Tin mới
Ivan Souček, một người Séc có tấm lòng với Việt Nam

Ngày đăng: 16/01/2010 - 14:49:21

Đối với những anh em đã từng một thời là học sinh học nghề, thực tập sinh, hợp tác lao động, phiên dịch, đội trưởng và cán bộ vùng, ít nhiều cũng có một thời gắn bó với Ban quản lý học sinh học nghề và Ban quản lý lao động thuộc Đại sứ quán nước CHXHCN Việt Nam tại CHXHCN Tiệp Khắc ( cũ), nay là CH Séc.

Trong số họ cũng đã có nhiều lần làm việc với Ban Thư ký người lao động nước ngoài thuộc Bộ Lao động và các vấn đề xã hội nước CHXHCN Tiệp Khắc ( cũ ), ở đó chúng ta phải kể đến những cái tên mà hầu như vào thời điểm này, trong số anh chị em Việt Nam ai cũng biết đến như: Ngài Kyselý, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động và các vấn đề xã hội, Ngài Kozelka, nguyên Trưởng Ban Thư ký phụ trách người lao động nước ngoài, sau này là Ngài Brunclík. Đặc biệt các chuyên viên trực tiếp phụ trách học sinh học nghề, thực tập sinh và công nhân hợp tác lao động Việt Nam, chúng ta phải kể đến ngài Ivan Souček, bà Abudová, ks. Vaclav Sinbernagl và sau này là bà Boušková.

 Như chúng ta đã biết, từ những năm 1974 khóa học sinh học nghề Việt Nam đầu tiên đã được nhà nước ta cử sang học tập tại Tiệp Khắc( cũ) và đoàn học sinh học nghề cuối cùng sang CH Séc và Slovakia vào  năm 1992. Từ những năm 1980 đến 1989, số lượng công nhân hợp tác lao động, thực tập sinh Việt Nam  sang làm việc có thời hạn tại Tiệp Khắc theo hiệp định giữa hai Chính phủ Việt Nam và Tiệp Khắc (cũ) ký kết đã lên tới hàng trăm nghìn lượt người . Trong thời gian này nhờ sự chăm lo và quản lý có hiệu quả của hai phía Việt Nam và Tiệp Khắc nên đại đa số anh chị em học sinh học nghề, thực tập sinh và công nhân lao động làm việc tại các tổ chức và xí nghiệp của Tiệp Khắc có trình độ tay nghề để đảm bảo hoàn thành công việc của mình, cũng như ý thức tổ chức, kỷ luật tốt, được phía bạn đánh giá cao … Thời gian mấy thập niên đã trôi đi, song trong mỗi chúng ta luôn nghĩ về họ và ngược lại trong số họ luôn nghĩ về chúng ta với những kỷ niệm êm đềm và những tình cảm tốt đẹp khó quên.


Một ngày đầu tiên của Năm mới 1.1.2010

 Những ngày nghỉ nhân dịp Lễ Giáng sinh và Năm mới vừa qua là một cơ hội để mọi người nghỉ ngơi sau một năm làm việc và kinh doanh đầy khó khăn, vất vả do hậu quả của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu gây ra , tuy nhiên đây cũng là một dịp để chúng ta dành thời gian đến thăm hỏi nhau nhân dịp đầu năm mới.

Đã thành thông lệ khi bước sang năm mới cũng nhờ khoa học, kỹ thuật, đặc biệt là thời đại công nghệ thông tin ngày càng phát triển, tôi thường gửi tin nhắn và gửi e-mail chúc mừng năm mới đến những người thân trong gia đình và anh, chị em, bạn bè thân thiết, năm nay sau khi đã hoàn tất các thủ tục chúc tụng đầu năm, tôi đã quyết định “ xuất hành “ về hướng tây cách thủ đô Praha khoảng 50 km với một hy vọng và cũng như những kỷ niệm khó quên của một thời “ trai trẻ” mà chúng tôi đã có nhiều gắn bó tại mảnh đất thân yêu này. Đi chúc Tết một mình thì buồn, ít ra cũng phải có đồng đội, sau “ cú điện thoại “  tôi đã có hai người bạn đồng hành đó là ks. Nguyễn Đức Tùng, Bí thư thứ nhất, Trưởng Ban quản lý Lao động Đại sứ quán và anh Nguyễn Văn Chính, Chủ tịch Chi hội người Việt Nam tại Praha 7 – Holešovice.

 Nô-en và Năm mới năm nay ở Séc không có tuyết nhưng trời mưa, đường hơi trơn, sau khoảng 40 phút từ Praha, chúng tôi đã có mặt tại Zdice thuộc huyện Beroun, nơi mà có  hai chuyên viên đã từng công tác tại Bộ Lao động và các vấn đề Xã hội Tiệp Khắc ( cũ) một sự khá thú vị hai người này lại là “ anh em đồng hao” đó là ngài Ivan Souček và ks. Václav Sinbernágl. ( ks. Sinbernágl hiện đang công tác tại Việt Nam).


IVAN SOUČEK, một người Séc có nhiều kỷ niệm với Việt Nam.*

 Lần đầu tiên tôi gặp ông vào tháng 6/1979, khi đó sau hơn 4 năm sang Tiệp và  sau thời kỳ 3 tháng học tiếng ở Trung tâm học tiếng Tiệp ZOU – Veselíčko u Milevsko, okr. Písek dành cho học sinh học nghề Việt Nam,  đoàn học sinh học nghề của chúng tôi đã được Bộ Lao động Séc và Đại sứ quán phân về học tại Trường dạy nghề SOU – Buzuluk Komárov, okr, Beroun, hôm ấy là ngày chúng tôi nhận Bằng tốt nghiệp, cùng với lãnh đạo nhà máy và trường nghề Buzuluk - Komárov, ông thay mặt Bộ lao động và các vấn đề Xã hội Tiệp Khắc về dự và chia vui cùng chúng tôi, ông cũng căn dặn chúng tôi sau khi tốt nghiệp ra thực tập tại các nhà máy, xí nghiệp của Tiệp Khắc, các em hãy cố gắng áp dụng các kiến thức đã được học tại trường nghề để nâng cao trình độ tay nghề và sau này trở lại Việt Nam góp phần vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước của mình . Sau ngày đó trong số 32 anh em chúng tôi tại trường nghề Buzuluk – Komárov đã có nhiều thay đổi, sau thời gian thực tập tại các nhà máy, một số anh em về nước nhận công tác và một số anh em tiếp tục ở lại Tiệp Khắc làm công tác quản lý( phiên dịch, đội trưởng và cán bộ vùng) theo sự phân công của Ban quản lý học sinh học nghề - Đại sứ quán và Bộ Lao động Tiệp Khắc ( cũ) bản thân tôi cũng được vinh dự tiếp tục ở lại theo biên chế này.

Trong thời gian công tác tiếp theo tôi cũng đã có nhiều dịp được làm việc trực tiếp cùng ông tại nhiều xí nghiệp Quốc doanh của Tiệp cũ như VČKL, kp. Nové Město n/M, okr. Náchod,  Doly Nástup Tušimice, kp. Chomutov thuộc Tổng Công ty Than nâu Bắc Tiệp hoặc Bonex, pletárny, np. Teplice…

Đến thăm và chúc Tết ông và gia đình lần này, gặp nhau tay bắt mặt mừng ông mời chúng tôi vào nhà, không thấy bà, chúng tôi hỏi bà đâu? Ông cho biết bà đang ra nghĩa trang để thắp nến cho những người thân trong gia đình đã mất. Một lát sau bà về, gặp chúng tôi bà rất mừng, vừa nói chuyện bà vừa mang ra các loại bánh ngọt truyền thống của Séc mà tự tay bà làm trong đợt Nô-en vừa qua để mời chúng tôi. Ông Souček năm nay đã bước sang tuổi 76, về hưu, tuy nhiên sức khỏe ông đã giảm sút nhưng khi gặp ông, gợi lại những kỷ niệm của những ngày xa xưa ông vẫn còn nhớ như in, ông kể lại những câu chuyện mà ông đã từng làm việc với các cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại Tiệp Khắc ( cũ ) như : Nguyên Đại sứ Nguyễn Tiến Thông…, các ông Trần Hữu Định, Lê Hồng… nguyên Bí thư thứ nhất, Trưởng Ban quản lý học sinh học nghề và một số vị thuộc Ban quản lý Lao động như các ông: Phạm Sum, Nguyễn Phúc Lộc, Đỗ Tấn Xưa… nguyên Bí thư thứ nhất, Trưởng Ban Quản lý lao động… và các anh ks. Lê Du, ks. Lê Duy Kỳ, nguyên cán bộ Ban quản lý Lưu học sinh, các anh: Phùng Cao Ứng, Phạm Xuân Hà … nguyên cán bộ Ban QLLĐ và hiện nay anh Nguyễn Đức Tùng, Bí thư thứ nhất, Trưởng Ban quản lý lao động… Đặc biệt là tại làng Komárov, okr. Beroun cách thủ đô Praha khoảng 50 km về phía tây vào mùa hè năm 1980 và 1981 đã diễn ra hai giải bóng đá giành cho Học sinh học nghề Việt Nam toàn CHXHCN Tiệp Khắc  do Bộ Lao động và Đại sứ quán Việt Nam tại Tiệp Khắc tổ chức… Ngoài ra ông cũng cho chúng tôi xem một số kỷ vật mà ông mang nó từ Việt Nam về CH Séc sau mỗi lần đi công tác trở về, ấn tượng nhất là trong cuốn lịch treo tường của gia đình có hình một cô cháu gái đội nón bài thơ và mặc áo dài của Việt Nam.

Ông cho biết trong suốt thời kỳ là chuyên viên tại Bộ Lao động CH Séc từ đầu năm 1979 đến năm 1996 ông đã cùng các chuyên viên của Bộ Lao động CH Séc và Việt Nam chuẩn bị nhiều văn kiện cũng như nghị định thư hàng năm để hai bên ký kết về việc trao đổi học sinh học nghề, thực tập sinh và công nhân hợp tác lao động giữa hai nước Việt Nam và Tiệp Khắc ( cũ), nay là CH Séc. Ông đã  9 lần sang công tác tại Việt Nam, kỷ niệm khó quên nhất là vào năm 1992, ông đã được Bộ Lao động CHLB Séc và Slovakia cử sang Việt Nam đi cùng chuyên cơ chở đoàn học sinh học nghề cuối cùng gồm 200 người sang học tập tại CHLB Séc và Slovakia.

Ông rất mừng vì ngày đầu tiên bước sang Năm mới, trừ những người thân trong gia đình, ông đã được các bạn Việt Nam đến thăm và chúc Tết. Đây cũng là hạnh phúc và một niềm động viên lớn đối với ông. Với chúng tôi được gặp lại những người thày, những người bạn cũ đã một thời cưu mang, giúp đỡ và nuôi dạy chúng tôi, chúng tôi rất vui mừng và vô cùng biết ơn !

Praha, tháng 1 năm 2010

Trần Việt Hùng

* Ngài Ivan Souček

Từ đầu năm 1979 công tác  tại Ban Thư ký người lao động nước ngoài thuộc Bộ Lao động và các vấn đề xã hội Cộng hòa Séc. Công việc được phân công chủ yếu liên quan đến vấn đề chuẩn bị chuyên môn cho học sinh học nghề, thực tập sinh và công nhân hợp tác lao động Việt Nam tại Tiệp Khắc( cũ) cho đến khi Hiệp định và nghị định thư hàng năm giữa hai chính phủ Việt Nam và CH Séc kết thúc.

 Đã tham gia trong việc chuẩn bị Hiệp định về làm việc có thời hạn của các công dân Viêt Nam tại CH Séc gắn với việc nâng cao trình độ chuyên môn. Hợp tác với các ngành trong nghị định thư hàng năm về số lượng học nghề, thực tập sinh, lao động Việt Nam tại Tiệp Khắc, đã thỏa thuận về nghề và  chuyên môn, phân chia đến các trung tâm nghiên cứu và các tổ chức làm việc, lập kế hoạch bay về nghỉ phép và về hẳn Việt Nam khi các công dân Việt nam hết hạn làm việc tại Tiệp Khắc. Khi học nghề, lao động Việt Nam bay sang Tiệp Khắc, đã phân chia về các trường tiếng. Trước khi các công dân Việt Nam bay sang Tiệp, đã kiểm tra và tự đề nghị hai Ban của Đại Sứ quán Việt Nam là Ban Quản lý Lao động và Ban quản lý học sinh học nghề kiểm tra nhà ở, nơi nghiên cứu, làm việc để đáp ứng với yêu cầu vệ sinh và các qui định khác phù hợp với phụ lục trong hiệp định giữa hai chính phủ đã ký kết.

Trong phối hợp công tác với Ban quản lý lao động và Ban quản lý Lưu học sinh của Đại sứ quán , luôn theo dõi, kiểm tra và giúp giải quyết những vấn đề liên quan đến người lao động với chỗ làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp của Tiệp Khắc, với học nghề là chuyên môn học, nhà ở, và sử dụng thời gian dỗi hàng năm theo yêu cầu tổ chức bóng đá trong phạm vi cả nước và tất cả các vấn đề có liên quan đến cư trú của các công dân Việt Nam tại Tiệp Khắc ( cũ). Thường xuyên có quan hệ với Đại sứ quán Việt nam tại Tiệp Khắc, các tổ chức, nhà máy, xí nghiệp của Tiệp Khắc, các cán bộ phiên dịch, đội trưởng và cán bộ tổ chức của phía Việt Nam.

 Sau năm 1989, khi các công dân Việt Nam kết thúc hợp đồng lao động tại các xí nghiệp của Tiệp, đã cùng các chuyên viên Bộ Lao động Tiệp Khắc thảo ra cơ sở việc thanh toán tài chính cho phía Việt nam khi lao động Việt Nam về trước thời hạn và phối hợp với các tổ chức, nhà máy, xí nghiệp của Tiệp lập kế hoạch cho họ bay về Việt Nam. Đồng thời ông  đã tham gia chuẩn bị hiệp định mới về việc chuẩn bị cho các công dân Việt Nam sang học tập và làm việc tại các cơ sở chuyên môn của Séc.

Vào năm 1992, Trên cơ sở Bộ Lao động CHLB Séc và Slovakia thỏa thuận với phía Viêt Nam về việc lập kế hoạch ngành học, chọn cơ sở cho đợt cuối cùng của đoàn học sinh học nghề Việt Nam sang CHLB Séc và Slovakia, đảm bảo chuẩn bị giáo trình tiếng Séc với trường Đại học tổng hợp Karlovy, ông đã được Bộ Lao động CHLB Séc và Slovakia cử bay sang Hà Nội cùng máy bay chuyên cơ chở 200 học sinh học nghề sang học tại Séc và Slovakia.

 Trong thời gian này, ông được Bộ Lao động phân công theo dõi, kiểm tra quá trình chuẩn bị chuyên môn. Đồng thời còn kéo dài thời gian làm việc  cho các công dân Việt Nam tại các tổ chức của CH Séc.

Trong những năm tiếp theo, ông tham gia nhiều cuộc đàm phán giữa Bộ Lao động Séc và Bộ LĐTB và XH Việt Nam, trong đó có dự án xây dựng Trung tâm Chỉnh hình và phục hồi chức năng Trẻ tàn tật tại tỉnh Bắc Thái do Chính phủ Séc giúp Việt Nam.

Trong thời gian công tác tại Bộ Lao động và các vấn đề xã hội CH Séc, ông đã 9 lần sang công tác tại Việt Nam cũng như tham gia đàm phán với Bộ LĐTBXH và Bộ Giáo dục và Đào tạo nước CHXHCN Việt Nam.

 Với những thành tích đóng góp của mình trong sự nghiệp hợp tác lao động và đào tạo nghề cho các công dân Việt Nam tại CH Séc, năm 2007, ngài Ivan Souček  đã được Nhà nước Việt Nam tặng Huy chương Hữu nghị./.

Nguồn tin: Vietinfo


Xem tin theo ngày: