Tin mới
Khai trương Nhà hàng bia tươi Goldmalt, số 9 Hoàng Cầu, Hà Nội

Ngày đăng: 25/03/2011 - 16:38:48

Tối ngày 21/3/2011, một Nhà hàng nữa trong hệ thống nhà hàng bia tươi Goldmalt, từ lâu đã rất quen thuộc và được ưa chuộng đối với nhiều thực khách Việt, Séc và nhiều khách quốc tế khác, đã được khai trương tại số 9 Hoàng Cầu, quận Đống Đa, Hà Nội.


Cùng với một số nhà hàng bia tươi khác như Hoa Viên, Pragold 125 Lò Đúc, Nhà hàng bia 198 Trần Quang Khải…, có thể nói Goldmalt là một trong những hình ảnh cụ thể của tình hữu nghị Việt Nam–Séc, bởi đây là thức uống đặc trưng Tiệp được sản xuất trên đất Việt Nam bằng bàn tay của những người Việt với công nghệ và nguyên liệu Séc. Tôi cũng được biết hầu hết cổ đông của Nhà hàng này đều đã từng học tập tại Tiệp Khắc. Và điều rất có ý nghĩa của Lễ khai trương lần này là đã có các vị khách quý đến dự và cắt băng khai trương: Ngài TS. Vítěslav Grepl, Tổng Vụ trưởng tổng vụ các nước ngoài châu Âu và hợp tác phát triển, Bộ Ngoại giao Cộng hòa Séc (Vrchní ředitel sekce mimoevropských zemí a rozvojové spolupráce) đang thăm làm việc ở Việt Nam; Ngài Michal Král, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền CH Séc tại Việt Nam và TS. Nguyễn Minh Hồng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam-Séc. Tới dự lễ khai trương còn có ông Martin Vlastník, Bí thư thứ nhất Đại sứ quán CH Séc; ông Phan Đăng Điều, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Hữu nghị Việt Nam-Séc, các Phó Tổng thư ký cùng một số UV Ban Chấp hành TƯ Hội. Tối đó, bên bàn tiệc được tổ chức trọng thể sau Lễ khai trương, sau phát biểu ngắn của Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam–Séc Nguyễn Minh Hồng chào mừng chuyến thăm Việt Nam của Ngài Tổng Vụ trưởng, sự có mặt của các vị khách quý từ Đại sứ quán Séc tại Hà Nội và đáp từ của Ngài Tổng Vụ trưởng, Ngài Đại sứ; các vị khách mời và những người cùng tham dự đã trò chuyện cởi mở, thân mật về tình hữu nghị, quan hệ hợp tác cũng như về những kỷ niệm công tác và tình người khó quên trong những năm tháng cùng góp sức vun đắp cho sự đơm hoa kết trái của tình hữu nghị và quan hệ hợp tác truyền thống Việt Nam–Séc. Dịp này, ông Phan Đăng Điều cũng đã giới thiệu vắn tắt với Ngài Tổng Vụ trưởng về sự ra đời, cơ cấu tổ chức và hoạt động của Hội Hữu nghị Việt Nam–Séc.

Như vậy, Hà Nội lại có thêm một nhà hàng nữa cung cấp bia tươi của Tiệp (bia đen và bia vàng) cho những người yêu thích một đồ uống nổi tiếng của xứ sở Bohemia. Tôi không phải dân uống bia nên không cảm nhận hết được vị đậm đà hay sự khác nhau giữa các loại bia. Chỉ thấy Ngài Đại sứ luôn nói với giọng rất hài lòng “Thật tuyệt!”, “Thật ngon!”. Với Ngài Tổng Vụ trưởng Vítěslav Grepl, tôi nghĩ cũng đã có một kỷ niệm lý thú khi không ngờ trong chuyến thăm ngắn ngày tại Việt Nam lần này ông được gặp lại ông Phan Đăng Điều, một cán bộ ngoại giao của Sứ quán Việt Nam tại Praha trong nhiều năm đã có nhiều quan hệ công tác với Vụ khu vực tại Bộ Ngoại giao Séc do ông từng làm Vụ trưởng. Ngài vẫn nhớ những bữa cơm Việt Nam tại Sứ quán Việt Nam những năm đó.. Ngài Tổng Vụ trưởng có hỏi thêm tôi: “Ở Hà Nội có bao nhiều nhà hàng nấu bia Tiệp?”; “Một năm anh chị em trong Hội Hữu nghị gặp nhau mấy lần?”

Ngài Tổng Vụ trưởng phấn khởi khi nghe tôi đáp lời, rằng hai hoạt động lớn thường niên của Hội là cuộc gặp mặt hữu nghị chào mừng quốc khánh CH Séc-quê hương thứ hai của chúng tôi và cuộc tranh giải quần vợt và gặp mặt hữu nghị mừng Xuân mới đầu năm, ngay sau Tết cổ truyền của Việt Nam. Ngoài hai hoạt động chính đó, mỗi khi có sự kiện quan trọng trong quan hệ hai nước, tùy mức độ, Hội đều tổ chức các hoạt động. Hội còn có CLB Văn học-Nghệ thuật Bohemia, sinh hoạt đều đặn mỗi tháng một lần và là nơi gặp mặt của những người Việt Nam đã từng sống, làm việc, học tập tại Tiệp Khắc trước kia, CH Séc ngày nay và của một số bạn bè Séc đang có mặt tại Việt Nam.

Vừa thưởng thức bia ngon, vừa được nghe những bài hát quan họ tình tứ do một nữ nghệ sĩ chuyên nghiệp trình diễn, bữa tiệc khai trương thêm nhiều tiếng cười vui. Một điều nữa đã làm các vị khách dự đêm tiệc khai trương ngạc nhiên vui thú là được nghe các anh “cổ đông“ đàn hát một “bài ca riêng” của Nhà hàng do chính các anh soạn lời, bằng tiếng Việt và cả tiếng Séc, trên nền nhạc một bài hát quen thuộc của Séc do nghệ sĩ nhân dân, họa sĩ Doãn Châu đệm đàn. Các vị cổ đông còn trình diễn nhiều bài hát Tiệp khiến cả ba vị khách quý người Séc không thể không hòa lời ca. Ngài Đại sứ đã nhắc đến tiếng hát ngọt ngào của kỹ sư Hoàng Thanh Lê, một trong những sinh viên sang Tiệp Khắc năm 1956, hát hay nổi tiếng một thời, khi bà hát những bài hát của đất nước ông. Tiếng hát ấy chắc đã để lại một ấn tượng khó quên đối với Ngài Đại sứ.

Cuộc sống thường như vậy đó. Có những sự việc, những niềm vui, sự trùng hợp như được ở đâu đó sắp xếp bỗng ùa đến với ta, làm lòng ta ấm áp, rộn rã. Tôi tin chắc cuộc hội ngộ giữa những người bạn chân tình hôm nay sẽ để lại trong lòng các vị khách Séc những kỷ niệm khó quên về tình cảm yêu mến, biết ơn mà thời gian không thể xóa nhòa của rất nhiều người Việt Nam đối với đất nước và nhân dân nước bạn. Ra về các vị khách đã thành tâm chúc Nhà hàng luôn luôn đông vui, làm ăn phát đạt. Cũng xin cảm ơn sự chuẩn bị chu đáo của lãnh đạo và các anh chị cổ đông Nhà hàng Ánh Dương đã góp phần quan trọng cho buổi gặp mặt những chính khách và những người bạn từ hai quốc gia thành công tốt đẹp.

Nguồn tin: Trần Minh Hiền


Xem tin theo ngày: