Tin mới
02.02.2010 - 60 năm quan hệ ngoại giao Việt-Tiệp: Những kỷ niệm đáng nhớ

Ngày đăng: 04/02/2010 - 14:16:22

VIỆT NAM - ĐẤT NƯỚC THẬT TUYỆT VỜI - Đó là nhận xét về đất nước, con người và thiên nhiên Việt Nam do Đài Truyền hình Séc phối hợp với Trung tâm Hợp tác và Truyền thông Quốc tế ( CPI) – Bộ Thông tin và Truyền thông nước CHXHCN Việt Nam phối hợp thực hiện tại Việt Nam từ 19/5 đến ngày 30/5/2009.

Dưới đây chúng tôi xin đăng bài viết của ông Trần Việt Hùng, một thành viên tham gia  đoàn với tư cách là cộng tác viên của Đài Truyền hình Séc kiêm hướng dẫn viên trong thời gian đòan thực hiện phóng sự tại Việt Nam.

 Mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa  Tiệp Khắc ( cũ ) và Cộng hoà Séc ngày nay  với Việt Nam đã  trải qua 60 năm tính từ ngày hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao ( 02/2/1950 – 02/2/2010), nhưng cũng phải nói rằng trong những năm gần đây các thông tin về Việt Nam trên các phương tiện truyền thông của Cộng hoà Séc về Việt Nam còn quá ít.

Xuất phát từ lý do trên được sự ủng hộ, giúp đỡ nhiệt tình của Ngài JUDr. Vojtěch Filip, Phó Chủ tịch Hạ viện - Quốc hội Cộng hòa Séc và Ngài Jiří Janeček, Tổng Giám đốc  Đài Truyền hình Séc, nhằm mục đích tiếp tục phát triển sự hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực thông tin và truyền thông và nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày thiết lập quan hệ Ngoại giao Việt Nam – Cộng hòa Séc. Ngày 3/3/2009 lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông nước CHXHCN Việt Nam đã có công văn gửi Ngài Jiří Janeček, Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Séc về việc mời Đòan Truyền hình  Séc sang Việt Nam làm phóng sự giới thiệu với khán giả Truyền hình Séc và thế giới về hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam ngày nay, về tình hữu nghị truyền thống giữa hai dân tộc.

Để chuẩn bị tốt cho chuyến đi, ngày 6/5/2009 tại Praha đại diện Đài Truyền hình Séc, thừa ủy quyền của Tổng Giám đốc Jiří Janeček đã có buổi làm việc với Đại sứ đặc mệnh tòan quyền nước CHXHCN Việt Nam tại CH Séc Vương Thừa Phong.

 Tại buổi tiếp Đại sứ đã hoan nghênh Đài Truyền hình Séc đã cử đòan làm phim sang thực hiện phóng sự tại Việt Nam lần này, Đại sứ đã giới thiệu với đòan một số thành tựu mà trong thời gian gần đây Việt Nam đã đạt được trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và ngoại giao… Đặc biệt trong thời gian qua hai nước đã có rất nhiều chuyến viếng thăm hữu nghị chính thức của các nhà lãnh đạo cấp cao của Cộng hòa Séc sang thăm Việt Nam và các nhà lãnh đạo cấp cao của Việt Nam sang thăm Cộng hòa Séc với mục đích củng cố và nâng cao mối quan hệ truyền thống và thúc đẩy hợp tác giữa hai nước. Đại sứ tin tưởng rằng với mối quan hệ hữu nghị truyền thống sẵn có giữa Việt nam và Tiệp Khắc trước đây và Cộng hòa Séc ngày nay, chắc chắn những thước phim phóng sự giới thệu về Việt Nam sẽ làm cho hàng triệu khán giả của Đài Truyền hình Séc hiểu hơn về đất nước và con người Việt Nam. Đặc biệt ở một đất nước nằm tại Đông nam Châu Á, cách xa Cộng hòa Séc hàng chục nghìn km, có ít ai biết được rằng ở đây có hàng nghìn người Việt Nam nói tiếng Séc.

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Bradač – Vụ Trưởng Vụ quan hệ với nước ngòai, Đài Truyền hình Séc bày tỏ sự quan tâm đặc biệt của các phương tiện thông tin, truyền thông của Cộng hòa Séc đối với Việt Nam, Việt Nam là đất nước đây tiềm năng và là điểm đến hấp dẫn của các du khách, cũng như các nhà kinh doanh và đầu tư hiện nay. Ông Bradač rất mong muốn qua phóng sự này sẽ có dịp giới thiệu với người dân Séc hiểu thêm về Việt namvàv đặc biệt trong bối cảnh khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế tòan cầu hiện nay, người dân Séc sẽ có cách nhìn cải thiện hơn với cộng đồng người nước ngoài tại CH Séc, trong đó có khoảng trên 60.000 người Việt Nam hiện đang làm ăn, sinh sống, lao động và học tập tại CH Séc. Ông cũng rất mong muốn cùng với sự quan tâm của hai Chính phủ và các Bộ, ngành của CH Séc và Việt Nam sẽ tạo điều kiện hơn nữa cho kênh ČT 24 của Đài Truyền hình Quốc gia Séc có thêm nhiều chương trình phong phú và hấp dẫn trong việc thực hiện phóng sự về các dân tộc thiểu số hiện đang sinh sống tại Cộng hòa Séc, trong đó có cộng đồng người Việt Nam.

 Để chuẩn bị cho chuyến đi công tác tại Việt Nam đạt hiệu quả, trước đó hơn 3 tháng chúng tôi đã chuẩn bị nội dung kịch bản và dự kiến các cảnh quay tại Việt Nam, sau khi trao đổi với Đại sứ quán Việt Nam tại Praha và  Trung tâm Hợp tác Báo chí và Truyền thông Quốc tế - Bộ Thông tin và Truyền thông tại Hà Nội về chương trình và nội dung kịch bản, với sự giúp đỡ và hỗ trợ của Đại sứ quán Việt Nam cũng như các cơ quan hữu quan của nhà nước Việt Nam, các thủ tục xin thị thực nhập cảnh vào Việt Nam của đòan khá nhanh chóng và thuận lợi, chúng tôi đã quyết định lên đường đến Việt Nam theo như chương trình đã dự định. Thành phần đoàn của chúng tôi gồm bốn người do ông Roman Bradač, Vụ Trưởng – Giám đốc Vụ quan hệ với nước ngoài làm Trưởng đoàn, các thành viên khác của đoàn gồm Filip Kanda, Biên tập viên – Chương trình Thời sự , Jiří Venclík, nhà quay phim và ông Trần Việt Hùng, cộng tác viên.

Sáng sớm 18/5 đoàn khởi hành từ Praha qua Paris, chặng bay  từ Paris – Hà Nội chúng tôi sử dụng dịch vụ bay của Hãng hàng không Quốc gia Việt Nam trên chuyến bay Boing 777 gồm tổ lái và đội ngũ chiêu đãi viên hàng không hoàn tòan là người Việt , cảm giác đầu tiên của chúng tôi khi bước chân lên máy bay rất thoải mái, chất lượng phục vụ của Vietnam Airlines tương đối tốt so với các Hàng hàng không quốc tế, chúng tôi luôn nhận được những nụ cười tươi tắn và thân thiện của các cô chiêu đãi viên hàng không trong bộ đồng phục áo dài của Việt Nam.

             Sau 12 giờ bay, 4h30 phút sáng 19/5 chúng tôi đã tới sân bay Quốc tế  Nội Bài - Hà Nội an tòan. Sau ít phút làm thủ tục nhập cảnh và khai báo thiết bị làm phim tại Hải quan cửa khẩu sân bay, đoàn chúng tôi được CPI  bố trí về ở tại Khách sạn Tràng An nằm tại số 58 phố Hàng Gai, giá phòng ở đây dành cho người nước ngoài là hợp lý,  về tiện nghi tương đối đầy đủ, thái độ phục vụ của nhân viên và lễ tân rất tốt, khách sạn này nằm ngay tại Trung tâm, cách Bờ Hồ Hòan Kiếm khoảng 3 phút đi bộ nên rất tiện cho đòan chúng tôi.

Sau một chặng đường bay dài, về tới hotel, chúng tôi vừa kịp tắm rửa, ăn sáng và thay quần áo thì đã bắt tay ngay vào công việc vì theo lịch hầu như kín đến từng giờ trong ngày.

9h30 ngày 19/5 Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Đỗ Quý Doãn tiếp đòan, tại buổi tiếp Thứ trưởng đã hoan nghênh Đài Truyền hình Séc đã cử đòan sang công tác tại Việt Nam lần này, Thứ trưởng đã giới thiệu với đòan một số thành tựu và sự phát triển về kinh tế, xã hội của Việt Nam trong những năm gần đây và đặc biệt là lĩnh vực thông tin và truyền thông. Thứ trưởng cũng nhấn mạnh Việt Nam và Tiệp Khắc trước đây và Cộng hòa Séc ngày nay đã có mối quan hệ truyền thống tốt đẹp từ những năm 50 của thế kỷ trước, sự hợp tác của hai bên đã đạt hiệu quả tốt đẹp, tuy nhiên trong những năm gần đây sự hợp tác của hai bên chưa tương xứng với tiềm năng sẵn có của hai nước. Thứ trưởng cũng mong rằng cùng với sự quan tâm của hai Nhà nước và hai Chính phủ, trong thời gian tới sự hợp tác giữa Việt Nam và Cộng hòa Séc sẽ phát triển hơn nữa, trong đó có lĩnh vực  thông tin và truyền thông.

 Thay mặt đòan, ông Bradač đã chuyển lời cảm ơn của Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Séc Jiří Janeček tới lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông nước CHXHCN Việt Nam đã mời và tạo điều kiện thuận lợi cho đòan thực hiện phóng sự tại Việt Nam lần này. Ông cũng điểm lại một số nét cơ bản về mối quan hệ truyền thống và sự hợp tác có hiệu quả giữa Tiệp Khắc trước đây và Cộng hòa Séc ngày nay với Việt Nam, trong đó có lĩnh vực phát thanh và truyền hình, từ những năm 1989 trở về trước Đài Truyền hình Tiệp Khắc đã có cơ quan đại diện thường trú tại Hà Nội. Ông Bradač cũng đánh giá cao về vai trò của Việt nam hiện nay là thành viên tích cực của hiệp hội ASEAN, ASEM, APEC, WTO và đang đảm đương tích cực vị trí Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2008-2009 và nhiều tổ chức kinh tế khác. Đây cũng là những yếu tố quan trọng để thúc đẩy sự hợp tác về nhiều mặt giữa Việt nam và Cộng hòa Séc. Ông Bradač rất mừng vì sự phát triển ở Việt Nam hiện nay và hy vọng trong thời gian tới Cộng hòa Séc và Việt Nam sẽ có nhiều dự án hợp tác đạt hiệu quả, trong đó có lĩnh vực thông tin và truyền thông.

Nhân dịp này, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Đỗ Quý Dõan đã trả lời phỏng vấn Đài Truyền hình Séc về sự phát triển trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội của Việt Nam, công tác thông tin , truyền thông ở Việt nam và khả năng hợp tác với phía Séc.

14h00 cùng ngày, đòan đã có buổi làm việc với Trung tâm Hợp tác Báo chí và Truyền thông Quốc tê ( CPI) – Bộ Thông tin và Truyền thông.

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Trường Sơn, Giám đốc Trung tâm đã giới thiệu với đòan về khả năng hợp tác giữa Trung tâm hợp tác Báo chí và Truyền thông Quốc tế - CPI Bộ Thông tin và Truyền thông trên các lĩnh vực như : Hợp tác trao đổi các chương trình về lĩnh vực thông tin và truyền thông hàng năm giữa hai bên, hai bên sẽ hợp tác cử các đòan phóng viên của Bộ Thông tin và Truyền thông sang công tác tại Cộng hòa Séc và ngược lại Đài Truyền hình Séc sẽ cử phóng viên sang thực hiện các phóng sự tại Việt Nam, hai bên sẽ trao đổi các sản phẩm về phim tài liệu, phóng sự, phim truyền hình dài tập để phát trên Đài Truyền hình Séc và Đài Truyền hình Việt Nam.

Thay mặt đòan, ông Bradač đã cảm ơn sự hợp tác của CPI – Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam với Đài Truyền hình Séc và hy vọng trong thời gian tới, hai bên sẽ chuẩn bị các văn bản để ký kết và chương trình hợp tác của hai bên sẽ được thực hiện.

 Trong thời gian công tác tại Hà Nội, sáng 22/5 tại Trụ sở Bộ Ngoại giao, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Nguyễn Quốc Cường đã tiếp đòan, Thứ trưởng đã hoan nghênh chuyến thăm và làm việc của đòan Đài Truyền hình Séc tại Việt Nam lần này, Thứ trưởng cũng mong rằng qua phóng sự mà Đài Truyền hình Séc thực hiện tại Việt Nam sẽ góp phần tăng cường hơn nữa mối quan hệ truyền thống sẵn có giữa hai dân tộc Việt – Séc.

Phát biểu tại buổi làm việc, thay mặt Đài Truyền hình Séc, ông Bradač đánh giá cao về sự phát triển trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội… của Việt Nam trong những năm gần đây. Nhân dịp này ông đã chuyển lời cảm ơn của Tổng Giám đốc Đài Truyền hình  Séc Jiří Janeček tới các cơ quan hữu quan của Việt Nam như : Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán Việt Nam tại Cộng hòa Séc cũng như các địa phương ở một số tỉnh thành của Việt Nam đã tạo điều kiện giúp đỡ trong suốt chuyến công tác của đòan tại Việt Nam. Ông cũng mong rằng trong thời gian tới cùng với sự hợp tác giữa hai nước trên nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực thông tin và truyền thông mà phía Cộng hòa Séc đang mong muốn hợp tác với Bộ Thông tin và Truyền thông của Việt Nam.

Nhân dịp này Thứ trưởng Nguyễn Quốc Cường đã trả lời phỏng vấn Đài Truyền hình Séc về những nét cơ bản trong chính sách Ngoại giao của Việt Nam, quan hệ Ngoại giao giữa CHXHCN Việt Nam và Tiệp Khắc trước đây và Cộng hòa Séc ngày nay và triển vọng quan hệ hợp tác trong tương lai giữa Việt Nam và Cộng hòa Séc.

Trong thời gian ở Hà Nội, đòan đã có buổi làm việc và phỏng vấn Đại sứ Cộng hòa Séc tại Việt Nam Michal Kral tại Trụ sở Đại sứ quán Cộng hòa Séc tại Việt Nam, 13 Chu Văn An – Hà Nội.

 

Tại Hà Nội :

 Cảnh mở đầu của phóng sự, chúng tôi đã thực hiện tại khu vực tượng đài Lý Thái Tổ, vị Vua của Việt Nam đã có công dời đô từ Hoa Lư về kinh thành Thăng Long xưa, nay là Hà Nội.  Khu di tích lịch sử Hồ Hoàn Kiếm với sự tích Rùa vàng đã trao kiếm thần cho Vua Lê, sau khi đánh đuổi xong giặc ngoại xâm, trong chuyến di du thuyền của nhà vua trên Hồ, Rùa vàng đã hiện lên và nhà vua đã trao lại kiếm thần cho Rùa vàng, sự tích đó vẫn tương truyền cho tới ngày nay. Tại đây chúng tôi đã ghi lại những hình ảnh như cây cầu Thê húc, Đền Ngọc Sơn, Bút Tháp và Tháp Rùa. Chúng tôi cũng đã ghi lại những hình ảnh nhộn nhịp đầy sức sống của người dân tại khu vực trung tâm thủ đô Hà Nội chuẩn bị kỷ niệm Lễ hội 1000 năm Thăng Long, trên đường chúng tôi cũng đã ghi hình tại cây cầu Long Biên đã có lịch sử hàng trăm năm tuổi.

16h00 ngày 19/5,  chúng tôi lên đường đi Hải Phòng để chuẩn bị cho công việc của một ngày tiếp theo, buổi tối đến Hải Phòng chúng tôi đựợc anh Đào Quang Trịnh, Giám đốc Công ty Châu Giang kiêm Lãnh sự danh dự Cộng hòa Séc tại thành phố Hải Phòng tiếp tại một nhà hàng nằm trong khu siêu thị hiện đại Pakson mới được xây dựng. Cảm giác của các bạn Séc phải thốt lên. Ôi Việt nam ! Thật là hiện đại, chẳng thua kém gì ở các nước Châu Âu ! Thật vậy ở Việt nam trong những năm gần đây cùng với chính sách đổi mới và hội nhập của Nhà nước Việt Nam, nền kinh tế Việt Nam đã có những bước phát triển vượt bậc, mức tăng trưởng kinh tế hàng năm của Việt nam đạt ở mức khá cao, nhiều dự án đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đã được Chính phủ Việt Nam cấp phép và hoạt động rất hiệu quả, nên ở bất kể một thành phố nào ở Việt Nam hiện nay những siêu thị hiện đại như vậy thì không phải đáng ngạc nhiên, khi mức sống của người Việt Nam đã được nâng cao thì chuyện “ ăn ngon, mặc đẹp “  của những người có thu nhập cao là chuyện bình thường. Anh Jiří Venclík cứ tiếc vì không mang camera theo để quay mấy cảnh người dân mua bán tấp nập ở đây.

 Vừa dùng bữa tối, vừa trò chuyện bằng tiếng Séc anh Trịnh cho biết, bản thân anh đã có thời gian dài học tập tại Brno, cũng trong thời gian này, anh đã không ngừng học hỏi, tích lũy kinh nghiệm, khi trở về Việt Nam được sự giúp đỡ của gia đình, bạn bè, cùng với các chính sách ưu đãi của thành phố, anh đã lập công ty với nhà máy sản xuất giày da với số vốn ban đầu không đáng kể. Cho đến ngày nay, nhà máy của anh có khoảng 8.000 cán bộ công nhân viên, sản phẩm của nhà máy đã được xuất đi nhiều nước trên thế giới theo đơn đặt hàng. Anh cũng tâm sự, có được thành công như ngày hôm nay, bản thân anh cũng bày tỏ lòng cảm ơn tới Chính phủ và nhân dân Tiệp Khắc trước đây và Cộng hòa Séc ngày nay đã tạo điều kiện giúp đỡ các lưu học sinh, thực tập sinh và công nhân hợp tác lao động Việt Nam trong những năm tháng trước đây, trong đó có bản thân anh.

 

Ngày thứ hai 20/5 tại Hải Phòng:

Nói về mối quan hệ truyền thống giữa Việt Nam và Tiệp Khắc trước đây và Cộng hòa Séc ngày nay thì thành phố Hải Phòng là một biểu tượng về kết quả của sự hợp tác đầy hiệu quả giữa hai nước.

Tại Hải Phòng, từ năm 1959, Chính phủ và nhân dân Tiệp khắc đã giúp thành phố xây dựng Bệnh viện Hữu nghị Việt – Tiệp, từ đó cho đến ngày hôm nay, hàng năm Chính phủ Séc vẫn dành cho Bệnh viện Việt – Tiệp một khoản viện trợ ODA để hoạt động cùng với một số thiết bị máy móc được sản xuất tại Tiệp Khắc cũ và Cộng hòa Séc ngày nay. Nhiều bác sỹ cao cấp của Bệnh viện đã được đào tạo tại Tiệp Khắc cũ. Những năm trước kia và hiện nay, nhiều giáo sư - bác sỹ giỏi đầu ngành từ các bệnh viện của Cộng hòa Séc như: Motol Praha, Olomouc… đã sang làm việc và trao đổi kinh nghiệm với các đồng nghiệp tại đây.

Ngoài bệnh viện Hữu nghị Việt - Tiệp, Tiệp Khắc còn giúp nhân dân Hải Phòng xây dựng nhà máy sản xuất gìay da, trường nghề đào tạo công nhân kỹ thuật sản xuất giày da và đặc biệt là Cung Văn hóa Hữu nghị Việt – Tiệp được tọa lạc bề thế trong khuôn viên công viên An Biên đường Lạch Tray.

Thật là một điều rất may khi đòan chúng tôi đến Hải Phòng thì cũng đúng vào dịp bệnh viện Hữu nghị Việt – Tiệp kỷ niệm 50 năm ngày Chính phủ Tiệp Khắc giúp nhân dân Hải Phòng xây dựng bệnh viện  và đón nhận Huân chương lao động của Chủ tịch nước CHCHCN Việt Nam Nguyễn Minh Triết trao tặng. Buổi lễ long trọng được tổ chức tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt – Tiệp, cảm giác ban đầu thật là thú vị khi nhìn từ phía ngoài là khẩu hiệu trang trọng mang dòng chữ  bằng tiếng Séc “ Srdečně Vás vítáme v kulturním domě vietnamsko - českého přátelství – Nhiệt liệt chào mừng Quí vị đã đến Cung văn hóa hữu nghị Việt – Tiệp “. Khi chúng tôi vào đến hội trường thì cũng là lúc chương trình ca, múa nhạc được tổ chức bằng  bài hát truyền thồng ca ngợi thành phố “ Hoa phượng đỏ“ gợi nhớ một thời vô cùng oanh liệt của thành phố cảng anh hùng cùng với những cái tên “ Những Bến Bính, Xi măng, Cầu Rào, Cầu Đất, Lạc Viên…”  khiến mỗi người con của đất Cảng lại càng thêm yêu thương và tự hào về thành phố của mình.

Đến dự buổi lễ, có các vị lãnh đạo cao cấp của thành phố, đại diện các ban, ngành của thành phố, các địa phương và đặc biệt có sự hiện diện của Ngài Michal Kral, Đại sứ đặc mệnh tòan quyền Cộng hòa Séc tại Việt Nam, cùng một số cán bộ ngoại giao, ngoài ra còn có đại diện bệnh viện Motol – Praha, bệnh viện Olomouc và một số công ty của Séc là đối tác cung cấp thiết bị và thuốc men cho bệnh viện.

Tại đây, đòan đã có dịp ghi lại được những thước phim sống động trong không khí của ngày hội và cũng có dịp phỏng vấn Tiến sỹ Nguyễn văn Thuận, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Hải Phòng nói về mối quan hệ truyền thống giữa Tiệp Khắc trước đây và Cộng hòa Séc hiện nay đối với Việt Nam và đặc biệt đối với thành phố Hải Phòng, cũng như khả năng hợp tác của hai phía trong thời gian tới.

Ngoài ra đòan cũng phỏng vấn Bác sỹ cao cấp Lê Trung Dũng, Giám đốc Bệnh viện hữu nghị Việt – Tiệp.

Nhân dịp này Đại sứ Cộng hòa Séc tại Việt Nam Michal Kral đã trả lời phỏng vấn Truyền hình Quốc gia Séc về mối quan hệ truyền thống giữa CH Séc và Việt Nam trong những năm qua và khả năng hợp tác trong thời gian tới giữa hai bên.

Buổi trưa cùng ngày, chúng tôi đi bãi biển Đồ Sơn để thưởng thức bữa ăn trưa mang hương vị biển do anh Đào Quang Trịnh, Lãnh sự danh dự Cộng hòa Séc tại Hải Phòng chiêu đãi tại nhà hàng Ngọc Hiển có địa chỉ tại Khu II -  Đồ Sơn, thật thoải mái khi buổi trưa mùa hè nóng bức được ra bãi biển thư giãn, đắm mình trong tiếng sóng dập dìu và không gian của biển cả. Chúng tôi dùng bữa trưa gồm các món hải sản tưới sống như tôm, cua, cá, ghẹ, sò, ốc hương… được đầu bếp chế biến rất sành điệu, gọi là thư giãn và thưởng thức món ăn, song đối với chúng tôi thì đây lại là một công việc : Quay phim để giới thiệu ẩm thực hương vị biển Việt Nam cho khán giả Truyền hình Séc được làm quen, cũng may mà nhà hàng này là chỗ thân quen của Công ty TNHH Châu Giang nên chị chủ nhà hàng mới cho chúng tôi vào bếp quay cảnh đầu bếp thao tác các món ăn theo thực đơn, phải công nhận các đầu bếp ở đây rất tài ba trong việc chế biến đồ hải sản, thức ăn đã được làm xong, phóng sự cũng đã tạm ổn, chúng tôi cùng nhau nâng cốc và thưởng thức các món ăn đặc sản của bãi biển Đồ Sơn.

Ăn trưa xong, mấy anh bạn trong đòan và cả tôi cũng rất muốn nhảy xuống biển tắm cho đã hàng chục nghìn km từ Praha tới đây và chúng ta đều biết, Cộng hòa Séc nằm ở trung Âu không có biển, thật tiếc vì thời gian và công việc, chúng tôi lại quay lại Hải Phòng để thực hiện phóng sự tại Bệnh viện Hữu nghị Việt – Tiệp.

16h30 cùng ngày chúng tôi phải quay về Hà Nội, tuy nhiên ở Hải Phòng có rất nhiều điều thú vị mà chúng tôi còn muốn quay, theo chương trình lúc 19h00, tại nhà hàng Hoa Viên số 1a Tăng Bạt Hổ sẽ diễn ra cuộc gặp mặt giữa các cựu lưu học sinh, sinh viên, học sinh học nghề và một số anh em công nhân hợp tác lao động tại Tiệp Khắc cũ do Hội hữu nghị Việt- Séc tổ chức gặp gỡ và giao lưu với đòan.

Đến Việt Nam -  Cảm giác như ở nhà ( Praha) ! Đó là cảm giác chân tình của tất cả anh em trong đòan Truyền hình Séc khi gặp gỡ với các anh, chị trong Hội Hữu nghị Việt Nam – Séc.

Thật là tham công, tiếc việc mà có phần bị thất lễ với các bạn Việt Nam vì đường xa, xe chạy bị hạn chế tốc độ nên khi về tới Hà Nội bị trễ khoảng nửa giờ, khi chúng tôi tới nơi thì các anh trong lãnh đạo Hội và các anh em khác đã phải chờ, gặp nhau chưa kịp thanh minh thì bằng những ánh mắt, nụ cười và bằng những câu chào hỏi thân thiện bằng tiếng Séc và những cử chỉ ân cần, các nghi lễ ngoại giao nhanh chóng đã qua đi và để lại trong mỗi người thực sự là tình bạn, tình hữu nghị và sự hiểu biết lẫn nhau.

Chúng tôi rất mừng khi được Tiến sỹ Nguyễn Minh Hồng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thong, Chủ tịch Hội hữu nghị Việt - Séc tiếp và nói chuyện thân mật. Ngoài ra còn có các anh: Phan Đăng Điều, Phó Chủ tịch Thường trực, anh Lê Quốc Thịnh, Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế- Giám đốc Quĩ Ngoại giao kinh tế - Bộ Ngoại giao và các anh, các chị  uỷ viên Ban Chấp hành Hội.

Tại buổi tiếp, Tiến sỹ Nguyễn Minh Hồng, Chủ tịch hội đã giới thiệu với đòan một số hoạt động của Hội trong thời gian vừa qua và chương trình của Hội trong thời gian tới với mục tiêu tăng cường sự hợp tác về nhiều lĩnh vực với Cộng hòa Séc.

 Ông Bradač, Trưởng đòan đã cảm ơn các anh lãnh đạo Hội cũng như các anh, chị em trong Hội đã dành cho đòan sự tiếp đón nhiệt tình và chu đáo, đây cũng thể hiện tình bạn thủy chung mà các bạn Việt Nam dành cho đòan nói riêng và Cộng hòa Séc nói chung.

Với bản thân tôi lâu ngày gặp lại các bậc đàn anh, đàn chị nguyên là Lưu học sinh tại Tiệp Khắc cũ thật là vui, có nhiều người như chị Nguyễn Thị Mùi ( Lenka) là lớp Thiếu sinh quân được Nhà nước Việt Nam cử sang Tiệp Khắc học từ những năm 50 của thế kỷ trước, nay đã về nghỉ hưu song chị luôn nghĩ về Tiệp Khắc, nơi quê hương thứ hai của mình. Khi chị nói chuyện với anh em trong đòan, anh Bradač Trưởng đòan và anh Kanda phải kính phục về trình độ tiếng Tiệp cũng như sự hiểu biết về lịch sử, văn hóa truyền thống của Séc ( tuy nhiên chị về Việt Nam đã khá lâu song các bạn Séc phải thừa nhận nếu chỉ nghe chị nói tiếng Séc thì không ai lại nghĩ rằng chị là người Việt Nam…).

Ngoài lớp các anh, các chị đi trước sau này trước và sau những năm 1970 của thế kỷ trước còn có rất nhiều các anh em khác cũng có mặt trong buổi giao lưu như các anh : kỹ sư Phạm Xuân Hà, Thượng tá Quân đội - kỹ sư Trịnh Tuấn Dương, kỹ sư Bạch Thành Trung… Khi chúng tôi nghe anh Đỗ Ngọc Việt Dũng, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Văn học - Nghệ thuật Bohemia  nói chuyện về các tác phẩm và thơ ca của Séc mà anh đã có dịp dịch từ tiếng Séc ra tiếng Việt khiến các bạn Séc phải giật mình ( đó là chưa kể đến một số tác phẩm văn học nổi tiếng của Séc do dịch giả Dương Tất Từ đã mang đến cho đọc giả tại Việt Nam)...

Ngoài các anh, chị ở Hà Nội, hôm đó còn có anh Ngô Hồng Chuyên, Lãnh sự Danh dự Cộng hòa Séc tại thành phố Hồ Chí Minh cũng có mặt trong buổi tiếp. Anh Chuyên cũng là người đã có thời gian dài học tập tại Cộng hòa Séc, sau khi về Việt Nam bằng những kinh nghiệm học hỏi được từ Cộng hòa Séc, anh là người đi đầu trong việc mang công nghệ nấu bia của Séc về Việt Nam, nếu nói về Bia Tiệp tại Việt Nam thì hẳn chúng ta đều biết thương hiệu Bia Hoa Viên được nấu tại Việt Nam theo công nghệ của Cộng hòa Séc đã được nhiều thực khách trong và ngoài nước biết tới.

Ngoài nhà hàng Hoa viên ở số 1a Tăng Bạt Hổ, Hà Nội. Tại tp Hồ Chí Minh còn có nhà hàng Hoa Viên tại số 28Bis đường Mạc Đĩnh Chi và tại miền Trung có nhà hàng Hoa Viên tại 2a Nguyễn Đình Chiểu, Mũi Né- tp Phan Thiết. Tại nhà hàng ngoài bia tươi, hay một số loại rượu nổi tiếng của Séc như Becherovka có xuất sứ từ Karlovy Vary hay Slivovice một loại rượu được nấu từ vùng Morava,  chúng tôi cũng được thưởng thức một số món ăn truyền thống của Séc như thịt lợn hun khói, xúc xích, klobása, chân giò lợ hầm …

            Được thưởng thức Bia Tiệp tại Hà Nội, được nói tiếng Séc ở Việt Nam trong không khí ấm cúng và tình bạn hữu nghị, chúng tôi rất vui, chúng tôi đã cùng nhau hát những bài hát truyền thống của Séc. Anh Kanda – Biên tập viên khi trở về Séc phát biểu trên Truyền hình ČT 24 đã phải thốt lên rằng, các cựu lưu học sinh Việt nam đã từng học tập tại Tiệp Khắc cũ, tuy sống ở Việt nam đã lâu song họ nói tiếng Séc vẫn rất tốt, và đặc biệt khi cùng hát bài hát truyền thống của Séc như: “ Tancuj – Tancuj ! hay Okolo hradce - malé zahrádce … thì bản thân tôi cũng không thuộc lời của bài hát bằng họ”.

Những ngày tiếp theo ở Hà Nội, chúng tôi đã đến làm phóng sự và phỏng vấn Kỹ sư Phạm Xuân Hà, nguyên Phó Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Cộng hòa Séc, hiện là ủy viên Ban chấp hành Hội Hữu nghị Việt Nam - Séc, người đã từng tham gia xây dựng đường xa lộ Praha – Brno – Bratislava từ thời CHXHCN Tiệp Khắc cũ, đoàn cũng đến  phỏng vấn Tiến sỹ Nguyễn Xuân Đóa, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Hợp tác Séc – Việt có trụ sở tại phố Xã Đàn . Sau một ngày làm việc buổi chiều anh Phạm Xuân Hà chiêu đãi chúng tôi uống bia tươi được nấu theo công nghệ Séc tại nhà hàng GOLDMALT PILSNER -  410 Xã Đàn, quận Đống Đa, cùng với một số anh em nguyên là cựu lưu học sinh tại Tiệp Khắc cũ, tại đây anh Long phụ trách nhà hàng cùng tiếp chúng tiếp chúng tôi… Bia Tiệp ngon, thức ăn ngon chúng tôi lại cùng nhau chuyện trò bằng tiếng Séc và cùng nhau hát những bài hát bằng tiếng Séc. Đặc biệt với bài Tancuj! Tancuj ngoài tiếng Séc, kỹ sư Trịnh Tuấn Dương còn hát cả bằng lời đã được dịch ra tiếng Việt – Thật là một điều thú vị và đối với các phóng viên Truyền hình Séc đây cũng là một đề tài khá hấp dẫn mà họ không quên chớp lấy cơ hội để bấm máy. ( Đoạn phim này tuy nhiên đã được phát trên phóng sự vào tháng 6/2009 nhưng trong đêm 31/12 vừa qua đã được phát lại  trên kênh ČT 1 và  ČT 24 trong chương trình những câu chuyện  thú vị của năm 2009 do Biên tập viên ČT Filip Kanda thực hiện )

Những ngày làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh, đoàn cũng đã có dịp đến thực hiện phóng sự và phỏng vấn Cử nhân luật Hồ Huy, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Mai Linh - Lãnh sự danh sự Cộng hòa Slovakia tại tp. Hồ Chí Minh, anh Hồ Huy cũng có một thời gian dài học tập và công tác tại Tiệp Khắc cũ. Tập đoàn Mai Linh hoạt động trong nhiều lĩnh vực như : Mai Linh vận tải, Mai Linh đào tạo, Mai Linh du lịch, Mai Linh sản xuất và thương mại, Mai Linh tài chính, Mai Linh công nghệ và thông tin, Mai Linh dịch vụ bảo vệ và vệ sỹ, Mai Linh xây dựng và nhóm các công ty độc lập. Trụ sở chính của tập đoàn Mai Linh tọa lạc tại 64-68 Hai Bà Trưng, quận I, tp. Hồ Chí Minh với biểu tượng Mai Linh – Màu xanh của cuộc sống, khi đoàn chúng tôi đến nơi thì cũng vào lúc anh Hồ Huy đang chủ trì cuộc họp giao ban trực tuyến. Chỉ tính riêng về lĩnh vực vận tải, Taxi Mai Linh đã có mặt tại hầu hết các tỉnh và các thành phố tại ba miền Bắc, Trung, Nam của Việt Nam và tại các tỉnh Vân Nam, Quảng Châu ( Trung Quốc), Mianma, Viên Chăn ( Lào), Băng Cốc ( Thái Lan), Siêm Riệp, Phnômpênh ( Căm Pu Chia )…

Trong phần trả lời phỏng vấn Truyền hình Séc, anh Hồ Huy cho biết có được thành quả như ngày nay là nhờ chính sách đổi mới của nhà nước Việt Nam đã tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp ( quốc doanh, cũng như ngoài quốc doanh), ngoài ra đối với anh cũng là nhờ một phần tích lũy và học hỏi kinh nghiệm trong những ngày tháng mà anh đã từng học tập và công tác tại Tiệp Khắc cũ. Tuy sống và làm việc tại Việt Nam song trong lòng anh luôn nghĩ về Tiệp Khắc ( cũ), nay là CH Séc.

            Thời gian trôi nhanh, chia tay với các anh chị mà trong lòng mỗi chúng tôi đều cảm thấy quyến luyến, cảm giác của chúng tôi về các buổi gặp mặt đầy ấn tượng và thật là tuyệt vời!

 Trần Việt Hùng, Praha tháng 1/2010


Nguồn tin: Vietinfo


Xem tin theo ngày: