Tin mới
Giáo viên Séc: 'Trẻ em không chọn bạn theo màu da'

Ngày đăng: 21/03/2012 - 09:19:59

Nằm gần chợ Sapa, trường tiểu học Meteorologická, Praha từ lâu đã là nơi có nhiều học sinh Việt Nam theo học. Hội công dân Klub Hanoi đã có cuộc phỏng vấn với hiệu trưởng về kinh nghiệm dạy dỗ các em.


Giáo viên các lớp có học sinh Việt Nam luôn mong muốn tìm ra cách tốt nhất để giúp các em hội nhập với bạn bè Séc và giao tiếp với các phụ huynh một cách tốt hơn. Hiệu trưởng Zdeněk Bělecký là một trong những người như vậy.

Ông có thể nói tóm tắt lịch sử quan hệ của trường mình với học sinh Việt Nam được không? Từ khi nào trường bắt đầu có nhiều trẻ em Việt Nam theo học và lúc đó có bao nhiêu em tất cả?

Theo tôi được biết từ các đồng nghiệp đã có thâm niên lâu năm của trường và tài liệu liên quan, trường tiểu học Meteorologická của chúng tôi bắt đầu có nhiều trẻ em Việt Nam theo học từ giữa những năm 90, khi hai chợ Libuš và Modřany của người Việt được mở ra. Tôi không biết con số chính xác nhưng nghe nói có vài chục em tất cả, chiếm khoảng 20% học sinh trong trường. Hiện tại, trường chúng tôi có 304 học sinh, 35 em là người nước ngoài và trong số đó có 21 em đến từ Việt Nam. 

Từ khi nào ông chuyển công tác đến trường này và lúc đó ông có cảm nghĩ gì khi số lượng trẻ em tại đó đông đến vậy? 

Tôi bắt đầu làm việc ở trường tiểu học Meteorologiciá từ ngày 1/1/2007. Trước đó, tôi không có một chút kinh nghiệm giảng dạy học sinh người nước ngoài nào. Từ khi về trường này công tác, tôi nhận nhiều trẻ em Việt Nam vào học như một thực tế rằng, nhà trường cần phải đáp ứng được. Tôi còn nhớ, có lần tôi đã viết vào mục tiêu của trường rằng, trẻ em Việt Nam cũng cần có học vấn, để chúng sau này không phải bán hàng ngoài chợ. Và cho đến bây giờ, điều đó vẫn có giá trị.

Khi trẻ em Việt Nam và Séc học hành cùng nhau, không khí của trường như thế nào?

Tôi đã nói nhiều lần, trẻ em chọn bạn chơi theo sở thích và tính tình của mỗi cá nhân, chứ không bao giờ chúng để ý tới màu da bên ngoài. Trẻ em Séc thường xuyên giúp đỡ các bạn Việt Nam, kể cả Trung Quốc và nước khác trong học tập. Trẻ em Việt Nam thường xuyên nói chuyện với nhau bằng tiếng Việt và rất hiếm khi thấy chúng nói tới thái độ của người lớn về các mối quan hệ của chúng.

Chúng tôi được biết, trường ông có cả trợ lý người Việt? Họ vẫn làm việc ở đó chứ? Công việc chính của họ là gì? Với ông, năng lực của họ như thế nào?

Công việc chính của trợ lý người Việt là phiên dịch, giúp đỡ các em cũng như phụ huynh của chúng và thầy cô để họ có thể giao tiếp với nhau và phổ biến hướng đi và các quy tắc của trường, họ còn giúp riêng các em học sinh trong học tập. Công việc của họ thực sự là cần thiết và rất hữu ích, nhưng tiếc rằng vì thiếu nguồn tài chính họ không thể tiếp tục được nữa. Chúng tôi trả cho họ từ tiền tài trợ, nhưng gần đây chúng tôi không nhận được nữa. 

Vậy trường có cách nào khác để thay thế không?

Chúng tôi có, không chỉ dành cho học sinh Việt Nam mà cho tất cả các em ngoại quốc. Chúng tôi tổ chức giảng dạy tiếng Séc như một ngôn ngữ nước ngoài cho các nhóm học sinh được xếp theo mức độ thông thạo tiếng Séc. Mỗi kỳ nghỉ hè, chúng tôi lại có khoá học như vậy. Năm nay cũng là năm thứ hai chúng tôi hợp tác với hiệp hội META, hội này chuyên dạy tiếng Séc cho người ngoại quốc theo nhóm nhỏ và trợ giúp họ trong quá trình học tập tại các trường.

 

Ông có kinh nghiệm gì trong giao tiếp và làm việc với các gia đình Việt Nam?

Cũng khó để có thể nói bao quát được, các phụ huynh Việt Nam rất khác nhau cũng như cha mẹ của các em học sinh Séc vậy. Ngoài các gia đình, chúng tôi cũng gặp đại diện cộng đồng người Việt Nam với thái độ lịch sự. Trong đó có cả ngài đại sứ đã đến thăm trường tôi, nhưng để làm việc gì cụ thể thì không. 

Theo ý kiến của ông, liệu các em học sinh Việt Nam theo học ở trường Séc có đặc điểm chung nào không, điều mà em nào cũng phải mang trong tâm trí khi học tập không?

Chúng rất gắn bó với văn hoá truyền thống của mình và không phải là điều bất thường khi chúng nghỉ học vài tuần để tổ chức Tết Nguyên Đán hoặc để đi thăm ông bà. Với người Việt, địa vị của phụ nữ và đàn ông trong gia đình cũng như trong xã hội rất khác nhau, kể cả khi điều này không được biểu lộ trong học tập. 

Ông làm gì khi có một đứa trẻ ví dụ 10 tuổi và không biết tiếng Séc được nhận vào trường học? Em đó sẽ tự động được xếp lớp theo độ tuổi hay là vào lớp thấp hơn? Và đứa trẻ như vậy được tính điểm như thế nào?

Khi xếp lớp cho các em, chúng tôi xét theo các tiêu chí lần lượt là: tuổi, thời gian cư trú tại đây và trình độ tiếng Séc, chương trình học lớp được chọn làm mục tiêu, khả năng giúp đỡ của các bạn khác cùng quốc tịch và giáo viên, kết quả học tập trước đó nếu được biết và nguyện vọng của gia đình. Ban đầu, chúng tôi sẽ đánh giá nhận xét tập trung vào sự tiến triển của em đó.

Ông có để ý đến sự phát triển của các gia đình Việt Nam được thể hiện qua hành vi và quá trình học tập của các em trong những năm qua không? 

Tất nhiên là có, cấu trúc xã hội của những người di cư đã bị thay đổi, trẻ em từ tầng lớp nghèo, trình độ học vấn thấp và trẻ em ít có động lực thay đổi cách sống và học tập giờ đã tới Séc đông hơn. Tuổi chúng càng lớn, chúng càng khó khăn để hội nhập. 

Tôi không muốn nói khái quát, nhưng ở lĩnh vực nào những đứa trẻ Việt Nam có kết quả tốt hoặc xấu so với các em Séc, nếu có sự khác biệt nào đó? Ông có thể giải thích?

Không có điều đó, nói đúng ra chúng ta không có cách đo kết quả học tập nào đáng tin cậy. Sự khác biệt nằm ở mỗi cá nhân chứ không phải quốc tịch hay chủng tộc của chúng.

Tác giả: Eva Pechová - klubhanoi.cz

Dịch: Ngọc Minh



Nguồn tin: www.Vietinfo.eu


Xem tin theo ngày: