Những kỷ niệm không phai về “Đại sứ quán miền Nam” tại Praha
Ngày đăng: 30/04/2021 - 10:13:21
Khoảng 10 giờ sáng ngày 30/4/1975 (ở Việt Nam đã là buổi chiều), Đại sứ Phan Minh Hiền xúc động báo tin: "Nhà" vừa mới gửi điện tín sang báo tin Việt Nam đã toàn thắng. Từ nay hai miền đã là một!
Đại sứ quán Chính phủ Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại Tiệp Khắc. (Nguồn: vinhphuc.cz)
Quan hệ hữu nghị truyền thống giữa Việt Nam và Tiệp Khắc (nay là Cộng hòa Séc) đã trải qua hơn 70 năm lịch sử, trong đó có một thời kỳ đặc biệt sôi động từ đầu thập niên 60 đến thập niên 80 của thế kỷ trước, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của Việt Nam đang trong giai đoạn khó khăn và quyết liệt nhất, tiếp theo là những năm tháng đầu tiên đất nước Việt Nam hoàn toàn thống nhất.
Đây cũng là thời kỳ hàng trăm, hàng nghìn sinh viên, nghiên cứu sinh và thực tập sinh Việt Nam được chính phủ bạn đón sang và được nhân dân Tiệp Khắc tận tình nuôi dưỡng, tạo điều kiện thuận lợi học tập thành tài để trở về xây dựng Tổ quốc.
Trong ký ức của những người Việt Nam ấy còn ghi lại những kỷ niệm vô cùng đẹp và xúc động của một thời kỳ vàng son ở Tiệp Khắc xưa. Đặc biệt, nhiều người vẫn còn nhớ đã có một thời ở Praha có tới hai đại sứ quán của Việt Nam.
Tâm sự với phóng viên TTXVN tại Praha, kỹ sư Nguyễn Quyết Tiến - nguyên phiên dịch của “Đại sứ quán miền Nam” ở Tiệp Khắc đã hồi tưởng về những ngày tháng hào hùng đó.
Thời đó, ngoài Đại sứ quán chính thức của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa có từ những năm 50 tại Holečkova 105/6, Praha 5-Smíchov, Đại sứ khi đó là ông Dương Đức Hà, còn có Đại sứ quán của Chính phủ Cộng hòa miền Nam Việt Nam, mọi người quen gọi tắt là “Đại sứ quán miền Nam,” được thành lập năm 1969 sau khi Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ra đời.
Đại sứ của “Đại sứ quán miền Nam” khi đó là ông Hoàng Minh Hào, trụ sở ban đầu tại U Vorlíků 320/13, Praha 6 và sau đó năm 1973 chuyển về Nad Kostelem 725/8 Praha 4-Braník.
Hai đại sứ quán là danh nghĩa về đối ngoại, còn thực chất nội bộ chỉ là một, có chung một đảng ủy và cùng nhận chỉ thị thống nhất từ Việt Nam. Khi nước nhà thống nhất, vào năm 1976, hai đại sứ quán hợp nhất thành Đại sứ quán Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, trụ sở vẫn tại Holečkova 105/6, Praha 5-Smíchov, đến 1996 chuyển về Plzeňská 2578, 150 00 Praha 5.
Đầu những năm 70, sau khi tốt nghiệp khoa Điều khiển học thuộc Đại học kỹ thuật Tiệp Khắc (ČVUT), vào tháng 9/1972, kỹ sư Nguyễn Quyết Tiến lên nhận công tác phiên dịch tại Đại sứ quán miền Nam, thuộc thế hệ thứ hai được biên chế chính thức của CP72, tức là Bộ Ngoại giao của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, khi đó do bà Nguyễn Thị Bình làm bộ trưởng có trụ sở tại Chùa Bộc, Hà Nội.
Ông Tiến bồi hồi nhớ lại, vào tháng 2/1975, Praha tuyết rơi rất đẹp, phủ trắng phố phường và những đồi thông bát ngát. Từ tháng 3 năm ấy, cuộc Tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 ở miền Nam liên tiếp giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác với tốc độ vũ bão mà trước đó không ai tưởng tượng nổi.
Mặt trận ngoại giao của Việt Nam trên thế giới cũng chạy hết công suất. Ở Praha, Đại sứ quán miền Nam liên tục phát đi các bản tin thời sự "Bulletin" bằng tiếng Séc, in bằng máy in rônêô do Đại sứ quán Thụy Điển tặng, để tuyên truyền về chiến thắng và đường lối hòa hợp, hòa giải dân tộc cho một miền Nam trong tương lai.
Ông Tiến xúc động chia sẻ: "Tôi được phân công vẽ đồ lại các bản đồ 'da báo' đan xen các vùng giải phóng và chưa giải phóng trên giấy sáp để in kèm trong các bản tin. Các vùng giải phóng được tô đậm, cùng với các mũi tên chỉ hướng tiến công của quân giải phóng. Nhiều khi quá tay, tôi tô rộng hơn so với bản gốc một chút thì Đại sứ khi đó là bà Phan Minh Hiền cũng không trách mà chỉ cười và nói: 'Không sao, ngày mai quân ta sẽ giải phóng đến đấy!'"
Chưa hết tháng 3/1975, trên bản đồ "da báo," vùng giải phóng đã phủ khắp Tây Nguyên, các mũi tên biểu thị hướng tiến công của quân giải phóng đã chĩa về Huế và Đà Nẵng. Các cuốn phim thời sự quay trực tiếp từ chiến trường được chuyển thẳng qua Moskva rồi sang Praha.
Tổ phiên dịch làm việc cật lực, dịch các bản thuyết minh sang tiếng Séc để công chiếu ở một số rạp chiếu bóng. Nhân dân nước bạn phấn khởi chia sẻ niềm vui với Việt Nam. Các cơ sở công đoàn và đoàn thanh niên các địa phương mượn phim thời sự của Đại sứ quán về chiếu và tổ chức các cuộc míttinh, hội thảo chúc mừng chiến thắng của Việt Nam.
Bên cạnh các nhân viên Đại sứ quán, những thanh niên sinh viên Việt Nam cũng trở thành những "nhà ngoại giao nhân dân." Ông Tiến nhớ rõ nhiều bạn bè Tiệp Khắc khi ấy phấn khởi khoe: “Hôm nay nhà máy chúng tôi đã tổ chức lao động thứ Bảy cộng sản để đóng góp cho chiến thắng ở Việt Nam" và họ nói thêm "đối với Việt Nam thì lúc nào cũng sẵn sàng!”
Tháng 4, khi khắp các cánh rừng bạt ngàn ở Tiệp Khắc bừng lên màu xanh dưới ánh nắng xuân ấm áp thì cũng là lúc chiến dịch Hồ Chí Minh ở miền Nam Việt Nam đang trên đà phát triển thắng lợi.
Những ngày sau chiến thắng Xuân Lộc 21/4 trôi đi rất nhanh trong niềm vui chờ đón ngày toàn thắng. Phút giây lịch sử mong chờ ấy đã đến. Khoảng 10 giờ sáng ngày 30/4/1975 (ở Việt Nam đã là buổi chiều), Đại sứ Phan Minh Hiền xúc động báo tin: "Nhà" vừa mới gửi điện tín sang báo tin Việt Nam đã toàn thắng. Từ nay hai miền đã là một!
Ông Tiến không thể nào quên những tháng Hè 1975 tràn ngập niềm vui của những người Việt ở đất nước châu Âu cùng các bạn bè Tiệp Khắc. Các đoàn đại biểu khắp nơi đến hai đại sứ quán của Việt Nam chúc mừng. Ban chủ nhiệm Hợp tác xã hữu nghị Tiệp-Việt ở Kačina đến đại sứ quán như những người nhà, mang theo những cốp xe đầy rau quả tươi và cả một con lợn mới thịt của bà con xã viên gửi lên để ăn mừng chiến thắng.
Thời gian trôi đi, các cán bộ thuộc Đại sứ quán miền Nam tại Tiệp Khắc sau đó đã tiếp tục công tác trên nhiều lĩnh vực, nhiều người đảm nhiệm những chức vụ quan trọng ở Bộ Ngoại giao và ở các lĩnh vực khác.
Trong số họ, có những người và cả những người bạn Tiệp Khắc chân thành nay không còn nữa, nhưng họ luôn cảm ơn cuộc đời đã mang lại những tháng ngày tươi đẹp, để mãi mãi nhớ tới những ngày tháng hào hùng, về những người đồng chí, đồng đội và những người bạn thân thiết một thời cùng nhau chia ngọt sẻ bùi.
Như một định mệnh, kỹ sư Nguyễn Quyết Tiến đã lựa chọn công việc sử dụng ngôn ngữ làm cầu nối tiếp tục phát triển tình hữu nghị giữa Việt Nam và Cộng hòa Séc. Ông đã hợp tác với nhà ngôn ngữ Ivo Vasiljev cùng với các cộng sự người Séc biên soạn Bộ đại từ điển Giáo khoa Séc-Việt, đã giành Giải thưởng Văn học Séc năm 2019. Hiện nay, ông lại đang tiếp tục âm thầm bên trang sách để biên soạn tiếp bộ từ điển Việt-Séc./.
Nguồn tin: Hồng Kỳ (TTXVN/Vietnam+)
Các tin khác:
- TIỆC ÂM NHẠC GIỮA NHỮNG NGƯỜI BẠN II(20/08/2023 - 20:06:16)
- THÔNG BÁO HOẠT ĐỘNG MỪNG XUÂN QUÝ MÃO 2023(13/01/2023 - 09:02:03)
- Tin buồn(25/07/2020 - 00:00:00)
- Thông báo dừng thu nhận ủng hộ Việt Nam và CH Séc chống dịch bệnh Covid 19(26/03/2020 - 20:46:22)
- Thông báo về việc ủng hộ Việt Nam và CH. Séc chống dịch bệnh Covid 19(23/03/2020 - 00:00:00)
- THÔNG BÁO MỜI THAM DỰ TIỆC MỪNG XUÂN CANH TÝ 2020 VÀ GIẢI TENIS HỮU NGHỊ VIỆT-SÉC(15/01/2020 - 07:50:41)
- Thông báo triệu tập Đại biểu dự Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Hữu nghị Việt Nam - Séc lần thứ IV, nhiệm kỳ 2019 - 2024(06/06/2019 - 00:00:00)
- Thông báo chương trình hoạt động chào mừng Xuân Kỷ Hợi(28/01/2019 - 10:40:10)
- LIÊN HOAN PHIM SÉC – SLOVAKIA LẦN ĐẦU TIÊN TẠI VIỆT NAM(01/11/2018 - 00:00:00)
- Đại sứ quán Cộng hòa Séc thông báo về việc mở Trung tâm tiếp nhận hồ sơ xin thị thực ngắn hạn Schengen tại Hà Nội(08/10/2018 - 14:21:50)