Tin mới
Gặp người Séc đã 43 lần sang Việt Nam

Ngày đăng: 11/09/2010 - 16:22:45

Hà Nội những ngày mùa thu tháng 8 lịch sử, nhộn nhịp không khí cả nước kỷ niệm 65 năm ngày quốc khánh 2/9 đón chào một vị khách đặc biệt. Không chỉ vì con số 43 lần sang Việt Nam, không phải bởi những nỗ lực cá nhân không mệt mỏi cho tinh thần hữu nghị Việt – Séc. Đặc biệt bởi lẽ, trong suốt câu chuyện với ông, hai tiếng “Việt Nam” luôn được nhắc đến với tinh thần nhiệt huyết tràn trề và một tình cảm vô cùng sâu sắc. Trong tiết trời thu Hà Nội, ông Winter Marcel – Chủ tịch Hội Hữu nghị Séc – Việt đã cùng PV Báo Kinh tế Việt Nam “ôn cố tri tân” về mối quan hệ hữu nghị Séc – Việt…

Ông đả kích nhiều bài báo đăng trên các báo xuất bản tại CH Séc để xã hội Séc hiểu về người Việt Nam sinh sống và làm việc tại đây. Một năm ông viết khoảng 30-40 lần. Hiện nay ông đang tham gia ứng cử thượng nghị sỹ và nếu trúng cử ông hy vọng tiếng nói sẽ có trọng lượng hơn để bảo vệ người Việt Nam tại Séc.
Trong quá trình góp tiếng nói bảo vệ cho cộng đồng người Việt tại Cộng hoà Séc, cá nhân ông có gặp phải những trở ngại nào không?
Người Việt Nam có khó khăn gì thì lại gọi điện thoại cho tôi và tôi lại ra tay giúp đỡ nên có một số người gọi tôi là “bố già” Việt Nam. Vừa rồi tôi kêu gọi cộng đồng người Việt quyên góp 40 ngàn USD cho một trẻ bị bỏ rơi. Tại Séc những trường hợp người mẹ Việt Nam khi có vấn đề về sức khoẻ thường không có chế độ bảo hiểm gì cả. Tôi đứng ra kêu gọi với chính quyền giúp đỡ họ tiếp cận với bảo hiểm y tế để được đảm bảo về chế độ chăm sóc.
Tại CH Séc ít nhiều vẫn có những nhóm người mang chủ nghĩa dân tộc cực đoan có những hành động quá khích với người nhập cư.
Trong quá trình nhằm làm minh bạch hoá thông tin về cộng đồng người Việt, có bao giờ ông cảm thấy mệt mỏi hay không?
Tại đất nước chúng tôi có câu ngạn ngữ “Im lặng là đồng ý”. Do đó khi báo chí Séc có thông tin không hay về người Việt thì tôi lập tức viết bài phản đối ngay. Chẳng hạn như năm ngoái có một bọn phát xít mới lập trang web phản đối những người nước ngoài, đặc biệt là những người Việt Nam. Có những thông tin sai lệch. Tôi đã trực tiếp viết đơn tố cáo gửi Bộ Nội vụ Séc giải quyết. Nhưng ngay sau đó là những lời lẽ doạ nạt đến với tôi.
Hàng ngày đón nhận những thông tin không hay về cộng đồng người Việt Nam. Vậy có lúc nào ông cảm thấy “phai nhạt” tình cảm hay chưa?
Tôi không bao giờ thấy mệt mỏi bởi cộng đồng người Việt Nam và đất nước Việt Nam luôn trong trái tim tôi. Tôi nghĩ rằng ở Séc, ở Việt Nam hay kể cả ở Mỹ, số người tốt luôn nhiều hơn số người xấu. Ở đâu cũng vậy. Chỉ có một số ít nhóm người làm việc xấu gây tổn hại đến uy tín của động đồng thôi. Ngoài ra tôi viết hàng trăm bài quảng bá về Việt Nam, về đầu tư, về kinh tế tăng trưởng… Những nhà báo người Sec cũng dẫn nguồn từ các bài viết của tôi.
Những ngày này Việt Nam chuẩn bị chào mừng kỷ niệm 65 năm ngày quốc khánh và CMT8. Ông biết gì về đất nước Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh?
Tất cả các sự kiện này chúng tôi luôn theo dõi và có bài viết. Có lúc tôi viết, có lúc các thành viên Hội hữu nghị viết. Có bài lên tới 5 trang về lịch sử đấu tranh của Việt Nam, về tài năng kiệt xuất của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là những trang sử hào hùng của một dân tộc anh hùng. Ngoài ra chúng tôi còn sưu tầm các bài viết của báo chí Séc để scan và đưa lên trang web của Hội hữu nghị Séc – Việt tại địa chỉ www.cvs – praha.cz.
Hiện tại trang web này có nhiều người quan tâm và truy cập hay không?
Nhiều, rất nhiều là khác. Trang web này của chúng tôi đã tồn tại trên 10 năm rồi. Có những bài đã được lưu trữ từ 5-6 năm về trước để những người ủng hộ cho tình hữu nghị Việt - Séc có thể quan tâm tìm đọc và biết được nhiều thông tin hơn về đất nước và con người Việt Nam.
Điều đó có chứng tỏ cộng đồng người Việt và đất nước Việt Nam có vai trò trong lòng người Séc?
Điều đó là có thật. Tổ chức hữu nghị của chúng tôi đã tồn tại từ hơn chục năm nay (13 năm). Đã 13 năm trôi qua, chúng tôi là tổ chức hoàn toàn tự nguyện trên cơ sở nhu cầu, nguyện vọng của nhân dân Séc và hiện có tới 400 thành viên cá nhân và 42 thành viên tập thể. Đó là những tập đoàn, công ty, xí nghiệp… lên tới hàng ngàn người… Các thành viên cùng sát cánh với chúng tôi cung cấp thông tin hợp tác với Việt Nam. Chẳng hạn như 4 năm qua, chúng tôi luôn quảng bá các dự án của Việt Nam. Chúng tôi còn xuất bản các tạp chí đưa lên các danh mục từ điển cho ngành y, dược, phát hành miễn phí cho người Việt Nam. Các từ điển này giúp người Việt Nam không biết rõ tiếng có thể thông qua hình ảnh để nói các bệnh của mình…
(VEN) - Trong suốt câu chuyện vừa qua, tôi cảm nhận rất rõ tình cảm của ông dành cho đất nước Việt Nam với nhiều chi tiết thấm đẫm tình người và đậm đà chất nhân văn. Ông có thể cho biết cho biết trước đây ông làm gì?
Trước đây tôi chỉ là một công nhân sửa chữa ôtô, sau đó tôi chuyển sang thợ mài các chi tiết cơ khí. Trong quá trình này tôi đã có quá trình dạy nghề và tiếp xúc với nhiều người Việt Nam. Có một chi tiết rất đáng kể ra đây. Năm 1994 tôi sang Việt Nam lần đầu tiên. Sau đó tôi đến Hải Dương và thăm một ngôi đền. Nhìn những lá cờ mang các màu vàng - đỏ - trắng – xanh treo ngay trên tiền sảnh, tôi liên tưởng ngay đến màu trắng, xanh, đỏ bởi đó là màu quốc kỳ của Cộng hoà Séc. Và không hiểu sao tự nhiên tôi có cảm giác như một ai đó nói thầm vào tai tôi rằng trong quá khứ tôi đã đặt chân đến đây rồi. Cảm giác này kéo dài khoảng 3-5 phút và cho tôi những xúc cảm đặc biệt mà đến bây giờ tôi vẫn không thể nào quên được. Bây giờ mỗi khi thấy tôi có vẻ buồn thì con gái và các cháu ngoại tôi lại nói: Ông ơi, có lẽ ông phải quay về Việt Nam thôi (cười). Tình cảm đó nó rất tự nhiên. Vừa qua khi tôi xem báo Vietnam News và được biết một số tổ chức của Mỹ có nhã ý giúp đỡ các trường đại học Việt Nam phát triển các ngành kỹ thuật. Ngay lập tức tôi viết thư gửi ngay cho Bộ Ngoại giao Cộng hoà Séc đặt câu hỏi: Đấy nhé, Mỹ còn giúp Việt Nam thì tại sao chúng ta lại không? Sau đó họ đã phản hồi cho tôi và đưa tin này lên truyền hình.
Tất cả những gì ông đã, đang và sẽ làm đều xuất phát từ tình cảm chân thực và tự nhiên. Vậy ở góc độ lý trí, những đức tính nào của người Việt Nam mà ông cảm thấy khâm phục và quý trọng nhất?
Việt Nam là đất nước của những nụ cười đôn hậu, hữu nghị. Đó là điều đầu tiên tôi muốn nhắc đến. Tôi là người châu Âu nhưng khi xuống các sân bay ở châu Âu chỉ cảm nhận được những bộ mặt nghiêm nghị. Những nụ cười của người Việt mang lại sự thoải mái dễ chịu cho các mối quan hệ. Điều này có lẽ người châu Âu phải học người Việt Nam. Ở đây tôi muốn nói là nên có nhiều nụ cười hình chữ “U” hơn là nụ cười hình chữ “C” ngược. Một điểm đáng nói nữa là người Việt rất có trách nhiệm chăm sóc người khác, chăm sóc con cái họ, chăm sóc cho nền học vấn và chăm sóc bố mẹ của họ. Sau đó mới đến việc kiếm tiền.
Một đức tính nữa là tính chăm chỉ. Hiện tại tôi chưa tìm thấy một dân tộc nào chăm chỉ hơn người Việt Nam. Ở đất nước chúng tôi, các cửa hàng cứ 5h chiều là đóng cửa nhưng đối với các cửa hàng người Việt, thường bán hàng đến 10h đêm. Đây là điểm khác biệt và khẳng định sự chăm chỉ của Việt Nam luôn được duy trì trên đất nước chúng tôi.
Ông có nhớ được rõ là ông đã bao nhiêu lần sang Việt Nam và mỗi lần sang như vậy, ông có cảm nhận khác biệt gì không?
Tôi sang Việt Nam lần này là lần thứ 43. Tháng 4 vừa rồi tôi cũng đã sang để tham dự hội chợ quốc tế. Mỗi lần đến Hà Nội tôi lại thấy các toà nhà mới được xây dựng ngày càng nhiều hơn. Điều đó có thể thấy kinh tế Việt Nam đang lên. Tuy nhiên Việt Nam cần hoàn thiện hơn nữa các dịch vụ…
Cám ơn ông về buổi nói chuyện hết sức ý nghĩa này. Chúc ông sức khoẻ dồi dào và luôn cháy mãi ngọn lửa tinh thần hun đúc cho mối quan hệ hữu nghị Việt – Séc ngày càng bền vững! Chúc ông những ngày ở Việt Nam thoải mái và thú vị!

Nguồn tin: VEN


Xem tin theo ngày: