Tin mới
Hạnh phúc - Vấn đề cốt lõi trong tư tưởng minh triết Việt Nam

Ngày đăng: 02/02/2012 - 10:08:21

Vừa qua, Giáo sư – Tiến sĩ Ivo VassilevIvo Vasiljev (Phật tâm danh Duy Phật Nhãn) - Nhà Việt Nam học nổi tiếng thế giới - trở lại thăm Việt Nam. Bên lề Hội thảo Quốc tế "Trần Nhân Tông và con đường chính pháp“ tổ chức tại Hà Nội nhân kỷ niệm lần thứ 703 ngày Phật hoàng Trần Nhân Tông nhập niết bàn (1308-2011,Giáo sư đã dành cho phóng viên báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam một cuộc trao đổi thú vị.


PV: Thưa Giáo sư Ivo Vasiliev, được biết hơn 50 năm qua, ông là nhà Việt Nam học có nhiều công trình nghiên cứu về Việt Nam và có những đóng góp to lớn trong việc kết nối hai nền văn hóa Việt Nam và Séc, đưa những giá trị tinh hoa văn hoá Việt Nam đến với bạn bè quốc tế. Mục đích chính chuyến thăm Việt Nam lần này của Giáo sư là gì?

Giáo sư Ivo Vasilev: Với sự giúp đỡ của Hội người Việt Nam tại Cộng hoà Séc, tôi đến Việt Nam lần này theo lời mời của Trung tâm UNESCO Nghiên cứu và Ứng dụng Phật học Việt Nam để tham gia Hội thảo "Trần Nhân Tông và con đường chính pháp“. Trong 52 năm nay, với tư cách là người nước ngoài đã và đang nghiên cứu về ngôn ngữ, lịch sử và văn hoá Việt Nam, tôi đã có điều kiện gắn bó với Việt Nam, với nhân dân Việt Nam, với nhiều bạn bè Việt Nam và của Việt Nam. Tôi rất vui và vinh dự được tham gia Hội thảo có ý nghĩa lịch sử và khoa học này.

PV: Giáo sư đã đến Việt Nam nhiều lần, tiếp xúc và làm việc với nhiều người Việt Nam, điều gì gây cho ông ấn tượng lớn nhất?

Giáo sư Ivo Vasilev: Trong quá trình tiếp xúc với người Việt Nam tôi đã cảm thấy rõ các chữ Độc Lập, Tự Do, Hạnh Phúc đã được khắc sâu vào tâm hồn của người dân Việt Nam không kém gì ba từ LIBERTÉ, ÉGALITÉ, FRATERNITÉ (Tự do, Bình đẳng, Bác ái) được ăn sâu vào tâm hồn của người dân Pháp cũng như mọi người tha thiết với công bằng xã hội trên thế giới.

Tôi đã có dịp phát biểu một số ý kiến về ý nghĩa độc lập và tự do ở Hội thảo quốc tế kỷ niệm 100 năm ngày sinh chủ tịch Hồ Chí Minh được tổ chức tại Hà Nội vào tháng 5 năm 1990 sau khi UNESCO đã công nhận chủ tịch Hồ Chí Minh là "Nhà văn hoá lớn, Anh hùng giải phóng dân tộc“ vào năm 1989. Lần thứ hai, ở Hội thảo quốc tế về Việt Nam học tại Hà Nội nhân dịp kỷ niêm 60 năm Quốc khánh 2-9, tôi có dịp lưu ý đến việc chính Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt chú trọng đến tự do con người, thể hiện trong tác phẩm "Nhật ký trong tù“ của Người.

Trong hai năm vừa qua, tiếp xúc với các nhà nghiên cứu về Phật học trong đó có Đạo sư Duy Tuệ và sinh hoạt với nhiều học giả nghiên cứu về tư tưởng minh triết Việt Nam khác ở nước ngoài cũng như ở Việt Nam, tôi hiểu ra rằng tư tưởng minh triết Việt Nam rất coi trọng vấn đề hạnh phúc con người.

PV: Ông có thể vui lòng nói sâu hơn về vấn đề này?

Giáo sư Ivo Vasilev: Hạnh phúc là giá trị thứ ba trong khẩu hiệu chính thức của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà trước đây cũng như nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay.

Ở khẩu hiệu này chúng ta dễ nhận thấy rằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh – Người sáng lập ra nước Việt Nam độc lập - đã cho rằng, xét đến cùng, hạnh phúc của người dân là mục đích cao nhất trong cuộc đấu tranh giành độc lập nước nhà và xây dựng đất nước. Người đã đặt vấn đề: “Đất nước độc lập, tự do mà dân không được hưởng ấm no, hạnh phúc thì độc lập, tự do ấy phỏng có ý nghĩa gì?“. Mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh“ hiện nay cũng có thể được coi là cụ thể hoá khái niệm "hạnh phúc“ trên phương diện xã hội.

Bàn về hạnh phúc rất phù hợp xu thế của thời đại. Như vậy, khái niệm hạnh phúc không chỉ liên quan đến tấm lòng, tâm hồn và trí óc của từng cá nhân con người. Ngoài phương diện này là phương diện vi mô, hạnh phúc còn có phương diện vĩ mô, liên quan đến toàn xã hội. Có lẽ không thể xác định được mặt nào là quan trọng hơn. Vì xét đến cùng, toàn xã hội lại do tổng thể các cá nhân mà thành. Ngược lại, những thắng lợi trong công cuộc xây dựng xã hội, dù to lớn đến đâu, chưa nhất thiết đem lại hạnh phúc cho mọi người dân một cách tự động. Đạt đến hạnh phúc đâu phải là dễ. Trong khi đó hạnh phúc, một giá trị vô hình, một cảm xúc thấm suốt tấm lòng và trí óc của con người lại làm cho chúng ta càng yêu đời, yêu gia đình, yêu bạn bè, yêu nước, yêu nhân loại và ngược lại, tình yêu đó làm cho chúng ta càng thấy hạnh phúc. Những tấm lòng hạnh phúc là bảo vật của xã hội. Trái lại việc gây nỗi bất hạnh, bất mãn, bất tin, bất tin cậy, buồn chán trong người dân, trong cán bộ, trong trí thức, trong thanh niên, là việc làm nguy hiểm dẫn đến tình trạng mất đoàn kết, chia rẽ trong các tầng lớp và toàn bộ xã hội, do đó có thể dẫn đến thất bại của xã hội, thậm chí đến thảm hoạ mất nước. Nhiều khi, vấn đề này trong thời bình còn gay gắt hơn cả trong thời chiến.

PV: Vậy theo ông, để xây dựng và bảo vệ hạnh phúc cả trên phương diện vi mô và vĩ mô, yếu tố nào giữ vai trò quan trọng nhất?

Giáo sư Ivo Vasilev: Như trong công cuộc đấu tranh để giành độc lập nước nhà và xây dựng đất nước đã phải có đường lối đúng đắn, khoa học, thì trong việc xây dựng hạnh phúc cũng phải có phương pháp thiết thực và có hiệu quả. Minh triết Việt Nam có phương pháp như vậy. Nó thiết thực và có hiệu quả vì nó dựa vào những nét đẹp của truyền thống văn hoá dân tộc Việt Nam và căn cứ vào giáo hóa trí óc và tấm lòng con người. Giáo dục đóng vai trò chủ đạo. Một yếu tố quyết định là phía gia đình cần giáo dục con em ngay tại nhà mình trước khi tin vào xã hội. Nó xuất phát từ một lý do rất đơn giản: bắt đầu giáo dục con cái ở tuổi đi học là  quá chậm. Chỉ tiêu truyền thống Tiên học lễ, hậu học văn chỉ có thể thực hiện được một cách triệt để ở cấp độ gia đình. Vả lại nhà trường quá bận với phần văn nên có ảnh hưởng đến phần lễ. Cũng cần lưu ý đến tình hình toàn cầu hoá thế giới truyền thông, nó đã và đang làm thay đổi môi trường giáo dục, có phần tích cực nhưng cũng có phần tiêu cực. Dùng yếu tố tích cực, trừ yếu tố tiêu cực một cách có hiệu quả chỉ ở tầm tay gia đình.

PV: Ông đã nhiều lần khẳng định, phương pháp minh triết có cơ sở khoa học. Vậy ông có thể cho biết đặc trưng của phương pháp này?

Giáo sư Ivo Vasilev: Đặc trưng của phương pháp minh triết là xuất phát từ truyền thống Phật giáo Việt Nam, từ quan điểm "Phật tại tâm“ của Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông, nhưng không có tính chất tôn giáo, càng không có tính chất mê tín dị đoan, là trái ngược mê tín dị đoan ở chỗ rất căn bản: trong khi mê tín dị đoan xúc tiến tính ỷ lại vào những lực lượng không thật, quan niệm "Phật tại tâm“ khám phá tinh thần tự chủ, tự lực của con người.

PV: Thưa giáo sư!Tham dự Hội thảo "Trần Nhân Tông và con đường chính pháp“, thông điệp mà Giáo sư muốn gửi đến nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế là gì?

Giáo sư Ivo Vasilev: Dân tộc Việt Nam, nhân dân Việt Nam, rất may mắn vì có Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông có thể lấy làm thầy, làm gương mẫu. Vì Đức Trần Nhân Tông vừa là nhà chính trị, quân sự, ngoại giao anh hùng dân tộc, thời chiến thì góp phần một cách quyết định vào việc đoàn kết dân tộc và thành công chống lại kẻ ngoại xâm nguy hiểm nhất thế giới thời thế kỷ 13, thời bình thì lại biết giáo dục toàn xã hội từ tập đoàn lãnh đạo đến quần chúng rộng rãi giữ được đoàn kết, khắc phục hậu quả của thảm họa chiến tranh và xây dựng quan hệ hòa bình, hữu nghị với các nước láng giềng. Đức Trần Nhân Tông còn là nhà tư tưởng và triết học vĩ đại hiểu được triệt để bản chất của đạo đức Phật để lại với nhân loại và giải thích cách kết hợp đạo với đời để con người có thể vừa tìm hạnh phúc cá nhân, vừa thực hiện sứ mạng xã hội của mình ở mọi vị trí xã hội. Theo tôi việc đó, tức việc trở lại vói bản chất nhân đạo của lời Đức Phật dạy chúng ta thật có ý nghĩa cách mạng. Nếu như nhân dân Việt Nam biết tôn vinh Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông qua thực tiễn trên cơ sở quan niệm „Phật tại tâm“ và thực hiện triệt để đạo làm người trong quan hệ xã hội, thì thế giới cũng sẽ biết nhiều hơn về Ngài và sẽ làm cho Ngài trường sinh bất tử không những trong lòng của nhân dân Việt Nam mà còn ở trong lòng của toàn nhân loại.

PV: Xin cảm ơn Giáo sư và chúc ông dồi dào sức khoẻ, tiếp tục có những công trình nghiên cứu khoa học có giá trị về Việt Nam./.



Nguồn tin: Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam


Xem tin theo ngày: