Tin mới
Tản mạn từ một chuyến đi về Miền Kỷ Niệm

Ngày đăng: 21/04/2011 - 11:30:10

Lời BBT: Tháng 8 năm 2010, 3 giáo viên Việt Nam dạy tiếng Séc tại Đại học Hà Nội đã tham dự khóa bồi dưỡng tiếng Séc ở thành phố Olomouc, CH Séc theo lời mời của phía bạn. Chúng tôi đã có dịp giới thiệu cùng bạn đọc bài viết “Một chuyến đi ấm áp tình người” của cô giáo Trần Minh Hiền. Nay xin giới thiệu tiếp với bạn đọc những cảm nhận của cô giáo về chuyến đi đầy ý nghĩa ấy. Bài viết có 4 phần, chúng tôi sẽ lần lượt giới thiệu tới bạn đọc các phần của bài viết.


Phần 1: Miền đất mới, Thiên đường của chúng tôi

Thứ Sáu, ngày 23 tháng 7 năm 2010.

Chỉ còn mấy phút nữa máy bay sẽ hạ cánh xuống sân bay Praha. Liệu có ai đón mình không nhỉ, tôi tự hỏi. Hơn 8 giờ tối, máy bay hạ cánh. Trời rất mát.Vẫn còn lác đác mưa. Có lẽ trận mưa ban chiều rất lớn; mưa đã ru Praha vào giấc ngủ sớm hơn chăng? Kia rồi, chúng tôi đã nhận ra những gương mặt thân quen của 3 sinh viên năm nào: Nam, Ngọc và Sơn trắng (Sơn Ngọc); rồi Hường cô bạn gái của tôi; anh Phạm Hồng Minh, Bí thư thứ 2 và đứng bên cạnh, chúng tôi đoán, là Bí thư thứ nhất Đinh Văn Hiển. Những cái bắt tay nồng ấm, những nụ cười rạng rỡ đã làm tan biến mọi nỗi lo âu, mệt mỏi sau một chặng đường dài.

- “Cô tưởng là em đang ở Pháp”, tôi nói với Nam.

- “Không, em phải đón các thày cô xong, mai em mới đi Pháp. Nhìn các cô còn nhanh nhẹn và khỏe mạnh như thế này, chúng em vui lắm”, Nam vui vẻ đáp lời.

Thật tuyệt vời! Bao nhiêu năm mong nhớ, bao nhiêu năm hy vọng được trở lại nơi đây. Bỗng dưng như có một phép mầu đưa 3 chúng tôi cùng trở lại thành phố của tuổi trẻ, của hy vọng, tình yêu và những ước mơ. Những sinh viên cũ đầu tiên chúng tôi gặp là những con người đã khởi xướng cho một chuyến đi ấm áp tình người; một chuyến đi ấm tình thày trò, tình hữu nghị mà có lẽ khó có dịp lặp lại lần thứ hai trong cuộc đời những nhà giáo như chúng tôi. Tôi cố dấu xúc động. Một cảm giác hân hoan, hạnh phúc như đang ở giữa những người thân yêu nhất, như được trở về quê mẹ. Mảnh đất này khiến chúng tôi nên duyên thày trò và bạn bè. Mảnh đất luôn mang đến cho riêng tôi niềm tin vào cuộc sống.

Tạm chia tay nhau. Xe đưa chúng tôi về nhà khách của Sứ quán trên đường Plzeňská. Ngắm thành phố trong mưa qua ô cửa kính ô tô, tôi cứ ngỡ nơi đây hình như tôi chưa hề đến. Thoáng buồn, vì tôi chưa thể nhận ra một tòa nhà nào cả. Thành phố như chìm sâu vào giấc ngủ. Yên tĩnh làm sao! Mưa rả rích suốt đêm. Chúng tôi chỉ chợp mắt được chút xíu. Đất trời như hiểu lòng chúng tôi? Mưa rơi, phải chăng trong đó có nước mắt của những người con đang hạnh phúc, đang thổn thức khi được trở lại miền đất nhiều năm thương nhớ; đang bịn rịn trong nỗi nhớ nhung, khi lòng ước mong chưa được thỏa mà ngày mai phải vội vã chia tay để đến một vùng đất mới để làm trọn sứ mệnh của chuyến đi này: tham dự khóa bồi dưỡng tiếng Séc tại thành phố Olomouc.

Tám giờ 30 sáng hôm sau, thứ 7, ngày 24/7/2010, xe đến đưa chúng tôi tới Hlavní Nádraží. Chia tay với Bí thư thứ nhất Đinh Văn Hiển trước Nhà ga. Cửa vào trong sân ga sao vẫn cổ kính vậy; sao hôm nay nhà ga vắng vẻ thế! Phải chăng vì trời vẫn còn mưa? Chúng tôi thật bỡ ngỡ sau nhiều năm không trở lại nơi đây, ít nhất cô Hoa và tôi cũng 12 năm rồi. Chưa tìm ra hướng đi đến chỗ xem giờ tầu và cũng không biết hỏi thăm ai. Mãi 4 tuần sau, khi trở lại nơi đây, chúng tôi mới biết lối chúng tôi vừa đi qua không phải là cửa chính để hành khách ra vào Nhà ga mà là cửa ra vào ở phía trên dẫn tới đường cao tốc. Pan Hợi và tôi đứng trông hành lý, Đào Hoa đi mua vé. Chờ mãi không thấy Hoa trở lại, tôi thử đi tìm. Qua những bậc cầu thang, một khung cảnh hoàn toàn mới lạ, một không gian rộng lớn, hiện đại quá, nhộn nhịp và hối hả làm sao. Đây mới là hình ảnh của Hlavní Nádraží. Tôi không còn nhận ra nơi đây nữa, thật sự choáng ngợp trước sự đổi thay của Hlavní Nádraží. Sợ mình bị lạc, tôi quay lại tiếp tục đợi và cầu mong mọi sự tốt lành sẽ đến. Kia rồi Đào Hoa tươi cười quay về cầm trong tay vé lên tầu.

“Trời ơi, Hlavní Nádraží thay đổi nhiều quá, hiện đại quá. Hôm nay, sau bao năm dạy sinh viên cách xem giờ tàu, mua vé tàu, mình mới có dịp thực hành lại bài tập ấy.”

“Thế có mua místenky không?” Tôi hỏi.

“Ừ nhỉ, phải quay lại mua thêm vé ngồi nữa.” Cô Hoa cười rất tươi.

Trong khoang tàu chúng tôi có dịp làm quen với hai bà cháu và một chàng thanh niên người Séc. Họ ngạc nhiên khi nghe chúng tôi nói tiếng Séc và càng ngạc nhiên hơn khi nghe chúng tôi nói hôm nay là ngày đầu tiên chúng tôi tới CH Séc sau nhiều năm xa cách. Những câu hỏi của họ đưa chúng tôi trở về quá khứ không bao giờ quên của mình. Chúng tôi kể cho họ nghe về chuyến đi đầu tiên của mình tới Tiệp Khắc năm nào bằng tầu hỏa qua Trung Quốc, Mông Cổ, Liên Xô rồi đến Tiệp Khắc, 14 ngày cho một chuyến đi làm thay đổi cuộc đời chúng tôi. Kể cho họ nghe tình cảm của người dân, bạn bè, thày cô giáo Séc đối với những sinh viên Việt Nam khi ấy và kể cho họ nghe nỗi khát khao được trở lại mảnh đất đã góp phần nuôi chúng tôi lớn khôn và trưởng thành. Họ kể cho chúng tôi những đổi thay của đất nước mà chúng tôi sắp được chứng kiến. Họ cũng cho chúng tôi những lời khuyên hữu ích cho những ngày sắp tới. Chuyện trò rôm rả quên cả thời gian. Tàu đã đưa chúng tôi tới Olomouc. Hai người Séc mới quen cùng đứng lên chuyển hành lý giúp chúng tôi. Những nụ cười nồng ấm, những lời chúc tốt lành dành cho nhau. Chúng tôi xuống tàu, tàu lại chuyển bánh. Họ vẫn đứng sau khoang cửa sổ vẫy tay và mỉm cười với 3 người Việt Nam đã coi đất nước họ như quê hương của chính mình.

Chiều thứ Bảy, ngày 24/7/2010.

Chúng tôi chưa một lần đặt chân tới Olomouc. Nơi đây tất cả đều mới lạ, duy chỉ có tiếng Séc là thân quen quá. Loay hoay một lúc chúng tôi cũng tìm được chỗ mua vé tầu điện. Với tờ chỉ dẫn rất tỉ mỷ trong tay chúng tôi tự tìm được ký túc xá và được đón tiếp rất chu đáo. Phòng ở rất tuyệt, sạch và đẹp. Cứ 3 phòng chung một khu công trình phụ. Tất cả đều rất mới, cảm giác như đang được sống tại một khách sạn loại 2 sao mới xây. Chỉ mấy chiếc thang máy gợi nhớ đây là một ký túc xá cũ đã được cải tạo, tân trang lại. Cất đồ đạc vào phòng, chúng tôi nghỉ ngơi đôi chút. Lại tiếp tục đi bộ tới Konvikt - Trung tâm nghệ thuật (Umělecké centrum) của Trường Đại học Tổng hợp Palacky, để làm bài kiểm tra phân loại trình độ chia lớp. Những ngày sau chúng tôi có nhiều thời gian ngắm kỹ từng đường nét kiến trúc trong tòa nhà, nơi ngày ngày chúng tôi tới trường để bồi dưỡng thêm kiến thức tiếng Séc. Thật tuyệt vời, chúng tôi được học trong tòa nhà xây dựng theo kiến trúc Ba rốc, được tân trang lại với những thiết bị hiện đại nhất. Lớp học, hành lang, sân vườn, tất cả tạo nên một tổng thể khuôn viên hài hòa tuyệt đẹp, đẹp từng chi tiết, lãng mạn và thơ mộng làm sao, thật đúng với cái tên Trung tâm Nghệ thuật. Ngày ngày, chúng tôi đi bộ khoảng 15 phút hoặc 2 bến xe điện là tới Konvikt. Vừa đi vừa ngắm thành phố, vừa cảm nhận hương vị thanh khiết của đất trời. Mỗi ngày lại phát hiện thêm những vẻ đẹp quyến rũ ở nơi đây. Olomouc yên bình quá, sạch đẹp quá, không khí trong lành tươi mát không ngờ, cứ ngỡ mình đang trong mơ. Càng ngày chúng tôi càng ngỡ ngàng trước vẻ đẹp cổ điển, huyền ảo của những tòa tháp cổ, của những ngọn tháp nhà thờ từ thế kỷ 12, 13…, của những đài phun nước xây theo kiến trúc Ba rốc v.v. Những ngày ở nơi đây chúng tôi đã thực sự quên đi mọi nỗi lo thường ngày; quên đi nỗi ưu tư, buồn phiền ẩn chứa trong con tim; gặp nhau là trao cho nhau những nụ cười thân thiện. Được cắp sách tới trường với những người bạn mới trẻ trung, vui tính, chúng tôi như trẻ lại, như đang được mở rộng lòng yêu thương để đón nhận thương yêu. Chúng tôi có cảm giác như chưa bao giờ cuộc sống của chúng tôi lại tươi đẹp đến như thế. Đào Hoa, cô bạn đồng nghiệp của tôi phải thốt lên: “Chẳng phải đây giống như thiên đường ư? Thiên đuờng chắc cũng chỉ đẹp và thanh bình như thế này”. Ôi một sự so sánh, đánh giá tuyệt vời. Không có từ ngữ nào để diễn tả được chính xác hơn cảm nhận đó của chúng tôi. “Đúng vậy. Mong rằng, người dân nước mình cũng sớm có được cuộc sống trong một môi trường trong lành, sạch đẹp như ở nơi đây.”

Những lần trước tới Séc, chúng tôi phần lớn ăn cơm ở nhà ăn sinh viên. Lần này, nhà trường phát cho chúng tôi phiếu ăn, mỗi phiếu trị giá 75 kuron. Với phiếu ăn này chúng tôi có thể ăn tại bất cứ nhà hàng nào trong thành phố và thế là sau mỗi buổi học chúng tôi lại cùng nhau đi đến các nhà hàng để thưởng thức các món đặc sản của Séc, của riêng vùng Morava. Chưa bao giờ chúng tôi được hưởng diễm phúc này. Có lần 3 chúng tôi đã phải dùng tới 11 phiếu cho một bữa trưa và để bù cho bữa ấy buổi chiều chúng tôi lại ăn studená večeře để nhớ lại cuộc sống sinh viên xưa kia của mình; nhớ lại mỗi tháng chỉ có 800 kuron học bổng, trong đó dành ra 50 đến 100 kuron góp vào tiền chống Mỹ cứu nước, còn lại chi tiền ăn, ở, tiền sách vở… và phải tiết kiệm dành mua được chiếc xe đạp để về còn đi làm…

Một chuyến đi đầy may mắn. Không ngờ chúng tôi được khám phá thêm một vẻ đẹp thanh bình tuyệt vời của Olomouc với những người dân hiền hậu và thân thiện. Trung tâm của thành phố là Quảng trường Horní. Nơi đây du khách có thể chiêm ngưỡng Cột chúa 3 ngôi, một công trình nguy nga kiểu kiến trúc Ba rốc. Cột này được xây dựng đầu thế kỷ 18 (1716-1754) để vinh danh Chúa Ba Ngôi và để tạ ơn Chúa đã gìn giữ thành phố thoát qua trận dịch hạch ở Morava. Đây cũng được hiểu ngầm là sự biểu lộ lòng yêu nước của dân địa phương. Cột Chúa Ba Ngôi ở Olomouc đã được UNESCO đưa vào danh sách di sản thế giới năm 2000, vì đây là một trong số công trình đặc biệt nhất thể hiện nghệ thuật Ba rốc của Trung Âu thời cực thịnh. Cột đài đáng khâm phục này là tuyệt phẩm của nhiều nghệ sĩ và các thợ thủ công bậc thày, nhưng đa số họ không được nhìn thấy công trình của mình hoàn tất. Ở Quảng trường Horní chúng ta sẽ nhìn thấy tháp chuông đồng hồ, người dân nơi đây thường gọi với cái tên tháp chuông đồng hồ cộng sản (Komunistický orloj), bởi lẽ nó được xây dựng trong thời kỳ cộng sản. Dấu ấn lịch sử đó chúng ta thấy rất rõ qua những hình tượng trên đồng hồ là những người công nhân, nông dân, bác sĩ v.v. Sau Cách mạng Nhung, có ý kiến muốn phá chiếc đồng hồ này, nhưng các nhà lãnh đạo thành phố quyết định vẫn giữ lại công trình kiến trúc ấy, bởi công trình là dấu ấn ghi lại một chặng đường lịch sử mà đất nước Séc, người dân Séc đã trải qua. Vì sao lại phải phá?

Thành phố như vui lên, sôi động hơn với sự có mặt của 83 sinh viên ngoại quốc đến từ 21 nước để tham dự lớp học hè tiếng Séc. Lớn tuổi nhất là một bác người Nhật Bản, 77 tuổi và trẻ tuổi nhất là một cô gái người Mỹ, có mẹ là người Séc, cô mới vừa tròn 18 tuổi. Ba chúng tôi là những người đến từ đất nước xa xôi nhất. Thỉnh thoảng khi chúng tôi hỏi thăm đường người dân địa phương, họ ngỡ ngàng nói “Sao các anh chị nói tiếng Séc giỏi thế? Các anh chị từ đâu đến vậy?” Thế là chúng tôi lại có dịp trò chuyện và thực sự tự hào nói mình là người Việt Nam, là những sinh viên đã từng tốt nghiệp ở CH Séc, được trở lại sau nhiều năm xa cách… Ngôn ngữ quả là cầu nối, khiến con người dễ dàng mở rộng cảm thông và chia sẻ.


Nhiều trình độ, nhiều lứa tuổi, nhiều nghề nghiệp, nhiều lý do học tiếng Séc khác nhau, nhưng tất cả chúng tôi đều có một điểm chung duy nhất - tình yêu với tiếng Séc, với văn hóa và con người Séc. Điều đó đã cho 83 con người cái duyên để gặp nhau và gắn kết chúng tôi lại, để rồi thêm yêu mến đất nước thanh bình này.

Bốn tuần ở Olomouc là 4 tuần hè với nắng vàng rực rỡ. Nắng như đùa rỡn với cỏ cây hoa lá; nắng sưởi ấm thêm từng mái nhà, từng trái tim những học viên ngoại quốc; nắng làm chúng tôi vui hơn, trẻ hơn. Bốn tuần, dù ở bất cứ nơi nào, 3 chúng tôi cũng luôn để lại những ấn tượng đẹp trong con mắt bạn bè về những học viên Việt Nam.

Thứ Bảy, ngày 21.8.2010, sau khi nhận chứng chỉ hoàn thành khóa học, chúng tôi chia tay nhau trong một ngày cũng đầy nắng; chia tay với nhà trường, với những con người đã dành cho chúng tôi những ngày học tập đầy bổ ích và lý thú để trở về với đời thường của riêng mình. Tạm biệt Olomouc với bao kỷ niệm ngọt ngào mà không ngờ chúng tôi lại có diễm phúc được hưởng ở cuộc đời này. Tạm biệt thiên đường của chúng tôi để trở về với Praha, nơi chúng tôi sẽ được gặp những con người khởi xướng chuyến đi ấm áp tình người, tình thày trò…

Trần Minh Hiền

Xem tin theo ngày: