Tin mới
Những ngày cuối cùng của anh Ivo

Ngày đăng: 15/10/2017 - 00:00:00

Thấy tôi đến, anh bừng tỉnh, nhưng chỉ sau vài phút thì mắt anh lơ mơ nhìn cuốn từ điển chưa kịp đóng bìa, miệng mấp máy: sorry .... sorry .... Cứ lặp đi lặp lại sorry, sory mãi cho đến lúc tôi nắm tay tạm biệt anh (Gia đình không muốn chúng tôi ở lại lâu vì sợ anh mệt). Nhìn anh lần cuối, chỉ thấy đôi mắt anh lơ mơ, miệng mấp máy mà không nói được ...

Hai anh em trong Národní divadlo - vở opera "Cô dâu bị đem bán - Prodaná nevěsta" của Bedřich Smetana (nhân ngày sinh nhật của anh Ivo 29.5.2016)

(Anh Ivo biết tiếng Việt giỏi, ngoài phát âm chuẩn gần giọng Thanh Hoá, anh còn có biệt tài sử dụng từ chính xác, rất thích hợp với hoàn cảnh. Những câu viết nghiêng trong ngoặc kép dưới đây là để nhấn mạnh cách dùng từ chính xác của anh – NQT)

 Thứ hai, 10.10.2016

Giọng nói qua điện thoại của anh nghe rất vui: „Hôm nay tôi thấy trong người rất khoẻ, anh ạ. Tôi nói chuyện với Veronika và soạn một số bài cần thiết cho Hội ngôn ngữ“ (Chị Veronika là vợ thứ hai của anh Ivo, cưới nhau gần 10 năm rồi, nhưng hai người ở xa nhau gần 500 km nên thỉnh thoảng anh chị mới gặp nhau. Lần này anh ốm nặng, chị cũng chỉ mới thu xếp về với anh được khoảng 10 ngày)

Tôi báo tin vui cho anh: tập 4 Đại từ điển đã in xong và họ đã chuyển đến xưởng đóng bìa rồi, tôi đang giục họ làm gấp cho chúng ta vài quyển mẫu.

„Ô, thế thì sung sướng quá, nếu có, anh bảo các cháu gửi ngay cho tôi nhé. Cho tôi xin 3 quyển, để tôi tặng anh chị Hùng Yến một quyển và một quyển cho cháu Đức“

Anh dặn thêm: „Giấy uỷ thác cho anh tôi đã viết rất cẩn thận, Veronika cũng đã kí để làm chứng rồi“.

Tôi lặng người, rưng rưng nước mắt.

Thứ ba, 11.10.2016

            „Anh ạ, hôm nay tôi nói chuyện rất nhiều với Chủ tịch Hội Ngôn ngữ. Ngày 24 tháng này tôi không thể đi Praha dự hội thảo được, nhưng tôi mừng lắm, vì Giáo sư Jan Čerrmák đã nhận lời đọc bài tham luận của tôi thay cho tôi rồi. Ông ấy hiểu tôi và có giọng đọc rất truyền cảm. Tôi mà sống qua được ngày ấy thì thật hạnh phúc”

 (Tôi giật mình: Sao anh lại nói gở như vậy? Không lẽ anh đã linh cảm được ngày anh ra đi? Ngày nào tôi và chú Hùng (Yến) cũng gọi điện cho nhau để trao đổi về tình hình anh. Nhiều năm nay vợ chồng Yến Hùng luôn xem anh là người trong gia đình, vẫn thường xuyên đi lại thăm hỏi và mang thức ăn ngon đến mời anh)

Thứ tư, 12.10.2016

Giọng anh rất phấn khởi, rõ ràng, khoẻ mạnh. Như thường lệ anh dùng từ rất chính xác:

“Hôm nay tôi thấy trong người khoẻ và làm được rất nhiều việc, anh ạ. Tôi đã sắp xếp chương trình cho cuộc hội thảo của Hội Ngôn ngữ vào ngày 24 này. Giáo sư Hoskovec rất mừng và gọi cho tôi, bảo là anh ấy lười và không làm việc chăm chỉ được như tôi. Thật chết cười, tôi bị bệnh mà bảo là tôi làm khoẻ và được nhiều việc hơn có lạ không?”

“Anh ấy nói đúng đấy, anh ạ. Sức làm việc trí tuệ của anh thì không ai bằng”.

 “Cả anh nữa chứ, sức làm việc của anh cũng kinh“.

„Tôi kém xa, anh ạ. Tôi hay làm theo nálada, mà nálada thì lúc lên lúc xuống. Anh đúng là có thần kinh thép! Tôi yếu đuối hơn anh nhiều“

Anh cười rất to: „Tôi khác, anh khác. Anh là nhà thơ nó khác“!

Thứ năm, 13.10.2016

            Anh vui lắm:

            “Hôm nay tôi nhận được một món quà rất quý do cô em nuôi của tôi từ Paris gửi sang, đó là món pho mát đặc trưng của Paris mà lần đầu tiên tôi được ăn cách đây 50 năm. Tôi vui quá, anh ạ“

            Rồi anh kể:

„Ngày ấy, sau chuyến đi Việt Nam tôi được sang Phnôm Pênh. Tôi gặp cô ấy ở đó. Cô ấy người Miên, 18 tuổi, dáng thanh mảnh và đẹp, nói tiếng Pháp rất giỏi và đang làm việc cho hãng hàng không ČSA của Tiệp Khắc. Mấy năm sau, trong một chuyến đi công tác sang Paris, cô ấy ghé qua Praha và đến thăm bố mẹ tôi. Rồi cô ấy khoe: bố mẹ tôi đã nhận cô ấy làm con nuôi. Tôi bảo, như thế thì em là em nuôi của tôi rồi, vì tôi hơn tuổi em. Tôi có thêm em nuôi là như thế, anh ạ.

Thời Pôn pốt, cô em nuôi của tôi phải cải trang và may mắn trốn thoát, rồi sang được Paris, thỉnh thoảng em vẫn gửi pho mát Paris cho tôi. Em lấy chồng người Pháp, nhưng hay ghen với tôi lắm”.

Từ “em” anh nói rất ngọt, không thể nghĩ đấy là lời của người đàn ông đã vào tuổi bát tuần, càng không thể nghĩ người ấy đang bình tĩnh để chuẩn bị cho mình một cuộc hành trình xa mãi mãi.

 Thứ sáu, 14.10.2016

            Mới đầu giờ sáng, anh đã gọi cho tôi:

„Chào anh. Tôi muốn anh giảng nghĩa câu thơ này, hôm nay tôi tìm thấy một tờ giấy trong ngăn kéo, không phải chữ tôi viết mà hình như ai đã viết và đưa cho tôi từ lâu rồi: „Làm trai đứng ở trong trời đất, Phải có danh gì với núi sông“

„Vâng, câu ấy của cụ Nguyễn Công Trứ, anh ạ. Nghĩa là: Con người may mắn được sinh ra giữa trời đất này thì phải để lại tiếng thơm cho mai sau.“

„A, phải rồi, tức là chúng ta phải hoàn thành đại từ điển, Còn hai năm nữa thôi phải không anh?“.

Anh chững lại một chút, rồi nói tiếp:

“Hôm nay khách đến thăm nhiều, tôi có hơi mệt vì tiếp khách nhưng rất vui.”

„Đoàn của Hội Người Việt Nam hả anh?“

„Không, chưa thấy, anh ạ.“

„Có lẽ vì sắp tới cộng đồng Việt Nam có hai đại hội lớn nên các anh ấy bận chưa đến thăm anh được“

„Không sao, anh ạ. Mọi người cũng có nói với tôi như thế, và tôi đã nói đùa với Veronika là vào thời điểm này mà mình chết đi thì thật là không biết điều, vì làm phiền mọi người phải lo dự tang lễ“

Tôi hoảng quá: „Ấy, Anh đừng nói gở như thế! Phong tục Việt Nam kiêng lắm”. Anh cười rất vui: “Tôi không kiêng, anh ạ. Nói chung phong tục Séc cũng không kiêng nói về cái chết. Hơn nữa, nếu tôi theo phong tục thì không biết phải theo phong tục nước nào, tôi đi nhiều nước và biết nhiều phong tục quá”

“Vâng, nhưng tôi lo lắm, nghe anh nói đến điềm gở này, tôi lo lắm”. Anh lại cười: “Không sao đâu, anh đừng lo. Cái chết mà tôi nói, là tôi không chết ngay đâu, vì tôi không chỉ theo một phong tục. Ngay cả việc đi đạo cũng thế. Tôi nghiên cứu nhiều đạo nên không thể theo dứt khoát chỉ một đạo nào cả. Anh yên tâm nhé.”

Thứ bảy, 15.10.2016

 „Anh ạ, chiều nay Veronika lại phải về nhà rồi. Nhưng ở đây chú Hùng Yến và cô Hoà (bán thực phẩm ở đầu phố, gần nhà anh Ivo) vẫn đến thăm và nấu nướng cho tôi nên tôi không buồn đâu“

„Nhưng tôi lo lắm, anh ở một mình rất nguy hiểm. Hay là anh nói chị thu xếp rồi về ở với anh thêm một thời gian nữa?“

„Không được, anh ạ, cô ấy ở đây đã hai tuần, hết phép rồi. Để cô ấy về đi làm, rồi các con trai tôi sẽ thay nhau đến với tôi“

„Tôi thấy lo lắm, hay là anh về nhà Pavel ở?“ (Pavel là con trai cả của anh Ivo)

„Anh yên tâm, tôi quen ở một mình rồi. Chú Hùng Yến cũng có mời tôi về nhà ở cùng, nhưng tôi quen sống một mình, tự do. Anh không biết đấy thôi: bẩy năm ở Mã Lai và Thái Lan tôi chỉ ở một mình trong khách sạn. Hàng ngày tôi đi làm đến tận 10 giờ đêm mới về. Nhưng thứ bảy và chủ nhật thì tôi dứt khoát không làm việc gì cả, chỉ đi chơi các nơi, thăm các di tích văn hoá, học được rất nhiều điều. Hai nước ấy thiên nhiên đẹp lắm.“

 (Giọng nói anh vẫn khoẻ và vui, dùng từ rất chuẩn, tôi thấy hơi yên tâm)

Chủ nhật, 16.10.2016

Muốn để anh ngủ nên gần trưa tôi mói dám gọi điện cho anh. Tôi giật mình vì giọng Anh đã yếu lắm: „Sáng nay tôi cũng định gọi cho anh vì sợ chốc nữa không nói chuyện được. Hôm nay tôi mệt, thấy trong người rất khác, nhưng có cháu Radek và mẹ cháu ở đây với tôi rồi, anh yên tâm. Chiều mai Veronika cũng thu xếp công việc đến đây với tôi“. (Radek là con trai út của anh Ivo)

Tối hôm ấy tôi lo vô cùng. Gọi cho Hùng, Hùng bảo: „Anh cứ yên tâm, em cũng mới thăm bác về, bác có yếu nhưng vẫn tỉnh táo, hiểu tất cả“

 Thứ hai, 17.10.2016

 „Anh ạ, hôm nay tôi lại khoẻ rồi. Cô Hoà đã ra bưu điện nhận và mang đến cho tôi 5 cuốn sách Cuộc đời với nhiều thứ tiếng của tôi để tôi kí tặng bạn bè. Tôi rất vui vì Veronika đã xin phép nghỉ thêm và chiều nay lại đến với tôi“

„Vâng, tôi mừng quá. Có chị đến thì tôi yên tâm rồi. Tôi đang thúc nhà in để lấy từ điển, nếu có thì sáng mai tôi mang đến cho anh nhé“

„Anh đừng đi. Anh đau chân không đi được đâu. Nếu có thì 5 giờ chiều nay anh nhờ người mang ra ga Smíchov gửi Veronika đem đến cho tôi nhé. Tôi rất thương anh, vì anh đang đau chân, chứ hiện tại tôi không đau gì cả!“. Tôi ứa nước mắt: „Tôi đau nhưng không nguy hiểm, anh ạ. Tôi lo cho anh lắm!“

Thứ ba, 18.10, anh vui và nói chuyện nhiều, nhưng câu chuyện đã có vẻ hơi lộn xộn.

Thứ tư 19.10, không gọi được cho anh, tôi gọi điện cho chị Veronika thì biết tình hình anh có vẻ xấu đi nhiều.

Sáng thứ năm 20.10. 2016, chị Veronika gọi điện cho tôi báo tin anh Ivo đã rất yếu, không nói được nữa. Vợ chồng tôi cùng anh Sơn, anh Hiện ở Trung tâm tiếng Việt chạy xe vội đến thăm anh. Thấy tôi đến, anh bừng tỉnh, nhưng chỉ sau vài phút thì mắt anh lơ mơ nhìn cuốn từ điển chưa kịp đóng bìa, miệng mấp máy: sorry .... sorry .... Cứ lặp đi lặp lại sorry, sory mãi cho đến lúc tôi nắm tay tạm biệt anh (Gia đình không muốn chúng tôi ở lại lâu vì sợ anh mệt). Nhìn anh lần cuối, chỉ thấy đôi mắt anh lơ mơ, miệng mấp máy mà không nói được ...

 (Hai ngày thứ sáu và thứ bảy, người nhà không muốn cho ai lên thăm anh. Chỉ có chú Hùng và cháu Đức được lên gặp anh vài phút, còn cô Hoà không được lên, đứng dưới khóc)

10 giờ 30 sáng chủ nhật 23.10.2016 (tức 23 tháng chín năm Bính Thân) Đại sứ Việt Nam và chủ tịch Hội Người Việt Nam phóng xe đến sân thì người nhà báo tin anh vừa mất.

Một trái tim nhân hậu, bao dung đã ngừng đập.

Một bộ óc thông thái với nhiều ngôn ngữ đã ngủ yên.

Một con người yêu Việt Nam tha thiết đã ra đi vào cõi vĩnh hằng.


Nguồn tin: NQTiến


Xem tin theo ngày: