Tin mới
Lý thú “Truyền thuyết Pra-ha”

Ngày đăng: 02/10/2013 - 00:00:00

Dưới sự tài trợ của Đại sứ quán Cộng hòa Séc tại Việt Nam, Nhà xuất bản Thế giới vừa mới phát hành cuốn sách “Truyền thuyết Pra-ha” do Vác-xláp Xi-bu-la sưu tầm, được hai cha con dịch giả Dương Tất Từ và Dương Thị Châu Lan dịch.

Cuốn sách “Truyền thuyết Pra-ha”.

Cộng hòa Séc được xem là một trong những trung tâm văn hóa lớn của châu Âu, có một nền văn hóa dân gian hết sức phong phú. Riêng thành phố Pra-ha đã có hàng chục tập truyền thuyết và có lần xuất bản với số lượng 50 nghìn bản. 32 truyền thuyết được chọn in trong cuốn sách dày chưa đến 200 trang này chỉ là một phần nhỏ trong kho tàng truyền thuyết về thành phố Pra-ha. Tuy nhiên, những truyền thuyết được hai dịch giả lựa chọn để giới thiệu với bạn đọc Việt Nam đều là đặc sắc.

Người đọc Việt Nam khi đọc trọn vẹn cuốn sách này sẽ đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Có lẽ, bất ngờ nhất là sự giống nhau giữa truyền thuyết Pra-ha với các câu chuyện cổ tích Việt Nam dù hai quốc gia cách xa địa lý và khác biệt văn hóa. Câu chuyện về “Chiếc nhẫn trong bụng cá” là câu chuyện của một người đàn bà thương gia giàu lên nhanh chóng khi mua những con gà có vàng trong mề do chúng sống ở trong vùng có mỏ vàng. Giàu có nhưng người đàn bà này hết sức keo kiệt, quả báo đến với bà ta khi một trận cháy đã khiến bà trở thành người ăn mày. Truyền thuyết “Chiếc nhẫn trong bụng cá” na ná với truyện “Sự tích con thạch sùng” của Việt Nam khi lên án những kẻ làm giàu bất chính và không có lòng thương người.

Truyền thuyết Pra-ha là những câu chuyện kể xa xưa về thủ đô cổ kính của Cộng hòa Séc, giúp cho người đọc Việt Nam được quay ngược lại thời gian để tìm hiểu sự tích quảng trường Vác-xláp, cầu đá Pra-ha, chiếc đồng hồ cổ trước tòa nhà thị chính Pra-ha, nhà thờ Do Thái cổ nhất tại Pra-ha và đôi khi cả... nghề nấu bia nổi tiếng. Đằng sau mỗi một công trình đang còn hiện diện tại Pra-ha là câu chuyện xa xưa hết sức lý thú, để lại những bài học vẫn còn có giá trị thời sự. Như chuyện “Cây cầu xây bằng trứng, sữa và pho mát” kể về việc xây cây cầu đá Pra-ha dưới thời vua Ka-ren. Chuyện kể rằng, trận lụt năm 1342 đã khiến cây cầu gỗ cổ nhất tại Pra-ha nối liền hai bờ sông Vôn-ta-va đổ sập. Vua Ka-ren liền kêu gọi nhân dân xây dựng cây cầu mới bằng đá để thay thế. Thời bấy giờ chưa có xi măng nên để kết nối các tảng đá với nhau, người dân đã ùn ùn kéo về Pra-ha với hàng tấn trứng, sữa và pho mát để làm chất kết dính. Từ câu chuyện này có thể thấy, ở bất cứ thời đại nào và bất cứ nơi đâu, người dân sẵn sàng hy sinh tất cả tài sản và sức lực cho những yêu cầu cấp thiết của đất nước.

Những truyền thuyết được ra đời từ đời sống bình dị suốt cả ngàn năm của thành phố Pra-ha và đi kèm với đó là những kinh nghiệm về "đối nhân xử thế" tuyệt vời của người xưa, đó là giá trị của cuốn sách “Truyền thuyết Pra-ha” lý thú, giúp bạn đọc Việt Nam hiểu hơn về lịch sử và chiều sâu văn hóa của không chỉ thành phố Pra-ha mà còn của con người và đất nước Cộng hòa Séc.


Nguồn tin: TRẦN HOÀNG HOÀNG (Báo QĐND)


Xem tin theo ngày: