Thúc đẩy quan hệ hữu nghị, hợp tác Việt Nam-Séc hiệu quả, bền vững
Ngày đăng: 15/04/2019 - 16:07:34
Nhận lời mời của Thủ tướng Cộng hòa Séc Andrej Babis, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phu nhân cùng Đoàn cấp cao Việt Nam sẽ thăm chính thức Cộng hòa Séc từ ngày 16-18/4.
Hội thảo kinh tế Việt Nam-Cộng hòa Séc 2018. (Ảnh: Hồng Kỳ/TTXVN)
Quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp
Trải qua gần 70 năm chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao (ngày 2/2/1950-2/2/2020), mối quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Tiệp Khắc (cũ), nay là Cộng hòa Séc không ngừng được củng cố và phát triển.
Cộng hòa Séc luôn thực hiện chính sách phát triển quan hệ hợp tác với Việt Nam trên mọi lĩnh vực. Việt Nam luôn coi trọng phát triển quan hệ với các nước bạn bè truyền thống tại khu vực Trung-Đông Âu, trong đó Cộng hòa Séc là một trong những đối tác ưu tiên. Việc trao đổi đoàn các cấp, đặc biệt là các đoàn cấp cao giữa hai nước diễn ra thường xuyên.
Hai bên tiếp tục duy trì trao đổi hàng trăm đoàn các cấp, đặc biệt là các chuyến thăm Séc của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang (năm 2015), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân (tháng 4/2017); chuyến thăm Việt Nam cấp nhà nước Tổng thống Milos Zeman (tháng 6/2017), Chủ tịch Thượng Viện Séc Milan Stech (năm 2015 ), Phó chủ tịch Hạ viện Séc Filip Voijtec (trong các năm 2016, 2018).
Nhiều bộ ngành và địa phương của hai nước đã xây dựng quan hệ hợp tác cụ thể trên từng lĩnh vực thế mạnh của mình, ví dụ như các tỉnh Quảng Ninh-Karlovy Vary, Kiên Giang-Usty Nad Nabem vừa đã ký thỏa thuận hợp tác…
Hai bên duy trì thường kỳ các phiên họp của Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác kinh tế để triển khai các hoạt động hợp tác kinh tế hai nước, phiên thứ VI gần đây nhất diễn ra tại Hà Nội vào tháng 4/2018.
Ngày nay, Cộng hòa Séc đã trở thành quê hương thứ hai của hàng vạn công dân Việt Nam. Hiện nay, có hơn 65 nghìn người Việt Nam sinh sống tại Séc. Về cơ bản, chính quyền Séc tạo thuận lợi cho cộng đồng người Việt cư trú, kinh doanh theo pháp luật.
Ngày 3/7/2013, Chính phủ Séc đã quyết định bổ sung đại diện người Séc gốc Việt vào Hội đồng dân tộc thiểu số, qua đó công nhận sự tồn tại của người Séc gốc Việt như một dân tộc thiểu số tại Séc. Người Việt Nam tại Séc cần cù, chăm chỉ, từng ngày góp phần vào công cuộc phát triển đất nước Séc. Đây chính là những sợi dây gắn kết mối quan hệ hợp tác nhiều mặt Việt Nam-Séc.
Thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực
Là quốc gia có nền kinh tế phát triển mạnh và ổn định ở Đông Âu, vốn có sẵn những cơ sở công nghiệp từ thế kỷ 19, nền công nghiệp Séc có nhiều điều kiện thuận lợi phát triển.
Các ngành công nghiệp chính của nước này gồm sản xuất ôtô, luyện kim, khai mỏ, chế tạo máy, thiết bị điện tử, phương tiện giao thông, hóa dầu, xây dựng nhà máy nhiệt điện và thủy điện, sản xuất đầu máy xe lửa, xử lý môi trường, dệt may, hóa chất, dược phẩm, thiết bị y tế, chế biến thực phẩm, gốm sứ, bia và pha lê.
Năm 1998, Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác kinh tế - thương mại giữa hai nước được thành lập và năm 2001 đã họp khoá 3 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Sau khi Séc gia nhập Liên minh châu Âu, hai bên đã thành lập mới Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác kinh tế dựa trên Hiệp định Hợp tác kinh tế ký năm 2006.
Năm 2012, Cộng hòa Séc công bố Chiến lược xuất khẩu quốc gia 2012-2020, trong đó đưa Việt Nam vào danh sách 12 thị trường ưu tiên. Việt Nam là nước duy nhất trong ASEAN nằm trong danh sách này.
Trong những năm gần đây, tăng trưởng thương mại giữa hai nước còn ở mức khiêm tốn so với tiềm năng. Việt Nam xuất khẩu sang Séc các mặt hàng như: cà phê, hạt tiêu, hoa quả tươi - khô, lạc, chè, gạo, cao su, hải sản, giày dép, hàng dệt may, hàng thủ công mỹ nghệ, linh kiện vi tính…
Việt Nam nhập khẩu từ Séc hàng điện tử, máy móc, hóa chất, hàng may mặc, sợi dệt vải, hàng da, máy móc thiết bị, sữa và các sản phẩm từ sữa, dược phẩm, các sản phẩm cơ khí, chất dẻo, sản phẩm thủy tinh…
Năm 2018, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 36 trong số hơn 200 đối tác của Séc. Nếu tính riêng xuất khẩu, Việt Nam là nước xuất khẩu lớn thứ 28 vào Séc. Hiện nay, Việt Nam cũng là một trong 12 thị trường ưu tiên về thương mại của Séc.
Năm 2018, thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Cộng hòa Séc đạt 307 triệu USD. Đến nay, đã có 38 dự án của Séc đầu tư vào Việt Nam, đứng thứ 42 trong tổng số 101 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam, với tổng số vốn đăng ký 90 triệu USD.
Các dự án tập trung vào các các lĩnh vực bất động sản, bia, thiết bị điện, vật liệu xây dựng... Trong đó, các lĩnh vực hợp tác đầu tư có thế mạnh của Séc là năng lượng, đầu máy - toa xe lửa, xe buýt, tàu điện, máy nông nghiệp, thiết bị tưới tiêu.
Séc thường xuyên tham gia các Hội nghị quốc tế tài trợ cho Việt Nam và là nước Đông Âu đầu tiên liên tục cấp ODA cho Việt Nam.
Năm 1994 cấp 14 triệu USD hỗ trợ đào tạo và việc làm cho lao động Việt Nam ở Séc về nước; năm 1995 cấp 1,7 triệu USD để xây dựng Trung tâm chỉnh hình cho trẻ em tàn tật ở Bắc Thái (đi vào hoạt động từ 5/1999); tiếp tục trợ giúp hiện đại hoá Bệnh viện Việt - Tiệp tại Hải Phòng (800 ngàn USD), Trung tâm đào tạo kỹ thuật giày da ở Hải phòng (700 ngàn USD).
Năm 2003, Chính phủ Séc viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam 700 ngàn USD để thực hiện dự án chế biến phân vi sinh tại Hải Dương. Năm 2007, Séc viện trợ cho Việt Nam 2,1 triệu USD và năm 2008 cam kết viện trợ 2,8 triệu USD, tập trung vào các lĩnh vực y tế và môi trường. Từ năm 2013, Séc không xếp Việt Nam vào danh sách các nước nhận viện trợ phát triển ODA do sự tiến bộ phát triển kinh tế của Việt Nam trong những năm gần đây.
Đến nay, hai nước đã ký hiệp định khung về: Tránh đánh thuế trùng; hợp tác kinh tế; khuyến khích và bảo hộ đầu tư; nhận trở lại công dân hai nước; Nghị định thư hợp tác giữa hai Bộ Ngoại giao; hợp tác trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục, khoa học, thanh niên và thể thao; chuyển giao người bị kết án phạt tù; hợp tác phòng, chống tội phạm…
Là thành viên của Liên minh châu Âu (EU), Cộng hòa Séc luôn coi Việt Nam là đối tác thương mại truyền thống và tiềm năng, là cầu nối để xuất khẩu sản phẩm của nước này sang thị trường Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
Chuyến thăm chính thức Cộng hòa Séc của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc lần này làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hữu nghị; tạo thêm động lực mạnh mẽ đưa hợp tác Việt Nam-Cộng hòa Séc lên một tầm cao mới, hiệu quả, bền vững, tương xứng với tiềm năng và thế mạnh của mỗi bên.
Chuyến thăm cũng là dịp để hai bên trao đổi các biện pháp thúc đẩy hợp tác song phương trên các lĩnh vực, đặc biệt là về kinh tế, thương mại, đầu tư, giáo dục-đào tạo, xuất khẩu lao động; đồng thời trao đổi về các vấn đề khu vực, quốc tế cùng quan tâm…/.
Nguồn tin: Thu Phương (TTXVN/Vietnam+)
Các tin khác:
- TIỆC ÂM NHẠC GIỮA NHỮNG NGƯỜI BẠN II(20/08/2023 - 20:06:16)
- THÔNG BÁO HOẠT ĐỘNG MỪNG XUÂN QUÝ MÃO 2023(13/01/2023 - 09:02:03)
- Tin buồn(25/07/2020 - 00:00:00)
- Thông báo dừng thu nhận ủng hộ Việt Nam và CH Séc chống dịch bệnh Covid 19(26/03/2020 - 20:46:22)
- Thông báo về việc ủng hộ Việt Nam và CH. Séc chống dịch bệnh Covid 19(23/03/2020 - 00:00:00)
- THÔNG BÁO MỜI THAM DỰ TIỆC MỪNG XUÂN CANH TÝ 2020 VÀ GIẢI TENIS HỮU NGHỊ VIỆT-SÉC(15/01/2020 - 07:50:41)
- Thông báo triệu tập Đại biểu dự Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Hữu nghị Việt Nam - Séc lần thứ IV, nhiệm kỳ 2019 - 2024(06/06/2019 - 00:00:00)
- Thông báo chương trình hoạt động chào mừng Xuân Kỷ Hợi(28/01/2019 - 10:40:10)
- LIÊN HOAN PHIM SÉC – SLOVAKIA LẦN ĐẦU TIÊN TẠI VIỆT NAM(01/11/2018 - 00:00:00)
- Đại sứ quán Cộng hòa Séc thông báo về việc mở Trung tâm tiếp nhận hồ sơ xin thị thực ngắn hạn Schengen tại Hà Nội(08/10/2018 - 14:21:50)