:00:00)
- Thông báo dừng thu nhận ủng hộ Việt Nam và CH Séc chống dịch bệnh Covid 19(26/03/2020 - 20:46:22)
- Thông báo về việc ủng hộ Việt Nam và CH. Séc chống dịch bệnh Covid 19(23/03/2020 - 00:00:00)
- THÔNG BÁO MỜI THAM DỰ TIỆC MỪNG XUÂN CANH TÝ 2020 VÀ GIẢI TENIS HỮU NGHỊ VIỆT-SÉC(15/01/2020 - 07:50:41)
- Thông báo triệu tập Đại biểu dự Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Hữu nghị Việt Nam - Séc lần thứ IV, nhiệm kỳ 2019 - 2024(06/06/2019 - 00:00:00)
- Thông báo chương trình hoạt động chào mừng Xuân Kỷ Hợi(28/01/2019 - 10:40:10)
- LIÊN HOAN PHIM SÉC – SLOVAKIA LẦN ĐẦU TIÊN TẠI VIỆT NAM(01/11/2018 - 00:00:00)
- Đại sứ quán Cộng hòa Séc thông báo về việc mở Trung tâm tiếp nhận hồ sơ xin thị thực ngắn hạn Schengen tại Hà Nội(08/10/2018 - 14:21:50)