Độc đáo Đêm hội Bánh Chưng tôn vinh văn hóa Việt tại Séc
Ngày đăng: 03/02/2019 - 14:45:02
Những ngày này bà con người Việt tại Cộng hòa Séc đều háo hức tổ chức Gặp mặt chào Xuân Kỷ Hợi nhân ngày Tết cổ truyền của dân tộc.
Không chỉ có bánh chưng, bà con còn có dịp mua hoa về cắm trong những ngày Tết.
Những ngày này bà con người Việt tại nhiều thành phố của Cộng hòa Séc đều háo hức tổ chức Gặp mặt chào Xuân Kỷ Hợi nhân ngày Tết cổ truyền của dân tộc. Khác với mọi nơi, bà con tại thành phố Most giáp nước láng giềng Đức lại tổ chức Đêm hội Bánh Chưng để tôn vinh một nét đẹp trong truyền thống văn hóa dân tộc mỗi khi Tết đến xuân về.
Tối mùng 1/2 (tức 27 Tết âm lịch), đông đảo bà con tại thành phố Most và các vùng phụ cận đã kéo nhau về Chùa Most mới được khánh thành gần đây và là Trung tâm văn hóa Phật giáo đầu tiên được công nhận tại Cộng hòa Séc để tham dự Đêm hội Bánh Chưng, một lễ hội truyền thống được chùa tổ chức hàng năm cho bà con tại thành phố dịp giáp Tết.
Tới đây, những người tham dự được đắm mình trong không khí lễ hội đầu xuân, được gặp gỡ giao lưu bạn bè, được thỏa thích ngắm, mua các loại hoa tại Chợ Hoa Xuân được tái hiện trong không gian của một vùng thôn quê, được xin chữ mong năm mới mang lại sức khỏe, hạnh phúc và tài lộc, và đặc biệt hơn là được mua chiếc bánh chưng dâng cúng tổ tiên ngày Tết.
Để có hơn 100 chiếc bánh chưng phục vụ bà con đêm lễ hội, quí thầy và bà con Phật tử đã tự tay chuẩn bị nguyên vật liệu, gói và luộc bánh trong suốt 24 giờ qua. Sống xa quê hơn 20 năm, anh Bùi Trọng Minh, một trong những người tham gia gói và luộc bánh, cho biết thật thú vị khi được sống lại khoảnh khắc mọi người ngồi gói bánh và trông chờ bánh chín trước đây.
Cứ mỗi dịp Tết đến Xuân về, nhà chùa lại tổ chức gói bánh chưng để mọi người nhớ lại không khí Tết cổ truyền của người Việt Nam, bởi vậy nên mọi người rất háo hức quây quần cùng với nhau, gắn kết và nhớ lại truyền thống gói bánh chưng ở Việt Nam ngày Tết như thế nào.
Trong dòng chảy của cuộc sống bộn bề xa xứ, hầu hết các gia đình không có thời gian để gói bánh chưng nhân ngày Tết cổ truyền, và Đêm hội Bánh Chưng là dịp để bà con lựa chọn cho mình những chiếc bánh chưng xanh, vuông vắn nhất để dâng cúng tổ tiên.
Cầm trên tay cặp bánh chưng xanh vừa lựa chọn, chị Bùi Thị Khương hồ hởi chia sẻ: "Hôm nay tôi được biết có Lễ hội bánh chưng nên dù công việc bận rộn tôi vẫn thu xếp công việc để về tham dự trước hết là gặp mặt bạn bè, chị em, sau là mua cặp bánh chưng để bày lên mâm cỗ gia tiên. Tôi nghĩ mâm cỗ gia tiên không thể thiếu được chiếc bánh chưng ngày Tết nên dù có bận đến mấy tôi cũng gác lại để về tham dự và mua cặp bánh chưng này".
Hòa vào dòng người tham dự Đêm hội còn có rất nhiều bạn trẻ thế hệ thứ hai thứ ba người Việt Nam đang sinh sống và học tập tại đây. Không có điều kiện về quê ăn Tết, đây là dịp để họ gặp gỡ giao lưu, sống trong không khí lễ hội của mùa xuân và cùng tìm hiểu về sự tích bánh chưng, bánh dày ngày Tết.
Đây cũng là tâm sự của em Lưu Danh Tiệp đã có 20 năm sống xa quê. "Sinh ra mới được 11 tháng, em đã phải sang bên này, và kể từ đó chưa bao giờ em được ăn Tết ở Việt Nam, vì vậy đây là dịp rất tốt để em tiếp cận phong tục Việt Nam. Em đã từng đọc sách biết về sự tích bánh chưng, bánh dày ngày Tết, nhưng đến đây thì em mới thực sự cảm nhận được không khí ngày Tết. Em nghĩ là những sự kiện như thế này nên tổ chức nhiều hơn vì em nghĩ có nhiều người Việt Nam như em chưa bao giờ về quê ăn Tết, nên lễ hội này sẽ cho họ cảm thấy Tết của mình quan trọng như thế nào".
Không chỉ có bà con người Việt mà một số người dân sở tại cũng háo hức tham gia Đêm hội Bánh Chưng. Với họ, người Việt luôn là những người láng giềng thân thiện, và văn hóa Việt vẫn là một ẩn số thú vị mà họ muốn tò mò khám phá.
Bà Natasa Proskova, một người dân thành phố Most, cho biết: "Tôi từng tiếp xúc và hỗ trợ các bạn Việt Nam hòa nhập tại đây được nhiều năm rồi, và tôi cũng nhiều lần tham dự các lễ hội văn hóa của các bạn, nhưng đến đây tôi lại được hiểu thêm về cách các bạn tổ chức chào đón năm mới, hoàn toàn khác với chúng tôi. Thật thú vị khi được sống trong không khí của mùa lễ hội, được mua hoa, xin lộc đầu năm, mua bánh trái ngày Tết trong một không gian thật đặc biệt. Tôi rất muốn tham dự những lần tiếp theo".
Đây là lần thứ 6 Chùa Most tổ chức Đêm hội Bánh Chưng cho bà con cộng đồng người Việt tại thành phố và các vùng phụ cận. Thày Thích Thông Đạt, trụ trì chùa, đồng thời là người khởi xướng Đêm hội Bánh Chưng 6 năm qua, cho biết việc tổ chức sự kiện không nằm ngoài mục đích kết nối cộng đồng.
Đêm hội Bánh Chưng là dịp để bà con hàn huyên bên nhau, ôn lại tích truyện bánh chưng bánh dày đời Vua Hùng thứ 18. Đây là một trong những nét đẹp trong văn hóa cội nguồn của dân tộc nên mục đích của tổ chức Đêm hộ Bánh Chưng không gì khác hơn là kết nối, khơi dậy văn hóa cội nguồn dân tộc trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam.
Đêm hội diễn ra đến khuya với nhiều điển tích về Trạng Lợn, sự tích bánh chưng bánh dày, các mẩu chuyện sum họp ngày Tết, các màn đố vui có thưởng, cùng các tiết mục văn nghệ mừng xuân./.
Nguồn tin: Hữu Bình-Văn Huy/VOV-Praha
Các tin khác:
- TIỆC ÂM NHẠC GIỮA NHỮNG NGƯỜI BẠN II(20/08/2023 - 20:06:16)
- THÔNG BÁO HOẠT ĐỘNG MỪNG XUÂN QUÝ MÃO 2023(13/01/2023 - 09:02:03)
- Tin buồn(25/07/2020 - 00:00:00)
- Thông báo dừng thu nhận ủng hộ Việt Nam và CH Séc chống dịch bệnh Covid 19(26/03/2020 - 20:46:22)
- Thông báo về việc ủng hộ Việt Nam và CH. Séc chống dịch bệnh Covid 19(23/03/2020 - 00:00:00)
- THÔNG BÁO MỜI THAM DỰ TIỆC MỪNG XUÂN CANH TÝ 2020 VÀ GIẢI TENIS HỮU NGHỊ VIỆT-SÉC(15/01/2020 - 07:50:41)
- Thông báo triệu tập Đại biểu dự Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Hữu nghị Việt Nam - Séc lần thứ IV, nhiệm kỳ 2019 - 2024(06/06/2019 - 00:00:00)
- Thông báo chương trình hoạt động chào mừng Xuân Kỷ Hợi(28/01/2019 - 10:40:10)
- LIÊN HOAN PHIM SÉC – SLOVAKIA LẦN ĐẦU TIÊN TẠI VIỆT NAM(01/11/2018 - 00:00:00)
- Đại sứ quán Cộng hòa Séc thông báo về việc mở Trung tâm tiếp nhận hồ sơ xin thị thực ngắn hạn Schengen tại Hà Nội(08/10/2018 - 14:21:50)