Tin mới
Chuyên gia Séc đánh giá cao năng lực của ban lãnh đạo mới tại Việt Nam

Ngày đăng: 09/04/2021 - 00:00:00

Trao đổi với phóng viên TTXVN tại Praha, chuyên gia nghiên cứu về Châu Á-Thái Bình Dương thuộc Đại học Tổng hợp Charles (Cộng hòa Séc), Tiến sỹ Takashi Hosoda đã nêu một số nhận định về việc Quốc hội Việt Nam phê chuẩn các chức danh chủ chốt của Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội.

Tiến sỹ Takashi Hosoda. (Ảnh: TTXVN)
Theo Tiến sỹ Hosoda, ban lãnh đạo mới của Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục kế thừa và phát huy những thành tựu hết sức ấn tượng của nhiệm kỳ trước để đưa đất nước phát triển mạnh mẽ, đồng thời góp phần đảm bảo hòa bình, ổn định và phát triển của khu vực cũng như của thế giới.
 
Để tiếp tục đảm bảo lợi ích, an ninh quốc gia, tăng cường tiềm lực và nâng cao vị thế đất nước trên trường quốc tế, Tiến sỹ Hosoda cho rằng Việt Nam cần duy trì cân bằng giữa đảm bảo môi trường khu vực ổn định với thúc đẩy phát triển kinh tế.
 
Việt Nam cần chú trọng tham gia các cơ chế hợp tác của ASEAN cũng như các khuôn khổ hợp tác đa phương khác với sự tham gia của Mỹ, Australia, Nhật Bản, Anh và các nước Liên minh châu Âu (EU) nhằm định hình các quy tắc ứng xử quốc tế.
 
Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần tiếp tục thúc đẩy thương mại đa phương và tăng cường các mối quan hệ hợp tác kinh tế cùng có lợi trong khuôn khổ các hiệp định thương mại tự do đa phương, nhất là Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam-Liên minh châu Âu (EVFTA).
 
Đặc biệt, Việt Nam cần chú trọng tăng cường lòng tin trong quan hệ quốc tế bằng cách đưa quan hệ hợp tác song phương và đa phương đi vào thực chất, hiệu quả, góp phần đảm bảo hòa bình, ổn định và phát triển trong khu vực cũng như trên thế giới.
 
Cũng trong cuộc tảo đổi, Tiến sỹ Hosoda đã bày tỏ ấn tượng đặc biệt với những thành công của Việt Nam trong thời gian qua khi vừa kiểm soát tốt đại dịch COVID-19, vừa duy trì phát triển kinh tế.
 
Ông nêu dẫn chứng là trong năm 2020, trong khi đa số các nước bị tăng trưởng âm do tác động của đại dịch thì Việt Nam vẫn là một trong số ít nền kinh tế có mức tăng trưởng cao, với GDP tăng 2,91%.
 
Việt Nam cũng đã có những bước đi rất hiệu quả trong công tác ứng phó với tác động mọi mặt của đại dịch COVID-19, qua đó tạo cơ sở cho ổn định, duy trì và phát triển kinh tế, đồng thời thể hiện rõ uy tín, năng lực và quyết tâm của các nhà lãnh đạo Việt Nam khi đối mặt với những khó khăn.
 
Không chỉ thế, Việt Nam cũng đạt được nhiều thành tựu đối ngoại quan trọng nhờ chính sách đối ngoại đa phương và hội nhập kinh tế quốc tế. Các chính sách này không chỉ góp phần tạo dựng môi trường hòa bình, thuận lợi để Việt Nam bảo vệ lợi ích và an ninh quốc gia, mà còn nâng cao tiềm lực và vị thế đất nước ở khu vực và thế giới.
 
Việt Nam còn duy trì được thế cân bằng trong quan hệ với các nước lớn để tránh rơi vào thế kẹt. Trong nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam đã tích cực thúc đẩy và nâng cao nhận thức của cộng đồng quốc tế về tầm quan trọng của an ninh hàng hải quốc tế, bên cạnh nhiều vấn đề quan trọng khác.
 
Các nước lớn như Mỹ, Australia, Ấn Độ, Nhật Bản và nhiều nước châu Âu đều tích cực góp phần đảm bảo duy trì tự do và an ninh hàng hải ở khu vực Đông Nam Á nói riêng và khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nói chung.
 
Trong lĩnh vực hội nhập quốc tế, Tiến sỹ Hosoda đánh giá Việt Nam đã tích cực và chủ động ký kết nhiều hiệp định thương mại đa phương quan trọng như CPTPP và EVFTA. Điều này có ý nghĩa quan trọng mang tầm chiến lược, tạo động lực và điều kiện để Việt Nam phát triển kinh tế./.

Nguồn tin: Hồng Kỳ-Trần Hiếu (TTXVN/Vietnam+)


Xem tin theo ngày: