Về Đại từ điển Giáo khoa Séc – Việt của TS. Ivo Vasiljev và KS. Nguyễn Quyết Tiến
Ngày đăng: 26/09/2019 - 00:00:00
BBT: GS. TSKH František Čermák là nhà từ điển học nổi tiếng của CH Séc. Ông đã soạn và chỉ đạo biên soạn hàng chục bộ từ điển, kể cả từ điển Séc-Lào. Ông rất có uy tín trong giới học giả và các bài bình về từ điển của ông rất có giá trị, gây chú ý lớn khi đăng trong các tạp chí khoa học - ngôn ngữ học ở Séc và thế giới. Sinh thời, anh Ivo Vasiljev rất nể phục Gs. František Čermák. Khi GS. Čermák viết bài bình cho tập 1, anh Ivo đã gọi điện ngay cho đồng tác giả KS. Nguyễn Quyết Tiến và đã nói"Trời giáng phúc". Cũng nhờ bài bình đó mà Who is who ... Thuỵ sỹ biết đến hai đồng tác giả Đại từ điển Giáo khoa Séc – Việt và năm 2014 đã công nhận TS. Ivo Vasiljev và KS. Nguyễn Quyết Tiến là danh nhân văn hoá tại CH Séc và in tiểu sử hai tác giả trong Bách khoa danh nhân. Lần này GS. Čermák đã viết rất công phu về Đại Từ Điển Giáo khoa Séc – Việt. Ban biên tập xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc bài bình rất tuyệt vời này của GS. Čermák.
KS. Nguyễn Quyết Tiến và GS.TSKH. František Čermák
1. Lời dẫn
Hiển nhiên ai cũng biết rằng từ điển làm chức năng như một cây cầu giao lưu cho hai ngôn ngữ, hai nền văn hoá khác nhau, làm cho con người xích lại gần nhau và hiểu nhau hơn. Đó là cây cầu ngôn ngữ và văn hóa giữa hai thực thể nhân loại. Soạn thảo từ điển như xây dựng một cây cầu song ngữ, cây cầu phải có hai chiều, từ ngôn ngữ thứ nhất sang ngôn ngữ thứ hai và ngược lại. Làm chiều nào trước là điều cần cân nhắc kĩ khi bắt tay vào biên soạn, ở đây ta thấy điều cần thiết là phải nhắm tới là nhu cầu nào lớn hơn của cộng đồng đông đảo người Việt sinh sống ở CH Séc. Lí tưởng là làm cả hai từ điển cho hai chiều, nhưng cần thiết là phải ưu tiên làm chiều từ điển Séc -Việt trước, sau đó sẽ làm từ điển chiều ngược lại là Việt - Séc. Một điều cần cân nhắc nữa khi quyết định biên soạn là quy mô của từ điển như thế nào để phù hợp với nhu cầu ngôn ngữ to lớn của một cộng đồng rất thành đạt đang phát triển là cộng đồng dân tộc thiểu số Việt Nam tại Cộng hoà Séc: đó phải là một bộ từ điển lớn (gọi chưa hết ý là) từ điển dịch thuật, một loại từ điển mà ở nước ta mới chỉ phổ biến đối với những ngôn ngữ lớn. Như vậy tác phẩm lớn này của hai nhà ngôn ngữ Ivo Vasiljev và Nguyễn Quyết Tiến: Đại từ điển Giáo khoa Séc-Việt / Velký učební česko-vietnamský slovník (sau đây gọi tắt là „Từ điển“) đúng là một sự dấn thân, bởi vì một công trình đồ sộ như thế mà không có sự đảm bảo về tài chính của một cơ quan nào thì đó là việc không thể hình dung nổi. Nhưng đã hình dung ra và đã có thể rồi, dù rằng đã phải trả giá.
2. Đội ngũ biên soạn
Quyết định cuối cùng đã được ấn định vào đầu năm 2012, khi hai tác giả, một người Séc là nhà ngôn ngữ học Ivo Vasiljev và một người Việt Nam sống ở Praha là kĩ nghệ gia Nguyễn Quyết Tiến đã giao ước cộng tác chặt chẽ với nhau theo một lịch trình. Nếu chúng ta xét đến quy mô vô cùng to lớn của bộ Từ điển 6 tập mới ra mắt (mà soạn giả Ivo Vasiljev đã không thể đi đến tập cuối cùng vì ông đã về cõi vĩnh hằng), chỉ còn một mình soạn giả Nguyễn Quyết Tiến theo đuổi đến cùng, thì thấy rằng khối lượng dữ liệu thông tin đồ sộ từ năm 2013 (tập 1) cho tới năm 2019 (tập 6) đã gây cho chúng ta sự ngạc nhiên đáng khâm phục, nhất là nhìn vào tính chuyên môn hoàn hảo của nó.
Hai tác giả đã giao ước soạn thảo 45 mục từ mỗi ngày, treo trình tự thư mục ABC và thường xuyên trao đổi thảo luận chặt chẽ với nhau (phần đóng góp của Ivo Vasiljev với vai trò đồng tác giả cho tới tập 4 chắc chắn chỉ là một phần), gánh nặng chính hoàn thành bộ từ điển này hoàn toàn đặt lên vai đồng tác giả người Việt, một người rất am hiểu tiếng Séc và là một dịch giả dày dặn kinh nghiệm. Cả hai tác giả dù tuổi đời không còn trẻ nhưng bằng nhiệt huyết trẻ trung đã dốc sức làm lên tác phẩm để đời. Trái với các tác phẩm khác được ra đời nhờ sự tài trợ hậu hĩnh thì tác phẩm này (theo lối nói dân dã là „không ai đỡ đầu, chẳng ai trả tiền và cũng chẳng ai đánh đòn“) chỉ dựa hoàn toàn vào tâm huyết với nỗ lực của chính mình (có được trợ giúp tài chính nhưng chỉ là phụ), thì phải đánh giá là rất đáng kính nể (trong quá trình làm việc họ cũng đã tìm được sự trợ giúp của những người khác, trong đó có bà Iva Klinderová).
Với nỗ lực để đạt được kết quả tối ưu, thì như soạn giả Ivo Vasiljev có lần đã cho biết ngay khi bắt đầu công trình, khi hai người cùng bắt tay cộng tác là: chính ông Tiến là người trước tiên nêu dự thảo và dịch các mục từ sang tiếng Việt rồi gửi bản thảo đó cho đồng nghiệp của mình là ông Ivo để đọc, chỉnh sửa rồi gửi ngược lại cho ông Tiến. Bằng cách trao đổi thường xuyên như thế họ đã gọt giũa, chỉnh sửa dần từng mục từ cho thật đúng, thật chuẩn. „Chúng tôi muốn đạt được kết quả với chất lượng tối ưu, chừng nào chưa nhất trí thì còn bàn luận với nhau cho hoàn toàn ưng ý mới thôi, thường thì chúng tôi liên hệ trao đổi với nhau bằng tiếng Việt“ (Lời Ivo).
Nếu muốn tìm kiếm một Từ điển tiếng Séc thích hợp làm nền tảng tham chiếu, tức là một từ điển có thể đáp ứng cả về số lượng thông tin và nội dung phong phú đủ để giúp ích cho công việc biên soạn của các tác giả thì hiện nay không có từ điển nào như vậy (tức là không có từ điển nào có thể làm bằng cho việc biên soạn từ điển khác), cho nên điều hiển nhiên là để có được 120 nghìn mục từ cho từ điển của mình thì các tác giả phải tự cân nhắc lựa chọn, một phần là dựa vào tập hợp từ vựng cơ bản và tuyển tập từ vựng quốc gia Séc, nhưng phần chủ yếu các mục từ họ phải chọn lựa từ nhiều nguồn khác nhau để đáp ứng tính thiết thực sinh động của ngôn ngữ trong đời sống. Người đồng hành trợ giúp lớn, có tính hệ thống là Tuyển tập từ vựng quốc gia Séc. Nó không những chỉ giúp phân biệt định tính các từ mục khác nhau mà còn là một tập hợp vô giá các kiến thức phong phú được dùng cho các ngữ cảnh khác nhau, tức là kiến thức và ngữ nghĩa của các từ mục đó. Việc xử lí tiếp theo là tác giả phải dựa vào kinh nghiệm và trình độ học vấn sâu sắc của mình để diễn giải ngữ nghĩa sang tiếng Việt cho tương xứng với những ngữ cảnh trong các câu tiếng Séc. Trên cơ sở đó, xét tới tính chất được nêu trong tuyển tập từ và xét cả về tính hữu sinh hoặc vô sinh của danh từ, tính hợp cách trong ngữ pháp mà tác giả chuyển về các dạng chủ cách, dạng nguyên mẫu v.v. để sắp xếp trong các mục từ. Không như những công việc nặng nhọc trong các lĩnh vực khác, ở đây người soạn thảo từ điển phải lao tâm khổ tứ trong lao động trí tuệ, tự giam mình trong kỉ luật gò bó để có thể theo đuổi mục tiêu đặt ra là soạn 45 mục từ mỗi ngày. Một điều rất quan trọng nữa là trong quá trình biên soạn người soạn thảo phải phân tích nhận dạng nguyên gốc của những từ có nhiều biến hình theo ngữ pháp (thường là định ngữ thành phần câu) để giải thích rõ và thật dễ hiểu cho đúng tính „giáo khoa“ của từ điển rồi chọn lựa các câu ví dụ sinh động và hợp lí để minh hoạ.
Hoàn cảnh cơ bản trong việc soạn thảo những bộ (đại) từ điển được tổ chức bảo lãnh là „hậu trường“ của các tác giả. Thường thì (bằng cách nào đó) các tác giả có được một tổ chức bảo lãnh để tập trung vào chuyên môn, phát huy hiểu biết và học vấn. Tuy nhiên trong trường hợp bộ Từ điển này thì không có một cơ quan tổ chức nào đứng sau lưng và các tác giả tự nguyện ở đây là những nhà nghiên cứu ngôn ngữ chuyên nghiệp, dày dạn kinh nghiệm trong nhiều năm nghiên cứu ngôn ngữ và tích luỹ kiến thức, họ không có một sự bảo lãnh trước nào về tài chính để thực hiện mục tiêu, nhưng họ thấy cần phải viết và biên soạn từ điển.
3. Diện mạo của bộ Từ điển
Định hướng cơ bản của bộ Từ điển này là không chỉ phản ánh các vấn đề chuyên môn hạn hẹp, đơn thuần về từ ngữ, mà còn mang tính thực tiễn (như tên gọi của nó là từ điển „giáo khoa“), nói rộng ra là từ điển văn hóa hoặc bách khoa toàn thư. Ở đây không đơn thuần là từ điển chuẩn song ngữ mà hơn thế, nó là từ điển dịch thuật. Định hướng này đã được nêu trong bài phê bình từ điển tập 1 (Čermák F. : Ivo Vasiljev - Nguyễn Quyết Tiến: Đại từ điển Giáo khoa Séc-Việt/ Velký učební česko-vietnamský slovník, 1. díl A–G. Sokolov: Fornica Graphics, SaS 75, 2013. 640 s.). Từ điển cũng đã được nhận giải thưởng của Hội đồng phiên dịch toàn quốc Cộng hoà Séc. Bộ Từ điển này ra đời như một dòng chảy chuyển thể ngôn ngữ Séc sang ngôn ngữ Việt để đáp ứng nhu cầu thiết yếu của những người nói tiếng Việt. Nhằm mục đích đó, các vấn đề ngữ pháp cơ bản của tiếng Séc như cách chia động từ, loại từ và giống, sự biến cách, cách sử dụng từ ở thể hoàn và chưa hoàn, các chỉ dẫn tham khảo ở mục từ khác được nêu chi tiết tuỳ mức độ cần thiết ở từng mục từ.
Các từ tương xứng trong tiếng Việt, nếu không phải là dạng hình thái học (tức là ý nghĩa phụ thuộc vào thanh điệu, các phụ tố và trật tự từ) thì có vẻ „đơn giản hơn“. Trong tiếng Việt các từ thường là đơn âm và không đánh trọng âm. Ngoài các âm mà người nói tiếng Séc gần như ai cũng biết thì cách phát âm các từ tiếng Việt nói chung là gần gũi với chữ viết (trừ một vài trường hợp, ví dụ như tr = č). Tuy nhiên điểm rất khác của tiếng Việt so với tiếng Séc là với 6 thanh âm khác nhau thì mỗi từ cho ý nghĩa rất khác nhau, theo quy định ngữ pháp truyền thống, thanh âm được đánh dấu trên các nguyên âm chính. Đó không phải là dấu mềm hoặc dấu trường độ âm như chúng ta đã quen trong tiếng Séc mà là các âm bằng, cao giọng, trầm xuống, trầm vừa v.v. Khác với sự cần thiết giải thích ngữ pháp tiếng Séc (có cả một phụ lục biên soạn khá công phu) thì phần giải thích ngữ pháp tiếng Việt chưa đề cập đến trong Từ điển này, nó được xem như mặc nhiên.
Mục từ trong Từ điển, nếu là từ cần phải nhận biết ngay là từ đồng âm khác nghĩa thường gặp thì nó được phân biệt với những mục từ „hao hao giống“ bằng các dấu kí hiệu, trong đó ghi chú cả âm sắc của từ. Nếu một từ tiếng Séc có nhiều nghĩa thì các nghĩa được giải thích và sắp xếp trình tự. Hơn nữa, ở những từ có hai hình thái theo hệ tiếng Séc thì cũng được nêu đầy đủ, ví dụ như bruslař và bruslařka (người trượt băng nam/ nữ) hoặc brutální và brutálně (tàn nhẫn, tàn bạo, dạng tính từ/ trạng từ). Ở tiếng Việt không có lối tạo danh từ giống cái từ danh từ giống đực mà chỉ có một từ tương đương.
Từ mục được in đậm và thường là có một từ, ngay sau nó là kí hiệu từ loại; tuy nhiên cũng có những mục từ được viết hai, ba từ ở dạng thể khác nhau. Ở nhiều mục từ, tuỳ theo mức độ cần thiết còn ghi chú cách phát âm đặc biệt hoặc chú dẫn xem thêm các từ có liên quan được nêu ở mục từ khác, ví dụ như brát và vzít. Tùy theo nhu cầu (không phải là tất cả) một số mục từ còn có chú dẫn cách phát âm bất bình thường, hoặc lối biến hình đặc biệt, ví dụ như từ den hoặc brát, tương tự như thế cũng có những ghi chú đối với các cấu trúc văn phong đặc biệt.
Những ngữ nghĩa của mỗi mục từ tiếng Séc được đánh số, trường hợp có nhiều cách dùng thì được chỉ dẫn trong ngoặc đơn, ví dụ từ dívat se được viết như sau: dív|at se chh., (~; na koho, co, po kom, čem; za kým, čím; do čeho), và trong trường hợp nó là động từ thì nêu cả hai thể tương ứng (với mục từ dívat se này là podívat se). Với những từ tiếng Việt có nhiều cách dùng tương đương (khi cần có ghi số), sau dấu hai chấm là ví dụ câu tiếng Séc in nghiêng và câu dịch sang tiếng Việt in đứng (ví dụ: 1. xem, nhìn, ngắm: dívat/ podívat se do zrcadla ngắm vào gương). Với những từ mục từ có những cách hiểu nước đôi, không rõ rệt (polysémní hesla) có ghi thêm các chú giải về ngữ nghĩa để độc giả Séc và Việt dễ tiếp cận với từ tương đương của nó đã dẫn chiếu. Dấu sổ thẳng | dùng để tách phần đuôi từ có biến hình.
Nghĩa tương đương trong tiếng Việt được ghi sau dấu hai chấm, tiếp theo là câu ví dụ (kể cả nhóm từ, cách nói, câu nói, thành ngữ); các nghĩa được đánh số, sau đó tùy theo sự cần thiết có ghi thêm chú giải ngữ nghĩa.
Về nội dung, Từ điển này còn đặc biệt ở tính bách khoa thư của nó (biểu hiện ở việc ngoài những mục từ cơ bản đã ổn định, không còn những biến động hoặc thay đổi về cách hiểu, còn có hàng loạt mục từ đề cập đến những khái niệm không hề dễ). Ngoài những mục từ trung tính và cơ bản trong ngôn ngữ còn có rất nhiều mục từ giới thiệu những vấn đề về lịch sử hoặc đương thời như: Nhà máy giầy Baťa; tên thủ đô Jakarta của Inđônêxia thời thuộc Hà Lan Batávie; đầu mối các tuyến đường sắt quan trọng Břeclav; Đế quốc Đông La Mã Byzanc; Thành Cát Tư Hãn Čingischán; quần đảo Hoàng Sa; Dàn nhạc giao hưởng Séc Česká filharmonie; nhân vật huyền thoại trong thơ ca trung cổ, có tượng ở đầu cầu Karlův most ở Praha Bruncvík; nhân vật huyền thoại thiên tài vạn năng người Séc Jára Cimrman; Vịnh Hạ Long Dračí zátoka; Karel Đệ Tứ Karel IV; Komenský vị Giám mục cuối cùng của Giáo phái Tin Lành Séc, nhà giáo dục học, triết gia, đại văn hào, nhà tư tưởng vĩ đại nhất châu Âu Jan Amos Komenský; Mnichov - Hiệp ước München; Ngày phán xét cuối cùng Soudný den; Ngày Giáng Sinh Štědrý den ...và rất nhiều mục từ khác nữa, nhằm đáp ứng nhu cầu dịch thuật và sử dụng hàng ngày của độc giả, nhất là những người Việt Nam (xem thêm những phân tích dưới đây).
Hơn thế nữa, trong Từ điển này còn đưa vào hàng loạt các thuật ngữ chuyên môn cơ bản của nhiều ngành có kèm ghi chú nguồn gốc của từ, ví dụ như dysfemismus (hiện tượng dùng các từ dữ dội thay cho các từ dễ chịu hoặc vừa phải); dysfunkce (y học: rối loạn chức năng); dyslektik (y học: người bị bệnh rối loạn chức năng đọc, không biết đọc); dyspepsie (bệnh rối loạn chức năng tiêu hóa, đối với trẻ đang bú là bệnh tiêu chảy); chất hoá học dysprosium; bệnh loạn trao đổi chất dystrofie; còn có những giải thích, ví dụ: cách viết tắt như cca, CD, Ce (xeri - nguyên tố hoá học, kí hiệu Ce), cé (chữ cái), DIČ [dič] daňové identifikační číslo số đăng kí danh bạ thuế, và còn nhiều ví dụ thiết thực không ngờ tới như entá, na entou (toán học: n lần, số mũ lũy thừa n, số căn bậc n, vân vân). Từ điển cũng không bỏ sót những từ mới như cash (thanh toán bằng tiền mặt, = hotovost), disketa (đĩa mềm trong máy vi tính), workoholik (người tham công tiếc việc, mê mải làm việc khó dừng lại được), xenofobie (sự bài ngoại, tính bài ngoại, chứng bài ngoại) và rất nhiều mục từ khác nữa.
4. Những nét đặc trưng của các mục từ và tính súc tích của Từ điển
Từ điển này bao hàm những vấn đề rộng lớn, không chỉ đơn thuần là loại từ điển dịch thuật (xem thêm điểm 3 trên đây) mà còn hơn thế nhiều: từ chỗ đưa ra những khái niệm cho đến những phần giải thích có tính giáo khoa về tri thức khoa học tạo điều kiện để người sử dụng Việt Nam (là mục tiêu hướng đến trước tiên của Từ điển này) có thể cảm nhận được cả những bối cảnh lịch sử, ngữ cảnh của các lối nói và thuật ngữ. Cách thức chọn lựa từ mục phong phú thoạt đầu đã gây nhiều ngạc nhiên, và điều đó đã trải dài đến hết toàn bộ từ điển, đó là bằng chứng rõ ràng cho thấy sự hoạch định ở đây đã được suy tính kĩ để làm nổi bật tính thiết thực của Từ điển.
Để hình dung cụ thể về tầm cỡ to lớn và tính sâu sắc của công việc biên tập Từ điển này chúng ta hãy lấy ví dụ về một mục từ có nghĩa rất rộng là hlava, trong Từ điển viết tới 109 dòng. Ở đây không chỉ cho thấy cái hay và phong phú về ngữ nghĩa (trong trích đoạn dưới đây chỉ nói về nghĩa đầu tiên), mà còn nêu ra cả thói quen sử dụng và khẩu ngữ, thành ngữ của mục từ:
hlav|a c., 1. (cơ thể) cái đầu (người, con vật): lidská h. đầu người; h. psa/ ryby/ motýla ... đầu con chó/ con cá/ con bướm ...; umýt si ~u gội đầu; dát čepici na ~u đội mũ lên đầu; mít/ nechat čepici na hlavě không bỏ mũ; o ~u vyšší cao hơn một cái đầu; sklonit ~u cúi đầu; otočit ~u quay đầu; kývat ~ou gật đầu; vrtět ~ou lắc đầu không đồng ý; hodit hlavou hất đầu ... ; bolí mě h. tôi bị đau đầu; točí se mi h. tôi bị choáng, chóng mặt; mít rozpálenou hlavu bị nóng đầu; bị sốt; umrlčí h. = umrlčí lebka hộp sọ, đầu lâu, hình ảnh, huy hiệu hình đầu lâu, ví dụ như của cảnh sát võ trang đặc biệt Đức Quốc xã, xem thêm SS; (nghb) dát hlavy dohromady cùng bàn luận với nhau; mít hlavu jako škopek/ jako věrtel (bị nặng đầu) = nghb: có nhiều điều lo lắng; stát na hlavě đứng bằng đầu kiểu „trồng cây chuối“; skočit do vody po hlavě nhẩy chúc đầu xuống nước; (bóng đá) ~ou đánh đầu; hvězdy nad ~ou những ngôi sao trên đầu; od ~y (až) k patě từ đầu đến chân; otlouci někomu práci o hlavu (nghb) không hài lòng với cách làm việc của ai đó, yêu cầu phải làm lại; 1b. (dân dã) = mái tóc: dát si dělat ~u làm đầu (tóc); mít ~u jako mléko/ stříbro/ padlý sníh có mái tóc bạc trắng; nosit v ~ě hřeben cài lược trên mái tóc; (vviết, nghb) slunce kloní ~u k horám mặt trời đang lặn, đang khuất núi; bít někoho h. nehlava đánh ai một cách dữ dội; utíkat h. nehlava mọi người bỏ chạy không suy nghĩ gì nữa; xem thêm (lóng = bedna, kebule, makovice, palice, tykev);...
Trong quá trình biên soạn bộ Từ điển, tập hợp và chọn lựa các mục từ các tác giả đã đặc biệt chú ý tới tính thiết thực, có thể xem là đã dung hòa giữa phương diện thuật ngữ và nghiên cứu. Từ điển mang tính vạn năng vì có thể phục vụ cho tất cả các trường lớp và các đối tượng, ngoại trừ các lớp phổ thông cơ sở thấp nhất. Các thuật ngữ chuyên môn, đặc biệt là về lĩnh vực kinh tế, tài chính, luật, y tế và các ngành khoa học tự nhiên khác là vô cùng bổ ích cho các sinh viên đại học.
5. Đánh giá tổng quát việc biên soạn bộ Từ điển:
Quá trình biên soạn bộ Từ điển này về cơ bản đã đảm bảo vấn đề cốt lõi nhất, nhưng việc tổ chức thực hiện lại rất gọn nhẹ mang lại hiệu quả đáng khâm phục. Tập đầu tiên từ vần A tới vần G với 586 trang (chỉ tính những trang in các mục từ) được xuất bản vào năm 2013; 3 tập tiếp theo được hoàn thành theo từng năm, mỗi một tập. Để hiểu được toàn bộ hoàn cảnh và những nhân tố khách quan ảnh hưởng đến sự ra đời của bộ Từ điển này cần đánh giá hết sự tận tuỵ hi sinh, đam mê công việc của các tác giả và cả những vấn đề khó khăn về sức khoẻ mà họ đã trải qua (mà đỉnh điểm là cái chết của đồng tác giả Ivo Vasiljev khi công trình chưa đến hồi kết). Việc quyết định của đồng tác giả Nguyễn Quyết Tiến bằng mọi giá biên soạn hết trọn bộ Từ điển quả thật rất đáng kính nể và khâm phục.
Khái quát quá trình ra đời bộ Từ điển như sau:
1. Tập 1 gồm các vần từ A đến G xuất bản năm 2013 với 634 trang;
2. Tập 2 gồm các vần H - Koník xuất bản năm 2014 có 693 trang, in 801 bản;
3. Tập 3 gồm các vần Koniklec – O xuất bản năm 2015 có 921 trang, in 801 bản;
4. Tập 4 gồm các vần P – Ř xuất bản năm 2016 với 797 trang, in 801 bản;
5. Tập 5 gồm các vần S – U xuất bản năm 2017 với 742 trang, in 801 bản;
6. Tập 6 gồm các vần V – Ž xuất bản năm 2019 với 760 trang, in 801 bản.
Theo như lời nói đầu của Nguyễn Quyết Tiến thì 6 tập Từ điển có khoảng 120 ngàn mục từ, tổng số là 4337 trang khổ 22x 15 cm, đó là chưa kể đến hàng chục trang giải nghĩa, bổ sung các phụ trương và phụ lục về ngữ pháp. Tập cuối cùng còn có thêm 30 trang bổ sung và đính chính cho cả bộ Từ điển.
6. Giá trị đích thực của Từ điển
Mục đích bộ Từ điển là cung cấp một lượng thông tin tối đa dành cho người sử dụng nên một lượng kiến thức vô cùng phong phú đã được khai triển triệt để trong các ngữ cảnh của các ví dụ đã được đưa vào (do đó gọi là từ điển „giáo khoa“), tiêu chí ấy đã không dừng lại cho đến phút chót, cho dù cuối cùng chỉ còn một tác giả duy nhất. Số lượng và sự đa dạng phong phú của các thông tin được đưa vào một cách tự nhiên cùng với hàng loạt cách thức sử dụng và các phương pháp khai thác triệt để. Những lượng thông tin bài bản như mong đợi đều có liên quan đến dịch thuật, chuyển ngữ và nhiều lĩnh vực khác nữa.
Ngay tên gọi tác phẩm này là „giáo khoa“ đã thể hiện một trong những mục tiêu cho việc sử dụng Từ điển. Người ta có thể dùng nó để học, học cho mình hoặc dậy người khác từ những ví dụ rất sinh động trong đời sống thường nhật. Đặc tính giáo khoa ấy còn có giá trị trong thực tiễn sư phạm và có ích cho công việc của những nhà sư phạm, những kiến thức cơ bản, nhất là ở dạng liên kết từ và các cụm từ cũng như các giá trị đích thực của từ ngữ được đưa vào từ điển này rất phong phú.
Định hướng „giáo khoa“ của Từ điển còn thể hiện ở hàng loạt các mục từ mang tính bách khoa thư (giáo khoa về tri thức khoa học) rất có ích cho những người sử dụng, nhất là những người Việt (như ví dụ nêu ở mục 3 trên đây). Số lượng các mục từ này nhiều đến nỗi chiếm một phần đáng kể trong Từ điển. Để minh chứng, ít nhất chúng ta hãy xem một mục từ có tính then chốt và cơ bản đối với nền văn hoá Séc dưới đây. Có thể thấy ngay rằng, ở đây không chỉ là nêu vấn đề rồi giới thiệu để tham chiếu ở các tài liệu khác, mà chính bản thân nó đã là một mục từ như của một bộ sách giáo khoa toàn thư. Tầm với về văn hoá với cách tiếp cận như thế đã chứng minh tầm cỡ của Từ điển này vượt rất xa một bộ từ điển ngôn ngữ đơn thuần:
Komenský cách gọi tắt Jan Amos Komenský (tgLatinh: Iohannes Amos Comenius, tgĐức: Johann Amos Comenius(1592~1670), vị Giám mục cuối cùng của Giáo phái Tin Lành Séc (Jednota bratrská, xem thêm jednota nghĩa 5) và là một trong những nhà giáo dục học, triết gia, đại văn hào, nhà tư tưởng vĩ đại nhất châu Âu. Ông được xem là người đặt nền móng cho hệ thống giáo dục hiện đại ở Tiệp Khắc (trước đây) và nước Séc, Xlôvakia hiện nay, được nhân dân quý mến gọi là Người Thầy của các dân tộc (Učitel národů). Ông là tác giả của nhiều tác phẩm kiệt xuất về giáo dục học, hệ thống lí thuyết giáo dục và lí luận giáo dục, viết nhiều sách giáo khoa có tính kinh điển; ngày sinh 28 tháng 3 của ông là Ngày Nhà giáo Séc (và Tiệp Khắc cũ).
7. Kết luận và những triển vọng.
Một công trình vĩ đại và phi thường đã thành công, xin được chúc mừng các tác giả của công trình này. Tập cuối của bộ Từ điển có kèm theo 30 trang bổ sung cho thấy rằng mọi thứ trên đời luôn luôn cần thêm vào cho đầy đủ hơn, vì không có từ điển nào có điểm dừng, điều đó mọi nhà từ điển học đều biết (tất nhiên không kể người không có chuyên môn). Từ điển này là cây cầu lớn nhất và bền vững nhất nối liền hai ngôn ngữ thuộc hai ngữ hệ rất xa nhau và là bộ sưu tập quý giá của trí tuệ và kinh nghiệm của các tác giả dành cho mọi người.
Mặc dù ngay từ ban đầu khi bắt tay vào công việc soạn thảo Từ điển cả hai tác giả đã gặp những vấn đề rất khó khăn về sức khoẻ, nhưng bởi họ nhận thấy công trình này vô cùng quan trọng nên không bao giờ họ buông lơi công việc đều đặn hàng ngày. Cho dù động cơ kiếm tiền có bằng không chăng nữa thì cũng không làm họ nản chí. Rất tiếc vào tháng 10 năm 2016, ngay trước khi tập 4 ra mắt thì soạn giả Ivo Vasiljev đã mất vì bệnh tật. Và thế là từ sau vần Ř của tập 4 chỉ còn lại một mình ông Nguyễn Quyết Tiến gánh vác tiếp mọi việc để hoàn thành bộ Từ điển. May mắn là ông được sự trợ giúp của một biên tập viên tận tuỵ thuộc lớp những nhà Việt Nam học dày dạn kinh nghiệm là tiến sĩ Iva Klinderová. Nhờ đó mà ông đã hoàn tất tập 5 vào cuối năm tiếp theo, duy nhất chỉ có tập 6 chậm hơn đôi chút so với tiến độ mỗi năm một tập và đã ra mắt trước đây một thời gian, vào tháng 6 năm 2019.
Như có lần nói chuyện, ông Nguyễn Quyết Tiến cũng đã nghĩ đến việc sẽ chỉnh sửa Từ điển này để có thể chuyển nó sang dạng số hóa nữa, điều ấy là vô cùng cần thiết, nhưng công việc đó sẽ còn phải hợp tác với các hãng công nghệ. Hiện tại soạn giả Nguyễn Quyết Tiến cũng đã bắt tay vào việc biên soạn bộ từ điển mới theo chiều ngược lại, tức là Từ điển Việt - Séc. Có thể bộ từ điển mới này về quy mô sẽ nhỏ hơn đôi chút nhưng chắc chắn không chỉ đơn giản là „từ điển sử dụng đơn thuần“ mà vẫn sẽ là một bộ từ điển giải nghĩa với những ý nghĩa rất khác nhau cùng với nhiều ví dụ phong phú để người dùng biết cách sử dụng và thực hành.
Nguồn tin: GS. TSKH. František Čermák
Các tin khác:
- TIỆC ÂM NHẠC GIỮA NHỮNG NGƯỜI BẠN II(20/08/2023 - 20:06:16)
- THÔNG BÁO HOẠT ĐỘNG MỪNG XUÂN QUÝ MÃO 2023(13/01/2023 - 09:02:03)
- Tin buồn(25/07/2020 - 00:00:00)
- Thông báo dừng thu nhận ủng hộ Việt Nam và CH Séc chống dịch bệnh Covid 19(26/03/2020 - 20:46:22)
- Thông báo về việc ủng hộ Việt Nam và CH. Séc chống dịch bệnh Covid 19(23/03/2020 - 00:00:00)
- THÔNG BÁO MỜI THAM DỰ TIỆC MỪNG XUÂN CANH TÝ 2020 VÀ GIẢI TENIS HỮU NGHỊ VIỆT-SÉC(15/01/2020 - 07:50:41)
- Thông báo triệu tập Đại biểu dự Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Hữu nghị Việt Nam - Séc lần thứ IV, nhiệm kỳ 2019 - 2024(06/06/2019 - 00:00:00)
- Thông báo chương trình hoạt động chào mừng Xuân Kỷ Hợi(28/01/2019 - 10:40:10)
- LIÊN HOAN PHIM SÉC – SLOVAKIA LẦN ĐẦU TIÊN TẠI VIỆT NAM(01/11/2018 - 00:00:00)
- Đại sứ quán Cộng hòa Séc thông báo về việc mở Trung tâm tiếp nhận hồ sơ xin thị thực ngắn hạn Schengen tại Hà Nội(08/10/2018 - 14:21:50)