Tin mới
Trò chuyện với Anh Nguyễn Quyết Tiến, đồng tác giả bộ đại từ điển giáo khoa SÉC-VIỆT

Ngày đăng: 16/01/2014 - 07:59:27

Một trong những nhiệm vụ của chuyến đi công tác của chúng tôi cuối năm 2013 là tìm hiểu về cuốn Đại từ điển Giáo khoa Séc – Việt của hai đồng tác giả Ivo Vasiljev và Nguyễn Quyết Tiến.  Tập 1 (A-G) với gần 650 trang ra mắt đầu năm 2013 đã nhận được những sự đánh giá rất trân trọng của đông đảo bạn đọc và được các nhà ngôn ngữ học ở CH Séc đánh giá cao.

Anh Nguyễn Quyết Tiến giới thiệu vần K đang làm

Sau nhiều năm xa mùa đông Séc, đoàn chúng tôi đã được hưởng không khí vui vẻ đầm ấm trước Lễ Giáng sinh. Trên các vùng núi cao tuyết đã phủ đầy nhưng ở Praha trời chỉ giá lạnh vừa phải. Thật may, tối hôm thứ Sáu, mùng 6 tháng 12 chúng tôi đã được hưởng những bông tuyết đầu mùa và vui hơn khi anh Nguyễn Quyết Tiến, người được nhiều người Việt Nam ở Praha và trên toàn lãnh thổ Cộng hòa Séc biết đến đã vui vẻ dành thời gian chiều ngày hôm sau, thứ Bảy để tiếp chúng tôi.

Cũng may có anh Nguyễn Đức Thắng dẫn đường nên việc tìm đường tới gia đình anh Tiến thật đơn giản. Phải nói ngay là chúng tôi rất có cảm tình với khu nhà hiện đại tọa lạc trên một khu đất thật đắc địa ở Praha 10 này. Người ta đặt tên cho nó „Slunečný Vršek“ - Đồi Nắng. Từ đây chỉ cần đi qua đường là đến một thung lũng có đập nước, hồ bơi thiên nhiên Hostivař trong xanh, thơ mộng và quyến rũ, được bao quanh bởi một rừng cây xanh giữa một thủ đô hoa lệ. Tiếng chuông gọi cửa của chúng tôi khiến anh rời khỏi bàn làm việc. Rồi chẳng mấy chốc anh lại đưa chúng tôi quay lại phòng làm việc để xem công việc anh đang cố hoàn thành trong thời gian trước Tết. Mới hơn bốn giờ chiều mà trời đã tối, mà chuyện thì còn dài. Anh Tiến hẹn chúng tôi trưa thứ Tư tuần sau sẽ có thêm bạn bè, anh em lại gặp nhau để còn sẻ chia thêm nhiều chuyện nữa...

Chúng tôi chọn một cái quán ở cạnh bể bơi và khu tập luyện giải trí trong quần thể khu nhà ở mới xây, nơi mà anh cũng đã „nhanh tay“ mua được một căn hộ để cùng gặp nhau chúc mừng hội ngộ và tâm sự về chuyện đời, chuyện cá nhân, thế sự, chuyện cộng đồng ... . Khi chúng tôi đến, anh cũng vừa tập thư giãn và bơi xong, với vẻ thư thái nhưng rất đôn hậu, nhiệt tình, anh hồ hởi tiếp đón chúng tôi.

Khi bia đã rót ra, rượu vang đỏ hâm nóng có quế, đinh hương pha vào, trà và các thức uống cho mọi người theo sở thích cũng đã được tiếp viên của quán lịch lãm bày lên bàn, chúng tôi chúc nhau về sự hội ngộ kỳ thú này. Chuyện mở đầu thật vui vẻ, chúng tôi cùng ôn lại một thời vàng son của quá khứ, khi chúng tôi đều là sinh viên. Lúc ấy, cả nước đang ở trong thời gian cam go nhất của cuộc chiến tranh, việc được sang đây học tập là một diễm phúc rất lớn. Ai cũng muốn được cùng nhau ôn lại thật nhiều những kỷ niệm sôi nổi, vụng về, còn vương những nét thơ ngây ấu trĩ. Cái thời mà chúng tôi chân ướt chân ráo về trường học tiếng đã được nghe giai thoại về một Nguyễn Quyết Tiến học khá nổi tiếng, nói tiếng Séc hay và „dũng cảm“ yêu, một điều lúc đó bị cấm kỵ. Đang là sinh viên mà anh dám nói chuyện điện thoại đường dài với bạn gái hơn nửa tiếng đồng hồ. Và còn có tài xơi hết 21 khoanh bánh knedlíky, loại bánh mỳ hấp, đặc sản của người Tiệp, trong một bữa trưa! ...

Ai cũng muốn nói thật nhiều. Nhưng hôm nay chúng tôi muốn được nghe anh kể  chuyện. Được sinh ra ở đất văn hiến nghìn năm giữa Thủ đô Hà Nội, nhưng thủa nhỏ anh cùng các em theo cha mẹ đi kháng chiến vào tận Thanh Chương, Nghệ An. Lên 8 tuổi, anh mới trở về học tiếp ở  Hà Nội, bắt đầu tại trường Phan Chu Trinh, rồi đến Chu Văn An. Kỷ niệm tuổi thơ với Hà Nội bên bờ sông Hồng và các vùng đã sống thì nhiều nhưng anh nói điều anh tâm đắc và „được“ nhất là cả một thế hệ chúng tôi đã được hưởng một nền giáo dục trong sáng, vô tư dành cho „lứa măng non đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa“ như Thép Mới đã từng viết. Thời kỳ đó cả nước đói, cái gì cũng thiếu, nhưng tình người nồng hậu và các thầy cô giáo là những người vô cùng đáng kính. Những người Thầy ấy đã truyền lửa cho cả một thế hệ biết quý trọng kiến thức, biết gắng sức học tập để góp phần xây dựng Tổ quốc.

Sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học, thời đó gọi là cấp III, niên khóa 1965-1966 và được nhận bằng khen của Cụ Hồ, anh đã được cử sang học tập tại CHXHCN Tiệp-Khắc. Bắt đầu học tiếng tại Teplice. Rồi lên học ở trường Đại học Bách khoa danh tiếng ČVUT, Praha. Năm 1972 anh tốt nghiệp ngành điều khiển tự động từ xa (kybernetika), một ngành hiếm thời đó ở Việt Nam. Nhưng cái „nghiệp“ văn chương lại thay cho cái „nghề“ kỹ sư, anh được chọn làm phiên dịch cho Đại sứ quán Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Mùa hè năm ngoái, trong một ngày đẹp trời, anh đạp xe ra bờ sông rồi ngược lên đồi, ngắm nhìn ngôi nhà từng là Trụ sở của Đại sứ quán Cộng hòa Miền Nam Việt Nam xưa kia rồi bồi hồi viết lên những dòng ký ức „ ... Nhiều đoàn anh hùng, dũng sĩ Miền Nam được Công đoàn bạn mời sang chữa bệnh hoặc lên Karlovy Vary nghỉ điều dưỡng, sau vài tuần lễ về qua đây ăn bữa cơm chia tay rồi lại lên đường về nước để ra chiến trường. Giá như nơi đây có được một tấm biển nhỏ bằng đồng ghi lại những kỷ niệm ấy!. Nó xứng đáng là một bảo tàng nhỏ của nước Việt Nam ...“. Bài tùy bút „Tình cờ, 30 tháng 4“ ký tên Nguyễn Như được rất nhiều người ưa thích.

Năm 1976, sau khi trở về Tổ quốc, anh lại đam mê học thêm tiếng Anh và theo học các khóa học chuyên môn ở trường Đại học Ngoại thương Hà Nội, ở Stokhom Thụy Điển ... để đáp ứng nhu cầu công tác mới. Ở Bộ Ngoại thương, với cương vị trưởng phòng phụ trách quan hệ kinh tế thương mại với CHXHCN Tiệp Khắc, anh lại có nhiều cơ hội để củng cố và nâng cao tiếng Séc. Năm 1990 đến 1993 anh sang nhận nhiệm vụ ở Đại sứ quán Việt Nam tại Cộng hòa Séc, làm trưởng Cơ quan Thương vụ Việt Nam ở Praha. Vừa làm vừa học nhưng với anh mọi việc đều nhẹ nhàng, xuôi chèo mát mái. Nói chuyện với anh, chúng tôi không khỏi ngạc nhiên vì anh có trí nhớ rất tuyệt vời. Chúng tôi thắc mắc, thời gian nào anh dành cho chuyên môn, thời gian nào anh dành cho ngôn ngữ, thơ phú văn chương vì biết anh „giỏi một nghề và biết nhiều nghề“, anh vui vẻ: „Dạo nhỏ mình học đều các môn tự nhiên và xã hội, nhưng vẫn thích khoa học xã hội, nhất là môn văn. Không thể phân biệt tách rời từng cái một mà mọi sự đều hòa quyện với nhau rất hài hòa. Môn toán và các môn kỹ thuật giúp cho con người có cách suy luận lôgic, biết cách suy luận để nhớ lâu và cái gì đã nhớ rồi thì cũng biết cách khơi dậy khi cần thiết. Ngược lại văn thơ lại truyền cảm hứng cho toán và kỹ thuật, làm cho cuộc đời lãng mạn và bay bổng. Mình không có duyên với quan trường và thương trường và ngày nay những điều ấy cũng đã lùi vào dĩ vãng nhưng thơ văn và ngôn ngữ vẫn theo mình đi mãi. Được làm công việc mình yêu thích là một hạnh phúc lớn. Càng viết, càng thấy say sưa vì hai ngôn ngữ Việt, Séc đều rất hay. Ẩn hiện long lanh sau mỗi con chữ là những triết lý thâm thúy. Cả anh Vasi và tôi đều không thấy mệt. Chúng tôi muốn hoàn thành bộ đại từ điển này, xem như một kỷ niệm của thế hệ chúng ta, những sinh viên các năm 60, 70 từng nặng ơn với nhân dân hai nước, để lại cho các thế hệ mai sau. Đặc biệt nó cũng là một công trình để giúp thế hệ trẻ hiểu cái hay của tiếng Việt, lịch sử và văn hóa của Việt Nam. Phải gìn giữ tiếng Việt, nếu không sẽ có tội với hậu thế“.

Rồi anh đọc cho chúng tôi nghe những câu thơ văn thuộc lòng từ thời học cấp 1, cấp 2 ... đến những bài thơ mới sau này. Tôi là một phụ nữ, lớn lên và học tại Hà Nội, rồi Praha mà nghe anh nói cũng bị... hút hồn. Anh có lối nói hấp dẫn mọi người. Anh em bên này bảo anh còn làm cả MC và khi ngẫu hứng trước khách quốc tế anh nói cả bằng hai ba thứ tiếng trên sân khấu. Anh nhớ nhiều bài thơ hay lại có giọng đọc rất truyền cảm. Anh cũng sáng tác thơ và thơ anh hay, đau đáu nỗi niềm: „Lẽ thường tình cả anh và em/ đều muốn mình là đúng/ nhưng nhiều khi anh muốn mình sai/ Anh muốn mình sai: Nếu Cô Tấm dịu hiền đã không dội nước sôi lên mình Cám/ Biết nói gì với em về lòng nhân ái?/ Anh muốn mình sai: Nếu Đức Vua là đấng minh quân/ đã không ra một đề thi thiên lệch/ bắt Thủy Tinh phải tìm nơi đáy biển/ những báu vật của rừng xanh/ biết nói gì với em về lẽ công bằng?/ Anh muốn mình sai: Nếu ta yêu đất nước mình với đại ngàn xanh/ đã không muốn nó biến thành sa mạc đỏ/ Mầm họa/ cười/ khanh khách/ trên lưng ...“ (trích bài „Sai“ của anh).  Anh có tài đối đáp, phản biện, ứng xử linh hoạt. Anh Nguyễn Đức Lưu kể: "Năm 2011,Tiến sỹ ngôn ngữ học trường ĐH Quốc gia Hà Nội và trường Tổng hợp Lomonosov, nhà thơ, hội viên Hội nhà văn Việt Nam Nguyễn Huy Hoàng có dịp nói chuyện trong Đêm thơ Nguyên Tiêu, anh Tiến đã thay mặt Hội Văn học Nghệ thuật ở Séc làm người tiếp khách và dẫn chuyện. Trong bữa tiệc thơ ấy, mọi người đã thán phục khả năng ứng đáp của anh trong lĩnh vực văn chương, nhất là thơ. Sau này Nguyễn Huy Hoàng đã gọi anh là người "có tài thẩm thơ nhất Praha". Anh còn thích học ngữ nghĩa Hán Việt và viết thư pháp. Những dịp đón năm mới, rất nhiều bạn bè Séc và Việt Nam thích „xin chữ“ của anh."

Anh có bằng phiên dịch hữu thệ, soudní tlumočník mà ta quen gọi là phiên dịch quốc gia, cho các Tòa án tại Cộng hòa Séc, mở Trung tâm Ngôn ngữ và Văn hóa Dân Trí, là hội viên của Hội những nhà giáo dạy tiếng Séc của CH Séc. Anh quan niệm „dạy tiếng Séc cho cộng đồng và các cháu thanh thiếu nhi bên này cũng là một cách để bảo tồn và truyền bá tiếng Việt, lịch sử và văn hóa Việt“.

Viết đối với anh là một niềm đam mê. Các cuốn sách giáo khoa anh biên soạn như Hướng dẫn học tiếng Séc nhanh và hiệu quả „Jak se učit česky rychle a efektivně“ gồm 2 tập, Hội thoại Việt - Séc – Anh, sách Hướng dẫn học thi tiếng Séc bằng A1, chứng chỉ bắt buộc để cơ quan công quyền CH Séc cho phép cư trú vĩnh viễn ... hầu như gia đình Việt Nam nào ở Séc cũng có. Cơ quan di trú của Bộ Nội vụ Séc đặt mua để làm sách giáo khoa cho các Trung tâm dạy tiếng. Nhiều người đã học Đại học, học nghề, thực tập, nghiên cứu trước đây, thậm chí làm công tác giảng dạy tiếng Tiệp tại trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội có dịp sang Séc cũng muốn có được bộ sách trên mang về làm tài liệu. Anh cũng viết nhiều bài về chuyên môn, thời sự, thơ, chính luận, đoản văn, tùy bút... thường lấy bút danh Nguyễn Như. Năm ngoái anh đã chuyển ngữ thành công tác phẩm: „Bílej kůň, žlutej drak (J. Cempírek)“ sang tiếng Việt là: „Bạch Mã – Hoàng Long“ (Nhà xuất bản Hội nhà văn Việt Nam, 3. 2013).

Nhưng tất cả tài năng và sự đóng góp của anh  rồi cũng có thể quên đi, nếu như không có công trình đồ sộ của anh hiện nay là bộ Đại từ điển giáo khoa Séc – Việt mà anh là đồng tác giả cùng với nhà Việt Nam học, ngôn ngữ học nổi tiếng, tiến sỹ Ivo Valjsiev. Anh tâm sự là đã ôm ấp ý tưởng này từ hơn mười năm nay, cũng đã nhiều lần thử đặt bút viết nhưng lại bị cuốn hút vào công việc khác. Nhân duyên đã cho anh may mắn được quen biết nhà Việt Nam học nổi tiếng Ivo Vasiljev từ thời anh còn làm phiên dịch ở Đại sứ quán Miền Nam. Gần 10 năm qua hai người lại gặp nhau trong một ý tưởng lớn là biên soạn bộ đại từ điển. Cả hai đã bỏ nhiều công sức sưu tầm tài liệu, trao đổi với nhau về quy mô và cách thức biên soạn. Nhờ internet mà hai người dù ở xa nhau vẫn hàng ngày trao đổi được nhiều lần với nhau. Đầu năm 2002 hai anh chính thức bắt tay vào công việc biên soạn. Anh nói hai anh em làm việc rất ăn ý, nhiều khi chỉ nói nửa lời, viết nửa câu đã hiểu ý nhau. Anh thường biên soạn, dịch trước rồi gửi để „anh Vasi“ bổ sung thêm những ngữ nghĩa còn ẩn náu trong mỗi chữ mỗi câu rồi trao đi đổi lại. Cứ thế cả hai „mài rũa“ từng từ mục cho đến khi thật hài lòng mới thông qua. Mỗi ngày các anh đều làm việc không dưới 12 giờ.

Một điều may mắn nữa là hai anh được bạn bè và đồng nghiệp hết lòng cổ vũ. Đại sứ Đỗ Xuân Đông khi biết tin hai tác giả say sưa với công trình đồ sộ này đã hết lòng động viên và huy động được Công ty Viettel tài trợ để có tiền in ấn, trước mắt đủ để in hai tập. Tập 1 (A-G) gần 650 trang đã xuất bản đầu năm 2013 và tập 2 cũng đang chuẩn bị đưa in. Dự kiến của hai tác giả là 6 tập, cố gắng cho ra đời mỗi năm một tập, sau đó sẽ chuyển sang biên soạn chiều ngược lại là Đại từ điển Việt – Séc. Chúng tôi cũng biết cả hai vị đều vừa trải qua những can thiệp của bác sỹ về sức khỏe nhưng điều ấy không làm giảm đi hào hứng mà ngược lại càng làm cho các anh tích cực chạy đua với thời gian hơn.

Thời chúng tôi đi học, những năm sáu mươi, bảy mươi của thế kỷ trước, cẩm nang của mỗi sinh viên là cuốn Từ điển Séc-Việt, „Česko-vietnamský slovník“ của các tác giả Nguyễn Xuân Chuẩn, Trần Xuân Đàm, Bùi Đức Lai và tập thể. Từ đó đến nay cũng có một số các soạn giả khác làm những cuốn từ điển bỏ túi hợp với trào lưu kinh doanh, một số tác giả lại biên soạn từ điển Việt-Séc nhưng còn rất hạn chế. Anh Nguyễn Đức Lưu là một cựu sinh viên, cũng có bằng phiên dịch hữu thệ cho các Tòa án từ năm 1984 thời CHXHCN Tiệp Khắc, bây giờ cũng làm nghề phiên dịch và dạy học, được hai anh nhờ soát lỗi đánh máy và góp ý cho bản thảo, nói: „Ngày trước chúng ta học ngoại ngữ là để học chuyên môn nên mới hiểu được „phần ngọn“ của tiếng Séc. Phải đọc nhiều, viết nhiều, nói chuyện nhiều thì mới nâng cao được vốn từ, ngữ pháp. Nhưng tích lũy trong thực thế mà không có sách tốt thì cũng không hiểu hết cái hay của ngôn ngữ. Cảm nhận khi đọc cuốn Từ điển giáo khoa Séc - Việt  mới này thật là thú vị, vì có những từ mặc dù đã dùng rất quen, thậm chí đã thành khẩu ngữ nhưng vẫn tìm thêm được rất nhiều ý mới lạ. Chỉ riêng bản thân từ „dělat“ đã chiếm hơn một trang từ điển. Tôi còn tỷ mỉ đếm được ở tập 1 có tới hơn 80 thí dụ về „dělat“ được nhắc tới ở các mục từ khác.  Phần ngữ pháp tổng kết một cách hệ thống, mạch lạc, khúc chiết, dễ  áp dụng, dễ nhớ. Vì  tiếng Séc là thứ tiếng logic nên những ai thích tư duy logic đọc cuốn Đại từ điển này đều cảm thấy nhẹ nhàng và hấp dẫn. Người biết ít tiếng Séc đọc cũng rất dễ hiểu, dễ sử dụng vì trong đó đưa ra các thí dụ rất sát thực tế. Tôi bị cuốn hút mỗi khi đọc cuốn từ điển này của các anh như đọc truyện, đọc thơ vậy!“

Buổi ra mắt tập 1 bộ Đại từ điển giáo khoa này đã được tổ chức vào tháng 5. 2013. Gần 40 vị giáo sư, các nhà ngôn ngữ học, đông đảo bạn bè quốc tế và bạn bè Việt Nam đã đến dự. Giáo sư Đại học Sác-lơ, Karlova univerzita, tiến sỹ khoa học František Čermák, nhà ngôn ngữ học, nhà từ điển học hàng đầu của CH Séc đã nhận định đây là một tác phẩm rất dầy công và tuyệt vời. Trong bài báo đăng trên tạp chí Khoa học Ngôn ngữ, ông đánh giá: „Đại từ điển này là một công trình rất nghiêm túc, công phu, được trình bày hệ thống và rất đáng tin cậy cho cả hai ngôn ngữ. Nó là một đóng góp vô cùng to lớn cho ngành từ điển học, cả về cách thức trình bày và nội dung từ mục. Chắc chắn nó đang và sẽ được xem như một cẩm nang, hay nói đúng hơn là một bảo bối quý trong giao lưu ngôn ngữ Séc – Việt, và vì vậy nó không những chỉ phục vụ cho dân tộc thiểu số Việt Nam ở CH Séc, những người đang hết sức cần đến nó, mà tác dụng của nó ở những lĩnh vực khác sẽ còn tăng lên không ngừng. Đây là một công trình vĩ đại rất đáng để chúng ta trân trọng và hoan nghênh“.

Khi biết chúng tôi hé lộ ý định viết bài để giới thiệu từ điển với độc giả ở Việt Nam, anh Tiến đọc một câu tục ngữ Séc: „Trpělivost růže přináší“ tức là „Lòng kiên trì mang đến những bông hồng“. Anh chia sẻ: „Con đường phía trước của hai tác giả chúng tôi còn dài, còn phải phấn đấu nhiều lắm thì mới đạt đến mục tiêu.“

Khi tôi ngồi ở Hà Nội để viết nốt bài báo này thì anh Lưu ở Praha thông báo, là hai tác giả đã đệ đơn lên các cơ quan quản lý của CH Séc để xin phép thành lập Sdružení pro podporu vietnamsko - české jazykové vzájenosti, zapsaný spolek. Tên tiếng Việt là Hội Truyền bá Song ngữ Việt - Séc, hội được đăng ký chính thức. Tôi tin chắc rằng hai đồng tác giả Đại từ điển Giáo khoa Séc – Việt sẽ thành công.

Praha, Hà Nội, tháng 1. 2014

Trần Minh Hiền
 


Nguồn tin: Trần Minh Hiền


Xem tin theo ngày: