Ngày đăng: 04/09/2017 - 00:00:00
TRI ÂM VỚI NGƯỜI “CẢM ƠN NƯỚC MẮT”
“Cám ơn nước mắt” là tập thơ thứ bẩy đậm đà tình cảm với quê hương đất nước của nhà thơ Nguyễn Quốc Lập. Ở các tập trước, ta gặp nhiều kí sự tâm hồn bằng thơ khi anh đến một địa danh cụ thể nào đó nơi góc bể chân trời. Có bạn thơ đang sống ở nước ngoài nhận xét: “Cứ đọc thơ của anh là biết Quốc Lập đã đi đến đâu”. Đó là nói lúc anh còn công tác triền miên ở xứ người. Còn bây giờ trở lại gắn bó lâu dài với quê hương, bước chân anh dừng lâu ở một số địa danh nổi tiếng trên đất nước mình. Anh hòa vào không khí rộn ràng đêm hội Mường Lò, mơ màng cùng sông Đà sương khói mùa xuân, trầm tư bên cầu Chùa Hội An, ngắm “ ngàn năm mây trắng” Điện Biên trôi trên vòm trời mùa Hạ, thảnh thơi thoát tục chốn chùa Hương, ngẫm ngợi trước Huế trầm mặc, bối rối với sông Buông, trở về hoài niệm cùng Phố Hiến quê nhà. Những bài thơ: “Mường Lò gieo nỗi nhớ”, “Quê nhà Điện Biên”, “Hội An”, “Chùa Hương”, “Huế”, “Sông Buông”, “Bao giờ trở lại”, “Nhớ 2”… không chỉ làm sống dậy không gian thời gian với sắc màu thanh âm cảnh vật mà quan trọng hơn, còn gửi vào đấy xúc cảm nhớ thương, trìu mến, chan hòa thực tại và quá khứ, nhiều khi mang theo nỗi niềm với một ai đó, chỉ riêng con tim anh mới hiểu…
Người có đôi mắt lúc nào cũng như đang nheo cười ấy thật đa cảm, đa tình. Có đến hơn chục bài thơ dành cho tình yêu - tình cảm thiêng liêng muôn đời của nhân loại. Hầu hết trong đó là hoài niệm. Thơ tình của Nguyễn Quốc Lập nhiều ý vị ngậm ngùi, tiếc nuối trước sự dang dở, chia li, để lại một nỗi buồn khi man mác, khi lắng sâu với rất nhiều câu hỏi: Bao giờ em trở lại? Em còn nhớ chăng? Sao không như bóng với hình của nhau? Bao giờ sóng biển mây trời gặp nhau?... Những câu hỏi không chỉ hướng đến “em” mà như xoáy vào đất trời hư không vậy. Thơ tình Nguyễn Quốc Lập nhiều câu hay, có dư vị: Gió đi mang tiếng thở dài/ Mưa rơi nức nở cả hai phương trời (“Không đề 2”), Trời đổ một cơn mưa/ Tiếng mưa như tiếng nấc/ Con đường đôi bóng xưa/ Giờ chỉ anh bước một (“Mùa thu vừa qua đây”), Đò sang em không sang/ Hy vọng…tàn hy vọng/ Chiều trơ ra khoảng trống/ Anh buồn như trăm năm” (“Đợi một chuyến đò”)…
Anh làm sống lại xúc cảm trước người yêu, như một tấm gương đối chiếu cho mọi tâm hồn, minh chứng cho tình yêu không có tuổi: Có em bốn mùa đều xuân/ Cỏ cây bỗng có tâm hồn/ Đất rộng trời cao gió lộng/ Con đường vẫn tỏa hương thơm/ Có em anh như trẻ thêm/ Bước chân bịn rịn trước thềm/ Bàn tay nâng niu trang sách/ Ngỡ mình như tuổi hoa niên (“Em”); Bước qua mọi giới hạn/ Mọi giới hạn/ Anh đến em/ Nhưng có một giới hạn cuối cùng/ Anh không qua nổi/ Làm sao để anh yêu em thêm nữa/ Làm sao để em yêu anh thêm nữa? (“Mọi giới hạn”). Đó đây còn gửi gắm triết lý: Gió luôn ở ngoài ta/ Mưa luôn ở ngoài ta/ Giông tố ở ngoài ta/ Và cả thời gian nữa/ Chỉ riêng tình yêu em/ Như đất và đôi chân/ Mở đường đi muôn ngả/ Trong nhau từ mọi phía/ Là lẽ của tình yêu (“Lẽ của tình yêu”) hoặc: Lưng vốn có mỗi trái tim/ Trong lồng ngực chẳng lặng im một lần (“Một phiên chợ tình”).
Không dừng lại ở triết lý về tình yêu, thơ anh còn có nhiều đúc kết về cuộc sống, về thế thái nhân tình. Kèm theo đó là tâm trạng buồn, tiếc nuối cho cái đẹp bị thời gian và chính con người hiện đại tàn phá: “Ngày xưa ơi!”, “Đâu còn”, “Hoa chỉ là hoa vậy”, “Trước sông”, “Chuyện dưới đất chuyện trên trời”, “Cám ơn nước mắt”… Cũng có khi, từ những đúc kết của một cuộc đời nắng mưa đã trải trở thành những gì chung cho mọi cuộc đời: Thấy bao nhiêu là sóng/ Bủa vây cuộc hành trình/ Con muốn nhấc mình lên/ Con muốn dìm mình xuống/ Thấy rất nhiều chong chóng/ Xoay xỏa trước gió ngàn/ Thấy niềm vui nhẹ tênh/ Thấy nỗi buồn nặng trĩu (“Khúc quanh”). Triết lí cuộc đời thường toát ra đằng sau các câu chữ bóng bẩy và hình tượng ẩn dụ, khiến người đọc phải lật qua tầng nghĩa bề mặt để tìm hiểu nhân lõi được gửi gắm. Trí tuệ không tách rời cảm xúc, nhà thơ như đang giãi bày chia sẻ cùng ta chứ không phải cao giọng dạy đời. Đó là nét riêng không phải ai cũng làm được.
Nhà phê bình văn học Hoài Thanh viết: “Thích một bài thơ trước hết là thích một cách nhìn, một cách nghĩ, một cách xúc cảm, một cách nói, nghĩa là trước hết thích một con người”. Thơ Nguyễn Quốc Lập đã xác lập cho mình một phong cách nghệ thuật riêng. Nó thể hiện tập trung ở hệ thống bút pháp phù hợp với cách cảm nhận độc đáo về thế giới, được hình thành do sự lựa chọn, sử dụng các phương tiện ngôn ngữ theo một hướng nhất định, tạo nên sự thống nhất, lặp lại ở trong một (hoặc nhiều) tác phẩm. Vấn đề rất rộng, chỉ xin nêu một số phương diện chủ yếu.
Nguyễn Quốc Lập thường cấu tứ bài thơ bằng thủ pháp đối lập, đối sánh. Đối lập, đối sánh là một thủ pháp nghệ thuật mang tính cổ truyền, có ưu thế là tạo ấn tượng mạnh và sâu. Hình ảnh, suy tư trong thơ anh thường được đặt trong tương quan so sánh: Xưa-nay, không gian bên ngoài và nội tâm bên trong, giới hạn và vô hạn, ta và người, ước mơ và thực tại, niềm vui với nỗi buồn, ngọt ngào và cay đắng… Đối lập trong cấu trúc toàn bài, cũng như trong từng ý thơ, khổ thơ, câu thơ: “Mùa thu vừa qua đây”, “Ngày xưa ơi!”, “Lẽ của tình yêu”, “Mọi giới hạn”, “Em”, “Áng mây”, “Hỏi”, “Em còn nhớ chăng?”, “Không đề 4”, “Đâu còn…”, “Quà tặng”, “Chuông chùa”, “Chuyện dưới đất, chuyện trên trời”… Xin dẫn một vài bài ngắn: Đuổi bắt đám mây hồng/ Hụt hơi va vách núi/Săn vầng trăng vời vợi/ Gặp bóng mình bơ vơ (“Không đề 4”), Ta thì thiếu. Người thì thừa/ Khúc cao/ Khúc thấp/ Khúc vừa ở đâu?/ Ta thì nông. Người thì sâu/ Đất thì sạch. Nước đục ngầu. Tại sao? ” (“Hỏi”). Thủ pháp này được sử dụng nhiều vì nó phù hợp với việc lột tả tiếc nuối, hoài niệm về những gì dang dở, phủ một làn sương man mác lên nỗi buồn sâu thẳm.
Đọc thơ Nguyễn Quốc Lập không thể và không nên đọc vội. Vì anh dùng nhiều hàm ngôn, ẩn dụ khiến cho ý thơ thêm nhiều tầng bậc ý vị. Điển hình như bài “Nhớ”. Từ nhớ vườn mưa bụi tháng ba, nhớ đầm nắng mới tháng tư - hai thời điểm: hoa bưởi tỏa hương và hoa sen khoe sắc đầu mùa mà nhớ đến em, với hàm ngôn: Em như hương hoa tinh khiết đầu mùa và tình đôi ta thuở ấy thật trắng trong, thanh sạch.
Anh tạo hình bằng hình ảnh so sánh với nét riêng, khiến cho cảnh vật tràn đầy sức sống, như mang tâm trạng: Con mắt đèn lồng/Mở ra muôn lối (“Hội An”), Ngã Năm như một bàn tay mở/ Xòe hết mình về phía những yêu thương (“Ngày cuối năm”), Bò gặm cỏ như nuốt từng hơi thở/ Hiếng mắt cười đàn cò trắng liệng chơi (“Bò ăn cỏ”). Hoặc ngược lại, tâm trạng mang cái hồn ngoại vật: Ta nhớ người như lửa/ Sáng bừng đêm hoa đăng (“Nhớ 2”), Con thuyền trôi giữa đôi bờ/ Một thoáng tỉnh một thoáng mơ, cánh buồm (“Bên sông”). Và có cả những so sánh lạ mà rất đẹp: Cánh buồm khoảnh khắc ngẩn ngơ/ Tự trôi như một áng thơ giữa dòng (“Giữa dòng”).
Thơ Nguyễn Quốc Lập có giọng điệu riêng. Không chặt tràng, riết róng mà nhỏ nhẹ. Có một cái gì đó dìu dịu, phảng phất như làn hương mỏng phủ lên: Mịt mờ cái ngày / Người đi kẻ ở/ Ôi chao thương nhớ/ Thời gian chất đầy/ Mịt mờ cái ngày/ Nước không ngừng chảy/ Lửa không ngừng cháy/ Nỗi niềm khôn khuây/ Mịt mờ cái ngày/ Nghìn trùng cách trở/ Xa như hồn gió/ Trở về bâng khuâng…(“Trước nhà”); Nhớ chăng…vầng trăng/ Đêm quầng đên tán/ Đi mà không đến/ Anh ngồi ngã ba… (“Em còn nhớ chăng?”).
Thơ bốn chữ của anh có độ nén câu chữ và độ mở ý tình (“Nhớ”, “Trước nhà”, “Em còn nhớ chăng?”, “Hội An”…). Lục bát anh viết khá nhuyễn và có nhiều trăn trở cách tân. Không chỉ ở lối tách/xuống dòng mà quan trọng hơn là ở tình ý mới, đem đến bất ngờ thi vị:
Chia cho nhau hạt giống này
Để nhân lên những tháng ngày cỏ cây
Rồi cộng vào chút sum vầy
Để trừ đi những hao gầy, cách xa
Còn ai đang ở ngoài kia
Vào đây trừ - cộng – nhân – chia… chúng mình.
(Bốn phép tính)
Bài thơ “Cám ơn nước mắt” ở cuối tập cũng như bài “Mọi giới hạn” và “Áng mây” ở đầu tập viết theo thể tự do, trọng tình ý hơn trọng vần, tạo nhạc từ trùng điệp là một biểu hiện rõ nhất của khuynh hướng thơ hiện đại mà tác giả sử dụng.
Sau chót, với “Cám ơn nước mắt”, nhà thơ Nguyễn Quốc Lập đã tạo ra bước chuyển động của thơ anh. Trong cuộc sống, văn chương nói chung và thơ nói riêng, đây là điểm quan trọng, nếu như không muốn nói là quan trọng vào bậc nhất đối với người sáng tác.
Thạc sĩ Văn học, Nhà văn
NGUYỄN NGUYÊN TẢN
Nguồn tin: BBT
- MẸ (11/10/2023 - 00:00:00)
- Thơ Xuân 2020(04/02/2020 - 00:00:00)
- Đón Giao thừa Canh Tý 202(28/01/2020 - 10:54:49)
- THÀNH PHỐ TÔI YÊU(22/11/2019 - 15:44:05)
- NHỮNG NGƯỜI LÍNH VÔ DANH(27/07/2019 - 10:43:51)
- Về Trà Cổ(26/06/2019 - 10:29:42)
- CẦU TÌNH....(18/06/2019 - 00:00:00)
- Về thăm Đền Trung-Núi Tản(27/05/2019 - 09:15:25)
- Đón Xuân về(16/02/2019 - 10:45:11)
- Thơ Xuân 2019(10/02/2019 - 16:15:43)