Tin mới
Niềm tự hào toán học Séc mang tên Việt Nam

Ngày đăng: 20/08/2011 - 15:16:28

Vượt qua hơn 550 thí sinh đến từ khắp thế giới để mang về cho CH Séc chiếc Huy chương Bạc Olympic Toán quốc tế, và cũng là “thành tích tạm thời là điều lớn nhất mà một học sinh ở Tachov giành được” (Thị trưởng Tachov ông Ladislav Macák), đó chính là em Lê Anh Dũng, 18 tuổi, gốc Việt, học sinh trường Gymnázium ở thành phố Tachov, CH Séc.


Đam mê Toán từ khi còn là học sinh Việt Nam

5 năm sau khi rời xa quê hương, lần trở về này đối với Dũng thật bất ngờ vì được nhiều người biết tới, cũng như nhận được những lời động viên, khích lệ từ mọi người.

Dũng cho biết: em thích toán từ hồi còn là học sinh lớp 7 của trường THCS Chuyên Amsterdam Hà Nội. Lúc đó cũng tham gia một số cuộc thi nhưng do còn ham chơi nên chưa đạt được thành tích nào đáng kể.

Sau khi chuyển sang CH Séc sống cùng bố mẹ, Dũng luôn được khuyến khích tự lập trong việc học. Với môi trường học đơn giản và có nhiều hình thức động viên học sinh tự học, cộng với ước mơ trở thành nhà toán học chuyên nghiệp như GS Ngô Bảo Châu (thần tượng toán học của Dũng), em đã đề ra những mục tiêu rất rõ ràng để phấn đấu thực hiện.

Để tham gia kỳ thi Olympic Toán quốc tế, Dũng đã dành thời gian chuẩn bị từ 2-3 năm trước, với cường độ học chiếm 70% thời gian trong ngày. Có những bài toán mà Dũng phải theo đuổi mấy tuần liền mới tìm ra cách giải.

Theo Dũng, ngoài việc học và tự nghiên cứu thì việc tham gia những Trại Toán học cũng là những quãng thời gian rất bổ ích. Ở Séc, có rất nhiều chương trình để những người đam mê toán học gặp gỡ, giao lưu cùng nhau. 10 ngày tham gia Trại Toán học, bên cạnh những bài giảng về toán, học sinh còn được hòa mình với nhiều trò chơi, các buổi dã ngoại, vận động thể thao… Những Trại Toán học như vậy một năm tổ chức khoảng hai lần. Đến nay, Dũng đã 10 lần tham gia.

Bây giờ còn quá sớm để nói trước điều gì vì còn 2 năm nữa mới lên đại học và ước mơ trước mắt là cánh cửa trường đại học Cambridge (ở Anh), rồi đến cao học… để theo đuổi con đường Toán học lý thuyết mà em đã lựa chọn. Nhưng em cũng luôn nghĩ về Việt Nam và mong muốn được góp phần xây dựng đất nước, có thể bằng nhiều cách thể hiện khác nhau- Dũng chia sẻ thêm.

Mầm non được nuôi nấng từ bà nội

Nhắc đến thành tích đạt được, Dũng chỉ nói cảm thấy khá bất ngờ dù đã chuẩn bị trước và đặc biệt rất vui vì đã mang lại niềm vui, niềm tự hào cho gia đình, nhất là người bà ở quê nhà (người đã sống cùng Dũng lâu nhất).

Bà Phạm Thị Thủy (75 tuổi) quê Đức Nhân, Đức Thọ, Hà Tĩnh không giấu nổi niềm tự hào trên khuôn mặt, trong giọng nói khi kể về người cháu nội mà bà đã nuôi nấng, chăm sóc từ khi em mới 2 tuổi (bố mẹ Dũng lúc đó đang học tập và làm việc ở Nga).

Bà cho biết: những tháng ngày hai bà cháu sống cùng nhau, bà chỉ biết chăm lo cho cháu từng bữa ăn, giấc ngủ. Khi Dũng 5 tuổi, hai bà cháu chuyển lên Hà Nội cùng cô chú, mọi việc học hành Dũng đều tự lập. Đến năm 13 tuổi Dũng được bố mẹ đón sang CH Séc.

Dù đã sang CH Séc sống cùng bố mẹ được 5 năm nhưng vì nhiều lý do Dũng vẫn giữ quốc tịch Việt Nam. Dũng cho rằng sự nỗ lực vươn lên trong học tập là nhân tố quyết định thành công của con người chứ không chỉ phụ thuộc vào yếu tố gen. Người Việt Nam ở nước ngoài được bạn bè quốc tế đánh giá cao.

Nhìn vào thành tích của đội Olympic Việt Nam mấy năm nay đi xuống, Dũng cho rằng: ở Việt Nam hiện nay, các bạn đặt nặng vào việc thi vào đại học hơn là thi vào đội tuyển.

Để khuyến khích người ta học toán, Dũng chỉ mong muốn môi trường học toán ở Việt Nam sẽ khiến cho người nghiên cứu toán có thể sống bằng đồng lương của mình, không phải đi làm kinh tế; tạo ra môi trường có nhiều công ăn việc làm cho người làm toán…

Nguồn tin: QĐND


Xem tin theo ngày: