Tin mới
Về thăm trường cũ

Ngày đăng: 30/07/2011 - 09:44:08

Với nhiều thế hệ là cựu lưu học sinh học nghề Việt Nam đã từng học tập tại Tiệp Khắc cũ, nay là CH Séc, dù cho năm tháng đã trôi qua nhưng trong lòng mỗi người vẫn còn ghi đậm những kỷ niệm đầy ấn tượng tốt đẹp về đất nước và con người Séc ( trong đó có những người thày, người bạn của chúng ta).


Tôi còn nhớ mãi một câu nói trong bài diễn văn đáp từ của một nhà lãnh đạo Chính phủ Cộng hòa Séc nhân dịp lễ kỷ niệm Quốc khánh nước CHXHCN Việt Nam 2.9.2008 tại khách sạn Praha “ Cộng hòa Séc và Việt Nam tuy cách xa về khoảng cách nhưng gần nhau về tinh thần…“ Thật vậy! Kể từ thập niên 50 của thế kỷ trước Tiệp Khắc đã giúp chúng ta đào tạo rất nhiều học sinh từ lớp thiếu sinh quân đầu tiên đến sinh viên học tại các trường đại học, học sinh học nghề , thực tập sinh và sau này là công nhân hợp tác lao động …Với họ không bao giờ quên Tiệp Khắc cũ và nay là CH Séc đã quan tâm săn sóc và giúp đỡ họ, đặc biệt là các thày, cô giáo cũ.

Hàng năm cứ vào mùa hè trong lòng mỗi chúng tôi đã từng học nghề tại Buzuluk Komárov lại nhớ lại những kỷ niệm của những năm tháng đã trôi qua, nhớ lại những ký ức của thời gian khi còn ngồi học dưới ngôi trường tại trường trung cấp dạy nghề đầy ắp những kỷ niệm cách đây 36 năm khi chúng tôi đặt chân đến.

Nhân có khách từ Hà Nội sang thăm ( vợ chồng anh Lê Đức Bình và chị Nguyễn Thị Kim Ly), anh Bình cùng sang Tiệp với tôi trên một chuyến tàu hỏa Từ Bắc Ninh đến Praha vào tháng 12 năm 1975 sau khoảng 2 tuần trên tàu mệt mỏi khi tới nhà ga chính Praha, chúng tôi cùng được phân về học tại trường tiếng Veselíčko và sau là trường trung cấp dạy nghề Buzuluk Komárov. Vợ anh là chị Ly sang Tiệp năm 1981 theo diện công nhân hợp tác lao động và làm việc tại xí nghiệp Fruta Černožice thuộc Tổng công ty đồ hộp và nước giải khát tỉnh Đông Séc – Východočeské konzervárny a lihovary k.p. cạnh thành phố Hradec Králové, hai cái tên Bình và Ly nên duyên vợ chồng tại Tiệp Khắc khiến tôi liên tưởng tới sản phẩm nổi tiếng trong suốt pha-lê của xứ Bohemia và hương vị thơm mát đậm đà của bia Plzeňský Prazdroj. Sau khi tốt tại trường nghề , anh Bình được Ban quản lý học sinh học nghề cử đi làm phiên dịch tại một số đơn vị lao động Việt Nam, họ tổ chức lễ cưới tại Černožice và cùng nhau trở lại Việt Nam bắt đầu cuộc sống mới. Anh chị mở quán cà phê mang tên “AHOJ !“ ở 56 phố Thợ Nhuộm - Hà Nội cũng là nơi để bạn bè là người Việt Nam và người Tiệp có dịp đến giao lưu, trò chuyện ôn lại những kỷ niệm ở Tiệp Khắc cũ và cũng là một phần có thu nhập để ổn định cuộc sống hàng ngày. Họ có hai cậu con trai rất ngoan, thông minh và học giỏi, cũng có duyên nợ với CH Séc nên từ lúc nhỏ các cháu đã được nghe các bác, các cô, các chú và bố mẹ kể nhiều chuyện cũng như kỷ niệm về đất nước và con người Séc mà khi lớn lên, cả hai cháu Duy và Hưng đều được sang học đại học ở thành phố Brno, nơi có đôi vợ chồng người bạn là người Séc của anh Bình - Chị Ly nhận các cháu làm con nuôi chăm sóc và dạy dỗ các cháu. Sở dĩ có chuyến sang thăm Séc lần này là anh chị sang dự lễ nhận bằng tốt nghiệp của các cháu( cháu Duy đã có một bằng kỹ sư hóa, phiên dịch tòa án và nay nhận thêm bằng cử nhân luật, cháu Hưng đã có bằng cử nhân kinh tế, nay nhận thêm bằng thạc sỹ kinh tế).

Gặp nhau tại Praha tay bắt mặt mừng, chúng tôi cùng nhau trò chuyện ôn lại những kỷ niệm của những năm tháng trước kia, đi thăm Praha nơi có biết bao cảnh đẹp nổi tiếng và những địa danh mà mọi người Việt ở Tiệp đều quan biết như Lâu đài Hradčany thậm chí một số địa danh còn được mang cái tên Việt hóa như :, “ Cầu Tình“ cây cầu cổ Karlův most, “Quảng trường con Gà“ Staroměstské náměstí, “Đồng hồ con gà“ Orloj “Quảng trường con ngựa“ Václavské náměstí, “Chợ con bò “ Holešovické tržnice… Được cái người Việt mình cũng thông minh vì thời gian đầu mới sang, với tiếng Séc phát âm hơi khó nên cứ ở đâu có hình con gì thì đặt tên con đó cho dễ gọi và dễ nhớ.


Từ thủ đô Praha, chúng tôi đi theo hướng Písek -Milevsko để tới ngôi làng nhỏ Veselíčko, sau 36 năm nay chúng tôi mới có dịp quay trở lại, vẫn mái trường xưa nơi chúng tôi đã được các cô Helena Kamenická, Marie Paukertová và các thày Horák, Mariska… dạy chúng tôi những từ tiếng Séc đầu tiên, cách phát âm, cách cầm dao, thìa, dĩa khi ăn và dịp Nô-en chúng tôi đã được thưởng thức các món ăn truyền thống của Séc như cá chép tẩm bột rán với món sa-lát khoai tây hoặc món thịt lợn tẩm bột rán với khoai tây, thịt lợn hầm dưa bắp cải muối chua với bánh mì hấp, bánh ngọt…và sau đó là những bài học đầu tiên về Tiệp Khắc cũng như những lần đi mua sắm quần áo, đồ dùng cá nhân, kiểm tra sức khỏe tại Písek và Milevsko… 36 năm đã trôi qua - vật đổi sao rời, hàng cây liễu vẫn rủ xuống mặt hồ nước trước sân trường, ký túc xá nơi chúng tôi ở vẫn giữ nguyên như ngày nào. Chúng tôi đã rất cố gắng nhưng không thể liên hệ được với những thày cô giáo cũ ở đây vì sau khi kết thúc hiệp định đào tạo học sinh học nghề Việt Nam tại Tiệp Khắc cũ đã được hai nhà nước ký kết, ngôi trường này không còn lưu học sinh Việt Nam đến học nữa mà chỉ còn là trường trung cấp nông nghiệp đào tạo các học sinh là người Séc. Nhưng dù sao với chúng tôi cũng cảm thấy hài lòng vì đã trở lại nơi đây và tự tay mình chụp được những bức ảnh làm kỷ niệm để khi về Việt Nam kể lại và cho các bạn của mình cùng xem.

Rời ngôi trường cũ tại Veselíčko, chúng tôi đi theo hướng Příbram qua thị trấn Hořovice để tới trường trung cấp dạy nghề Buzuluk Komárov, tại đây chúng tôi đã thăm lại toàn bộ khu trường, ký túc xá và nhà máy nơi sau khi tốt nghiệp tháng 6 năm 1979 chúng tôi đã làm việc một thời gian, thăm nhà văn hóa nơi chúng tôi được nhà trường tổ chức nhiều sự kiện trong đó có lễ nhận bằng tốt nghiệp, thăm sân vận động của nhà máy- nơi mà vào hai mùa hè 1981 , 1982 Bộ Lao động và các vấn đề xã hội Tiệp Khắc cũ phối hợp với Đại sứ quán nước CHXHCN Việt Nam tại Praha tổ chức Giải bóng đá toàn Tiệp Khắc cho học sinh học nghề. Đội bóng trường nghề của chúng tôi đã vinh dự đoạt giải nhì hè 1982. Đặc biệt vào mùa hè năm ngoái được sự ủng hộ của Đại sứ quán và Hội người Việt Nam tại CH Séc đã diễn ra chương trình Gặp mặt hữu nghị giữa cựu lưu học sinh học nghề, thực tập sinh với các thày cô giáo, đốc công và lãnh đạo nhà trường trong khuôn khổ hoạt động nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày hai nước Việt Nam và CH Séc thiết lập quan hệ ngoại giao. Buổi lễ được tổ chức rất trọng thể, mọi người tham dự rất xúc động khi tập thể và các cá nhân là các thày cô giáo cũ được vinh dự nhận Giấy khen của Đại sứ đặc mệnh toàn quyền nước CHXHCN Việt Nam tại CH Séc Đỗ Xuân Đông với nội dung đã có thành tích đóng góp đào tạo học sinh học nghề và thực tập sinh Việt Nam tại trường nghề.


Đến thăm gia đình thày giáo Jiří Stelšovský với những tình cảm chân thành nhất, thày và trò cùng nhau nâng cốc chúc sức khỏe và ôn lại những kỷ niệm cũ của 36 năm đã trôi qua. Thày Jiří Stelšovský năm nay đã xấp xỉ ở tuổi 70 nhưng thày vẫn còn khỏe và nhanh nhẹn có thể do thời trẻ thày tham gia hoạt động thể thao như các môn khúc côn cầu (hokej) và bóng đá. Thày trực tiếp tham gia giảng dạy hai lớp thợ nguội, ngoài ra vào các dịp đi nghỉ tại khu nghỉ mát của nhà máy tại Velké Hleďsebe cạnh Mariánské Lázně, hoặc các chuyến đi tham quan tại nhiều nơi trên lãnh thổ Tiệp Khắc, thày thường đi cùng để hướng dẫn và quản lý chúng tôi vì thực sự thời đó chúng tôi vẫn còn trẻ và cũng nghịch ngợm lắm( các cụ ta thường nói : “ Nhất quỉ, nhì ma, thứ ba học trò“ mà, ngoài ra thày còn dạy chúng tôi về kỹ thuật môn bóng đá như huấn luyện viên và đặc biệt là dạy chúng tôi môn trượt băng và đánh hokej trên sân băng tại thành phố Příbram, Rokycany và Beroun…

Gặp lại chúng tôi thày mừng lắm chả thế mà hai ông bà đã dạy từ sáng sớm tự tay làm các loại bánh để đãi chúng tôi. Trong câu chuyện thày còn nhớ như in tên và tính cách của từng cậu học sinh Việt Nam của mình, cho đến hôm nay đã 36 năm trôi qua. Thày rất nhớ các bạn của chúng tôi ở Việt Nam và ngược lại các bạn cũng rất nhớ tới thày và luôn cảm ơn thày.

Thời gian không cho phép, chia tay thày và gia đình chúng tôi rất lưu luyến và hy vọng vào một dịp nào đó có điều kiện các bạn học cũ của chúng tôi sẽ có dịp quay trở lại CH Séc để thăm lại nơi quê hương thứ hai của mình, thăm lại mái trường xưa và thày giáo cũ, hoặc nếu có điều kiện chúng tôi sẽ mời thày cùng Phu nhân sang thăm đất nước Việt Nam tươi đẹp và gặp lại các học sinh cũ của mình.­­/.

Nguồn tin: báo Xa Xứ


Xem tin theo ngày: