Tin mới
Dế Mèn phiêu lưu ký của nhà văn Tô Hoài, bản dịch tiếng Séc của Ivo Vasiljev

Ngày đăng: 18/06/2013 - 00:00:00


Sách sẽ ra mắt độc giả Việt Nam dịp hè 2013:

CVRČKOVY DOBRODRUŽNÉ TOULKY

Dế Mèn phiêu lưu ký của nhà văn Tô Hoài

bản dịch tiếng Séc của Ivo Vasiljev

Vài nét về tác giả và tác phẩm:

Tô Hoài, tên khai sinh là Nguyễn Sen, sinh năm 1920 tại tỉnh Hà Đông. Bút danh Tô Hoài gắn với hai địa danh: sông Tô Lịch và phủ Hoài Đức (nay thuộc phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội). Ông là một nhà văn nổi tiếng của Việt Nam. Sau hơn sáu mươi năm lao động nghệ thuật, ông đã có hơn 100 tác phẩm thuộc nhiều thể loại khác nhau: truyện ngắn, truyện dài kì, hồi kí, kịch bản phim, tiểu luận và kinh nghiệm sáng tác.

"Dế mèn phiêu lưu kí" là tác phẩm văn xuôi đặc sắc và nổi tiếng nhất của ông viết về loài vật, dành cho lứa tuổi thiếu nhi, đã được dịch ra nhiều tiếng nước ngoài. Ban đầu truyện có tên là "Con dế mèn" (chính là ba chương đầu của truyện) được phát hành tại Hà Nội năm 1941. Sau đó, ông viết thêm truyện "Dế Mèn phiêu lưu kí" (là bảy chương cuối của chuyện). Năm 1955, ông gộp hai chuyện vào với nhau để thành truyện "Dế mèn phiêu lưu kí" như ngày nay. Truyện đã được đưa vào chương trình học môn Ngữ Văn phổ thông của Việt Nam.

Ngày nay các bạn trẻ ở Việt Nam, được nhà văn Tô Hoài ủng hộ,  đang có phong trào tập sáng tác về „hậu duệ thứ 18 của Mèn“, có tên là Tomi Happy. Khác với cụ tổ Mèn nhỏ bé xưa kia ngang dọc vùng thôn quê yên bình, hậu duệ Tomi thì lột xác biến đổi và phiêu bạt đến các nơi có những biến cố quan trọng của thế giới con người. Sống trong thời đại siêu kĩ thuật số nhưng Tomi Happy vẫn mang trong mình dòng máu phiêu lưu và can trường như các bậc tiền bối.

Dế Mèn phiêu lưu ký (tiếng Séc):

Cuộc viễn chinh đầy gian khổ ở Séc của Dế Mèn đúng nghĩa từ „Anabáze“

„Anabáze“* là một từ mà chúng ta quen dùng theo gốc Hy Lạp cổ đại. Nhà sử học lừng danh Xenophon đã sử dụng từ này để mô tả về những cuộc viễn chinh khổ ải, gian nan của một đội quân Hy Lạp hộ tống Hoàng tử Cyrus Trẻ băng qua vùng Tiểu Á sang xứ Ba Tư xa xôi. Trong văn học Séc, Jaroslav Hašek lại làm đẹp thêm từ „anabáze“ bằng câu chuyện kể về chuyến đi du ngoạn của Người lính tốt Švejk từ Praha đến České Budějovice, ông đã đưa thêm vào từ này thành một nghĩa hài ước.

Về ngữ nghĩa, từ „anabáze“ cũng hoàn toàn phù hợp với những cuộc phiêu lưu của Dế Mèn, nhưng nó không phù hợp với độc giả thiếu niên. Vậy mà 50 năm trước khi tôi dịch câu chuyện yêu thích của lớp học sinh lớn tuổi Việt Nam thời ấy, tôi chưa hề nghĩ đến từ này. Bây giờ nghĩ lại, tôi mới thấy là từ này phản ánh rất đúng những nỗi long đong của số phận đến với chuyện chú Dế Mèn của tôi trên đất Séc. Có lẽ nó cũng sẽ giải thích rõ, tại sao mãi tận hôm nay, sau cả một thời gian dài đằng đẵng như thế bản dịch của tôi mới đến tay bạn đọc.

Câu chuyện bắt đầu có vẻ hơi buồn cười. Ngày ấy, một vị tổng biên tập của Nhà xuất bản sách văn học dành cho thanh niên trong chuyến đi công cán nước ngoài đã tình cờ gặp một họa sĩ có tranh vẽ minh họa cho một cuốn sách vừa mới được dịch sang tiếng Nga „Cuộc phiêu lưu của con châu chấu tên Men“. Chuyện qua chuyện lại, hình như trong lúc chạm cốc vui vẻ, vị tổng biên tập đã hứa đại với chàng họa sĩ kia là sẽ cho xuất bản cuốn sách ấy ở Praha cùng với những tranh minh họa của chàng về chú châu chấu đáng yêu... Bản dịch tất nhiên phải được chuyển ngữ từ nguyên bản tiếng Việt và người được mời làm việc này là tôi, khi ấy đang là nghiên cứu sinh Việt Nam học năm thứ ba.

Câu chuyện lập tức cuốn hút tôi và tôi quyết tâm sẽ chuyển ngữ nó sang tiếng Séc một cách trung thực nhất. Nhưng quả thực không phải là dễ dàng khi phải xác minh ngần ấy tên các loại sinh vật sống ở vùng thiên nhiên nhiệt đới Việt Nam xa xôi, rồi phải đặt cho chúng những tên gọi sao vừa chính xác vừa gần gũi để các bạn đọc trẻ ở Séc có thể hiểu được. Tôi đã dành nhiều thời gian vào Thư viện của Viện bảo tàng Quốc gia để cặm cụi đọc nhiều trang trong công trình lớn về Côn trùng học của giáo sư Obenberger.

Tôi rất vui mừng tự hào với kết quả của mình. Chỉ có điều tôi không thể lờ đi rằng, cái con sinh vật nhỏ mà ai đó đã nhầm là châu chấu có tên „Men“ ấy trong tiếng Việt chính là  con dế mèn. Ngay cả cách sống côn trùng của chú nhân vật chính mà tác giả đã miêu tả ấy cũng đích thực là của dế mèn. Ở nước chúng ta việc soạn sách văn học cho trẻ em là một việc hệ trọng. Sách dành cho các em không được phép có những thông tin sai lệch. Vì thế tôi đã mạnh dạn lưu ý về sự không cân xứng giữa các tranh minh họa và nội dung của cuốn sách này. Vị tổng biên tập của nhà xuất bản thanh niên vốn đã chẳng hề có kế hoạch in sách văn học cho thiếu nhi đã thở phào nhẹ nhõm, ông ta đã vớ ngay được cái cớ rất hợp lí để rút lui khỏi lời hứa hão với chàng họa sĩ nọ mà vẫn không mang tiếng thất hứa.

Ít lâu sau tôi mang bản dịch của mình đến đúng địa chỉ Nhà xuất bản Quốc gia có nhiệm vụ chính là in sách văn học phục vụ cho thiếu nhi. Chỉ có điều không may là ở đó lại đang dấy lên niềm tin là trẻ em không nên bị ép thêm „gánh nặng chính trị và tư tưởng“. Và thế là câu chuyện chú Dế Mèn đi thương thảo với những cư dân trong thế giới sinh vật để tìm kiếm hòa bình thế giới đã không làm người ta khoái. Hai mươi năm sau tôi lại đến gõ cửa nhà xuất bản ấy lần nữa. Lần này họ câu chuyện của chú Dế Mèn lại gây cho họ cảm giác là quá dữ dội. Trong ban lãnh đạo bao trùm một quan điểm là trẻ em không nên bị nhồi sọ quá sớm về thực tế khắc nghiệt của cuộc sống. Cho đến tuổi mười lăm, thiếu nhi chỉ nên biết đến một thế giới ngập tràn ánh sáng của những câu chuyện kể buổi chiều hôm tràn đầy lòng nhân ái. Và thế là năm tháng cứ trôi qua.

Trong thời gian ấy đã xuất hiện nhân vật Harry Potter cho nên những cuộc phiêu lưu can đảm của chú Dế Mèn dưới con mắt ngày nay đã trở nên quá êm ả bình dị. Nhưng câu chuyện của Dế Mèn năm xưa được sinh ra  trong buổi chiều chạng vạng của Thế chiến lần thứ hai vẫn mãi là sự nhân cách hóa sống động của cuộc sống hiện tại trên thế giới đối với cả hôm nay, bẩy mươi năm sau ngày nó ra đời, và không thể tranh cãi, nó vẫn mang một ý tưởng cao quý mạnh mẽ. Còn đó một ý nghĩ thôi thúc: Trời ơi! Ta hãy làm gì đó, khi thời gian vẫn còn kịp!

Câu chuyện về chú Dế Mèn qua bao năm tháng mãi hôm nay mới xuất hiện ở Séc chính là đoạn kết có hậu của cuộc phiêu lưu đầy gian truân này. Nó đáp ứng được sự mong đợi của hàng trăm bạn đọc nhỏ tuổi và cả những bạn đọc lớn tuổi Việt Nam mà tiếng Séc ngày nay đã trở thành ngôn ngữ của họ. Vả lại nước Séc hình như cũng đã có ấn tượng cho Dế Mèn. Tác giả sáng tạo nên Dế Mèn, nhà văn lớn của Việt Nam Tô Hoài năm nay ở tuổi 93 đã viết những chương đầu tiên của câu chuyện này trong khoảng thời gian ông làm nhân viên của phân xưởng giầy Bata Tiệp Khắc ở Hà Nội.

Ivo Vasiljev 

České Budějovice, tháng 6. 2013


Nguồn tin: www.secviet.cz


Xem tin theo ngày: