Tin mới
Tản mạn từ một chuyến đi về Miền Kỷ Niệm :

Ngày đăng: 13/05/2011 - 08:27:35

Phần 3: Thăm lại mái trường xưa


Lần nào trở lại Praha tôi cũng đến thăm Khoa Toán Lý, nơi tôi đã từng học trong những tháng năm còn rất trẻ và lần nào tôi cũng được thầy Václav Valvoda tiếp đón với một tình cảm đặc biệt, có lẽ vì tôi là người sinh viên Việt Nam duy nhất gắn bó với Khoa nhiều đến thế chăng?

Đây là lần thứ 4 tôi trở lại thăm Trường, kể từ ngày tốt nghiệp chuyên ngành Vật lý chất rắn, trường Đại học Tổng hợp Karlova năm 1974. Lần này tôi cũng không báo trước với thầy chuyến thăm của mình, phần vì muốn làm thầy ngạc nhiên, phần vì không dám chắc sự trở lại của mình. Mãi khi ở Olomouc tôi mới viết email cho Giáo sư.

Để xin visa thêm mấy ngày sau khi khóa học tiếng Séc kết thúc, tôi đã trình bày với bà Lãnh sự của Sứ quán Séc ở Hà Nội:

“Thưa Bà, tôi rất mong được thăm lại thành phố gợi nhớ tuổi trẻ và ước mơ của mình, thành phố đã cho tôi tình yêu. Tôi không thể không thăm nơi tôi đã gắn bó cả cuộc đời sinh viên sôi động; tôi không thể không gặp lại thầy và những người bạn đã giúp tôi trong những tháng ngày đó và hơn nữa chúng tôi muốn được Bà cho chúng tôi cơ hội gặp lại những sinh viên đã từng học tiếng Séc ở trường chúng tôi và gặp lại hai đồng nghiệp Séc, cả hai đồng nghiệp ấy đều biết tiếng Việt rất giỏi. Vì vậy chúng tôi mong Bà cho chúng tôi thêm vài ngày nữa sau khi khóa học kết thúc…”.

“Tôi sẽ cấp cho các anh chị viza theo vé máy bay và bảo hiểm y tế. Tôi cũng rất muốn nhìn thấy các anh chị sau khóa học trở về, trước khi tôi về nước kết thúc nhiệm kỳ.” Bà Lãnh sự vui vẻ đáp.

Thế là chúng tôi có 5 ngày để làm những việc cho thỏa lòng ước mong và đã về nước giữ đúng lời hứa để kịp chia tay với bà Lãnh sự, để kể cho bà nghe về khóa học, về những cảm xúc, niềm vui và sự biết ơn mà bà là một trong những người giúp chúng tôi có được khóa học hè mãi mãi không bao giờ quên.

…Vài ngày sau khi gửi email cho GS Valvoda, tôi nhận được email trả lời, rằng GS đang đi nghỉ hè cùng gia đình và sẽ trở về làm việc ngày 28/8. Lúc ấy tôi đã rời Praha mất rồi. Tôi cứ đắn đo mãi, phần cũng rất muốn được gặp thầy, phần vì nghĩ thầy đã lớn tuổi (đã ngoài 70 tuổi), tôi không muốn làm hỏng kế hoạch nghỉ hè của thầy. Khao khát được thăm nơi tôi đã từng học cứ khắc khoải trong tôi. Tôi nhớ nơi đó, hai tòa nhà số 3 và số 5 trên phố Ke Karlovu; tôi nhớ tuổi trẻ; tôi nhớ tình yêu ngọt ngào của mình. Tất cả đã là quá khứ quá xa xôi, nhưng tôi vẫn cứ muốn đi tìm những kỷ niệm của một thời. Ngày ấy tôi đã nhìn cuộc sống với một lăng kính màu hồng. Tôi đã tin mình sẽ có được tất cả những gì mình ao ước. Tôi đã tin vào sự vĩnh cửu của tình yêu, của lời thề. Ngày ấy tôi chưa cảm nhận sâu sắc các cung bậc thăng trầm của cảm xúc, niềm vui, nỗi đau và mất mát; chưa hiểu hết giá trị của những ngày mình đang sống. Đi tìm những kỷ niệm ngọt ngào của quá khứ như thế nào đây? Phải làm gì đây?

Trong danh sách cán bộ, giáo viên khoa Toán Lý, trường Tổng hợp Karlova, tôi thấy có một cái tên quen thuộc Kučera và có tới 5 cán bộ mang họ Kučera.

Miroslav Kučera, phải chăng anh là bạn học cùng khóa của tôi? Và một email nữa được gửi đi:

“Kính gửi ông Phó giáo sư Mioslav Kučera,

Ông hãy cho phép tôi tự giới thiệu, tôi là Trần Minh Hiền, từ Việt Nam, hiện đang ở Olomouc tham dự khóa học hè tiếng Séc. Qua trang web của khoa Toán Lý tôi biết được địa chỉ này của ông. Thành thực xin lỗi ông, ông có phải là Miroslav Kučera, tốt nghiệp chuyên ngành vật lý chất rắn năm 1974 không? Nếu không đúng vậy, tôi xin lỗi đã làm phiền ông. Xin kính chúc Phó Giáo sư mọi sự tốt lành. Nhưng nếu điều trên là đúng, thì xin ông hãy đọc tiếp những dòng sau, tôi viết cho người bạn Séc cùng học với mình Miroslav Kučera.

“Mirek thân mến,

Tôi là Hiền, một trong hai nữ sinh Việt Nam đã học cùng với bạn. Bao nhiêu năm đã trôi qua, hãy cho tôi vẫn xưng hô với bạn như thủa nào chúng mình còn là sinh viên nhé, mặc dù bây giờ bạn đã là Phó giáo sư. Tôi tha thiết được đến thăm mái trường xưa và thật may mắn đó là nơi bạn đang làm việc. Tôi sẽ rất hạnh phúc nếu được gặp lại bạn học cũ và nay là giáo viên của Trường. Hy vọng là bạn sẽ cho tôi cơ hội để chúng mình có dịp gặp nhau trong thời gian tôi ở lại Praha...”

Hai ngày sau tôi nhận được email trả lời: “Hiền thân mến, bạn đã gửi thư đúng địa chỉ. Tôi rất vui, sau bao nhiêu năm mới nhận được tin bạn và bạn vẫn còn nhớ đến tôi. Cuối tháng 8 chắc chắn tôi có mặt ở Khoa. Hẹn ngày gặp lại bạn…”

Tôi ấp ủ niềm vui ngày được gặp lại người bạn học cũ người Séc sau 36 năm. Hồi tưởng lại những ngày đầu tiên trên giảng đường đại học, tôi nhớ sau một năm học tiếng Séc ở Teplice, khả năng nghe giảng của tất cả sinh viên Việt Nam còn kém lắm. Lúc đó tài liệu học tập chỉ là mấy cuốn sách mượn ở thư viện và bài giảng của thầy. Có những môn học hầu như tôi không ghi được nhiều, phần vì thầy nói nhanh, phần vì nhiều thuật ngữ mới, phần vì nhiều khi phải ngồi rất xa, mà giảng đường tới gần 200 sinh viên. Bảy sinh viên Việt Nam (chỉ có hai nữ) theo học vật lý cùng với các bạn Séc, Slovák và vài ba sinh viên người Hungari. Phải làm gì để ghi được bài, trong khi khả năng nghe của mình còn yếu. Rồi một lần, trong giảng đường tôi đã ngồi quan sát xem những sinh viên nào ghi chép chăm chỉ. Đến giờ giải lao tôi đã tiếp cận để xem trong số họ ai là người có chữ viết đẹp, có thể đọc được. Từ đấy, tôi thường mượn vở của hai người bạn: Oldříška Vaculová và Miroslav Kučera.



Thày và trò học ngoại khóa trên núi Krkonoše năm 1973 (người bạn Séc Miroslav Kučera, mặc áo đen cộc tay)

Và cũng từ ngày ấy, tôi chia vở nghe giảng của mình làm hai phần theo chiều dọc, phần bên phải tôi tự ghi bài giảng của thầy giáo và luôn để cách những khoảng trống những chỗ mình không nghe được để sau khi mượn vở 2 người bạn kia sẽ bổ sung và phần bên trái ghi chú phần này xem sách nào, trang nào. Vậy là một khó khăn đã được giải quyết. Tôi còn nhớ thầy Čapek dạy môn Vật lý lý thuyết. Có lẽ thầy hiểu khó khăn của sinh viên ngoại quốc, nên thầy chủ động đưa cho tôi mượn bài giảng của thầy sau mỗi giờ lên lớp. Tôi nhớ những ngày nghỉ cùng các bạn gái người Séc ngồi tán gẫu ở ký túc xá, các cô gái nhận xét các bạn nam cùng học và tôi đã phải trả lời câu hỏi “Theo bạn ai là người đẹp trai nhất?” “Němeček đẹp trai, nhưng anh ta không làm cho tôi thích, Kučera cũng đẹp trai, anh ít nói có vẻ hơi lạnh lùng, nhưng anh ấy rất tốt đối với tôi….” Mirek rất cao, có mớ tóc nâu mầu hạt dẻ hơi quăn như cái tên của anh vậy. Lời nhận xét hôm ấy hình như đã đến tai các chàng trai Séc. Mấy ngày sau tôi thấy các bạn cứ tủm tỉm cười và cái nhìn hình như có gì hơi khang khác. Thỉnh thoảng Mirek cũng nhờ tôi mua hộ vé ăn trưa ở nhà ăn Budeč, vốn cứ cuối tháng rất đông thày trò mấy khoa ở gần đó xếp hàng mua vé ăn cho tháng sau, vì nhà ăn này nấu ngon nhất trong vùng, và vì tôi ở ngay ký túc xá Budeč, phía trên nhà ăn…

…Chiều thứ Hai, ngày 23 tháng 8 năm 2010, theo hẹn tôi đến thăm người bạn cũ Mirek Kučera tại Khoa Toán Lý. Lên khỏi bến tàu điện I.P.Pavlova, tôi thả mình đi bộ theo trí nhớ xa xưa của mình. Đi được một đoạn, hỏi thăm và vẫn biết mình đi đúng đường. Một cảm giác như cô sinh viên với hai bím tóc dài thủa nào làm tôi phấn chấn, hân hoan. Đây rồi, phố Ke Karlovu đây rồi. Tôi ngỡ ngàng trước tòa nhà mới tu sửa, sơn lại quá đẹp của Khoa trong nắng vàng rực rỡ một chiều cuối hè và càng ngỡ ngàng hơn khi bước vào bên trong. Tất cả đều rất mới, sáng trưng, nhưng yên tĩnh quá. Trên tầng hai một người phụ nữ trung tuổi đã đưa tôi tới nơi làm việc của PGS Kučera. Bà mở cửa và gọi với vào:

“Mirek ơi, anh có khách này.”

Cánh cửa phòng làm việc mở, một người đàn ông đứng tuổi tóc cắt cao không có mầu hạt dẻ đang mỉm cười. Tôi sững lại trong dây lát và tự hỏi đây có phải là Mirek, bạn học thủa nào của tôi không? Trong giây lát tôi thấy mình lúng túng, cứ ngỡ mình vẫn như cô sinh viên mười tám đôi mươi đến thăm thầy giáo. Tôi không nhận ra sự thay đổi quá nhiều của chính mình, nên ngỡ ngàng khi nhìn thấy Mierk. Tôi vẫn mang theo hình ảnh của các bạn học người Séc ngày nào; thời gian chưa thể xóa hết tuổi trẻ trên gương mặt của chúng tôi; nụ cười, nụ cười vẫn rất hiền hòa của Mirek vẫn còn như ngày nào. Tôi nhận ra anh, người bạn cũ cùng học của mình bằng chính nụ cười đôn hậu và dễ mến ấy. Chúng tôi nắm chặt tay nhau trong giây phút, vô cùng xúc động. Vừa uống trà, chúng tôi vừa trò chuyện hỏi han tình hình của nhau. Anh rất đỗi ngạc nhiên khi biết tôi không làm việc trong ngành vật lý và lại một lần nữa tôi kể vì sao tôi trở thành cô giáo dạy tiếng Séc. Đó là tình yêu và cũng là sự nghiệp của đời tôi, nên hôm nay tôi mới có cơ hội để gặp lại anh. Anh kể cho tôi nghe vợ anh cũng là giáo viên dạy ngoại ngữ, chị dạy tiếng Đức. Anh chị có một cậu con trai và giờ đã là ông bà nội của 2 cháu trai. Chúng tôi lại cùng nhau nhắc đến một số các bạn học cũ, những kỷ niệm thời sinh viên và cả hai cùng cảm thấy một chút tự hào khi đã tốt nghiệp, vì hơn một phần ba những bạn bè cùng học (kể cả sinh viên Việt Nam) không thể có tấm bằng tốt nghiệp. Tôi đã kể lại anh nghe vì sao tôi thường mượn vở của anh. Tôi có hỏi thăm anh về Oldříška, anh không biết gì hơn tôi. Năm 1998 tôi và Olina có gặp lại nhau. Lần này, tôi không thể tìm được chị qua danh bạ điện thoại. Tôi hy vọng có thể chị đã lấy chồng và đổi họ của mình, hay chị đã chuyển đi thành phố khác… Mirek kể cho tôi nghe về những thay đổi của Khoa, hiện nay ngoài 2 ngành toán và vật lý, Khoa của chúng tôi còn đào tạo thêm ngành công nghệ thông tin. Anh còn cho biết thêm hai tòa nhà này của Khoa vừa được cải tạo nâng cấp toàn bộ xong cách đây 1 tháng và tôi may mắn là một trong những người đầu tiên được nhìn thấy sự thay đổi cơ bản rất đẹp của Khoa. Mirek muốn đưa tôi đi xem những giảng đường xưa, nhưng tiếc quá trong dịp hè nên người ta khóa cửa.



Hai người bạn gặp lại sau 36 năm

Được đến thăm mái trường xưa, được gặp một người bạn học cũ, nay lại là một phó giáo sư, một tiến sĩ của Khoa và có dịp cùng anh nhắc lại những kỷ niệm của thời sinh viên. Tôi lại nhớ về tình yêu xa xưa của mình, một tình yêu tôi cứ ngỡ theo tôi suốt cuộc đời. Tôi đã tìm được những kỷ niệm quá khứ đầy yêu thương, đầy khát vọng, đáng tự hào của riêng mình, đã cảm nhận sâu sắc hơn giá trị những ngày đang sống. Khi chia tay với Mirek, tôi cười và nói với anh:

“Ngày mai, tôi sẽ còn đến thăm anh nữa, bởi vì tôi vội quá nên đã để quên món quà tôi muốn mang tặng anh, một món quà mang hương vị và hơi ấm của quê hương tôi.”

“Bây giờ hay quên là chuyện bình thường, vì chúng ta đâu phải là những cô cậu sinh viên mười tám, đôi mươi thủa nào.”… Anh vừa cười vừa đáp lời, rồi tặng tôi một món quà nhỏ để gợi nhớ tình bạn của chúng tôi, để nhắc tôi nhớ rằng vẫn còn có một người bạn Séc nhớ về những người bạn Việt Nam cùng học và vẫn luôn chúc phúc cho chúng tôi. Anh nhờ tôi chuyển lời thăm tới chị Đức, người bạn gái cùng học của chúng tôi. Ngày mai tôi sẽ còn đến thăm anh….

Trần Minh Hiền

Xem tin theo ngày: