Tin mới
PGS. TS. Nguyễn Thị Chính, UV Thường vụ TƯ Hội Hữu nghị Việt Nam - Séc - Một nhà giáo, nhà khoa học và nữ doanh nhân thành đạt

Ngày đăng: 28/04/2009 - 07:26:13

Có một phụ nữ đã từng được báo chí, truyền hình dành không ít lời ngợi ca, người có biệt danh “Bà chúa nấm Linh Chi”, người đầu tiên nuôi cấy thành công Đông trùng hạ thảo ở Việt Nam. Nhiều bạn bè thân quen gọi Phó Giáo sư là “chị Chính nấm” bởi sự nghiệp cả đời chị gắn liền với nấm, còn chúng tôi những người đã từng học ở Tiệp Khắc gọi chị là “Chính Các”, vì cuộc đời chị gắn liền với “Các”, người bạn đời yêu thương, thủy chung, sống có nghĩa có tình của chị là anh Các. Người phụ nữ ấy là PGS. TS. Nguyễn Thị Chính, nguyên Phó Chủ nhiệm Bộ môn Vi sinh, Khoa Sinh học, Trường ĐH Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, nhà giáo, nhà khoa học, doanh nhân, UV Thường vụ Hội Hữu nghị Việt Nam - Séc và Phó chủ tịch Thường trực Hội Giáo dục chăm sóc sức khoẻ cộng đồng Việt Nam.

Năm 1966, khi cả nước ta đang trong giai đoạn khốc liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, với sự giúp đỡ của các nước trong phe Xã hội chủ nghĩa Đảng và Nhà nước ta đã cử hàng ngàn sinh viên và nghiên cứu sinh (NCS) ưu tú ra nước ngoài học tập và nghiên cứu để sau này trở về xây dựng Tổ quốc ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn. Chị Chính là một trong số những sinh viên được cử sang Tiệp Khắc (nay là CH Séc) vào thời gian đó.

Năm 1973, cô sinh viên người Việt mảnh dẻ ấy đã tốt nghiệp đại học và đã là Thạc sỹ Khoa Tự nhiên, Trường Đại học Purkyně Brno. Với khát khao được cống hiến cho Đất nước, chị đã trờ về Việt Nam. Chị trở thành giảng viên Bộ môn Vi sinh, Khoa Sinh học, Trường Đại học Tổng hợp HN (nay là ĐHKHTN - ĐH Quốc gia Hà Nội). Chị là nhà khoa học đầu tiên ở nước ta mang các chủng nấm ăn có năng suất nhất từ Châu Âu về trồng ở Việt Nam.

Cuối năm 1984, tôi cùng chị trong chuyến bay quay lại Tiệp Khắc thực tập sau đại học. Được trở về mái trường xưa, với ý chí vươn lên, lòng say mê khoa học không ngừng và với quá trình lao động không mệt mỏi chị đã tận dụng cơ hội thực tập này để hoàn thành luận án tiến sĩ chỉ trong 2 năm về “Vi sinh vật trong công nghiệp trồng nấm” của mình và tốt nghiệp Tiến sĩ năm 1987. Năm 1986 chị được cấp bằng sáng chế của Tiệp Khắc về “Công nghệ sản xuất nấm sò trên rơm không cần khử trùng nguyên liệu, đạt năng suất cao”. Khi đó Nhà trường đã có nhã ý mời chị ở lại trường với mức lương gấp 3 lần lương nghiên cứu sinh, nhưng chị muốn trở về để cống hiến cho quê hương, tổ quốc mình.

Năm 2002 chị được nhận Giải thưởng Sáng tạo KH&CN Việt Nam (Giải VIFOTEC) về “Hoàn thiện công nghệ sản xuất nấm Linh Chi phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu”. Năm 2003 hai sản phẩm Bột sinh khối nấm Linh Chi Salad nấm của chị được tặng Huy chương vàng. Năm 2006 các sản phẩm khoa học của chị đã được đưa vào phục vụ Hội nghị Diễn đàn APEC Hội nhập và Phát triển, tại đây 2 sản phẩm Sinh Linh và rượu Linh Chi đã được tặng giải thưởng Tinh hoa Việt Nam trong số 28 giải của cả nước.

Hiện nay, sau hơn 30 năm nghiên cứu và đào tạo các thế hệ sinh viên, cao học, NCS, chị đã chuyển sang làm Giám đốc “Trung tâm nghiên cứu phát triển nấm và sản phẩm sinh học” thuộc Công ty TNHH Nấm Linh Chi. Chị không chỉ nổi tiếng trong nước với hàng loạt công trình nghiên cứu về nấm mà còn được mời làm cố vấn đặc biệt về nấm cho thành phố Giang Sơn, Triết Giang, Trung Quốc và là thành viên mạng lưới Nấm Quốc tế.

Với những kinh nghiệm về nấm mà ở Việt Nam chưa ai có, thời gian qua chị đã đưa vào trồng và sản xuất một số loài nấm quí với công nghệ sản xuất sinh khối sợi nấm Linh Chi có giá trị thiết thực chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Đặc biệt công nghệ thu và chế biến Bào tử nấm Linh Chi (Lingzhi SPORE) đã được công nhận là sản phẩm thực phẩm chức năng chất lượng cao.

Chị đã có trong tay bộ sưu tập giống nấm ăn, nấm dược liệu hết sức phong phú mà thế giới đã nghiên cứu, đang được nuôi trồng ở Việt Nam như nấm Linh Chi, nấm Vân Chi, nấm Đầu khỉ, nấm Đồng tiền, nấm Hương v.v., gần đây chị đã bất ngờ đưa ra một loài nấm, đó là Đông trùng Hạ thảo loài Cordyceps militaris (ĐTHT) được nuôi trồng nhân tạo thành công tại Việt Nam bằng công nghệ đặc biệt ở qui mô phòng thí nghiệm với các thiết bị hiện đại và qui mô trang trại có điều kiện nhiệt độ lạnh. PGS. TS. Chính cho biết gần đây theo nghiên cứu của các nhà khoa học trên thế giới, loại nấm này có nhiều hoạt chất sinh học có tác dụng nâng cao hệ miễn dịch, tăng sức đề kháng, trung hòa chất độc, bảo vệ gan, thận, chống lại một số vi sinh vật gây bệnh, trừ đờm giảm hen, phòng chống phù thũng, tốt cho hệ bài tiết, tim mạch. Theo những nghiên cứu gần đây cho thấy loài ĐTHT này có nhiều tác dụng đối với sức khỏe, đặc biệt là khả năng chống nhiều loại ung thư như: ung thư máu, phổi, gan, dạ dày, tuyến tiền liệt và ung thư vú. Chị đã ghi chép cẩn thận danh sách những bệnh nhân bị ung thư mà chị cho sử dụng các loại nấm dược liệu với các liều dùng khác nhau, một số bệnh nhân đã hết u.

PGS. TS. Nguyễn Thị Chính đã hợp tác sản xuất với Công ty Cổ phần dược phẩm Hà Tây đưa ra thị trường loại sản phẩm ĐTHT dạng viên nang mềm 500mg đạt tiêu chuẩn GMP và được Bộ Y tế cho phép lưu hành trên toàn quốc, góp thêm một loại sản phẩm thực phẩm chức năng có chất lượng cao không thua kém loại sản phẩm của nước ngoài trên thị trường Việt Nam, nhưng với giá cả thấp hơn nhiều so với giá của sản phẩm nước ngoài.

Ngày 15/4/2009 vừa qua PGS. TS. Nguyễn Thị Chính đã khai trương Văn phòng Hội Giáo dục chăm sóc sức khoẻ cộng đồng Việt Nam và Văn phòng cũng như cửa hàng giới thiệu sản phẩm nấm của Trung tâm nghiên cứu phát triển nấm và sản phẩm sinh học của chị tại 44A Tràng Thi, Hoàn Kiếm, Hà Nội, điện thoại 043.9381279.

 Tới dự buổi khai trương có ngài Michal Král, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền CH Séc tại Việt Nam, ông Phan Đăng Điều, Phó Chủ tịch thường trực Hội hữu nghị Việt Séc cùng một số anh chị trong BCH. Đại diện Hội Giáo dục chăm sóc sức khỏe cộng đồng VN có ông Vũ Oanh - Nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị - Chủ tịch Hội, chị Chính là Phó chủ tịch thường trực Hội, GS.TS.VS Phạm Song - Phó chủ tịch Hội, PGS.TS Dương Xuân Đạm - Phó chủ tịch Hội cùng nhiều đồng chí khác trong Ban Thường vụ Hội.

Phát biểu tại lễ khai trương, ngài Đại sứ M. Král một lần nữa khẳng định “PGS. TS Nguyễn Thị Chính là một hình mẫu của sự hợp tác hữu nghị thành công, lâu năm giữa CH Séc và Việt Nam. Chị là tấm gương của một người biết vận dụng những gì mình đã học tập vào thực tế, biết vận dụng những gì mình nghiên cứu vào sản xuất, kinh doanh. Chị không chỉ là một nhà giáo, nhà khoa học giỏi, mà còn là một doanh nghiệp đầy tâm huyết. Đây là điều tôi rất khâm phục…” Ông Phan Đăng Điều thay mặt BCH Hội hữu nghị Việt - Séc cũng đánh giá cao những đóng góp của chị Chính đối với khoa học, đối với xã hội và đặc biệt đối với tình hữu nghị giữa Việt Nam và Cộng hòa Séc nói chung và Hội hữu nghị Việt Nam - Séc nói riêng. Chị là một ủy viên Ban thường vụ Hội Hữu nghị Việt Nam - Séc năng động, chu đáo, đầy nhiệt huyết. Chị Chính đã tâm sự “…Tiệp Khắc là quê hương thứ 2 của tất cả những ai đã từng sống và học tập ở đó, nhưng đối với chị Tiệp Khắc, nay là CH Séc còn ý nghĩa to lớn hơn nhiều. Nơi ấy số phận đã cho chị không chỉ sự nghiệp của cả đời người, mà còn cho chị người mà chị yêu thương và thương yêu chị suốt cả cuộc đời, nơi ấy hai người con của chị cũng đã từng được sống và học tập. Không những vậy trái tim của chị đã từng được tiếp nhận dòng máu Séc, khi chị phải phẫu thuật 2 lần tại Tiệp Khắc.” Hơn ai hết CH Séc luôn trong trái tim chị và cả gia đình chị. Chị muốn làm được nhiều điều có ích để bầy tỏ tấm lòng biết ơn không chỉ đối với quê hương, đất nước mình, mà cả đối với con người và đất nước CH Séc đã nuôi dưỡng chị bao năm ăn học và trưởng thành.

Ngài Đại sứ M. Král và BCH Hội Hữu nghị Việt Nam - Séc chúng tôi xin chúc chị dồi dào sức khỏe, hạnh phúc, gặt hái được nhiều thành công hơn nữa trong sự nghiệp của mình, chúc chị thực hiện được những dự định chị đang ấp ủ, nhất là hiện nay chị lại đang cùng BCH Hội Giáo dục chăm sóc sức khoẻ cộng đồng Việt Nam nỗ lực góp phần chăm lo, bảo vệ sức khoẻ để kéo dài tuổi thọ cho cộng đồng Việt Nam, điều mà ai cũng mong muốn.


Nguồn tin: Ths. Trần Minh Hiền


Xem tin theo ngày: