Tin mới
Hơn 50 năm, vẫn ấm tình hữu nghị VIỆT NAM - SÉC

Ngày đăng: 09/10/2013 - 08:09:52

50 năm, một nửa thế kỷ, là khoảng thời gian rất dài trong đời  sống mỗi con người đã trôi qua, nhưng chúng tôi, những cựu lưu học sinh Việt Nam, vẫn chưa lúc nào quên những kỹ niệm sâu sắc thời trai trẻ của mình được học tập và trưởng thành ở đất nước Tiệp Khắc anh em trước đây (nay là Cộng hoà Séc) cách đây hơn 50 năm.

Để cùng nhau ôn lại những năm tháng đáng nhớ đó, ngày 28 tháng 9 năm 2013, nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày đến Tiệp Khắc, Hội các cựu sinh viên Việt Nam niên khoá 1963-1969, cùng với sự tham dự của một số anh, chị sang Tiệp Khắc từ những năm 1955, 1956, 1957, đã tổ chức cuộc Gặp mặt hữu nghị và giao lưu với Đại sứ quán Cộng hoà Séc tại Việt Nam tại CLB Văn học - Nghệ thuật Bohemia, số 9 Hoàng Cầu, Hà Nội.

Buổi gặp mặt đã tập hợp được 23 người trong số gần 50 anh chị em đang sinh sống ở Hà Nội, Hải Phòng và Tp. Hồ Chí Minh. Ngài Martin Klepetko, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền CH Séc tại Việt Nam; ông Karel Šrol, Phó Đại sứ và ông Phan Đăng Điều, Phó Chủ tịch Thường  trực Hội hữu nghị Việt Nam - Séc đã tham dự cuộc gặp mặt.

Buổi gặp mặt của những thế hệ đầu tiên học tập tại Tiệp Khắc mà chúng tôi gọi chung là lớp sinh viên “lão thành” với tuổi đời hiện tại có nhiều người đã ngoài 80 thật là cảm động. Họ hồi tưởng lại một thời thanh niên trai trẻ đầy nhiệt huyết, đầy ước vọng cố gắng học tập và rèn luyện để phụng sự Tổ quốc. Họ ôn lại những kỷ niệm không thể nào quên về tình hữu nghị của nhân dân và đất nước Tiệp Khắc tươi đẹp,  quê hương thứ hai của mình. Chị Lê, chị Hồng, chị Liễu, anh Miễn … còn hát tặng những bài hát Tiệp yêu thích thời còn du học. Anh Lại đọc một bài thơ bằng tiếng Tiệp nói về tình hữu nghị Việt Nam - Séc.

Kỹ niệm sâu sắc nhất đối với mọi người là nhóm lưu học sinh Việt Nam đầu tiên tại Tiệp Khắc đã được gặp Bác Hồ kính yêu nhân chuyến thăm hữu nghị Tiệp Khắc năm 1957 của Người . Chuyến thăm hữu nghị Tiệp Khắc đầu tiên của vị Nguyên thủ quốc gia Việt Nam đã  đặt nền tảng cho tình hữu nghị bền vững giữa Việt Nam và Tiệp Khắc cho đến nay. Tiếp đến là hình ảnh thầy trò Tiệp - Việt quây quần bên nhau trong cùng ký túc xá ở Trung tâm học tiếng; rồi đến một số hình ảnh lấy từ album được lưu từ 50 năm trước về các thành phố Praha, Bratislava, Brno, Plzen – nơi phần đông lưu học sinh và nghiên cứu sinh Việt Nam học tập. Một dấu ấn khó quên và là một hoạt động góp phần tạo đà  cho việc phát triển tình hữu nghị Việt Nam - Séc là sự xuất hiện của cuốn tự điển Séc - Việt (Česko-vietnamský slovník) do Chi đoàn máy II Trường Đại học kỹ thuật Praha (ČVUT) niên khoá 1963-1969 biên soạn dưới sự chỉ đạo của 3 tác giã chính là Trần Xuân Đàm, Nguyễn Xuân Chuẩn và Bùi Đức Lại. Trong cuộc gặp mặt này có sự hiện diện của tác giã Bùi Đức Lại và một số cộng sự.

Sự hiện diện của ngài Đại sứ Cộng hoà Séc tại Việt Nam trong không khí đầm ấm, chân tình hữu nghị Việt Nam – Séc thể hiện sự quan tâm sâu sắc của cơ quan đại diện ngoại giao CH Séc tại Việt Nam nói riêng và của nhân dân Séc nói chung đối với việc không ngừng vun đắp cho tình hữu nghị Séc - Việt Nam ngày càng bền vững. Ngài Đại sứ đã cùng nhóm sinh viên “lão thành” ôn lại những kỹ niệm xưa. Ngài càng kính nể khi thấy các “lão thành” vẫn sử dụng thành thạo và hiểu thấu đáo ngôn ngữ Séc (không cần phiên dịch). Đặc biệt khi được nghe các bài hát Séc chính xác về lời, chuẩn về giai điệu, mượt mà về giọng ca (ở cái tuổi thất thập cổ lại hy) thì các bạn Séc chỉ còn biết trầm trồ, thán phục.

Ông Phan Đăng Điều (người cùng thế hệ với lớp sinh viên “lão thành”)  thay mặt Hội hữu nghị Việt Nam -Séc đã có bài phát biểu bằng tiếng Séc ôn lại những dấu ấn lịch sử của tình hữu nghị Việt Nam – Séc  và giới thiệu các hoạt động của Hội nhằm góp phần cũng cố và phát triển hơn nữa tình hữu nghị truyền thống Việt Nam – Séc.

Cuộc gặp mặt đã được Câu lạc bộ Bohemia hỗ trợ về mặt tổ chức . Có thể nói, đây là một mãnh đất nhỏ giữa lòng Thủ đô Hà Nội, nhưng lại mang nhiều dấu ấn của quê hương Séc: đó là không gian Séc, trang trí kiểu Séc, bia Séc, ẩm thực Séc, ca nhạc Séc với sự hiện diện của những người bạn Séc, đặc biệt khi có thêm sự hiện diện của  những người đang góp sức cho việc vun đắp quan hệ hữu nghị và hợp tác Séc - Viêt : Ngài Martin Klepetko, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền CH Séc tại Việt Nam; ông  Phó Đại sứ Karel Šrol và ông Phan Đăng Điều, Phó chủ tịch Thường trực Hội hữu nghị Việt Nam - Séc. Ngài Đại sứ cũng đã góp vui với nhóm sinh viên “lão thành” bằng những bài hát dân ca Séc quen thuộc.

Kết thúc cuộc gặp mặt, nhóm sinh viên “lão thành” đã tặng bức ảnh lịch sử  Bác Hồ cùng sinh viên Việt Nam tại Chrastava, Tiệp Khắc năm 1957, khi Người sang thăm hữu nghị Tiệp Khắc, cho Câu lạc bộ Văn học - Nghệ thuật Bohemia để làm trang trọng thêm không gian đậm tình hữu nghị Việt Nam - Séc của CLB. Ban tổ chức cũng đã tặng ảnh lưu niệm cho từng người chụp khi còn học tập tại Tiệp Khắc và chụp ảnh lưu niệm về Cuộc gặp gỡ cảm động, ấm áp tình hữu nghị Việt  Nam – Séc.

Trong cuộc gặp gỡ này, nhiều người tuy tuổi già sức yếu, nhưng cũng bày tỏ nguyện vọng muốn lần cuối cùng trong đời được quay trở lại thăm CH Séc - quê hương thứ hai của mình, thăm lại mái trường xưa, thầy cô, bạn học cũ…

Không khí sổi nổi, đầm ấm tình hữu nghị Việt Nam - Séc của buổi gặp mặt cũng là thông điệp chào mừng Kỷ niệm 95 năm Quốc khánh CH Séc  - 28/10/1918 – 28/10/2013./.

Cao Chấn, đại diện Hội cựu sinh viên khóa 1963-1969
 


Nguồn tin: Cao Chấn


Xem tin theo ngày: