Cô Giáo Tôi và trung tâm học tiếng ở Teplice
Ngày đăng: 27/03/2017 - 00:00:00
Ngay sau khi về kolej Komenského hôm 13.9.1965, chúng tôi được tổng khám sức khỏe và thỉnh thoảng ra phố và làm quen với cuộc sống mới ở Praha…
Ảnh chụp chung với ông hiệu trưởng Zlatohlávek và một số bạn SV quốc tế,1965.
(Trích…) Thứ hai, ngày 27.9.1965, nhóm chúng tôi được phổ biến là sẽ về Dobruska học tiếng Séc nhưng sau đó lại báo có thay đổi, hơi buồn một chút.
28.9.1965. Có lệnh của sứ quán là về Teplice học tiếng, 4 giờ chiều khởi hành. Bác Trì - bí thư thứ hai phụ trách khối lưu học sinh - có ra ga tiễn, chúng tôi có 11 người. Bác vỗ vai tôi động viên phải cố gắng nhiều. Tôi đáp là sẽ ghi nhớ lời can dặn của bác. Lúc xuống ga xe lửa Teplice, trời đã tối, thành phố đã lên đèn, ông hiệu trưởng trung tâm học tiếng ra ga đón chúng tôi. Biết chúng tôi chưa biết tiếng Tiệp nên ông cố dùng từ đơn giản nhất có thể để giải thích vì sao chúng ta phải đi bộ. Ông giải thích: auto má chybu, proto musíme jít pesky do internatu. Chỉ khoảng 15 phút đi bộ là chúng tôi đã về đến internat và được chia phòng ở ngay. Tôi chẳng còn nhớ chính xác anh nào đã đưa chúng tôi đi, hình như là anh Cường học máy ở Plzeň. Phòng tôi ở có 4 người, tầng 2, ngay trên phòng ông hiệu trưởng, chúng tôi được dặn trước rằng chớ mà có làm ồn đấy.
29.9.1965. Sáng nay chúng tôi bắt đầu học tiếng Tiệp. Đến trường chỉ phải đi bộ 10 phút thôi. Vì đã được các anh sinh viên cũ dạy một chút tiếng Séc thời gian ở kolej Komenského nên chúng tôi cũng không thấy quá bỡ ngỡ, cũng biết danh từ có giống má, động từ thì phải chia theo ngôi v.v.. vì hồi phổ thông tôi chỉ được học tiếng Trung. Chiều nay được đi chơi phố.
Thứ 5, 30.9.1965, 7 giờ 15 dậy, 7 giờ 30 xuống nhà ăn ở tầng dưới ăn sáng và sau đó đến trường tiếp tục học tiếng.10 giờ đi chụp ảnh đề xin cấp “povolení k pobytu”, chiều tự học và chơi thể thao.
Thứ 6, 01.10.1965. Sáng nay học tiếng đến 12 giờ. Chiều 1 giờ 30 đi tham quan trên núi ở phía đông bắc thành phố, lần đầu đi lanovka (cáp treo). Nơi đây cao 900 m so với mực nước biển, nhìn rất rõ biên giới Tiệp Đức. Những rặng cây xanh nơi biên giới kéo dài, cách một đoạn lại thấy chòi gác của bộ đội biên phòng. Đi từ ga này đến ga kia mất độ 15 phút….
Thứ 2, 04.10.1965. Sáng học tiếng, chiều đến trung tâm thể thao tập bóng đá, bóng rồ. Hôm nay anh Cường lại về trường ở Plzeň rồi. Việc học tiếng của chúng tôi sẽ khó khăn hơn nhưng cũng làm chúng tôi phải cố gắng hơn.
05.10.1965. Sáng học, chiều tập lại bài phát âm. Buổi tối đích thân ông hiệu trưởng vào phòng dạy chúng tôi bài phát âm làm chúng tôi thấy rất cảm động…
Tôi chỉ trích vài đoạn buổi đầu chúng tôi về Teplice học tiếng. Dạy chúng tôi là cô giáo Kveta Flicková, bà cũng có một cô con gái 7,8 tuổi gì đó cũng có tên là Kveta. Bà rất giỏi tiếng Đức, có biết tiếng Pháp nữa, nhưng điều ấy chẳng giúp chúng tôi nhiều vì chúng tôi có ai biết tiếng Đức hay tiếng Pháp đâu kia chứ. Trong lớp có hai anh biết võ vẽ tiếng Pháp, nhưng là tiếng Pháp giả cầy thôi - chúng tôi trêu các anh ấy như vậy và vì thế chúng tôi học tiếng kiểu biết những từ đơn giản để dần hiểu những từ phức tạp, nhất là những từ trừu tượng. Phát âm thì khó nhất là chữ r hacek, nên phải uốn lưỡi hàng trăm lần mới tạm ổn. Chuyện học tiếng thì kể ra không biết bao nhiêu là chuyện khôi hài, có khi còn cười đau bụng hơn cả khi nghe truyện tiếu lâm nữa kia. Lớp tôi đến Teplice trước, nên được gọi là lớp V1, vì các bạn tới sau một thời gian được xếp vào chung một lớp nữa gọi là V2. Tất cả có 24 sinh viên Việt Nam, toàn con trai. Chúng tôi thỉnh thoảng lại tán với nhau là tên lớp mình cứ như là tên mật danh của loại bom V của Đức quốc xã hồi thế chiến thứ 2!
Mỗi khi cô giáo vào lớp, chúng tôi đều đứng dậy và đồng thanh chào ”Dobrý den, paní profesorko!”, cô mời: “sednete si” và chúng tôi mới bắt đầu học, sáng nào cũng thế cho đến kết thúc năm học tiếng.
Bây giờ là đôi điều về ký túc xá internat, đó là ngôi nhà kiểu biệt thự 3 tầng, phía trước có sân khá rộng vì có cả sân bóng chuyền, phía sau là mảnh vườn khá quang đãng. Địa chỉ là 18, Capkové ulice, studijíní stredisko - USL= universita sedmnasteho listopadu (đại học 17 tháng 11, nếu có dịp tôi sẽ nói thêm về điều này). Mãi về sau này tôi mới biết tên phố này mang tên của nhà văn nổi tiếng Capek, nghe nói bây giờ gọi tên phố hơi khác trước - ulice Karla Capka thì phải). Ông hiệu trưởng là Jan Zlatohlávek (các anh đi trước gọi phóng đi là ông đầu vàng) là người rất nghiêm nhưng rất thương học sinh Việt Nam, hồi đó ông có mẹ già và hình như sống độc thân, ông viết rất đẹp, tôi biết thế bởi có chữ của ông trong học bạ của chúng tôi hồi đó.
Thời gian trôi mau. Chúng tôi phải học tiếp, và năm học tiếng kết thúc vào cuối tháng 7/1965, chúng tôi về Podebrady và học hai năm đầu đại học ở đó.
Cô giáo tôi lúc nào cũng gọi soudruhu Vane mỗi khi hỏi tôi trong lớp, nhờ có bà mà tôi nói tiếng Séc không đến nỗi nào, ngườì Séc vẫn gọi đùa tôi là polocech. Nghe nói sau khi dạy lớp tôi, năm sau bà sang Đức (đông Đức) làm giáo viên chuyên gia, và suốt từ đó tôi không còn được gặp bà một lần nào nữa.
Bà giáo cũ dạy chúng tôi tiếng Séc thời đó ở Teplice, năm 1965. (ảnh chụp gần đây)
Như là duyên phận, năm 1983 khi quay lại trường cũ FEL-CVUT Praha làm nghiên cứu sinh, tôi lại có dịp nhắc tới bà và biết cô con gái của bà đã là giáo viên đang dạy tiếng Séc cho lớp NCS Việt Nam. Tháng 8 hay 9/1984 - tôi không còn nhớ chính xác được nữa - giáo viên dạy tiếng cho NCS Việt Nam đưa học viên của mình về nơi ở mới, lần ấy tôi gặp lại anh Oanh, NCS ngành xây dựng về kolej Sinkuleho, có một năm học tiếng Séc ở Podebrady và anh Hưng cũng vậy, ngành kiến trúc về kolej Strahov, tôi bất ngờ gặp lại cô con gái của bà, cô Kveta, nhưng đã có tên họ khác vì đã lấy chồng. Hơi bất ngờ và cũng rất tự nhiên, tôi buột miệng chào và hỏi ”Ty jsi Kveta?”. Anh Oanh há hốc mồm và ngạc nhiên sao tôi lại dám tykat (xưng hô mày – tao, kiểu thân mật” với cô giáo của anh ấy. Tôi giải thích nhanh để anh hiểu và quay sang hỏi Kveta về bà giáo và sau đó cô có cho tôi địa chỉ của bà. Tôi viết thư và bà đã trả lời (rất tiếc là lá thư đó tôi không còn lưu giữ được), bà viết: bà hiện sống ở Liberec, không còn nhớ được tôi là ai, nhưng bà sống buồn – tôi hiểu vì bà viết cho tôi :” ja vedu zivot spatne” (= đời tôi lận đận lắm). Rất tiếc là tôi không có dịp nào thăm lại được bà và để nghe bà kể ít nhiều về cuộc đời bà, và sau đó việc thư từ cũng bị gián đoạn từ đó. Gần đây cô Kveta có gửi ảnh của bà cho anh Oanh, và anh có chuyển lại cho tôi, và tôi nhận ra bà ngay tuy đã hơn 50 năm trôi qua rồi. Nhắc lại chuyện này như là một nén hương thơm tưởng nhớ đến bà và lòng biết ơn chân thành với bà nhưng không còn dịp nào để nói nữa./.
NKV
Nguồn tin: http://www.secviet.cz
Các tin khác:
- Kỷ niệm Quốc khánh CH Séc và 106 năm ngày thành lập Tiệp Khắc(26/10/2024 - 09:17:10)
- Gặp mặt mừng xuân Giáp Thìn 2024(02/03/2024 - 20:20:14)
- PHIÊN HỌP THỨ 5 BCH TRUNG ƯƠNG HỘI HỮU NGHỊ VIỆT NAM-SÉC(02/03/2024 - 00:00:00)
- Bài phát biểu của Đại sứ Hynek Kmoníček tại lễ kỷ niệm Quốc khánh CH Séc hôm 27/10/2023(28/10/2023 - 07:54:45)
- LỄ KỶ NIỆM 105 QUỐC KHÁNH CỘNG HOÀ SÉC TẠI TP HỒ CHÍ MINH TƯNG BỪNG PHẤN KHỞI(25/10/2023 - 09:35:58)
- Đại hội Hội Hữu nghị Việt – Séc TP HCM nhiệm kỳ IV (2023 – 2028) thành công rực rỡ(24/10/2023 - 10:06:31)
- Mừng Quốc khánh CH Séc và 105 năm ngày thành lập Tiệp Khắc(20/10/2023 - 10:21:57)
- CHỦ TỊCH HỘI HỮU NGHỊ VIỆT SÉC TP HCM CHIA TAY CA SĨ JANA RYKLOVÁ(24/08/2023 - 19:46:10)
- TIỆC ÂM NHẠC GIỮA NHỮNG NGƯỜI BẠN II(20/08/2023 - 20:06:16)
- Chủ tịch Hội hữu nghị Việt Nam – Séc Đỗ Thắng Hải tiếp Phó Chủ tịch Hạ viện Séc Jan Bartošek(24/05/2023 - 07:08:58)