Tin mới
Có lý do để thêm yêu cuộc đời…

Ngày đăng: 15/07/2011 - 14:23:20

Suốt tuần qua chúng tôi hồi hộp chờ mong chuyến đi theo lời mời của những sinh viên đã từng học tiếng Séc tại trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội năm nào, nay đang công tác và sinh sống tại thành phố Hồ Chí Minh. Lại thêm một chuyến đi tình nghĩa được tổ chức với tấm lòng tri ân các thày cô giáo dạy tiếng Séc. Một cảm giác hồi hộp, xao xuyến lạ thường.


Tiếng mưa xối xả làm tôi tỉnh giấc. Khoảng 5 giờ sáng. Tôi mới ngủ được hơn 4 tiếng. Cả tối qua tôi ngồi sao in những bài hát mà mình yêu thích của ca sĩ Séc nổi tiếng Karel Gott. Những bài hát của ông luôn gợi nhớ một thời, một thời chúng tôi đã từng sống và học tập tại Tiệp Khắc xưa kia và với Ca sĩ tôi còn có thêm một kỷ niệm. Ngày ấy, nhiều ca sĩ Tiệp Khắc đã hát trong đêm biểu diễn chào mừng Đại hội lần thứ nhất Đoàn thanh niên Xã hội chủ nghĩa Tiệp Khắc (SSM) tại Palác Lucerna gần quảng trường Václavské, Praha. Đội văn nghệ của sinh viên Việt Nam tại Praha vinh dự được tham gia tiết mục Múa sạp và chúng tôi đã có dịp trò chuyện cùng ca sĩ Karel Gott. Khi ấy, Karel Gott không chỉ có giọng ca tuyệt vời mà còn là một ca sĩ đẹp trai và rất tình tứ.

Chuyến bay từ Hà Nội vào thành phố Hồ Chí Minh mang theo 4 thày cô giáo đã từng dạy tiếng Séc với một tâm trạng ngóng trông được gặp lại những sinh viên ngày nào sau bao năm xa cách để thấy sự trưởng thành, đổi thay của mỗi sinh viên. Liệu tôi có thể nhận ra một vài chàng trai, cô gái ngày ấy nữa không? Trong chuyến đi này tôi sẽ được gặp lại bao nhiêu sinh viên thủa ấy?

Anh Trần Quang Thái, người đã khởi xướng và tổ chức cuộc gặp mặt các bạn sinh viên cũ với các thày cô giáo dạy tiếng Séc dịp Tết Tân Mão vừa qua ở Hà Nội, đón chúng tôi ngay tại sân bay Tân Sơn Nhất. Pan Thái đưa chúng tôi về thăm nhà. Hai vợ chồng Thái cùng học ở Praha; họ có 2 con gái và 1 cậu con trai. Ngôi nhà thật đẹp và ấm cúng. Các con của vợ chồng Thái Minh gọi chúng tôi là “ông bà”, thế mới biết thời gian trôi nhanh quá. Nhìn cô con gái thứ hai của vợ chồng Thái Minh, chúng tôi nhớ đến ngày nào khi cha mẹ cô học tiếng Séc; nhớ đến tuổi trẻ của họ và của chính mình…

Pan Thái bố trí để chúng tôi ở một khách sạn trên đường Đào Duy Anh, gần nhà, rất tiện đưa đón các thày cô giáo. Hơn 5 giờ chiều thứ Bảy, ngày 18/6 Thái đến đón chúng tôi. Nhiều gương mặt lạ lạ, quen quen, rạng rỡ đang chờ đón trước Nhà hàng bia tươi Tiệp Gold Malt. Những tiếng em chào thầy, em chào cô làm chúng tôi cảm động, phấn chấn; làm chúng tôi trẻ lại như thủa nào. Tôi nhận ra gương mặt Đoàn Hoài Trung, lớp trưởng lớp bộ đội tôi làm chủ nhiệm khóa 1977-1978. Người sinh viên năm ấy nay đã là thượng tá, nhà báo, kỹ sư điện tử hàng không. Trung mang tặng cô giáo chủ nhiệm năm xưa một quyển sách ảnh Thời sự - Nghệ thuật “Quê hương và Đồng đội” của các chiến sĩ mà Đoàn Hoài Trung làm chủ nhiệm CLB Nhiếp ảnh Chiến sĩ, trong đó có 5 bức ảnh rất đẹp do Trung chụp. Tôi được biết thêm Trung giờ đây còn đảm nhiệm chức Trưởng đại diện Trung tâm phát thanh và truyền hình quân đội tại Tp. Hồ Chí Minh.

Gian phòng trên tầng 3 của Nhà hàng, được trang trí đặc biệt với dòng chữ “Nhiệt liệt chào đón các thày cô giáo – Hội lưu học sinh Cộng hòa Séc tại Tp. HCM ” đông dần. Chúng tôi không ngờ được hưởng niềm vui cùng một lúc gặp mặt gần 50 sinh viên cũ, từ những thế hệ sinh viên đầu tiên, năm học 1973-1974 đến thế hệ 1988-1989. Chúng tôi thực sự xúc động trước sự có mặt của ngần ấy con người, dù họ chỉ là những sinh viên của chúng tôi trong 9 tháng thôi. Như những người chở đò qua sông, không dám mơ có một ngày nào đó mình lại được gặp những con người đã đồng hành cùng mình trong một quãng thời gian trong chuyến đò đời người. Vì thế, được gặp lại họ; được nhìn thấy sự trưởng thành của những người bạn trẻ thủa ấy để thêm tự hào về một thế hệ sinh viên, những học trò đã thi vào đại học với điểm số cao nhất, là một niềm vui, là một hạnh phúc mà không dễ gì có được.



Lớp TK3 khóa 1977-1978



Lớp TK1 khóa học 1976-1977

Thầy trò chúng tôi cùng nhau nhớ lại những ngày tháng ở trường ĐH Ngoại ngữ, Thanh Xuân Hà Nội. Ngày ấy, đất nước chúng ta còn nghèo lắm. Mỗi người một tháng chỉ được mua 4 lạng thịt, nửa cân đường và một năm chỉ được mua có 4 mét vải để may quần áo. Các bạn sinh viên kể “Nhà bếp phát bánh mì cho sinh viên để ăn sáng từ buổi tối mà đến 10 giờ đêm đã không còn nhìn thấy bánh đâu.”. Nhưng những cô cậu sinh viên của chúng tôi rất chăm học; họ thông minh và học rất giỏi. Tôi còn nhớ có những sinh viên đã từng ngồi dưới cột điện đọc to những bài khóa, bài hội thoại để không làm ảnh hưởng tới các bạn khác. Những người sinh viên ấy không chỉ nhớ tới các thày cô giáo. Họ còn nhớ tới cô Lý, người vẫn bán xôi mỗi sáng cho họ; nhớ đến bác Chương trông coi ký túc xá…

Những nhà giáo chúng tôi rất cảm động trước món quà của các bạn sinh viên cũ tại Tp HCM dành cho mình - một chuyến đi thăm thành phố mang tên Bác để gặp lại các sinh viên của một thời và cũng để các bạn sinh viên ấy được gặp lại các thày cô giáo cũ. Thầy Trần Ngọc Châu đã phát biểu: “Ngày ấy, khi bắt đầu làm thầy giáo tôi mới chỉ có 25 tuổi, đến giờ đã về hưu, trên sáu mươi tuổi. Rất cảm ơn tất cả các bạn, những người đã đóng góp một phần rất quan trọng và rất có ý nghĩa vào cuộc đời tôi…” Cuộc gặp đầy ý nghĩa này không những làm 4 nhà giáo chúng tôi vui mừng, cảm động mà cả những người hàng xóm, bạn bè, người thân khi biết chuyện cũng đều mừng vui như đó chính niềm vui của họ vậy. Thầy Phạm Tiến Hùng xúc động nói: “…Hoạt động của các bạn làm tôi nhớ lại cách đây một vài năm, tôi cùng các bạn đồng môn về quê thăm các thầy cô giáo cũ mà chỉ gặp có 3 người. Chúng tôi hứa sẽ về quê hàng năm để thăm thầy cô giáo cũ, thế mà đến năm thứ 3 chúng tôi không còn cơ hội ấy nữa, vì các thầy cô đã đi gặp các cụ Các Mác và Hồ Chí Minh mất rồi. Cho nên tôi sung sướng gấp bội. Tôi có nói với các bạn đồng nghiệp, việc làm rất tình nghĩa này của các bạn sinh viên cũ không chỉ làm cho mình mà họ còn làm tấm gương tốt cho con cái… Tôi cảm thấy cuộc sống của tôi bỗng có ý nghĩa hơn rất nhiều. Việc làm của các bạn làm tôi có lý do để sống vui hơn..”

Các gương mặt chững chạc của trò cũ hôm nay, những câu chuyện được kể lại, những cái tên quen thuộc đã “kích hoạt” trí nhớ của những thầy cô giáo làm cho những kỷ niệm cũ bị lãng quên theo năm tháng bỗng ùa về trong tâm trí, khiến chúng tôi như trẻ lại. Có lẽ những con người từng bị thất vọng, những con người hay sống bằng hoài niệm mới cảm nhận sâu sắc được giá trị rất nhân văn của những cuộc hội ngộ làm xúc động con tim như thế này. Cô Đào Hoa vẫn dịu dàng và đã xúc động xin lỗi vì không thể nhớ hết được tất cả các gương mặt sinh viên cho đến tận bây giờ. Nhưng có một gương mặt làm cô Đào Hoa nhớ mãi, đó là anh Linh “già”. “Từ lúc vào lớp đến giờ anh Linh vẫn cứ già như thế. Ngày ấy nhìn ánh mắt sinh viên, tôi chỉ biết hãy cố dạy tốt hơn. Mỗi ngày lên lớp là một niềm vui. Điều này thật khó tìm được trong cuộc sống hiện nay. Chúng tôi có làm gì nhiều cho sinh viên đâu, mà sao các bạn lại tình nghĩa đến như vậy!”

Cô Hoa và tôi ước đoán mình có thể sẽ được gặp khoảng 20 – 25 sinh viên cũ. Cả hai chúng tôi đều muốn có một chút quà gì đó và đều hiểu vấn đề không phải là quà to hay bé mà là cách tặng quà như thế nào để thể hiện sự quan tâm, tình cảm của mình. Cô Hoa chọn mua 50 chiếc bánh cốm để dành cho sinh viên một chút hương vị của Hà Nội, để nhớ đến những ngày học ở Thanh Xuân. Còn tôi nghĩ mãi. Năm ngoái, khi sang Séc tôi đã mua 1 album của ca sĩ Karel Gott gồm 70 bài hát phát hành nhân dịp ông tròn 70 tuổi. Đến ngày cuối cùng trước hôm đi, tôi quyết định chọn 40 bài hát của Karel Gott để sao in tặng mỗi bạn sinh viên 2 đĩa, tôi thích “cái tuổi 40” hơn. Không ngờ chúng tôi được gặp gần 50 gương mặt thân quen thủa nào và thật quá hạnh phúc. Không đúng như dự kiến, nhưng thật may mắn là cả hai cô giáo có đủ quà cho sinh viên của mình và thày trò tôi mãi mãi như tuổi 20 với 20 bài hát của Karel Gott.

Điểm qua những gương mặt đến dự cuộc gặp gỡ, tôi thấy anh Nguyễn Mười tóc đã bạc phơ, bạc nhiều hơn cả các thày Trần Ngọc Châu và thầy Phạm Tiến Hùng, giờ đây anh đã là Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam – Séc tại Tp. HCM. Anh Nguyễn Minh Tâm, một kỹ sư, một chuyên gia giỏi trong ngành kỹ thuật hàng không. Anh Phạm Hoàng Kim lại là một cán bộ có uy tín của ngành bưu điện. Chúng tôi ngạc nhiên đến khâm phục anh Kim hát rất hay và còn nhớ lời bài hát đã được thầy Hùng dịch ra tiếng Séc mà Dịch giả cũng không còn nhớ nữa. Anh Vũ Ngọc Khương từ Vũng Tàu đến. Ngày trước Khương luôn lo sợ mình không đủ cân nặng, đủ sức khỏe để đi Tiệp Khắc học. Giờ đây người kỹ sư ấy cùng với công ty của mình đang chuẩn bị sản xuất đường ồng dẫn dầu mà từ trước tới nay ta đều phải mua của nước ngoài…Phát biểu của anh Tâm đã làm chúng tôi thêm cảm động: “Các thầy các cô đã làm cho chúng em nhiều điều, không chỉ dạy cho chúng em những từ tiếng Séc đầu tiên mà còn dạy cho chúng em những nét văn hóa của một vùng đất mới để chúng em có thể hòa nhập với một môi trường hoàn toàn khác lạ…”. Thầy trò tôi lại cùng nhau hát bài Okolo Hradce và bài O Lásko! Còn nhiều tâm sự được sẻ chia trong buổi tối tràn ngập niềm vui và kỷ niệm ấy. Tất cả đã được anh Đoàn Hoài Trung lưu lại trong một chiếc đĩa để nhớ mãi.

Có những sinh viên tôi nhận ra và nhớ tên của họ sau vài ba phút như Hoàng, Huy, Hiến; có những sinh viên sau khi trò chuyện lại nhận ra những nét quen quen thủa nào vẫn còn đọng lại trên gương mặt như Hạnh, Trang, Nghi, Linh, Cường… Nhưng cũng có sinh viên trách: “Em học lớp cô chủ nhiệm mà cô không nhớ em…”. Anh Linh giờ đây là Trưởng một khoa của Trường Đại học Bách khoa tp. HCM. Tôi vẫn nhớ câu chuyện ngày ấy Linh kể về người cha của mình. Bằng tình yêu thương, người cha đó đã cứu em trai của Linh từ cõi chết trở về với cuộc sống. Ngay từ ngày ấy tôi đã học được từ sinh viên mình những câu chuyện làm người. Nhưng quả là cũng đáng trách trí nhớ, hơn ba mươi năm đã qua rồi…Giá như ngày ấy ta lưu lại mỗi lớp một tấm hình, có lẽ những kỷ niệm và ký ức ấy sâu đậm hơn chăng?

Trong buổi tối tràn ngập niềm vui ấy, anh Thanh, một học viên lớp quân đội năm xưa, cùng tôi nhớ đến một người bạn, một sinh viên cũ, đã từng là cán bộ giảng dạy trường Đại học Bách khoa Hà Nội, anh Trần Việt Tuấn. Căn bệnh ung thư đã cướp đi mãi mãi Việt Tuấn của chúng tôi. Song, tôi vẫn như thấy bóng dáng Tuấn ở đâu đó trong cuộc đời, đặc biệt trong những lần gặp lại các bạn sinh viên cũ… Tôi nhớ lại buổi lên lớp đầu tiên giữa tháng 12 năm 1975. Ngày ấy, tôi không biết Trường chưa có phòng cho giáo viên nghỉ trong những lúc ra chơi; tôi không biết giáo viên phải tự lo nước uống khi lên lớp. Vào tiết thứ ba, tôi thấy lớp thiếu đi một sinh viên. Một lúc sau người sinh viên có nước da trắng hồng hơi đậm người ấy xin vào lớp và đặt một ca nước đầy lên bàn giáo viên mời tôi uống. Tôi thực sự ngỡ ngàng và cảm động trước việc làm đó. Sau này tôi mới biết đó là Trần Việt Tuấn. Mặc dù rất khát, nhưng tôi không thể uống thêm được ngụm thứ hai, chỉ vì một lẽ nó rất ngọt, mà thời đó đường đâu có nhiều. Có lẽ Tuấn đã dùng hết chỗ đường em có cho ca nước dành cho tôi chăng? Giờ giải lao kế tiếp tôi xin Tuấn về ký túc xá lấy thêm cho tôi một cốc nước lọc. Đến hôm nay tôi vẫn không thể quên kỷ niệm đầu tiên rất ngọt ngào ấy và giá trị lạ thường của ca nước lọc mà Tuấn đã dành cho tôi trong buổi lên lớp đầu tiên của đời mình, một ca nước đầy tình nghĩa, thể hiện sự quan tâm tinh tế đã khiến tôi hết khát và ghi nhớ mãi mãi. Sau này Tuấn đã thực hiện được ước mơ giang dở của tuổi trẻ đầy khát vọng của tôi. Đó là việc Trần Việt Tuấn tốt nghiệp bằng đỏ ngành chế tạo máy ở Brno và vài năm sau Tuấn bảo vệ tiến sĩ ở Pari. Với Tuấn tôi còn có nhiều kỷ niệm nữa để nhớ…

Ngày hôm sau, Chủ nhật 19/6, pan Thái đưa 4 thầy cô giáo đi du lịch sinh thái đồng bằng sông Cửu Long. Một chuyến đi tuyệt vời để khám phá thêm một miền đất mới của Tổ quốc…

Lần đầu tiên, 4 giáo viên tiếng Séc chúng tôi cùng nhau đi xa; một chuyến đi đầy ý nghĩa sâu nặng của tình thày trò; một chuyến đi để cùng nhau nhớ lại một thời của đời mình, nhớ đến một đất nước đã góp phần không nhỏ trong việc đào tạo bao thế hệ sinh viên Việt Nam; một chuyến đi để được nhìn thấy sự trưởng thành của một thế hệ trẻ để thêm tự hào về họ; một thế hệ sinh viên ưu tú của chúng tôi nay đang cống hiến và gặt hái thành công. Họ đã là những người cha người mẹ đáng tự hào của một thế hệ kế tiếp và đang nuôi dạy cho tương lai một thế hệ chắc không kém gì họ. Thêm một chuyến đi, thêm niềm vui, thêm niềm tự hào, thêm một món quà bất ngờ để nhớ mãi tình nghĩa của những sinh viên một thời học tiếng Séc. Tôi vẫn thầm biết ơn cuộc đời đã cho tôi được làm cô giáo tiếng Séc để được hưởng trái ngọt của những cái cây mà mình góp phần vun trồng. Có một người bạn đã từng hỏi tôi bí quyết nào khiến tôi vẫn còn giữ được nhiều nét trẻ trung như vậy.

- “Em luôn cảm thấy yêu đời và yêu mình.” Tôi trả lời.

- “Đời của em chắc mênh mông lắm, không hiểu trong đó có anh không?”

- “???”

Có một điều chắc chắn những thế hệ sinh viên, nghiên cứu sinh học tiếng Séc tại Thanh Xuân, Hà Nội đã làm nên một phần cuộc đời tôi, làm nên sự nghiệp trồng người của đời tôi. Họ không chỉ là niềm vui, niềm tự hào, niềm an ủi động viên để tôi thêm yêu cuộc đời mà còn là sự khâm phục và ngưỡng mộ của tôi. Xin cảm ơn tất cả những sinh viên năm nào đã có mặt đón tiếp và dành tặng cho chúng tôi chuyến đi thật ý nghĩa, ấm tình thày trò và đặc biệt cảm ơn anh Trần Quang Thái, Phó Chủ tịch thường trực, Tổng thư ký Hội Hữu nghị Việt Nam – Séc Tp. HCM, người đã khởi xướng và tổ chức rất chu đáo chuyến đi tuyệt vời không thể quyên trong cuộc đời nhà giáo chúng tôi. Xin chúc tất cả sinh viên ngày nào luôn may mắn, thành công và hạnh phúc.

Trần Minh Hiền

Xem tin theo ngày: