Tin mới
Dạy tiếng Séc – Món quà bất ngờ của cuộc sống dành tặng tôi

Ngày đăng: 15/06/2010 - 22:40:10

Phải chăng, chỉ đến khi có tuổi, người ta mới có thêm thời gian để suy ngẫm, để hiểu được thêm điều mất - được của những tháng ngày đã qua? Có lẽ chắc với ai cũng vậy, khi ngoái lại nhìn những ngày qua, nhìn lại cuộc đời mình, nếu không phải nói ra hai từ “giá như” thì thật hạnh phúc biết bao! Có thể khi đọc xong bài viết này, người đọc sẽ thốt lên “chẳng có gì đáng đọc” và người viết chỉ có thể nói: “Cảm ơn bạn đã đọc những dòng tâm sự, một phần cuộc đời tôi và tôi thực lòng xin lỗi, nếu việc đó đã làm bạn mất thời gian. Tôi đã viết, bởi tôi nghĩ hạnh phúc mỗi khi được sẻ chia, sẽ được nhân đôi.”

Tôi còn nhớ chuyến bay của Hãng hàng không ČSA từ Hà Nội đến Praha vào một ngày gần cuối năm 1984 chỉ có 26 hành khách. Suốt cả chuyến bay tôi không hề chợp mắt. Bao nhiêu cảm xúc ùa về, đan xen trong tâm trí tôi. Đó là nỗi nhớ khôn nguôi cô con gái 4 tuổi đang gửi ông bà ngoại chăm sóc; là sự mong chờ được gặp người chồng thân yêu vì cuộc sống mà phải xa gia đình, lúc đó đang làm việc ở Třebíč; là sự ao ước được dạo bộ trong những khu phố cổ thân quen ở Praha; là mong muốn được đến thăm các thày cô giáo và những người bạn Tiệp dễ mến; là ước muốn được đến những nơi in dấu kỷ niệm của một thời để nhớ, một thời trẻ trung với bao khát vọng, tình yêu và niềm tin vào con người và cuộc sống.

Mãi 10 năm sau khi tốt nghiệp đại học tôi mới có dịp thực hiện được ước muốn trở lại Praha. Mấy ngày đầu tôi cứ ngỡ mình đang mơ. Tôi đang ở Praha thật ư? Tôi vẫn nhận ra những góc phố thân quen; những tuyến xe điện, autobus mà tôi thường đi; những ký túc xá mà tôi đã từng ở như Větrník, Arnošta, Jednota, Kolej S.K. Neumana v.v.; những vườn cây anh đào, táo, mận, lê vẫn như ngày nào đang chờ tiễn mùa đông để đón một mùa xuân với hoa nở trắng xóa cả một vùng. Một cảm giác vừa lạ vừa quen, như được trở về quê hương nơi đã nuôi mình khôn lớn. Tiếng Séc sao mà nghe thân quen đến thế!

Sau khi ổn định cuộc sống và việc học hành, tôi đến thăm nơi mà tôi đã gắn bó suốt cuộc đời sinh viên, nơi bắt đầu tình yêu của tôi, tình yêu với khoa học và tình yêu với một nửa của chính mình. Chính ở nơi đây trong những tháng năm xa nhà, trái tim tôi đã được rèn luyện khát vọng được sống, được làm việc; khát vọng phải vươn lên trong bất cứ hoàn cảnh nào. Đây chính là Viện Vật lý trực thuộc khoa Toán - Lý, trường Đại học Tổng hợp Karlova.  

Qua cuốn Telefonní seznam, tôi tìm được số điện thoại của thày giáo cũ V. Valvoda. Tôi rất vui khi ông nhận ra tôi. Ông dẫn tôi sang gặp cô Trojanová. Tôi đứng hồi lâu trước bậc cửa sau khi lên tiếng chào “Dobrý den, paní docentko.” Cô hơi nheo mắt nhìn và mỉm cười nói:

“Vy jste…”.

“Em tốt nghiệp cách đây 10 năm rồi.” Tôi đỡ lời cô.

“Tôi nhận ra em rồi. Tôi nhớ rồi. Tôi chính là người phản biện luận văn của em có phải không?”

Sau vài câu thăm hỏi, thày trò chúng tôi ngồi uống trà cùng nhau và tôi không còn sợ cô như hồi nào.

“Em sẽ làm nghiên cứu sinh ở chỗ chúng tôi chứ?” - Cô hỏi.

Tôi nhìn cô, không muốn cô thất vọng, nhưng biết làm sao được.

“Không cô ạ, em bây giờ là giảng viên tiếng Séc.” Tôi trả lời.

Không dấu được sự ngạc nhiên, cô thốt lên: “Tại sao lại là giảng viên tiếng Séc?”

Khi tốt nghiệp, tôi tin chắc có một ngày nào đó tôi sẽ trở về mái trường cũ và sẽ trở lại nơi đây với tư cách là một nghiên cứu sinh chuyên ngành vật lý chất rắn. Không ai ngờ, hôm nay, tôi trở lại thăm trường lại với tư cách một học viên cao học chuyên ngành Bohemistika.

Hôm ấy trời lạnh lắm, nhưng thày trò chúng tôi ngồi nói chuyện rất vui vẻ và đầm ấm. Cô muốn tôi kể cho cô nghe vì sao tôi lại trở thành lektorka Češtiny.

Hôm nay, tôi sẽ kể lại cho các bạn nghe kỹ càng hơn đôi chút.

Tháng 11 năm 1974 tôi về đến Hà Nội. Sau một tháng nghỉ ngơi, tôi lên Bộ Đại học và đã nhận được giấy giới thiệu sang Bộ Công an liên hệ công tác. Về làm việc ở Bộ Công an ư? Thực lòng tôi thích nghề dạy học. Biết làm sao bây giờ? Tôi đành đến Bộ Công an, ở phồ Trần Bình Trọng theo như giấy giới thiệu. Tôi ngồi chờ tại phòng khách cùng vài người khác. Vài phút sau, một cán bộ cao lớn khoảng chừng ngoài 35 tuổi xuất hiện. Tôi đoán ông ra là để gặp tôi. Tôi nhìn ông chăm chú.

“Ai là Trần Minh Hiền?” Ông hỏi.

“Trần Minh Hiền là em ư?” Ông thật sự ngạc nhiên khi biết tôi chính là người có cái tên Trần Minh Hiền.

Tôi linh cảm có điều gì không ổn. Ông nhìn tôi có vẻ băn khoăn, rồi từ tốn nói, rằng ông cứ tưởng Trần Minh Hiền là một nam thanh niên, không phải là một cô gái, nên mới đồng ý nhận khi xem hồ sơ học tập của tôi ở Bộ Đại học.

“Nghề công an không hợp với phụ nữ đâu, anh trả em lại Bộ Đại học nhé để họ sẽ phân công việc khác cho em.” - Ông nói tiếp.

Khi đó tôi không hề thấy buồn và cũng chẳng hề nài nỉ ông nhận tôi, vì tôi đâu có thích nghề công an. Nhưng tôi cảm thấy hẫng hụt, khi hiểu rằng họ từ chối nhận tôi vào làm việc chỉ vì tôi là nữ.

Tôi cảm ơn ông và không quên hỏi: “Học lực không quan trọng, các anh chỉ cần nam giới, có đúng vậy không anh?”

Ông gật đầu và tiễn tôi. Vài ngày sau tôi giới thiệu anh Nguyễn Hùng Cường, cùng học vật lý với tôi, tới Bộ Công an và anh được nhận vào làm việc ngay. Tôi đâu có ngờ lần từ chối này không phải là lần bị từ chối duy nhất trong cuộc đời đi xin việc làm của tôi.

Phải tự đi tìm việc. Ngày còn là học sinh, tôi học giỏi các môn khoa học tự nhiên nên được phân học tổng hợp lý. Điểm luận văn và thi quốc gia của tôi đều đạt “výborně“. Tôi ao ước được trở thành cô giáo dạy vật lý trong một trường đại học biết nhường nào. Tôi đến nhờ TS. Nguyễn An Lương. Ông rất nhiệt tình giới thiệu tôi với anh trai của mình, GS. TSKH. Nguyễn Đình Tứ, khi đó đang là Phó Hiệu trưởng trường Đại học Tổng hợp, Hà Nội. Thật tuyệt vời nếu được giảng dạy ở Trường. Thế nhưng ở Khoa Vật lý và Khoa Hóa tôi đều nhận được câu trả lời đã đủ biên chế.

Thế là thêm hai lần bị từ chối nữa. Tôi vẫn không nản lòng. Tôi lại đến trường Đại học Bách khoa. Và câu trả lời vẫn là rất tiếc. Ngày ấy nước mình chưa thống nhất, số sinh viên tốt nghiệp các ngành khoa học cơ bản ở các nước xã hội chủ nghĩa về quá nhiều. Biết đi đâu xin việc bây giờ?

Thế là tôi từ bỏ ước muốn trở thành cô giáo của mình. Tôi nhờ người giới thiệu để được tiếp cận với Viện sĩ, TSKH Nguyễn Văn Hiệu, khi đó ông đang làm Viện trưởng Viện Vật lý. Ông vui vẻ trò chuyện, cuối cùng ông nói đại ý là Viện đang cần một cán bộ chuyên ngành về cấu trúc, đúng như chuyên ngành mà tôi được đào tạo, nhưng ông không muốn nhận một nữ cán bộ về làm việc với tia Rơn-gen, vì phụ nữ còn sinh nở... Lại thêm một lần bị từ chối. Tại vì chuyên ngành tôi học ư? Tôi đã phải “nhường” chuyên ngành mình ưa thích cho người mình yêu, để theo học chuyên ngành phân tích cấu trúc bằng tia X, vì Khoa Vật lý UK không cho 2 sinh viên Việt Nam cùng học một chuyên ngành.

Một năm đã trôi qua. Tôi lại nhận được giấy giới thiệu của Bộ Đại học sang Bộ Giáo dục liên hệ công tác. Một chút hy vọng trở thành cô giáo lại loé sáng. Tôi nhận giấy giới thiệu xuống Trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Tôi đã tin là mình sớm được nhận là giáo viên của trường, sau khi đã thi tuyển và báo cáo lại luận văn trước toàn thể giáo viên của Khoa Lý.

Thêm 1 tháng chờ đợi và câu trả lời vẫn luôn là: “Bộ đang xem xét”.

Cuối năm 1975 tình cờ được anh Xuân Toàn cùng học ở Praha thông báo: “Trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội đang cần giáo viên dạy tiếng Séc.” Với quyển học bạ trong tay tôi đến ngay Trường và thật may mắn sau chưa đầy 30 phút, tôi được trưởng khoa Lưu học sinh Trần Ngọc Kim và trưởng bộ môn các thứ tiếng Châu Âu Trần Ngọc Châu tiếp nhận. Một tuần sau tôi đã đứng trên bục giảng với niềm vui khao khát được làm việc biết mấy. Tôi đã trở thành giảng viên dạy tiếng Séc như thế.

Một tháng sau, tôi lại nhận được quyết định thu nhận về Khoa Lý trường Đại học sư phạm làm công tác giảng dạy. Biết chọn nơi nào đây? Sao 2 niềm vui lại đến cùng một lúc, chỉ được chọn một, mà tôi thì lại “yêu” cả hai, tiếng Séc và Vật lý. Mỗi ngày tôi lên lớp, nhìn thấy những gương mặt trẻ trung, thông minh của các em sinh viên, được nói với các em bằng tiếng Séc, tôi như thấy tuổi trẻ, ước mơ của chính mình, như thấy mình đang sống lại những ngày còn ở Tiệp Khắc, như thấy mình trẻ lại. Tôi quý mến tập thể giáo viên nơi đây, tôi quý mến những gương mặt đang lắng nghe tôi nói tiếng Séc. Họ như có một sức mạnh vô hình níu tôi lại, họ chính là ước mơ, là tuổi trẻ của tôi, họ chính là nhịp cầu cho tôi trở về quá khứ của mình, trở về với Praha nơi đã gắn bó bao kỷ niệm yêu thương và tôi như một nhịp cầu đưa họ đến với những trường ĐH của Tiệp Khắc để thực hiện mơ ước. Mặc dù tiếng Séc không phải chuyên ngành tôi được đào tạo, nhưng tôi yêu công việc tôi đang làm.Và tôi đã phải nói lời xin lỗi với Khoa Vật Lý, trường ĐH Sư phạm. Những sinh viên học giỏi, thông minh, tiếng Séc và tập thể Khoa Lưu học sinh đã giữ chân tôi ở lại và gắn bó đời tôi với ngôn ngữ Séc.

Nghe kể lại, thày cô giáo cũ của tôi cứ tiếc công lao họ đã dạy tôi, tiếc khối kiến thức mà tôi đã học. Nhưng như để an ủi họ và an ủi chính mình, tôi đã nói: “Kiến thức là vô tận, em có thể quên, những gì em đã học, nhưng có những điều em không thể quên: đó là tình nghĩa thầy trò sâu nặng; là phương pháp làm việc, phương pháp nghiên cứu, cách giải quyết một vấn đề mà các thày cô đã dạy em...”

Ngày tôi chia tay với mái trường, nơi tôi đã gắn bó cả đời mình với tiếng Séc và với khoa học ngoại ngữ, tôi đã nói với các đồng nghiệp của mình: “Tôi chưa bao giờ ân hận với quyết định trở thành giáo viên dạy tiếng Séc, ngôn ngữ của quê hương thứ 2 của tôi và đó chính là món quà bất ngờ nhất mà cuộc sống dành tặng tôi. Tôi biết ơn cuộc đời đã cho tôi món quà này.”

                                                                                  Hà Nội, tháng 6/2010


Nguồn tin: Trần Minh Hiền


Xem tin theo ngày: