Ngày đăng: 22/08/2009 - 12:36:40
Di tích này nằm trong cụm di tích lịch sử - văn hoá - quốc phòng chếch về phía Tây - Bắc của Hà Nội đã được Bộ Văn hoá - Thông tin xếp hạng.
Căn cứ vào nhiều tư liệu, cụm di tích này theo chúng tôi có từ khi Cao Biền xây thành Đại La.
Cụm di tích bao gồm đình Quán La, chùa Khai Nguyên, đền Sóc và hệ thống địa đạo khởi nguồn từ hậu cung của Đền Quán La...
Trong số các di tích lịch sử văn hoá tại đây đền Quán La là một di tích chứa đựng xung quanh nó nhiều huyền tích bởi nó được xây dựng phía trên cửa vào của một địa đạo.
Theo các cụ già ở Xuân La kể lại thì địa đạo này có 4 ngách mở ra 4 hướng. Ngách chính có chiều cao khoảng 1,6m và kéo tới vùng Đồng Xuân tức là vào tận Cấm Thành thời Lý. Các ngách còn lại có chiều cao khoảng 1,2 m.
Điểm khởi đầu của một địa đạo, chia làm 3 ngách, có một ngách kéo tới Gò Dàn, một căn cứ hậu cần thời Lý, cũng là nơi giam giữ tù binh Chiêm Thành; ngách thứ hai chạy đến phía Chợ Cáo, Xuân Đỉnh; ngách thứ ba thì lâu ngày, các cụ không còn nhớ...
Ngách chính dài khoảng 5-6 km đi qua vùng Bưởi vào đến nội thành. Các ngách đều được ốp gạch cẩn thận.
Năm 1943, theo các cụ cao tuổi ở Xuân La kể: có hai người Pháp làm việc ở Trường Viễn Đông Bác Cổ đã dắt con ngựa đi vào thám thính địa đạo này nhưng sau không thấy ra. Từ đó, dân làng cho xây bịt cửa địa đạo và không ai dám vào sâu. Cửa lên xuống địa đạo nay vẫn còn nguyên vẹn nằm tại hậu cung Đền Quán La.
Trong những năm tháng chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ, dân làng Xuân La đã đào giao thông hào từ trong làng ra giữa đồng. Tại nhiều nơi giao thông hào đã chạm phải những vỉa gạch của địa đạo và dân làng đã đào lên nhiều mảnh gốm có từ thời Lý...
Đình Quán La và chùa Khai Nguyên là một trong những di tích cổ nhất của Hà Nội hiện nay còn được giữ lại nằm trên 2 trong 7 ngọn núi đất, gọi là đàn Thất Tinh...
Chúng ta từng đọc, Tam Quốc diễn nghĩa đều nghe nói đến đàn Thất Tinh Gia Cát Lượng cầu gió Đông Nam giúp Chu Du đánh bại quân Tào bằng kế hoả công.
Tục cầu mưa cầu mát hiện nay vẫn còn được duy trì tại Xuân La. Hàng năm cứ vào ngày 14 tháng 4 Âm lịch dân làng thường tổ chức lễ cầu mát tại đình Quán La. Về những di tích này, tác giả Hoàng Đạo Thuý trong Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội đã viết:“ Đây là cái hang trong lòng quả núi đất; thuộc vào một trong 7 quả núi có hình Thất Tinh. Vua Lý Thần Tông cho xây gạch làm động Thông Thiên”...
Còn Lý Tế Xuyên trong Việt điện u linh viết ở thế kỷ XIV đã nói về cụm di tích này như sau:“ Trong thời Khai Nguyên (713-739) nhà Đường, thứ sử Quảng Châu là Lư Ngư sang làm đô hộ sứ bên ta, đóng tại thôn An Diễn, khoảng giữa hai huyện Long Đỗ và Từ Liên, thấy đất chỗ này bằng phẳng, cây cối, rộng rãi, cây cối tốt tươi, phía sau là sống Già La, địa thế càng đẹp, Ngư mới sai lập phủ huyện và dựng đền thờ vị thần Huyền nguyên đế quân...
Một đêm Ngư mơ mộng thấy một cụ già đầu tóc bạc phơ đến bảo Ngư rằng: Quán này nên đặt là Quán Khai Nguyên, thông Khai Nguyên. Ngư thức dậy, theo lời mà đặt tên quán, tên thông, dựng bia. Rồi lại dựng đền đặt tượng thần thổ địa để nêu công đức. Đền đặt là Già La Quán cầu đảo thường Linh ứng, hương khói quanh năm... Còn chùa gọi là Khai Nguyên Tự...”
Như vậy, cụm di tích này có từ thời Đường, khởi thuỷ do Lư Ngư lập nên để làm đàn cầu đảo. Hiện trong chùa Khai Nguyên có một pho tượng rất đẹp, theo sư ông trụ trì ở đây thì pho tượng này thờ Đường Minh Hoàng, một ông vua phong tình nổi tiếng từng gắn với người đẹp Dương Quý Phi.
Ngoài tượng thờ Đường Minh Hoàng, còn có hai dãy tượng, một dãy thờ Ngũ vị tôn ông, dãy thứ hai thờ Tứ phủ chầu bà đều là những pho tượng khá trau chuốt. Phía trong sân vườn có một cây trà quý có tuổi khoảng 200 năm, hoa khá đẹp và một chiếc chuông đúc niên hiệu Minh Mạng. Cây trà đáng tiếc mới chết cách đây dăm năm.
Chùa Khai Nguyên có kết cấu hình chữ Đinh, gồm tiền đường và Phật điện. Mái chùa lợp bằng ngói vảy hến, bờ nóc thẳng... Chùa Khai Nguyên có hệ thống gồm 37 pho tượng Phật khá đẹp. Bộ tượng này đại diện cho 3000 vị Phật của quá khứ, hiện tại và vị lai. Các pho tượng này đều có niên đại thế kỉ XVII - XVIII...
Đình Quán La hiện đang còn giữ được phong cách kiến trúc thời Lê. Đình xây theo hướng Nam ghé Tây, đầu dốc trơ ra, đặc điểm này ít thấy ở miền Bắc. Đình kết cấu theo kiểu giá chiêng chồng giường, các cột được trốn. Ở đại đình còn đôi câu đối viết theo lối khoa đẩu rất đặc biệt (mặt ngoài chữ viết hoa triện, mặt trong là chữ thật):
Bảo dân hựu vật vạn cổ tối linh từ
Tảo hoạn dư lưu nhất phương giai xích tử...
Nghĩa là: Giúp dân lập ra đình thờ linh thiêng. Trừ hoạn nạn cho dân làng lưu tiếng thơm mãi.
Di tích chùa Khai Nguyên và đình Quán La hiện còn giữ được 18 đạo sắc phong; sắc phong sớm nhất là sắc phong năm Thịnh Đức nguyên niên (1653) đời Lê Thánh Tông, sắc phong cuối cùng là sắc phong Đồng Khánh năm 1887.
Các sắc phong đều ghi, phong Duệ Trang liệt nữ trung dũng, võ mục, trinh thuần, thuần ghi trạch dân Thượng đẳng thần, hộ quốc tí dân...
Theo chúng tôi, chùa Khai Nguyên và đình Quán La được xây dựng từ thời Đường với mục đích làm đàn cầu đảo ( Đàn Thất Tinh) nhưng đến thời Lý thì chùa đã được các vua nhà Lý cho chuyển đổi mục đích sử dụng.
Nhận thấy những ngọn núi đất này (Thất Tinh) là một ví trí thiện yếu trấn giữ phía Tây Bắc kinh thành Thăng Long, rất có lợi cho việc phòng thủ từ xa, một tiền đồn quan trọng.
Tương truyền Thánh Gióng khi đánh giặc Ân cũng đã dừng chân ở đây, mặc dù không phải là nơi phát xuất thần tích Thánh Gióng, nhưng nhà Lý đã cho xây dựng tại Xuân La, cách đình Quán La khoảng 200m đền thờ Sóc Thiên Vương để tăng thêm thần uy cho tiền đồn phòng thủ này.
Có thể tiền đồn này được nối với Cấm Thành, bằng hệ thống địa đạo nằm sâu dưới lòng đất. Chúng tôi tin vào truyền thuyết này; bởi vì thời Lý vùng này vẫn còn hoang vu và có nhiều đầm lầy, do đó có được 7 ngọn núi đất nổi lên giữa vùng đồng nước mênh mông, quả là một điểm phòng thủ lợi hại.
Cụm di tích lịch sử - văn hoá - quốc phòng này được xây dựng từ thời nhà Lý đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh hai lần về thăm. Thủ tướng Phạm Văn Đồng trước đây cũng đã đưa Thủ tướng Kim Nhật Thành-Bắc Triều Tiên đến thăm và chụp ảnh lưu niệm trước cây đa cổ trước chùa Khai Khuyên.
Theo những người am hiểu về sinh vật cảnh thì cây đa này cỏ tuổi đời chỉ kém cây chò chỉ ở sân của Bộ Lâm nghiệp cũ nằm ở phố Lò Đúc.
Bên cạnh cây đa cổ, trước đền Quán La còn có một cây thị cổ, tương truyền đây là địa điểm ăn ở của các kỹ nữ Chiêm Thành thời Lý; nhà Lý nam chinh bên cạnh tù binh còn đưa về kinh đô những kỹ nữ Chiêm Thành tài sắc để làm phong phú thêm cho đời sống văn hoá tinh thần của Thăng Long.
Cây thị rất lớn nhưng hàng năm chỉ có một vài quả nhỏ nhưng rất thơm và không ăn được;ai ăn sẽ bị đau bụng.
Theo truyền thuyết cây thị là nơi tụ hồn của các kỹ nữ Chiêm, do các nàng phải sống nơi đất khách quê người nên đã bày tỏ sự trung trinh với quê hương mà không chịu nở hoa kết trái nơi xứ lạ. Hiện dưới gốc cây thị vẫn có am thờ, có người nói là am thờ các kỹ nữ Chiêm Thành...
Đây là một cụm di tích quý hiếm không xa trung tâm thủ đô nhưng không phải ai cũng biết để đến thưởng ngoạn...
Phạm Viết Đào
Nguồn tin: http://hnv.vn
- TIỆC ÂM NHẠC GIỮA NHỮNG NGƯỜI BẠN II(20/08/2023 - 20:06:16)
- THÔNG BÁO HOẠT ĐỘNG MỪNG XUÂN QUÝ MÃO 2023(13/01/2023 - 09:02:03)
- Tin buồn(25/07/2020 - 00:00:00)
- Thông báo dừng thu nhận ủng hộ Việt Nam và CH Séc chống dịch bệnh Covid 19(26/03/2020 - 20:46:22)
- Thông báo về việc ủng hộ Việt Nam và CH. Séc chống dịch bệnh Covid 19(23/03/2020 - 00:00:00)
- THÔNG BÁO MỜI THAM DỰ TIỆC MỪNG XUÂN CANH TÝ 2020 VÀ GIẢI TENIS HỮU NGHỊ VIỆT-SÉC(15/01/2020 - 07:50:41)
- Thông báo triệu tập Đại biểu dự Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Hữu nghị Việt Nam - Séc lần thứ IV, nhiệm kỳ 2019 - 2024(06/06/2019 - 00:00:00)
- Thông báo chương trình hoạt động chào mừng Xuân Kỷ Hợi(28/01/2019 - 10:40:10)
- LIÊN HOAN PHIM SÉC – SLOVAKIA LẦN ĐẦU TIÊN TẠI VIỆT NAM(01/11/2018 - 00:00:00)
- Đại sứ quán Cộng hòa Séc thông báo về việc mở Trung tâm tiếp nhận hồ sơ xin thị thực ngắn hạn Schengen tại Hà Nội(08/10/2018 - 14:21:50)