Tin mới
Cựu học sinh “Dětský domov“ ở Chrastava

Ngày đăng: 18/11/2016 - 00:00:00

Những kỷ niệm thời ấy đã được anh Đoàn Tử Diễn nhắc lại trong bài phát biểu của mình „60 NĂM NHÀ THIẾU NHI VIỆT NAM “DĚTSKÝ DOMOV” Ở CHRASTAVA 1956 – 1959“ đã được đăng trên web của Hội Hữu nghị Việt Nam – Séc, tôi chỉ muốn đưa thêm một số hình ảnh thời đó và kể cho các bạn thêm về những điều mà ít người biết về họ.

Toàn Đoàn trong mùa xuân đầu tiên 1957 ở Chrastava khi hoa táo, hoa lê bừng nở trong vườn
Tôi rất vui khi được tham dự buổi gặp mặt kỷ niệm 60 năm (1956-2016) Nhà thiếu nhi Việt Nam “Dětský domov“ v Chrastavě, u Liberce. Lại có dịp gặp một số gương mặt các anh chị thân quen ngày nào và nay may mắn hơn đã  được làm quen thêm các anh chị cựu thiếu nhi ngày đó. Trong buổi gặp mặt này tôi mới khám phá thêm nhiều điều mà trước kia mình chưa hề biết đến. Điều ngạc nhiên đầu tiên đó là khi nhìn thấy anh Đặng Thành Phu. Tôi biết anh từ những ngày hè năm 1969 khi tôi là sinh viên năm thứ nhất Khoa Toán – Lý, trường Đại học UK. Tôi ngưỡng mộ anh vì anh lúc đó là một trong những sinh viên học giỏi và đá bóng rất hay. Ở Hà Nội thỉnh thoảng anh em cũng gặp nhau, nhưng mãi tận hôm nay, khi tham dự buổi gặp mặt này tôi mới biết anh là một trong 100 thiếu nhi đã học ở Chrastava những năm 1956-1959.


Cậu học trò Trương Đỗ Dương và Nguyễn Thành Công ở Chrastava

Sau này, trong số 100 học sinh ấy có chị Minh Hằng và Hồng Vân học trường Mỹ Thuật Hà Nội. Tuy nhiên, trước khi chia tay với Chrastava 7/1959, 2 bạn Hoàng Văn Thảo và Đinh Quốc Toản đã lưu vào sổ Lưu niệm của anh Nguyễn Thành Công bức vẽ của mình. Anh Đinh Quốc Toản nhập ngũ trong thời kỳ chiến tranh chống xâm lược Mỹ. Khi anh Toản hy sinh, anh Huỳnh Đình Thảo đóng quân ở gần nên đã biết tin.
 
Lưu bút của anh Hoàng Văn Thảo và Đinh Quốc Toản (học sinh lớp 3 Chrastava vẽ)
 

Các chị Nguyễn Thị Mùi, Lê Thị Băng Tâm và Văn Thị Cách trong giờ học đàn PIANO - KLAVÍR do thầy M.KVOCH dạy.

Sáng 1/7/1959 100 học sinh VN chia tay DĚTSKÝ DOMOV V CHRASTAVĚ U LIBERCE lên xe buýt về Praha. Sau bữa trưa họ được đi thăm quan một số danh lam thắng cảnh của Thủ đô Tiệp Khắc, trong đó có cầu Karlův. Buổi tối lên tàu liên vận quốc tế trở về nước để tiếp tục học tập tại VN theo chủ chương của Bộ Giáo dục.
 

Lưu bút của cô giáo JANA ČAJOVÁ và đầu bếp NADĚŽDA BÍLKOVÁ viết sáng 1/7/1959 trước lúc xe rời ngôi trường thân yêu.

Sau kỳ nghỉ hè năm đó, 15 học sinh học lớp lớn tuổi nhất và cũng là học sinh giỏi nhất của lớp 8 được tuyển chọn quay trở lại Tiệp Khắc học tiếp trung cấp (Střední průmyslové školy). Đó là chị Nguyễn Thị Mùi, Phạm Thị Anh, Lê Thị Hồng Hiển, Đồng Thị Tư, Nguyễn Thị Hoàng Yến cùng các anh Nguyễn Xuân Chuẩn, Trần Xuân Đàm, Lê Như Khuê, Phạm Đức Kha, Hoàng Trí Dũng, Huỳnh Đình Thảo, Trương Công Nhân, Nguyễn Trí Đoàn, Phạm Quang Ngọc và Nguyễn Tùng. Ngày ấy học trung cấp những 4 năm.

Sau khi tốt nghiệp trung cấp, năm 1963 phần lớn các anh chị trở về Việt Nam làm việc. Chỉ có anh Nguyễn Xuân Chuẩn, Trần Xuân Đàm, chị Nguyễn Thị Hoàng Yến và Phạm Thị Anh được tiếp tục ở lại học đại học. Anh Chuẩn và anh Đàm học ČVUT, chị Yến và chị Anh  học hóa ở Pardubice. Năm 1968 cuốn từ điển Séc-Việt đầu tiên được ra đời, nó đã trở thành cuốn sách hữu ích, không thể thiếu được của bao nhiêu thế hệ học sinh, sinh viên, nghiên cứu sinh, thực tập sinh, học sinh học nghề, công nhân, người Việt Nam. Chỉ trong có 9 tháng các anh đã biên soạn xong cuốn từ điển với mong muốn giúp cho thế hệ sinh viên VN sau này đỡ khó khăn trong học tập. Cho đến ngày nay cuốn từ điển đó mọi người vẫn còn đang sử dụng. Đó là công lao, đóng góp của tập thể sinh viên trường ČVUT cùng với ba tác giả chính, đó là anh Nguyễn Xuân Chuẩn, Trần Xuân Đàm và Bùi Đức Lại. Hai người trong họ là cựu học sinh trong 100 học trò Việt Nam ở Dětský domov v Chrastavě.

Sau khi tốt nghiệp đại học chị Nguyễn Thị Hoàng Yến được tiếp tục ở lại Séc làm nghiên cứu sinh. Anh Nguyễn Xuân Chuẩn về nước công tác tại Viện Nghiên cứu máy, Bộ Cơ khí luyện kim. Cuối thập kỷ 70 thế kỷ trước anh Chuẩn quay trở lại Praha làm nghiên cứu sinh và năm 1983 anh đã tốt nghiệp với học vị Tiến sĩ (khi đó là  Phó tiến sĩ – CSc). Sau này anh Nguyễn Xuân Chuẩn giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Công nghiệp và anh là Chủ tịch đầu tiên của Hội Hữu nghị Viêt Nam – Séc. Thật không may anh đã ra đi trong một tai nạn giao thông ở Hà Nội năm 2007.

Năm 1966, sau khi tốt nghiệp lớp 10 ở Việt Nam một số anh chị lại được Bộ Giáo dục cử đi Séc học đại học như: chị Trần Thị Hiền, chị Văn Thị Cách, anh Nguyễn Thành Công, anh Đặng Thành Phu. Chị Nguyễn Thị Mùi, anh Nguyễn Tùng và anh Phạm Quang Ngọc cũng được cử đi học tại Tiệp khắc năm đó … Chị Nguyễn Thị Mùi và Trần Thị Hiền đã học đại học chuyên ngành tiếng Séc và văn học Séc tại khoa Triết của Trường Tổng hợp Sác-lơ (Filosofická fakulta, Univerzita Karova v Praze). Năm 1969 tôi ở cùng ký túc xá Větrník với các chị và rất ngưỡng mộ chị Mùi nói tiếng Tiệp. Có một điều thú vị nữa là khi là còn thiếu nhi ở Chrastava, chị Trần Thị Hiền đã được mời đóng hai phim: „Malí medvědáři“ (1957) a „Černý prapor“ (1958) – Tiểu đoàn Lê Dương, một bộ phim được giải thưởng về liên hoan phim quốc tế về đề tài chiến tranh ở Việt Nam.

 
Chị Trần Thị Hiền ngày tốt nghiệp UK

Hồi sinh viên ở Praha, mọi người hay gọi chị Trần Thị Hiền là “Hiền văn” hay “Hiền đen” để dễ phân biệt với 4 cô nữ sinh khác cùng có tên là Hiền đang theo học ở Praha khi đó. Chị Nguyễn Thị Mùi sau này là một trong những phiên dịch giỏi của Đại sứ quán Tiệp Khắc, sau là Sứ quán CH Séc tại Việt Nam. Anh Phạm Quang Ngọc cũng là một phiên dịch giỏi của Sứ quán CH Slovakia tại Việt Nam. Anh Đặng Thành Phu và anh Nguyễn Tùng sau khi tốt nghiệp đại học, các anh ấy tiếp tục ở lại làm nghiên cứu sinh. TS. Đặng Thành Phu sau này về làm tại Hà Nội, còn TS. Nguyễn Tùng hiện nay đang sống định cư tại Praha, anh giờ đã mang quốc tịch Séc. Sống định cư tại Séc còn có chị Văn Thị Cách. Hôm gặp mặt kỷ niệm 60 năm Nhà thiếu nhi Việt Nam -Chrastava tôi có gặp chị Tú, một nữ phiên dịch của Đại sứ quán Séc. Đó chính là con gái của chị Văn Thị Cách.
 

Chị Nguyễn Thị Mùi cùng Tổng thống Václav Klaus

Hè năm 2015, trong dịp tham dự lớp bồi dưỡng tiếng Séc mùa hè ở Brno, anh Nguyễn Thành Công đã quay trở lại thăm nơi ở và ngôi trường cũ. Giờ thì “Dětský domov” đã đổi tên là “Výchovný ústav”. Thật cảm động , khi  anh được gặp lại bà nữ y tá Růžena Tupá, vợ của thày Hiệu trưởng Jan Tupý. Hai người cùng nhau xem lại những bức ảnh và ôn lại những kỷ niệm xưa.
 

Anh Nguyễn Thành Công và bà Růžena Tupá

Hôm 15/5/2016, Đại sứ Slovakia, ngài Igor Pacolák có kể lại tháng 12/1954 ông Vladimír Knap, Đại sứ  đầu tiên của Tiệp Khắc tới Hà Nội. Một ngày trước khi trình quốc thư ông đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời dự cơm tối. Đây là một việc rất nhân văn. Ngay từ khi thiết lập quan hệ ngoai giao Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quan tâm tới việc đào tạo con người. Đoàn 100 thiếu nhi là một trong những đoàn đầu tiên sang Tiệp Khắc để học tập. Đó quả thật là một sự kiện lịch sử. Tiếp sau đó còn rất nhiều đoàn. Không có nước nào ở châu Á mà Slovakia có mối quan hệ đào tạo con người như thế này. Và có thể đưa thêm một minh chứng về việc đào tạo con người ấy là ví dụ GS. TS. Vương Đình Huệ., người vừa giữ chức Phó Thủ tướng, người đã từng học tại Bratislava.

Năm tháng trôi qua nhanh quá, mới ngày nào còn là các cô cậu thiếu nhi ở Chrastava, giờ đây các anh chị ấy đã trên dưới 70 tuổi. Hôm đó thật cảm động các anh chị được gặp lại thày cô giáo người Việt, mà các anh chị gọi là cô Quý, chú Ngọc, chú Khiêm như gọi những người thân yêu trong gia đình. Thày Ngọc năm nay đã 93 tuổi, chú Khiêm từ Hà Tĩnh gia tham dự. Các thày cô giáo người Việt năm 1956 cùng sang Tiệp Khắc để dạy tiếng Việt cho các anh chị. Những kỷ niệm về những thày cô giáo người Việt, người Séc, những tình cảm của họ cũng như của nhân dân, bè bạn Tiệp Khắc năm xưa đối với 100 thiếu nhi Việt Nam vẫn còn sâu đậm trong trái tim những cựu thiếu nhi ngày ấy.
 

Xin chân thành cảm ơn quê hương thứ hai, đất nước Tiệp Khắc thân yêu, nay là CH Séc và CH Slovakia, cảm ơn nhân dân, các thày cô giáo đã nuôi dưỡng và đào tạo những người con Việt Nam để họ đem sức mình xây dựng tổ quốc.nơi họ đã sinh ra và lớn lên.

Xin chân thành cảm ơn các anh chị, những lớp người đi trước, đã đóng góp công sức của hình tạo dựng hình ảnh về những người học trò Việt  Nam trên đất nước Tiệp Khắc, bằng cuốn từ điển Séc-Việt đầu tiên đã đóng góp công lao và trí tuệ cho lớp người Việt Nam sau này bớt khó khăn và thành công trong học tập, các anh chị đã đóng góp trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước. Xin chúc các anh chị sức khỏe và niềm vui.

Ghi nhanh Trần Minh Hiền theo lời kể của chị Nguyễn Thị Mùi và anh Nguyễn Thành Công

 


Xem tin theo ngày: