Tin mới
Ngoại trưởng Séc Schwarzenberg ủng hộ người gốc Việt

Ngày đăng: 18/04/2012 - 17:50:47

Trong cương vị là chủ tịch Hội đồng chính phủ Séc về sắc tộc thiểu số, bộ trưởng Ngoại giao Karel Schwarzenberg đã lên tiếng ủng hộ những người gốc Việt. Đây có thể là tín hiệu tốt để người Việt tại đây dần được công nhận là sắc tộc thiểu số.


Hồi thượng tuần tháng hai năm 2012, Hội đồng chính phủ về sắc tộc thiểu số Cộng hoà Séc đã có phiên họp tại Văn phòng chính phủ. Và một trong những nội dung cuộc họp là bàn về vấn đề thành viên mới của Hội đồng, cụ thể là cộng đồng (gốc) Việt Nam và Belarus.

Theo biên bản, thì Chủ tịch Hội đồng, ngài Karel Schwarzenberg, bộ trưởng Ngoại giao đã khai mạc cuộc họp với sự có mặt của 21 thành viên Hội đồng, nghĩa là đủ về khả năng về số lượng để có thể ra nghị quyết, mặc dù một số thành viên Hội đồng (9 người) cáo lỗi vắng mặt trong kỳ họp. Khách mời của kỳ họp này có ông kỹ sư Dương Việt Dũng, chủ tịch chi hội Người Việt Nam tại CH Séc huyện Chomutov (đại diện cho cộng đồng Việt Nam), George Stankevich đại diện cộng đồng Belarus cùng một số quan chức các bộ ngành khác.

Điểm quan trọng đầu tiên mà cuộc họp của Hội đồng bàn tới, là về những số liệu sơ bộ của đợt tổng thống kê dân số, nhà cửa và căn hộ mà Cộng hoà Séc thực hiện trong năm 2011. Theo ông chủ tịch Hội đồng Karel Schwarzenberg, thì hiện nay trên truyền thông đại chúng đã xuất hiện nhiều tin bài nói về số lượng các thành viên những sắc tộc thiểu số thống kê được sau đợt tổng điều tra vào tháng ba năm ngoái. Vì thế cho nên cuộc họp này của Hội đồng đã mời đại diện Cục Thống kê Séc (ČSÚ) và viên cục phó ČSÚ là Stanislav Drápal tham dự để giải trình.

Theo kỹ sư Stanislav Drápal, thì theo luật hiện hành của Cộng hoà Séc việc khai báo tư liệu về quốc tịch là nghĩa vụ bắt buộc, trong khi đó các câu hỏi về sắc tộc và tôn giáo là tự nguyện. Trong trường hợp công dân muốn công bố những tư liệu này, thì có thể nhận mình thuộc vào hai sắc tộc. Khả năng này là để tạo điều kiện cho những cá nhân mang trong mình hai dòng máu khác nhau của bố mẹ hay một phần của cuộc đời mình sống tại cố hương và cả tại CH Séc, nghĩa là đã có sự hoà trộn trong bản thể. Và vì không là nghĩa vụ bắt buộc, nên những số liệu thống kê về sắc tộc, tôn giáo không thể chính xác. Cụ thể là cho tới nay, tại CH Séc không hề tồn tại một số liệu chính thức nào về sắc tộc của công dân Cộng hoà Séc cả. Vì thế cho nên, ví dụ mặc dù so với các đợt thống kê dân số trước (thực hiện mười năm một lần) số lượng công dân Séc thay đổi không đáng kể, nhưng vào năm 2011 đã có thêm rất nhiều người không công bố mình thuộc dân tộc, sắc tộc nào (trong khi vào năm 2001 khoảng 173 nghìn người thì năm 2011 lên đến khoảng 2 750 000). Số người tuyên bố mình thuộc sắc tộc Digan giảm rất nhiều, trong khi đó số người tuyên bố mình thuộc dân tộc Morava tăng hơn 50% so với trước. Việc tuyên bố (và không tuyên bố) tư liệu về sắc tộc, tôn giáo là phản ánh sự thay đổi trong xã hội, về suy nghĩ và lập trường của nhân dân. Có những sắc tộc sẵn sàng (và tự hào) tuyên bố thuộc sắc tộc ấy nhưng có sắc tộc nhất định nào đó (như người Digan) lại không.

Trả lời cho câu hỏi của thư ký Hội đồng Milan Pospíšil về số lượng thành viên dân tộc Việt Nam và Belarus, đại diện ČSÚ cho biết, rằng số lượng công dân CH Séc sắc tộc Belarus là 2.024 và Việt Nam là 29.825 (nguyên văn: počet občanů ČR běloruské národnosti je 2024 a vietnamské 29 825).

Qui chế sắc tộc thiểu số của người (gốc) Việt Nam

Điểm thứ hai của kỳ họp là về vấn đề thành viên mới của Hội đồng (cộng đồng người Việt Nam và Belarus). Chur tịch Karel Schwarzenberg yêu cầu đại diện ban thư ký, ông Milan Pospíšil nói cụ thể về điều kiện là thành viên trong Hội đồng sắc tộc thiểu số. Milan Pospíšil dẫn các điều khoản trong luật số 273 Sb., về các sắc tộc thiểu số. Ngay sau đó đã diễn ra tranh luận, mà chủ yếu là muốn làm sáng tỏ những nghĩa vụ và quyền lợi như thế nào của việc trở thành thành viên trong Hội đồng và cũng lật lại những suy luận, rằng chỉ những cộng đồng thiểu số có đại diện trong Hội đồng mới là sắc tộc thiểu số được luật pháp công nhận tại CH Séc. Sắc tộc thiểu số là nhóm những người, hội tụ đủ điều kiện theo qui định của luật số 273. Thế nhưng luật này không hề qui định, rằng mỗi sắc tộc thiểu số phải có đại diện của mình trong Hội đồng.

Đại diện bộ Nội vụ Ondřej Veselský thông báo lập trường của bộ Nội vụ về vấn đề tiếp nhận thành viên mới vào Hội đồng, rằng không thể ủng hộ đề nghị nếu như được đưa ra, bởi vì cộng đồng thiểu số Việt Nam và cả Belarus không hội tụ đủ điều kiện theo các qui định hiện hành của luật về quyền lợi dân tộc thiểu số, vì với cả hai sắc tộc này không thể nói về lịch sử phát sinh cộng đồng, cư trú của các thành viên hai cộng đồng này tại CH Séc mang động cơ quyền lợi kinh tế và trong cả hai cộng đồng này số người mang qui chế ngoại quốc cao hơn hẳn những người mang quốc tịch (là công dân) CH Séc tuyên bố mình thuộc dân tộc này.

Chủ tịch Hội đồng về các sắc tộc thiểu số Karel Schwarzenberg không đồng tình với lập trường của bộ Nội vụ và dẫn chứng các điều kiện, mà qua đó cấu thành quyền lợi mang qui chế sắc tộc thiểu số trên cơ sở của luật số 273 Sb., về quyền lợi các thành viên sắc tộc thiểu số, mà cộng đồng Belarus và cả Việt Nam đáp ứng đủ, và vì thế cho nên yêu cầu của họ có đại diện của mình trong Hội đồng là hợp hiến. „Như vậy trên thực tế là đã ủng hộ việc phê chuẩn đề nghị là thành viên Hội đồng của họ,“ biên bản cuộc họp ngày 20.2.2012 ghi rõ.

Thứ trưởng Bộ nội vụ Ondřej VeselskýĐại diện bộ Nội vụ Ondřej Veselský cự tuyệt với lí do, rằng từng thành viên đại diện các công dân sắc tộc Việt Nam, mà đã từng được mời tham dự các phiên họp của Hội đồng, thì tại đó thay vì bênh vực cho quyền lợi của cộng đồng thiểu số này lại chủ yếu bênh vực cho quyền lợi của nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, và rằng cộng đồng thiểu số này chưa thể hiện đầy đủ nỗ lực hội nhập.

Khẳng định này của đại diện bộ Nội vụ bị ông Dương Việt Dũng cực lực phản đối và lấy dẫn chứng về việc hội nhập ngôn ngữ, văn hoá và xã hội nhất là của thế hệ thứ hai, mà phần lớn đã và đang trải qua các bậc của hệ thống đào tạo kiến thức trung và đại học, và đó là đóng góp cho cả CH Séc, bởi đó là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Chủ tịch Hội đồng Karel Schwarzenberg kết luận về vấn đề yêu cầu thành viên bằng câu, rằng vị thế pháp lí cụ thể của các công dân sắc tộc Việt Nam là tương đối mạnh và rằng yêu cầu trở thành thành viên của họ trong Hội đồng có thể hiểu là vô căn cứ trong trường hợp, nếu như bộ Nội vụ chứng minh được, là cộng đồng này không hội tụ đủ điều kiện xuất phát từ định nghĩa về sắc tộc thiểu số và không có mong muốn trở thành thành viên.

Các tranh luận về vấn đề này còn có sự tham gia của cử nhân Marian Sloboda từ khoa Triết trường đại học tổng hợp Sác Lơ Praha, lưu ý về thực tế, rằng cộng đồng Việt Nam với bộ phận lớn là thế hệ trẻ, mà hơn nữa gần gũi hơn nhiều với châu Âu và CH Séc, nên được có quyền lợi tiếp cận tri thức bằng tiếng mẹ đẻ. Ngoài ra, ban thanh tra Venezia, một trong những cơ quan cố vấn của Hội đồng châu Âu, vào năm 2003 đã từng định nghĩa sắc tộc thiểu số là công dân. Hơn nữa, trong năm 2001 trước tình hình căng thẳng tại các quốc gia thuộc Nam Tư cũ, thì những qui tắc tiêu chuẩn quốc tịch từng được đánh giá là không quan trọng.

Phiên họp Hội đồng chính phủ về các sắc tộc thiểu số của chính phủ CH Séc ngày 20.2.2012 đã không đưa ra nghị quyết cụ thể nào về vấn đề thành viên mới của Hội đồng.

Cơ hội cho cộng đồng thiểu số Việt Nam

Qua kết quả tranh luận và cả biên bản của cuộc họp này cho thấy, rằng cơ hội (mà nhất là của nhóm thiểu số người Séc gốc Việt) khi yêu cầu nhà nước CH Séc công nhận qui chế sắc tộc thiểu số, là rất cao vì cơ bản dựa trên cơ sở pháp lí. Và một lần nữa cũng phần nào khẳng định những chỉ trích, phê bình, rằng các đối tượng cá nhân, tổ chức không liên quan trực tiếp và nhất là cấp chính quyền nhà nước phía Việt Nam không nên, hay thậm chí là không được phép can dự vào vấn đề tế nhị này. Bởi nó tạm thời theo pháp luật CH Séc, là hoàn toàn thuộc về quyền lợi và ý muốn của những người Việt Nam đã nhập quốc tịch CH Séc hay người Séc tự tuyên bố mình thuộc về dân tộc Việt Nam. Và nếu như nhóm người này muốn, thì hầu như chắc chắn sẽ được nhà nước Séc công nhận qui chế này.

Nguồn tin: www.Vietinfo.eu


Xem tin theo ngày: