Ngày đăng: 07/02/2010 - 08:09:31
Cuối năm, khi ngô, lúa đã chất đầy bồ, nước suối cạn trong vắt thì đó cũng là thời điểm để bà con người dân tộc Tày (Đà Bắc) bước vào mùa Tết “Cơm mới” với ý nghĩa tổng kết một năm sản xuất, dâng thành quả lao động cúng đất trời, cầu mưa thuận gió hoà, làm ăn phát đạt, mùa màng tươi tốt, con cháu mạnh khỏe và bày tỏ sự tôn kính lên ông bà tổ tiên đã khuất.
Tết “Cơm mới” của người Tày Đà Bắc thường được tổ chức vào tháng 11, 12 âm lịch hàng năm và đã trở thành một nét đẹp văn hóa độc đáo, cần được lưu giữ, bảo tồn. Đây còn là phong tục truyền thống đã được lưu truyền tự nhiên từ đời này sang đời khác.
Cứ theo phong tục truyền thống của người Tày thì gia đình nào có “ma nhà”, có cối hương thờ cúng cha mẹ, ông bà thì hàng năm đều phải tổ chức lễ cúng “Cơm mới”. Mặt khác, Tết “Cơm mới” còn là một trong những nghi lễ quan trọng nhất của mỗi gia đình người Tày nên được bà con chuẩn bị rất chu đáo, kỹ lưỡng.
Anh Xa Văn Xiết ở xóm Nà Mười, xã Mường Chiềng đang tất bật trong ngày Lễ “Cơm mới” của gia đình cho biết: “Để bắt đầu cho Tết 'Cơm mới', gia đình tôi phải chuẩn bị trước cách đây một tháng. Nhưng đầu tiên là phải bẫy được thú rừng như: chuột, ron, nhím hoặc sóc... tất cả đều được sấy khô đến khi làm lễ đem ra đồ lên làm lễ vật cúng. Sau đó phải đan mâm, làm đũa hoa, thắm cơm nếp để ủ rượu. Trong gia đình, mỗi người được phân công làm một việc, âu là để dạy cho con cháu sau này biết cách mà làm”.
Theo cụ Xa Văn Xôm ở xóm Nà Mười, xã Mường Chiềng, người có thâm niên hơn 20 năm đi mo cho lễ cúng “Cơm mới” thì mâm cỗ cúng trong Tết “Cơm mới” có những nét đặc trưng riêng cần phải thực hiện đúng.
Trước tiên, mâm hình tròn phải được đan bằng nứa, mỗi lễ cúng cần từ 4-5 mâm. Mỗi mâm có 8-10 đôi đũa hoa và đặc biệt không thể thiếu một vò rượu ngon mới cất cắm sẵn 8-10 cần trúc cùng một chiếc sừng trâu.
Đồ lễ cúng trong mâm là những sản vật do người dân tự săn bắt, trồng cấy, được chế biến theo nguyên tắc riêng, độc đáo. Cốm được đồ từ thóc nếp non mang phơi, luộc, giã ra sau đó đem đồ. Bắp chuối thái nhỏ, băm vụn rồi lấy cá suối ướp chua cùng hạt tấm (thính gạo), lá thơm (phacà tàu) đem trộn với nhau sau đó lấy lá chuối rừng gói thành những gói nhỏ (khoảng 100 gói), cho vào hông (chõ) đồ chín.
Thịt lợn, gà, vịt, chuột hang, sóc, ron, nhím làm chín bày trên cỗ lá. Ngoài ra, mâm cỗ cúng cần có đầy đủ khoai lang, khoai sọ, mía và quả cọ.
Lễ cúng “Cơm mới” của người dân tộc Tày Đà Bắc thường được tổ chức vào cuối buổi chiều và vai trò của thầy mo là rất quan trọng.
Bài mo “Cơm mới” có nội dung, tuần tự, ý nghĩa riêng. Các bài mo thường kéo dài nhiều giờ đồng hồ trước sự chứng kiến của cả gia đình và hàng xóm láng giềng. Thầy mo mặc quần áo truyền thống của người dân tộc Tày và sử dụng một chiếc quạt khi mo.
Nét độc đáo trong Tết “Cơm mới” của người Tày Đà Bắc phải kể đến những điệu múa truyền thống có trong nghi lễ. Bài múa trong Tết “Cơm mới” gồm có hai phần: Múa gõ máng và múa hoa.
Gõ máng hay còn gọi là “Keng - loóng” là tên điệu múa gồm có 8 người thiếu nữ mặc áo đỏ, váy hoa sử dụng chày giã gạo gõ vào máng giã gạo của chủ nhà dưới gậm sàn tạo thành những nhịp điệu vui tai, rộn rã. Múa hoa là điệu múa nhộn nhịp, vui mắt bởi trang phục rực rỡ, nhiều họa tiết, phụ kiện cầu kỳ của các cô gái trong đội múa.
Cùng với mâm cỗ dâng lên cúng đất trời, ông bà tổ tiên thì những điệu múa truyền thống độc đáo đã thể hiện niềm vui, mong ước về một năm mới tốt lành, gặp nhiều may mắn, thóc lúa đầy bồ của bà con người dân tộc Tày ở xã Mường Chiềng, huyện Đà Bắc, trong lễ hội “Cơm mới”. Sau khi điệu múa kết thúc, thầy mo hoàn thành phần mo mời trầu, tiễn ông bà tổ tiên.
Cuối cùng mâm cỗ được dọn ra, gia chủ cùng họ hàng, làng xóm nâng cao chén rượu tổng kết một năm thành công và rộn rã những lời chúc tụng bước sang năm mới mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu.
Một mùa lúa, mùa nương đã qua với bao vất vả nhưng mang lại sự no ấm cho bà con người dân tộc Tày ở Đà Bắc. Một mùa lúa, mùa nương mới bắt đầu và đó cũng là năm mới với bà con. Tết “Cơm mới” của người Tày, Đà Bắc-Hòa Bình không có sự hoành tráng và đông đảo người dân các làng khác tham gia nhưng ở đó có niềm tin no ấm mà mùa lúa mới, mùa nương mới mang lại.
Tết “Cơm mới” là một nghi lễ nông nghiệp truyền thống, một nét văn hoá độc đáo của người Tày, Đà Bắc, nhưng giờ đây, do nhiều tác động khách quan cũng như chủ quan của xã hội nên Tết “Cơm mới” chỉ còn được duy trì trong một số gia đình và có nguy cơ mai một ở thế hệ trẻ./.
Nguồn tin: TTXVN/Vietnam+
- Ngỡ ngàng phố cổ trên cao nguyên đá Đồng Văn(19/03/2014 - 13:31:10)
- Những điều ít biết về đền Ngọc Sơn trong lịch sử(24/07/2013 - 00:00:00)
- Hương đêm Hà Nội - món quà của thiên nhiên(31/05/2013 - 13:46:04)
- Lì xì đầu năm mới: Tục lệ mang đậm nét văn hóa(18/02/2013 - 00:00:00)
- Ngỡ ngàng kiến trúc nhà thờ đá Phát Diệm(02/02/2013 - 11:23:19)
- Ai là ng??i l?p ra 36 ph? ph??ng Hà N?i?(30/01/2013 - 15:22:05)
- Thờ Tứ Bất Tử, tín ngưỡng độc đáo của Việt Nam(06/11/2012 - 13:20:42)
- Chơi tranh Tết - nét đẹp trong văn hóa Việt(22/01/2012 - 11:05:40)
- Chợ Tết Hà Nội xưa(14/01/2012 - 15:42:40)
- Nỗi lo của Giáo sư Ivo Vasiljev về gốm Chu Ðậu(19/12/2011 - 13:48:47)