Ngày đăng: 20/09/2009 - 09:20:13
Nhưng cái khó của Ban biên tập trang thông tin điện tử Hội lúc này là viết về ai, về cái gì và ở đâu?. Chủ trương của lãnh đạo Hội đã đề ra nhưng việc thực hiện không phải đơn giản, nhẹ nhàng (ví như việc hẹn nhau uống bia tươi ở nhà hàng Hoa viên, Goldmalt, Pragold… rồi xiết chặt tay nhau na zdraví, hẹn ngày tái ngộ).
Tôi đã định viết về anh A chị B (xin phép không nêu tên cụ thể) là những người trí thức có uy tín, doanh nhân thành đạt học ở Tiệp Khắc về nhưng khi gọi điện đến xin một cuộc hẹn về chuyên đề “ Học tập và làm theo gương Bác “ cho trang website của Hội đều nhận được những câu đáp lễ đại loại: Đến chơi nhé, nhưng đừng viết gì cả, mình rất bình thường còn phải học Bác nhiều lắm hoặc đã có gì gọi là đóng góp đâu… Quá khó, tôi mang chuyện này bộc bạch với anh Điều, Phó chủ tịch Hội và các anh chị trong Ban biên tập liền nhận được vài gợi ý rất thông thoáng: Không nhất thiết cứ phải là Giáo sư, Tiến sỹ, nhà khoa học hay doanh nhân thành đạt mới là điển hình. Cứ viết trung thực, mộc mạc miễn sao Người tốt - Việc tốt của Hội ta phải có yếu tố Tiệp Khắc, CH Séc và những việc làm đóng góp của họ đã được xã hội thừa nhận, gần gũi thiết thực với cuộc sống của cộng đồng. Vậy là tôi quyết định viết về anh, bởi ngay sau lần gặp thứ 2 cách đây độ ba tháng (và được biết anh đã có một thời gian đi hợp tác lao động 5 năm ở Tiệp Khắc) tôi đã không thể nào cưỡng nổi sự cuốn hút nơi con người anh và những việc anh đang làm. Còn lần này, lần thứ 4 cũng là lần chúng tôi quyết định đưa tiến bộ kỹ thuật nông nghiệp của anh về với đồng đất Vũ Thư, Thái Bình và khởi đầu loạt bài phóng sự về một con người có nhiều điều đáng để nói, để học tập và chia sẻ kinh nghiệm trong việc vươn lên từ khó khăn, dám nghĩ - dám làm. Đó là anh Trần Văn Hạnh, 62 tuổi, bí thư chi bộ thôn Võng La, xã Võng La, Đông Anh, Hà Nội, một người đi tiên phong trong việc nuôi giun quế (trùn đỏ), truyền bá kinh nghiệm và đã hỗ trợ phát triển thành công mô hình nuôi giun tới nhiều hộ nông dân nghèo ở các tỉnh phía Bắc.
Một buổi sáng thứ Bẩy, mặc dù không hẹn trước nhưng khi tôi đến nhà, anh vẫn tiếp đón cởi mở thân tình và hình như việc tiếp khách anh đã quen như một công việc hàng ngày. Cũng dễ hiểu vì tôi tìm đến anh qua mấy bài báo giới thiệu điển hình làm kinh tế giỏi và trước tôi, có không biết bao người, đoàn khách, nhóm, Hội nông dân đến đây học hỏi kinh nghiệm, có cả các nhà khoa học, sinh viên đã từng sát cánh với anh nghiên cứu sâu về con giun quế như một tác nhân bảo vệ môi trường …
Mỗi người một mục đích, riêng tôi đến đây đơn giản chỉ vì muốn tìm hiểu để giới thiệu với bà con, anh em họ hàng một cách thoát nghèo phù hợp với quê hương đồng đất Thái Bình đất chật - người đông của tôi.
Cái buổi đầu gặp mặt ấy, anh không nói nhiều về con giun quế, sau tuần trà đầu tiên anh dẫn tôi thăm bể nuôi lươn và khu nuôi ba ba. Anh nói nhiều về đặc tính sinh sản, sinh trưởng và giá trị kinh tế của 2 vật nuôi này, cả cách chế biến chúng thành đặc sản làm tôi có cảm giác “Ông này đang giấu nghề“ vào đến nhà anh lại tiếp tục bài ca trồng cây gì - nuôi con gì làm tôi quá sốt ruột. Anh giảng giải có bài bản, nói đến đâu cũng có dẫn chứng bằng hình, ảnh số liệu, tài liệu cụ thể, rằng tại sao chúng ta nghèo, nông dân chịu thương chịu khó vậy mà mãi vẫn nghèo. Thật bất ngờ, một người đàn ông luống tuổi, chân quê mộc mạc nơi đất bãi sông Hồng lại ăn nói lưu loát, thuyết phục người nghe như một giảng viên đại học. Những từ như: chu trình sinh học khép kín, luận chứng kinh tế, thuộc tính hay độ ph và nhiều thuật ngữ khác được anh sử dụng đúng lúc, đúng chỗ. Anh còn chủ động tìm hiểu xem ở quê tôi đất vườn thế nào, đang nuôi con gì, năng xuất hiệu quả kinh tế ra sao, lực lượng lao động có những ai… Sau 1,5 giờ lý thuyết anh dẫn tôi thăm khu nuôi giun quế sau nhà, bốc từng nắm sinh khối loằng ngoằng giun bố, giun mẹ, giun anh, giun em đỏ tía cho tôi xem và giảng giải đặc tính của con giun quế. Anh giới thiệu nhiều cách làm bể nuôi, hướng dẫn sơ sơ cho tôi cách chăm sóc giun. Đến đây anh bỗng chuyển đề tài sang việc đô thị hóa rồi hướng đi của nông dân trong xu thế đất đai nông nghiệp ngày càng bị thu nhỏ ở Hà Nội… Toàn những chuyện ở tầm vĩ mô, chẳng ăn nhập gì với thực tế trong vườn nhà anh và mối quan tâm của tôi. Hình như đoán được tâm trạng đó, anh phân bua:
- Công việc sáng nay của anh em mình chỉ vậy thôi, khi nào cậu em nông dân của ông ở Thái Bình lên đây mục sở thị, lúc đó tôi sẽ hướng dẫn tỷ mỷ việc chăn nuôi, khai thác, phòng bệnh và sử dụng sản phẩm. Chuyển giao công nghệ cũng phải có quy trình đấy ông ạ! Hơn nữa với người nông dân là phải bắt tay - chỉ việc. Ngay từ đầu cần cho họ thấy cái lợi kinh tế của con giun quế, rồi việc đầu tư ban đầu rất nhỏ, phù hợp với người nghèo, điều kiện để tiến hành nuôi giun cũng cực kỳ đơn giản, khai thác giun cho gà, ngan, vịt ăn thì đỡ được bao nhiêu phần trăm tiền mua ngô cám, vật nuôi tăng trọng thế nào, chi phí đầu vào trừ chi phí đầu ra còn lãi được bao nhiêu... Nói chung phải chi ly cụ thể
Tôi hoàn toàn bị thuyết phục bởi cách dẫn dắt vấn đề của anh, xem ra rất chuyên nghiệp và khoa học, đến lúc này tôi không dám nghĩ anh là nông dân nữa, có một cái gì đó rất tổng hợp trong anh.
Lần gặp thứ 2 và thứ 3 của đoàn chúng tôi với anh không được như mong muốn vì cũng vào thời điểm ấy còn có vài đoàn “Nông dân vượt khó“ từ Bắc Giang, Hưng Yên, nghe nói còn có cả Thanh Hóa đến học hỏi kinh nghiệm, mua giống, có người còn đề nghị được trọ lại vài ba hôm để học hết các bài của Thầy trước khi đưa con trùn về với quê mình. Trong cái rủi vẫn còn cái may, chúng tôi được tham dự những buổi ”Hội thảo tại gia” và trình diễn kỹ thuật từ chính một con người, được nghe nhiều câu hỏi mộc mạc thực tế của những nông dân nghèo mà mong muốn, ước vọng của họ không gì hơn ngoài đủ tiền cho con ăn học. Thật cảm động khi chúng tôi chứng kiến những món quà của học trò nông dân biếu người Thầy (bộ môn xóa đói giảm nghèo) của mình là dăm trái bưởi, chục cam ngọt, túi chanh thơm được hái từ chính vườn nhà mình. Rồi thầy trò, quan khách, con cháu trong gia đình cùng trải chiếu xuống nền nhà thưởng thức, trà thuốc râm ran như những người anh em trong họ.
Trên đường về nhà tôi cứ suy nghĩ, nếu không viết về anh, bỏ lỡ cơ hội này sẽ là một thiếu sót lớn. Nhưng viết thế nào để không lặp lại câu chuyện hàng chục bài đã đăng ở các báo địa phương, TW và cả chương trình trên VTV2 đã phác họa và giới thiệu nhiều về việc làm đầy ý nghĩa của anh mới là một việc khó. Hơn nữa anh đâu muốn mình như một đề tài, một nguồn cảm hứng để ai đó khai thác, xây dựng thành hình tượng văn học và nếu có chuyện đó chắc anh cũng từ chối, né tránh, bởi anh đơn giản chỉ là một người thật sự yêu lao động sáng tạo, miệng nói - tay làm, gần gũi với nông dân, thương người và hết lòng với mảnh đất quê hương chính vì vậy từ năm 2003 đến nay anh Hạnh liên tục được tín nhiệm bầu giữ chức bí thư chi bộ thôn Võng La. Vậy phải phác họa thế nào để độc giả website Hội hữu nghị Việt – Séc hình dung được, khi lao động hợp tác ở Tiệp Khắc mỗi tháng lương cộng thưởng của anh đạt gần 6.000 Korun (thời điểm 1981 - 1985), lúc đó một chiếc xe Babetta giá 4.500 Korun tương đương 7 chỉ vàng và có thể đổi được cả sào vườn hay một gian hộ tập thể nhỏ ở thành phố. Khi về cơ quan cũ, gặp thời buổi khó khăn (từ 1991 tới 1993), thay đổi cơ chế, ít việc, chậm lương, anh cũng không cam chịu nằm chờ, phó mặc mà đã mạnh dạn bứt ra mở cơ sở sửa chữa ô tô riêng của mình (Anh là thợ sửa chữa được đào tạo bài bản ở Trung Quốc), làm ăn uy tín phát đạt cả chục năm trời ở cửa ngõ phía Bắc Hà Nội. Rồi đùng một cái, anh dừng tất cả lại làm cái chuyện không ai ngờ được đó là chuyển niềm say mê lao động sáng tạo sang con giun quế và rồi những con giun tưởng chừng bé nhỏ yếu đuối ấy cũng đã không phụ công anh, mặc dù thành công của anh không phải lúc nào cũng là con đường thênh thang bằng phẳng.
Khi được hỏi về thu nhập từ việc nuôi giun quế và các vật nuôi khác trong gia đình, anh chỉ cười xề xòa…
- Cũng gọi là có chút ít tàm tạm, mua cho mỗi cháu được cái xe máy (4 chiếc) đỡ đần hàng tháng 6 cháu nội, ngoại ăn học rồi cũng phải dành dụm vài chục (triệu đồng) mỗi năm làm quỹ dự phòng tuổi già nữa chứ… Xóa đói giảm nghèo mà, quê tôi ruộng ít, bãi ngập, vườn nhỏ cố gắng được thế này là hết sức rồi đấy.
Khiêm tốn vậy thôi chứ tôi biết rằng anh đang ấp ủ những kế hoạch mới, tầm cỡ hơn đó là: Tổng kết kinh nghiêm nuôi đặc thủy sản (như baba, lươn, cá quả…) bằng nguồn thức ăn chính là giun quế và kết hợp với các nhà khoa học chăn nuôi, môi trường viết thành luận chứng kinh tế - kỹ thuật, in thành sách để phổ biến rộng rãi cho nông dân. Anh tâm sự rằng : Chất thải gia súc bây giờ nhiều lắm bởi nông dân không còn thói quen dùng phân chuồng bón ruộng như ngày xưa vì đã có lân, đạm, urê, kali sẵn sàng ở các dịch vụ đầu thôn, vậy nên ở nhiều làng, xã tình trạng ô nhiễm môi trường sống do chất thải gia súc đã trở nên trầm trọng. Nếu nông dân chúng ta tiếp cận thông tin nhiều hơn về con giun quế (mà thức ăn chính của chúng là các loại phân trâu bò, lợn, gà, rau củ quả ôi thiu thừa phế), thấy được lợi ích đáng kể do nó đem lại chắc chắn môi trường sống sẽ được cải thiện, thu nhập từ chăn nuôi sẽ tăng lên, do chi phí đầu vào giảm xuống đáng kể.
- Vậy là việc làm của anh đang ở tầm cỡ Dự án quốc gia rồi đó. Anh có nhận được nguồn tài trợ nào không?
- Tiền thì không nhưng tình cảm rất nhiều. Nhiều chuyên gia đã hứa sẽ giúp tôi, chính quyền địa phương rất ủng hộ tôi, nông dân ở khắp các địa phương sẽ cung cấp thông tin cho tôi về kết quả, hiệu quả kinh tế khi đưa giun về hỗ trợ chăn nuôi. Có cả các chuyên gia CH Séc về nông nghiệp đã đến đây (2 đoàn) xem xét và đánh giá việc nuôi giun quế dưới góc độ khoa học.
- Anh nói chuyện với họ bằng tiếng Séc à? Sao không tranh thủ xin độ 1 triệu Korun hỗ trợ dự án. Biết tôi đùa cho vui vẻ, anh cũng cười xòa mộc mạc.
- Tiếng Séc tôi có được học mấy đâu nhưng những câu giao tiếp tối thiểu vẫn còn nhớ tốt. Nếu họ hỗ trợ tôi sẽ děkuji mockrát (Rất cảm ơn) và còn thêm kdy se zase uvidíme? (Khi nào chúng ta lại gặp nhau?). Còn nhớ, hồi chúng tôi làm việc ở hãng sản xuất xe máy ČZ Strakonice, lãnh đạo phía bạn quý chúng tôi lắm vì công nhân Việt
- Cái này tôi xây năm 1985 đấy, hoàn toàn bằng tiền lao động ở Tiệp mang về, model thì cũ rồi nhưng chất lượng rất tốt, hồi mới hoàn thành nó hoành tráng nhất làng này còn bây giờ… nó vẫn hoành tráng trong kỷ niệm của tôi về đất nước Tiệp Khắc xưa, nơi có nhiều bia ngon, nhiều thành phố đẹp và tình cảm bạn bè Quốc tế trong sáng.
- Lương cao vậy, bạn quý và tin tưởng vậy sao anh không ở lại tiếp tục làm việc, rồi kéo cả gia đình sang định cư như một số ít người?
- Mỗi người có một hoàn cảnh, một suy nghĩ riêng về gia đình, quê hương và quan niệm sống. Riêng tôi, chỗ nào cũng phải làm việc thật tốt mới có cuộc sống tốt và không bao giờ được hài lòng với cái mình đã có, phải phấn đấu và liên tục tìm tòi, khám phá… Những công dân, Việt kiều của chúng ta đang ở CH Séc hôm nay cũng vậy thôi. Một số ít rất khá giả, số đông đang khá giả và còn một bộ phận quá vất vả nhưng tất cả họ đều nỗ lực phấn đấu vươn lên, đùm bọc hỗ trợ nhau vượt qua những khó khăn thử thách của khủng hoảng kinh tế, một lòng hướng về quê hương, về gia đình và sẽ trở về với quê hương, gia đình như những người con hiếu thảo, thành đạt.
Anh bảo tôi viết lại cho anh 2 câu thành ngữ bằng tiếng Séc mà anh rất tâm đắc khi còn ở Tiệp đó là:
- Všude dobře, doma nejlíp.
- Jablko nikdy nepadá daleko od stromu.
Anh dịch sang tiếng Việt mộc mạc: ở đâu cũng tốt, ở nhà tốt nhất còn câu kia: Quả táo không bao giờ rụng xa gốc (= lá rụng về cội ).
Vâng, quê hương mãi là tất cả đối với anh, nơi anh sống hạnh phúc bên những người thân và đang làm việc hết mình về nó. Con trùn nhỏ yếu đuối được anh bấy lâu nâng niu, chăm sóc và chuyển giao kỹ thuật nuôi tới người nông dân nghèo thật sự không nhỏ nếu hiểu rộng ra về ý nghĩa môi trường sống, kinh tế hộ gia đình và mục tiêu xóa đói giảm nghèo lớn lao của Đảng và Nhà nước.
Tạm biệt anh một công nhân kỹ thuật thành đạt từ Tiệp Khắc về, cảm ơn anh một người đã bỏ bao công sức để khẳng định: Con giun quế (trùn đỏ) là vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao, cũng cảm ơn anh đã giúp anh em họ hàng tôi một lối thoát nghèo, phù hợp với hoàn cảnh hộ nông dân nghèo. Chúc bản “Luận chứng kinh tế - khoa học về con giun quế” của anh sớm được hoàn thành và nếu có ai đó muốn thăm quan, học hỏi mô hình hãy liên hệ theo số điện thoại:
Anh Trần Văn Hạnh, tel. 04. 39516275
thôn Võng La, xã Võng La, Đông Anh, Hà Nội.
Thay lời kết
Nhóm biên tập viên (nghiệp dư) trang thông tin điện tử Hội Hữu nghị Việt Nam - Séc trân trọng các ý kiến đóng góp của độc giả, hội viên về nội dung, chất lượng các bài viết, đồng thời luôn mong muốn nhận được nhiều thông tin về Người tốt - Việc tốt và các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội khác có liên quan tới CH Séc tại Việt Nam nhằm bổ sung kịp thời và góp phần làm cho trang Thông tin của Hội ngày càng phong phú, gần gũi hơn với độc giả.
Thông tin xin gửi về:
E.mail : Do.honza@seznam.cz (Đỗ Ngọc Việt Dũng)
E.mail : Nguyentienhung2008@gmail.com (Nguyễn Tiến Hưng)
E.mail : Hientm@yahoo.com (Trần Minh Hiền)
Bài Nguyễn Tiến Hưng
Ảnh (Nắng tháng Chín) Đỗ Ngọc Việt Dũng
Nguồn tin: BBT Hội
- TIỆC ÂM NHẠC GIỮA NHỮNG NGƯỜI BẠN II(20/08/2023 - 20:06:16)
- THÔNG BÁO HOẠT ĐỘNG MỪNG XUÂN QUÝ MÃO 2023(13/01/2023 - 09:02:03)
- Tin buồn(25/07/2020 - 00:00:00)
- Thông báo dừng thu nhận ủng hộ Việt Nam và CH Séc chống dịch bệnh Covid 19(26/03/2020 - 20:46:22)
- Thông báo về việc ủng hộ Việt Nam và CH. Séc chống dịch bệnh Covid 19(23/03/2020 - 00:00:00)
- THÔNG BÁO MỜI THAM DỰ TIỆC MỪNG XUÂN CANH TÝ 2020 VÀ GIẢI TENIS HỮU NGHỊ VIỆT-SÉC(15/01/2020 - 07:50:41)
- Thông báo triệu tập Đại biểu dự Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Hữu nghị Việt Nam - Séc lần thứ IV, nhiệm kỳ 2019 - 2024(06/06/2019 - 00:00:00)
- Thông báo chương trình hoạt động chào mừng Xuân Kỷ Hợi(28/01/2019 - 10:40:10)
- LIÊN HOAN PHIM SÉC – SLOVAKIA LẦN ĐẦU TIÊN TẠI VIỆT NAM(01/11/2018 - 00:00:00)
- Đại sứ quán Cộng hòa Séc thông báo về việc mở Trung tâm tiếp nhận hồ sơ xin thị thực ngắn hạn Schengen tại Hà Nội(08/10/2018 - 14:21:50)