Tin mới
Hơn nửa thế kỷ đưa Việt Nam đến với bạn bè quốc tế

Ngày đăng: 10/02/2011 - 14:30:50

Hơn 50 năm gắn bó với Việt Nam, sử dụng tiếng Việt như tiếng mẹ đẻ, Giáo sư – Tiến sĩ Ngôn ngữ học và Quốc tế học người Séc Ivo Vasiljev đã có nhiều bài báo, công trình giới thiệu văn hoá, đất nước con người Việt Nam đến với thế giới. Ông cũng là người duy nhất đã dịch cuốn “Nhật ký trong tù” của Chủ tịch Hồ Chí Minh sang tiếng Séc và giới thiệu rộng rãi đến công chúng Séc. Phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn Giáo sư Ivo Vasiljev về Việt Nam nhân dịp Xuân Tân Mão.

PV: Giáo sư là người có thể sử dụng thành thạo 10 ngoại ngữ, trong đó có tiếng Việt, vậy động lực nào khiến ông gắn bó với Tiếng Việt?

GS-TS Ivo Vasiljev: Trước hết, phải khẳng định rằng tôi là người có cơ duyên gắn bó với tiếng Việt và văn hóa Việt Nam. Ngay từ khi còn đang là sinh viên trường Đại học Tổng hợp Praha, qua các tài liệu, tôi đã biết đến đất nước Việt Nam với những con người dũng cảm, đấu tranh chống lại thực dân Pháp xâm lược. Vào năm 1960, tôi đăng ký học tiếng Việt tại khoa tiếng Việt Trường Đại học Tổng hơp Praha và may mắn được một thầy giáo người Việt trực tiếp giảng dạy. Tiếng Việt càng học càng hấp dẫn tôi, tôi tiếp thu rất nhanh và chỉ một thời gian ngắn tôi đã nói thành thạo tiếng Việt. Từ am hiểu đến say mê, ngôn ngữ, văn hóa và những câu chuyện về Việt Nam hấp dẫn tôi tự lúc nào không biết.

PV: Là người gắn bó với Việt Nam trong suốt nửa thế kỷ qua, Giáo sư có thể chia sẻ với độc giả báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam về những kỷ niệm sâu sắc của mình với đất nước và con người Việt Nam?

GS-TS Ivo Vasiljev: Tôi có rất rất nhiều kỷ niệm sâu sắc về đất nước các bạn song có lẽ kỷ niệm mà tôi ghi nhớ mãi không thể nào quên đó là vào tháng 10/1966, khi đoàn đại biểu Chính phủ Tiệp khắc do Thủ tướng Lenart dẫn đầu sang thăm Việt Nam và tôi được mời là một trong những phiên dịch của đoàn. Tôi được giao nhiệm vụ dịch ra tiếng Việt bài phát biểu của Thủ tướng Lenart. Lúc đó, đoàn đại biểu Tiệp khắc ở Phủ Chủ tịch cả một tuần lễ và tôi dịch cho trưởng đoàn chính phủ - Thủ tướng Tiệp khắc - ông Lenart. Tôi gần như có mặt bên cạnh Thủ tướng Lenart khi ông nói chuyện với Bác Hồ, với Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Qua những lần tiếp xúc đó, Bác Hồ biết tôi sử dụng thành thạo tiếng Việt và Bác đã mời tôi dự bữa cơm thân mật cùng 2 đoàn đại biểu chính phủ. Bác mời tôi ngồi bên cạnh Bác và Bác nói là “Hôm nay chú không cần phiên dịch gì hết vì chú là khách của Bác”. Những cử chỉ quan tâm của Bác Hồ đến tôi tại bữa cơm đó đã gây ấn tượng mạnh đối với tôi. Tôi thấy ở Bác toát lên bao dung, cao cả của một vị Chủ tịch một nước đang chiến tranh như Việt Nam một người đang phải lo rất nhiều việc đại sự, mà lại quan tâm đến tôi một nhân viên như tôi khiến tôi rất xúc động. Tôi nghĩ trên thế giới không có Chủ tịch một nước nào có thể làm như vậy.

 

PV: Với tư cách là nhà nghiên cứu về lịch sử Việt Nam, ông đã được mời đi nhiều nước để nói chuyện về Việt Nam, vậy người dân thế giới đã nghĩ gì về cuộc chiến đấu của nhân dân Việt Nam, thưa giáo sư?

GS-TS Ivo Vasiljev: Tôi sang Việt Nam lần đầu tiên theo lời mời của Ủy ban Hợp tác Văn hóa với nước ngoài. Trong thời gian công tác tại Việt Nam, tôi đã có dịp trao đổi trò chuyện với các bạn Việt Nam để tìm hiểu về tình hình phát triển kinh tế và văn hóa xã hội của một đất nước đang trong thời gian chiến tranh. Tại thời điểm đó, toàn thế giới, trong đó có người dân Tiệp Khắc lo ngại về cuộc chiến tại Việt Nam Các chuyến đi thực tế tại các địa phương đã giúp tôi nhìn nhận được thực tế đang diễn ra tại Việt Nam và đây là những tài liệu vô cùng quý giá giúp người dân Tiệp Khắc chúng tôi có thông tin và hiểu thêm về đất nước, con người Việt Nam, về những kinh nghiệm của Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Pháp…

Sau chuyến đi này, tôi đã trở lại Việt Nam rất nhiều lần kể cả trong thời kỳ Việt Nam đang trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, giành lại độc lập, giải phóng dân tộc. Đặc biệt, trong chuyến thăm Việt Nam lần thứ hai vào mùa thu năm 1964-đầu năm 1965. Lúc đó, máy bay Mỹ bắt đầu oanh tạc Hải Phòng, tình hình căng thẳng lắm, chiến tranh sắp lan ra Bắc. Tôi đã xung phong xin đi xuống tận địa phương, trận địa để có thể tìm hiểu tình hình, đưa đến người đọc Tiệp Khắc những bài báo lột tả cho hết được được cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam. Với những hiểu biết về lịch sử đất nước, con người Việt Nam, tôi được phong trào hoà bình đi nói chuyện về Việt nam ở Anh, Đức, Thuỵ Điển và nhiều nước phương Tây, gặp gỡ nhiều tổ chức hoà bình trên thế giới …

Nói chung lúc đó cũng có những người chưa hiểu nhiều lắm về cuộc chiến đấu giành độc lập, tự do của nhân dân Việt Nam. Nhưng qua các cuộc nói chuyện thì họ cũng hiểu hơn về Việt nam. Bản thân tôi nhận thức rõ rằng Việt Nam là một trong những đi đầu trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc chống chế độ thưc dân. Vào lúc đó, các nước tư bản vẫn chưa từ bỏ ý đồ bảo vệ chế độ thuộc địa, mà Việt Nam lại là nước đi đầu trong phong trào giải phóng thuộc địa. Mặc dù Hiệp định Geneve đã tạo điều kiện để Việt Nam thống nhất đất nước, nhưng nhiều thế lực vẫn tiếp tục nuôi dưỡng ý đồ chia cắt Việt Nam. Bằng những hiểu biết thực tế về Việt Nam, tôi đã kể với người dân đất nước tôi, và người dân, các trí thức ở những nơi tôi có dịp đến để họ hiểu rõ hơn về cuộc chiến đấu của Việt Nam.

PV: Được biết, giáo sư là người có công trong việc giới thiệu văn hóa, con người Việt Nam đến với thế giới thông qua nhiều công trình nghiên cứu và các tác phẩm báo chí… Điều gì đã giúp ông thực hiện những việc làm vô cùng ý nghĩa trên?

GS-TS Ivo Vasiljev: Qua các chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam, tôi có dịp tiếp xúc với Chủ tịch Hồ Chí Minh và các bạn bè người Việt, tôi nhận thấy rằng tính cách gần gũi bình dị của Bác Hồ cũng là tính cách văn hoá của người Việt Nam. Bác Hổ hiểu rõ và vận dụng những nét văn hoá ấy và dạy cho rất nhiều học trò của Người. Tôi thấy rõ rất nhiều đồng chí Đại sứ, cán bộ Ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài trong các bữa cơm đều mời các đồng chí lái xe, các đồng chí phục vụ cùng ăn ở một mâm với đoàn đại biểu, thì đó là một nét đặc biệt rất nhân văn, bình đẳng và văn hoá, mà ở phương Tây ít khi thấy. Khi gặp Bác Hồ thì tôi hiểu rằng các Đại sứ, các cán bộ ngoại giao Việt Nam đều học được sự giản dị và văn hoá ấy từ Bác Hồ. Những tính cách đó đã khiến tôi thực sự cảm phục và yêu mến đất nước các bạn. Nét văn hóa nhân văn đó của con người Việt Nam là cảm hứng giúp tôi luôn gắn bó với Việt Nam, đưa hình ảnh của Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.

Là người sử dụng thành thạo 10 ngoại ngữ, trong đó có tiếng Việt nên mặc dù đã về hưu từ 15 năm nay, tôi vẫn tiếp tục làm công tác ngôn ngữ học, tham gia nhiều dự án, viết, dịch và giúp mọi người nâng cao khả năng học ngoại ngữ trong cộng đồng. Trong suốt bốn năm qua, tôi tham gia một chương trình nghiên cứu về sự Đa ngữ ở châu Âu do EU tài trợ. Tôi cũng đang trực tiếp lãnh đạo một số cán bộ nghiên cứu dự án về ngôn ngữ của người di cư từ các nước châu Á và châu Phi. Tôi trực tiếp nghiên cứu ngôn ngữ của cộng đồng người Việt Nam tại Cộng hòa Séc. Mới đây tôi cũng viết tự truyện về quá trình học và sử dụng ngôn ngữ của tôi cũng với mục đích là phổ biến về kinh nghiệm và dạy tiếng nước ngoài kết hợp với tiếng mẹ đẻ.

PV: Giáo sư có cảm nhận như thế nào về sự phát triển của Việt Nam trong chuyến thăm Việt Nam lần này?

GS-TS Ivo Vasiljev: Có thể nói, tôi là một trong những người nước ngoài may mắn được sang thăm Việt Nam nhiều lần. Kể từ chuyến thăm Việt Nam lần đầu tiên vào năm 1963 đến nay đã 50 lần tôi trở về thăm Việt Nam. Chính những chuyến thăm này đã giúp tôi chứng kiến đất nước các từng bước thay đổi, tiến những bước vững chãi trên con đường xã hội chủ nghĩa.

Trở lại Việt Nam lần này, được đi thăm lại một số địa phương, tôi rất mừng vì đất nước các bạn đã có những bước phát triển vượt bậc trên mọi lĩnh vực, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế. Điều này chứng tỏ rằng, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam cộng với sức mạnh đoàn kết của nhân dân Việt Nam, đất nước các bạn đã vượt qua mọi khó khăn, xây dựng đất nước giàu đẹp hơn.

Hòa trong không khí đón Xuân 2011 và chào mừng Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ XI, tôi hy vọng rằng, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam cộng với sức mạnh đoàn kết của nhân dân Việt Nam, đất nước các bạn đã vượt qua mọi khó khăn, gặt hái được nhiều thành công hơn nữa trên mọi lĩnh vực chính trị -kinh tế, văn hóa- xã hội, góp phần đưa đời sống nhân dân ngày càng cải thiện hơn nữa.

PV: Xin trân trọng cảm ơn Giáo sư!


Nguồn tin: www.cpv.org.vn


Xem tin theo ngày: