Tin mới
Tiếng Việt với tôi

Ngày đăng: 12/11/2017 - 00:00:00

Ban biên tập trân trọng giới thiệu bài viết của TS. Ivo Vasiljev qua trích dịch của Anh Nguyễn Tiến Quyết nhân ngày giỗ đầu của TS. Ivo Vasiljev.

TS. Ivo Vasiljev và KS. Nguyễn Quyết Tiến (Sinh nhât cuối cùng, lần thứ 81 của ông Ivo, 29. 5. 2016)

Lời người dịch (Nguyễn Quyết Tiến): Ngày 23.9 âm lich năm nay (11/11/2017), ngày giỗ đầu của TS. Ivo Vasiljev xin đăng lại một bài dịch tác phẩm của ông. Năm 1959, khi 24 tuổi, Ivo Vasiljev đã tốt nghiệp đại học tiếng Triều Tiên và đã từng làm phiên dịch cho các cuộc đàm phán cấp chính phủ. Sau đó, một sự tình cờ đã đưa Ông đến với tiếng Việt và gắn bó cuộc đời Ông với Việt Nam. Dưới đây là vài đoạn trích trong tác phẩm „Cuộc đời với nhiều ngôn ngữ“ của Ông. 

(Trích dịch)
Hàng ngày, trên đường đi làm về tôi vẫn hay ghé qua Viện Phương Đông ở phố Lázeňská để chờ vợ tôi là Zdenka, rồi chúng tôi cùng đi tầu điện về nhà ở Liboc (Praha). Vào một buổi chiều mùa xuân như bao buổi chiều khác, tôi ghé vào đón nhà tôi thì nghe cô ấy kể: „Anh biết không, họ đang cần một người tốt nghiệp hệ Hán ngữ để làm nghiên cứu sinh tiếng Việt nhưng vẫn chưa có ai đăng kí“. Tôi reo lên: „Hay là anh đăng kí được không nhỉ?“. „Thì chính em cũng đã nghĩ như vậy“, nhà tôi hưởng ứng. 
 
Lúc đó bỗng dưng người tôi như lên cơn sốt và không còn muốn nghĩ đến gì khác nữa. Về đến nhà tôi lục ngay cuốn sách Bách khoa toàn thư của Liên Xô ra để tìm đến những trang viết về Việt Nam. Hình như cả thẩy có chừng hai mươi, ba mươi trang gì đó. Tôi đọc một mạch rồi chạy ngay vào bếp, nơi cha mẹ tôi đang nghe nhà tôi nói về dự kiến mới: „Ở bên ấy có rất nhiều điều kì diệu. Con sẽ bắt tay ngay vào việc này“.
 
Ngày hôm sau tôi lập tức đến gặp phó giáo sư Palát là phó giám đốc Viện Phương Đông để tham khảo ý kiến của ông. Ông vui vẻ nói rằng, nếu như tôi muốn đăng kí học thì chẳng khó khăn gì, vì chưa có ai trong hệ Hán ngữ đăng kí. Mọi người hình như đều đã có công việc ổn định hoặc đã có những cơ hội khác, chẳng mấy ai muốn lao vào một ngôn ngữ khó nữa khi họ đã có trong tay một thứ tiếng khó rồi.
 
Tôi khác họ. Tôi nhìn thấy ở đây một cơ hội để thực hiện mơ ước của mình là làm nghiên cứu sinh khoa học. Hơn nữa, tôi cũng muốn thử sức mình với một ngôn ngữ hoàn toàn khác biệt với những thứ tiếng mà tôi đã học, dù lúc đó tôi cũng đã mường tượng rằng tôi sẽ phải bắt đầu xây nhà từ hạt cát đầu tiên. Theo giám đốc Viện Phương Đông, ai muốn học chuyên sâu về Việt Nam thì cần phải biết Hoa ngữ và Pháp ngữ, là hai ngôn ngữ quan trọng, một của nước láng giềng lớn và một của nước thực dân cũ. Chỉ có thể thông qua hai ngôn ngữ đó mới tìm hiểu được nhiều nhất những thông tin cần thiết cho ngành Việt Nam học. Hơn nữa người đó cũng phải có những kiến thức cơ bản về phương đông học. Những yêu cầu đó chỉ phù hợp với người nào đã tốt nghiệp hệ Hán ngữ.
 
Tôi cũng đã nghĩ rằng kì thi làm nghiên cứu sinh sẽ không dễ dàng chút nào, bởi vì Hội đồng giám khảo không có ai chuyên ngành tiếng Việt, đơn giản là vì lúc đó ở nước ta chưa có ngành ấy. Hội đồng thi vì thế sẽ gồm nhiều nhà chuyên môn, mỗi người một lĩnh vực khác nhau rồi họ sẽ đánh giá tổng hợp. Vượt qua tất cả những khó khăn đó, tôi đã thành công trong kì thi nhận và từ ngày 1 tháng 9 năm 1959 tôi đã chính thức làm nghiên cứu sinh khoa học. Điều đó cũng có nghĩa là tôi sẽ có ba năm được nhận học bổng và đổi lại tôi sẽ phải bảo vệ thành công luận án khoa học để được nhận học vị phó tiến sĩ khoa học, và sẽ thành một người làm công tác khoa học chuyên môn.
 
Thời gian đầu việc học của tôi không đơn giản chút nào, bởi vì ở Praha lúc đó không có giáo viên tiếng Việt. Hơn nữa, ngoài tiếng Việt là đối tượng nghiên cứu chính, tôi còn phải hoàn thiện một khóa tiếng Pháp nữa và tự học thêm tiếng Hoa với một kì thi đọc các bài khóa chuyên môn bằng tiếng Hoa. Ở thư viện của Viện Phương Đông thời ấy cũng có khá nhiều tài liệu văn học, qua đó tôi có thể tìm hiểu được nhiều kiến thức về lịch sử của Việt Nam và một số vấn đề về ngôn ngữ Việt, nhưng rất tiếc tất cả các sách giáo khoa tiếng Việt mà tôi kiếm được ở đó đều viết qua tiếng Pháp và cũng đã tương đối lạc hậu. Không có giáo viên dậy thì những sách đó chẳng có tác dụng gì, bởi vì không biết cách phát âm. Ngữ âm đối với một thứ tiếng xa lạ như tiếng Việt quả thật là một cản trở vô cùng to lớn. 
 
Tháng 10 năm 1960 bắt đầu năm thứ hai trong chương trình ba năm nghiên cứu sinh của tôi, nhưng đến lúc đó tôi vẫn chưa thực hiện được nhiệm vụ trọng tâm của chương trình là học tiếng Việt. May mà trước đó, vào tháng 8 năm ấy đã có một chuyện diệu kì.
 
Tôi được biết từ bên Bộ Giáo dục là theo hiệp định hai nước, một thầy giáo dậy tiếng Việt đã được cử sang Praha để giảng dạy ở Đại học tổng hợp SácLơ. Tuy nhiên trường Đại học này lại chưa có sự chuẩn bị cho việc mở lớp tiếng Việt trong năm học 1960-1961 nên chưa có ai đăng kí vào khoa Việt Nam học. Như vậy là không những người giáo viên ấy sẽ không có việc làm mà còn tạo ra một tình huống khó xử trong quan hệ giữa các cơ quan nghiên cứu của hai nước. Nắm được cơ hội này, tôi đề nghị ngay với lãnh đạo của tôi ở Viện Phương Đông là nên thỏa thuận với Bộ Giáo dục phân công thầy giáo ấy về dậy tiếng Việt cho một nghiên cứu sinh của Viện, tức là tôi. Và chuyện đó đã xảy ra, bởi vì đó cũng là giải pháp làm cho các bên kí hiệp định tránh được tình huống khó xử.
 
Việc thầy giáo Đại đến Séc đã mở rộng quan hệ của tôi với những người Việt Nam ở Praha. Trước đó tôi chỉ có quan hệ với ba sinh viên khoa Bô-hem học và một bạn sinh viên học lịch sử nghệ thuật ở Khoa Triết. Tự nhiên tôi đem so sánh những kinh nghiệm của tôi với người Triều Tiên và tiếng Triều Tiên với những kinh nghiệm trong giao tiếp với những người bạn Việt Nam mới quen. Tiếng Triều với những từ dài và phụ âm phong phú khi đọc lên nghe rất nam tính và mạnh mẽ, trong khi đó tiếng Việt vang lên như những tiếng chim hót líu lo. Sau này đã có nhiều người tỏ ý thán phục là tại sao tôi đã có thể nói được một thứ tiếng nhiều âm sắc như thế. Họ cho rằng có lẽ tôi phải có một đôi tai thính âm nhạc! Tôi đã cố gắng trình bày để mọi người hiểu rằng thật ra từ bé tôi đã chẳng có năng khiếu âm nhạc gì cả, tức là không phải nhờ thính nhạc mà tôi bắt chước thành công các âm điệu trong ngôn ngữ. Chẳng hạn như trong tiếng Séc thì chúng ta phân biệt được giữa câu hỏi và câu trần thuật nhờ vào ngữ điệu trong câu nói mà điều ấy thì có yêu cầu gì đặc biệt về thính nhạc đâu. Khi nghe tiếng Việt thì người nước ngoài khó biết được câu kết thúc ở đâu, bởi vì người ta không hạ giọng khi hết câu, cứ tưởng như người ta vẫn nói tiếp câu ấy. Tức là ngữ âm và ngữ điệu trong tiếng Việt được cấu tạo hoàn toàn khác so với những gì chúng ta đã quen.
 
Tôi cũng phải thú nhận là chưa bao giờ tôi học hát được một bài hát tiếng Việt, trong khi tôi có thể hát vài bài hát tiếng Triều. Đó là vì khi học tiếng Triều thì tôi còn là một sinh viên nhưng khi học tiếng Việt thì tôi chỉ được quan hệ với những người lớn trong những cuộc đàm phán mà ở đó rất ít cơ hội để hát. Hơn nữa các làn điệu dân ca Việt Nam đối với tôi là tương đối khó học và khó nhớ.
 
Thầy Trần Xuân Đại quê gốc Thanh Hóa, là cháu ba hay bốn đời của vị quan triều đình nổi tiếng Trần Xuân Soạn, người đã đứng về phía kháng chiến sau khi Triều Nguyễn đầu hàng Pháp vào những năm 80 của thế kỷ 19. Thầy Đại nói tiếng Pháp hay, đã từng là giáo viên của trường Đại học Sư phạm Hà Nội. Ông sinh cùng ngày với tôi nhưng hơn tôi 5 tuổi. Nhưng đặc điểm chính của Thầy là một con người rất kiên nhẫn. Tính kiên nhẫn của Thầy đã giúp tôi rất nhiều khi luyện tập phát âm tiếng Việt cho thật đúng.
 
Thầy Đại luôn luôn tận tình hướng dẫn tôi luyện tập. Thường thì tôi phải luyện phát âm với Thầy mỗi từ tới một nghìn lần. Và trước khi luyện với Thầy tôi còn phải tự tập phát âm rất nhiều lần nữa. Thầy phát âm trước mỗi từ rồi tôi bắt chước theo, rồi nhắc lại, nhắc lại lần nữa, lần nữa, năm lần, mười lần, cứ thế tiếp tục, tiếp tục mãi v.v. Thỉnh thoảng Thầy lại chen vào: „Chưa, chưa được, gần được! Không, không phải, không phải thế, đúng rồi, thế, thế, ...“. Thường thì phải sau vài hôm tập luyện chăm chỉ Thầy mới tỏ ra hài lòng. Chính nhờ công lao luyện tập cần cù như vậy mà cuối cùng tôi đã nói được tiếng Việt tương đối khá. Không bao giờ tôi dám tự nhận là nói chuẩn. Bởi vì trong tiếng Việt không đơn giản chỉ là cách phát âm mỗi từ mà phải biết sắp xếp câu một cách tự nhiên, hợp vần hợp điệu. Nhưng cứ luyện tập mãi rồi cũng đến lúc được những người Việt khen ngợi: „Nếu không nhìn thấy ông mà chỉ nghe ông nói thì không nhận ra ông là người nước ngoài“. Nói tiếng Việt mà được khen như thế thì là mừng lắm.

Nguồn tin: BBT


Xem tin theo ngày: