Tin mới
GHI NHANH VỀ MỘT CUỘC TRIỂN LÃM

Ngày đăng: 31/10/2008 - 10:13:27

Sáng thứ 7 ngày 25/10/2008 tại nhà Triển lãm Văn hóa – nghệ thuật Việt Nam 28 phố Hàng Bài, Hà Nội đã long trọng khai trương triển lãm “Hà Nội – Praha, ký ức giao lưu văn hóa và du lịch” giới thiệu một số tác phẩm ảnh nghệ thuật và sách dịch từ nguyên bản tiếng Séc của nhà văn, nhà nhiếp ảnh, dịch giả Dương Tất Từ, ủy viên BCH TƯ Hội hữu nghị Việt Nam – Séc. Đây là một trong những biện pháp và cũng là một món quà văn hóa mà Hội hữu nghị Việt Nam – Séc và những người Việt Nam yêu mến đất nước, nền văn hóa, con người Séc thực hiện để chào mừng ngày Quốc khánh lần thứ 90 của nước bạn (28/10/1918 – 28/10/2008).

Hoạt động này thể hiện tâm huyết và sự lao động nghệ thuật nghiêm túc trong nhiều năm của tác giả, có sự đóng góp nhiệt tình của nhiều doanh nghiệp và cá nhân hảo tâm trong Hội để chúng ta có một buổi sáng mùa thu tưng bừng hữu nghị như hôm nay.

Chỉ cần xem qua số lượng đông đảo và thành phần khán giả tham dự đã thấy tình cảm thắm thiết của những người bạn Việt Nam với đất nước Séc. Chúng tôi để ý thấy bên cạnh những mái đầu bạc và những câu chào hỏi tiếng Séc còn khá trôi chảy của các cựu nghiên cứu sinh, lưu học sinh còn có cả những gương mặt trẻ trung của các em học sinh hiện đang háo hức tìm hiểu về văn hóa và ngôn ngữ Séc. Đây đó còn nghe cả những tiếng xuýt xoa, trầm trồ trước vẻ đẹp cổ kính của Praha, của phong cảnh thiên nhiên kỳ thú của Séc. Những miền đất, những địa danh nổi tiếng như quảng trường “Con gà”, quảng trường “Con ngựa”, cầu “Tình” trên sông Vltava… theo cách gọi hình tượng dễ nhớ của người Việt Nam đã được tác giả Dương Tất Từ tái hiện long lanh dưới góc kính tinh tế của ông.

Đông người quá. Tôi lướt qua bàn sách dịch, có lẽ hơi muộn vì trước đó mươi phút mấy thùng sách to được bày ra nhưng không đủ để tặng cho những khan giả quan tâm. Cố gắng và phải nhờ tới anh bạn trong BTC tôi mới sở hữu được 2 quyển. Đó là Tuyển tập thơ của nhà thơ đoạt giải Nobel năm 1984 Jaroslav Seifert và quyển “Một cuộc đính hôn” của nhà văn trào phúng nổi tiếng của Séc Jaroslav Hasek.

Hình như BTC đã đánh trúng tâm lý người xem nên tiêu đề của triển lãm “Hà Nội – Praha, ký ức giao lưu văn hóa và du lịch” đã làm lay động quá khứ đầy ắp những kỷ niệm đẹp, khó quên và đáng tự hào của mấy thế hệ đông đảo người Việt đã từng được đào tào và trưởng thành dưới mái trường của nước Tiệp Khắc anh em xưa. Và hôm nay, khi đã thành bác, thành chú, thành ông, thành bà thì hoài niệm về thầy cô cũ, về những người bạn Tiệp cùng lớp và về sự quan tâm, giúp đỡ to lớn của nhân dân Tiệp Khăc cũ vẫn còn sống động, thổn thức như ngày nào.

Trong bài diễn văn khai mạc triển lãm, ông Nguyễn Minh Hồng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Chủ tich Hội hữu nghị Việt Nam – Séc đã nói tóm tắt rằng: quan hệ Việt Nam và Tiệp Khắc trước kia cũng như CH Séc hôm nay là mối quan hệ truyền thống anh em, vô tư, thắm thiết và một trong những biểu hiện của tình hữu nghị đó là một cộng đồng hơn 60.000 người Việt Nam đang sinh sống và làm ăn bình yên tại CH Séc. Những công dân này của chúng ta đang ra sức làm việc, học tập chuyên môn và từng bước hòa nhập đầy đủ vào xã hội Séc, đã có nhiều đóng góp vào sự phát triển của kinh tế xã hội Séc. Còn đối với Hội hữu nghị, nhiệm vụ quan trọng là phải đưa nội dung hoạt động của Hội ngày càng sâu rộng hơn, có chiều sâu hơn và đa dạng hơn để đóng góp thiết thực hơn nữa vào tiến trình phát triển hợp tác toàn diện giữa 2 nước Việt Nam – CH Séc.

Thay mặt ĐSQ CH Séc tại Hà Nội, ông Martin Vlasník, Bí thư thứ nhất phụ trách Kinh tế - thương mại đã nhiệt liệt cảm ơn Hội hữu nghị Việt Nam – Séc đã tổ chức cuộc triển lãm hoành tráng này và cảm ơn những tình cảm nồng thắm của nhân dân Hà Nội và những người bạn Việt Nam – những cựu nghiên cứu sinh, lưu học sinh, những người lao động và cả những người hiện đang học tập và làm ăn tại CH Séc đối với nhân dân và đất nước Séc. Ông cũng đã đề cập đến tiềm năng phát triển hợp tác Séc – Việt Nam trong lĩnh vực kinh tế, thương mại, đầu tư, khoa học kỹ thuật, văn hóa, du lịch. Ông nói: ĐSQ CH Séc tại Việt Nam sẽ cùng với phía Việt Nam cố gắng khai thác tốt nhất những tiềm năng còn nhiều hứa hẹn đấy để thúc đẩy các mặt quan hệ giữa 2 nước.

Tôi để ý thấy ông đại diện ĐSQ rất vui và hình như ông không muốn dấu và kìm nén niềm tự hào về quê hương, đất nuớc mình đang đẹp lung linh giữa lòng Hà Nội qua góc kính chuyên nghiệp của tác giả Dương Tất Từ. Vâng, niềm tự hào về dân tộc, về quê hương thì mỗi người đều có. Nhưng hàng chục ngàn nghiên cứu sinh, lưu học sinh, người lao động Việt Nam với đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, thủy chung tình bạn cũng có quyền để nhớ và tự hào về đất nước Séc – Tổ quốc thứ 2, về một thủ đô Praha cổ kính, tráng lệ, mến khách, về những thành phố sôi động như Brno vào các dịp hội chợ quốc tế mùa thu hoặc như Pardubice, Liberec, Ostrava, Plzen... Mỗi nơi một vẻ đẹp, một sắc thái nhưng đều đáng yêu đáng nhớ. Ở những nơi ấy nhiều người trong chúng ta đã gửi lại một quãng đời tươi trẻ đầy nhiệt huyết với biết bao kỷ niệm về tình bạn, tình thầy trò trong sáng, vô tư.

Tôi nghe ở góc phòng triển lãm có tiếng hát dân ca Séc nhè nhẹ. Lại gần thấy một bác trạc tuổi 60 đang say sưa nói chuyện về phong tục và các ngày lễ dân tộc của Séc cho nhóm sinh viên đang học tiếng Séc từ trường ĐH Bách khoa Hà Nội. Vừa nói bác vừa minh họa bằng những bước nhảy điệu Polka sôi động, điệu nhảy đặc trưng của người Séc. Cốc rượu vang trên tay bác đung đưa như thêm lửa vào những câu dân ca Séc mượt mà, trữ tình. Ôi sao cái chất dân gian Séc nó thấm vào lớp người này lâu và sâu nặng đến vậy! Tôi bỗng ước ao giá như một ngày nào đó, giữa lòng thủ đô Hà Nội lại có một trung tâm văn hóa Séc, nơi tràn ngập những làn điệu dân ca, những bản nhạc đồng quê và cả những món ăn đậm chất Séc, nơi chúng tôi có thể gặp lại nhau, những khuôn mặt ngày ấy để ôn lại chuyện xưa đầy kỷ niệm…

Hà Nội ngày 26/10/2008
Nguyễn Tiến Hưng (ủy viên BCH TƯ Hội)

Xem tin theo ngày: