Tin mới
Trước thềm kỷ niệm Quốc khánh CH Séc : Cuộc tương ngộ cảm động

Ngày đăng: 16/10/2009 - 17:08:15

Phố phường Hà Nội mấy ngày nay được trang hoàng lộng lẫy, đâu đâu cũng thấy mầu cờ đỏ. Hôm nay, ngày 10/10/2009 là một ngày quan trọng và rất có ý nghĩa đối với Thủ đô nghìn năm văn hiến của chúng ta. Hòa chung bầu không khí phấn khởi của người dân Hà Nội kỷ niệm 55 năm ngày giải phòng Thủ đô và 999 năm Thăng Long – Hà nội, đúng giờ hẹn, những anh chị sinh viên Việt Nam đầu tiên sang Tiệp Khắc học tập cách đây trên nửa thế kỷ đã có mặt tại Câu lạc bộ Văn học – Nghệ thuật Bohemia, 410 Xã Đàn, Hà Nội.

Trước khi trở thành lưu học sinh, phần lớn anh chị đã từng là những thanh niên, học sinh tham gia tiếp quản Thủ đô năm 1954. Và chắc không ai trong họ có thể ngờ rằng, chưa đầy một năm sau, ngày 8/8/1955, 17 thanh niên ưu tú trong số đó đã được Đảng và Nhà nước ta cử sang Tiệp Khắc học tập để tiếp thu kiến thức khoa học tiên tiến sau này về đóng góp cho sự nghiệp xây dựng đất nước thân yêu của chúng ta. Có mặt ngày hôm nay còn có những sinh viên đi Tiệp Khắc năm 1956. Mười sáu anh chị cựu sinh viên 2 năm ấy hôm nay đã có mặt để cùng nhau ôn lại những kỹ niệm xưa từ những ngày tiếp quản Thủ đô, những ngày cùng sống và học tập không thể nào quên ở Tiệp Khắc, cùng nhau nhớ đến các  bạn đồng môn vì những lý do khác nhau đã không thể dự buổi gặp mặt này…

Chúng tôi, những thế hệ sinh viên sang Tiệp khắc những năm sau, đâu có ngờ sẽ có ngày được giao lưu với những lớp “liền anh, liền chị” như thế này. Thật xúc động là Ngài M. Král - Đại sứ đặc mệnh toàn quyền CH Séc tại Việt Nam đã rất nhiệt tình dành thời gian quý báu tới dự buổi gặp mặt rất có ý nghĩa này. Cùng dự còn có ông Martin Vlastník - Bí thư thứ nhất Đại sứ quán. Về phía Hội Hữu nghị Việt Nam – Séc có ông Phan Đăng Điều, Phó Chủ tịch thường trực Hội và các ủy viên BCH Đỗ Ngọc Việt Dũng, Đặng Kim Giao, Nguyễn Tiến Hưng và Trần Minh Hiền. Ông Phan Đăng Điều đã phát biểu khai mạc nhiệt liệt chào mừng Ngài Đại sứ,ông Vlastnik và các anh chị cựu sinh viên sang Tiệp Khắc năm 1955 và 1956 đã nhận lời mời đến dự cuộc gặp mặt thân tình hôm nay, như một cuộc hội ngộ của những người thân trong một gia đình lớn gồm nhiều thế hệ và của hai quê hương. Phó Chủ tịch thường trực Hội cũng giới thiệu vắn tắt một số nét về tổ chức, về hoạt động của Hội Hữu Nghị Việt Nam – Séc trong thời gian gần đây, các biện pháp Hội đang chuẩn bị để kỷ niệm Quốc khánh Cộng hòa Séc và hy vọng trong thời gian tới  Hội sẽ được tiếp sức với những đóng nhiệt tình về tinh thần, trí tuệ của cả các thế hệ lớp trước. Hội hữu nghị Việt Nam – Séc muốn là một người lính tốt trên mặt trận đối ngoại nhân dân, rất mong có sự góp sức của nhiều người có chung tâm huyết muốn góp phần cũng cố, thắt chặt tình hữu nghị Việt Nam – Séc. Tiếp đó Ngài M. Král, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền CH Séc tại Việt Nam đã phát biểu. Ngài Đại sứ bày tỏ sự xúc động khi được gặp mặt những lớp sinh viên đầu tiên, những người Việt Nam đầu tiên yêu quý đất nước, quê hương ông  không kém đất nước mình. Ông vui và cảm động khi nhìn thấy họ hoan hỉ cười nói, cùng nhau xem lại những bức ảnh cũ của một thời trẻ trung đầy ước mơ và khát vọng, cùng nhau nhớ đến những năm tháng trên đất nước ông. Ngài Đại sứ cũng bày tỏ hy vọng sau khi kết thúc nhiệm kỳ, không chỉ có ông mà tất cả các cán bộ Đại sứ quán CH Séc tại Hà Nội cũng sẽ có những tình cảm thân thiết đối với Việt Nam. Nơi đây là một phần cuộc sống của họ, giống như tình cảm của những sinh viên và bạn bè Việt Nam đối với đất nước ông.

Chúng tôi vừa trò chuyện vừa xem những bức ảnh của một số anh chị mang đến. Có những bức ảnh các anh chị chụp cùng với Bác Hồ, Bác Phạm Văn Đồng; có những bức ảnh chụp với các thày cô giáo, các bạn Tiệp Khắc. Có cả những bức ảnh chụp lúc các anh chị tham gia lao động hè giúp nhân dân nước bạn tại các hợp tác xã nông nghiệp, trong nhà máy, lúc tập và biểu diễn văn nghệ: múa Sạp, múa Chàm rông, hát bài Hò kéo pháo và những bài hát dân ca của Séc và Sloven. Tuổi trẻ thật tuyệt vời, ai cũng có một thời trẻ trung, một thời để nhớ, để yêu và tình yêu chung nhất của tất cả sinh viên Việt Nam khi đó là tình yêu thiết tha với quê hương đất nước mà một nửa  đang chìm trong khói lửa chiến tranh, nơi họ đã sinh ra và lớn lên và tình yêu đối với đất nước và con người nơi họ đang sống, học tập,đất nước đang đùm bọc, chăm sóc những người con trai, con gái của Việt Nam được ăn học như những con dân của Tiệp Khắc. Tình yêu ấy các anh chị sinh viên Việt Nam khi đó chỉ biết thể hiện bằng sự nỗ lực cao của mình trong học tập, luôn giữ gìn đạo đức phẩm hạnh của con người Việt Nam. Đó cũng là những lời tâm tình của TS Ninh Văn Miển. Anh đã sống và học tập ở Tiệp Khắc tổng cộng 14 năm, từ một sinh viên cao đẳng, rồi học đại học và đã bảo vệ xuất sắc luận án tiến sĩ. Anh đã từng là Tổng Giám đốc Công ty Điện tử Hanel.

Tất cả như anh chị em một nhà. Chúng tôi cùng nhau hòa vào bài hát ”Okolo Hrádce”,… rồi lại yên lặng để lắng nghe tiếng hát của chị Hoàng Thanh Lê, từ Hải Phòng lên. Ngài Đại sứ M. Král thật bất ngờ trước giọng ca của người phụ nữ Việt Nam nhỏ nhẹ, mái tóc đã gần bạc trắng mà những kỷ niệm của thời gian đã để lại dấu ấn trên khuôn mặt chị, khuôn mặt rất đặc trưng của các bà mẹ Việt Nam. Ngài Đại sứ ngạc nhiên thốt lên “Chị thuộc cả bài dân ca mà tôi là người Séc lại không biết. Chị phải tham dự giải “Zlatý Slavík “ (Họa Mi vàng) mới đúng, chị thực sự là “Zlatá slavice” (con chim họa mi vàng). Chị Lê chỉ mỉm cười hiền hậu và cảm ơn ngài Đại sứ. Chị cho ông xem một kỷ vật của chị. Đó là quyển Výkaz o studiu na vysoké škole (học bạ trường đại học). Cô sinh viên trong ảnh trên trang đầu của quyển chứng chỉ học tập ấy khi đó mới 20 tuổi, thật trẻ trung, duyên dáng, đáng yêu làm sao. Ngài Đại sứ chăm chú xem từng trang, từng môn học, từng điểm thi của cô nữ sinh ấy và miệng luôn nói “výborně”. Khi xem xong, ông thốt lên “žádná trojka” (không có một điểm trung bình nào). Tôi cho ông biết thêm chị Lê là sinh viên Việt Nam đầu tiên được bằng đỏ ở Pardubice. Ông cũng vui vẻ chia sẻ “Tôi cũng tốt nghiệp loại ưu, bằng đỏ nhưng chắc không nhiều điểm giỏi như paní Lê.”

Vừa trò chuyện, vừa cùng nhau thưởng thức món globasa kiểu Tiệp được ông già Jirka sản xuất tại Việt Nam và món guláš của Nhà Hàng Goldmalt, vừa nghe những bài hát do danh ca số một một thời Karel Gott trình diễn, chúng tôi càng bồi hồi nhớ Tiệp Khắc xưa kia mà một phần của đất nước này chính là CH Séc ngày nay. Ngài Đại sứ cứ khen mãi món guláš của Nhà hàng Goldmalt ngon như món guláš mà mẹ ông vẫn thường nấu.   

Cảm động trước tình cảm sậu nặng chân thành của những cựu sinh viên và bè bạn Việt Nam đối với con người và đất nước ông, thay cho lời cảm ơn và hẹn gặp lại, Ngài Đại sứ M. Král đã long trọng mời 2 thế hệ sinh viên năm ấy nhất định phải đến dự tiệc chiêu đãi do Ngài tổ chức nhân ngày Quốc khánh CH Séc tối 28/10/09 tại khách sạn Melia. Thay mặt cho lớp sinh viên “cây đa, cây đề ấy”, anh Dương Tất Từ đã bày tỏ lòng biết ơn đối với đất nước và con người Tiệp Khắc trước kia, ngày nay là CH Séc đã nuôi dưỡng nhiều thế hệ sinh viên Việt Nam và đặc biệt cảm ơn Ngài Đại sứ đã tham dự cuộc gặp mặt rất đáng nhớ hôm nay, cảm ơn ông đã mời dự tiệc chiêu đãi và hứa sẽ cùng nhau đến dự.

Xin cảm ơn Nhà hàng nấu bia tươi GOLDMALT, 410 Xã Đàn, Đống Đa, Hà Nội và Công ty Liên doanh Sao Thủy tinh Bohemia, Hà Nội - Bohemia Glasstar đã tài trợ để Câu lạc bộ Văn học-Nghệ thuật Bohemia và Ban biên tập Trang thông tin điện tử hoivietsec.org.vn có thể tổ chức được buổi gặp mặt thân mật này nhân dịp kỷ niệm Quốc khánh CH Séc.

 

                                                                                           Tháng 10/2009

                                                                                           Trần Minh Hiền


Xem tin theo ngày: