Tin mới
TIẾNG SÉC Ở VIỆT NAM (Čeština ve Vietnamu)

Ngày đăng: 27/10/2014 - 08:22:18

Cộng hòa Séc là Quốc gia Châu Âu đầu tiên công nhận cộng đồng người Séc gốc Việt đang sinh sống, học tập và làm việc ổn định tại Séc là một dân tộc thiểu số (tháng 7/2013), có đầy đủ quyền lợi và nghĩa vụ như người bản địa. Tiếng Séc hay ngôn ngữ Séc, bên cạnh tiếng Việt đã trở thành ngôn ngữ chính thức của cộng đồng gần trăm ngàn người Việt đang đoàn kết, gắn bó và nỗ lực xây dựng chất lượng cuộc sống tại vùng đất Séc quý người, mến trọng nghĩa tình.

Lớp tiếng Séc ở CLB giao lưu văn hóa - Ngôn ngữ Séc (Thuộc hội Hữu nghị Việt Nam - Séc)

Câu thành ngữ của dân tộc Séc: Kde je dobře, tam je domov, có nghĩa ở đâu tốt - đấy là quê hương, hay: Đất lành - chim đậu đang đúng và sẽ mãi mãi đúng, cũng như có ý nghĩa nhân văn sâu sắc đối với một bộ phận không nhỏ con dân Đất Việt đang nỗ lực bươn trải, mưu sinh nơi viễn sứ.

Có thể nói, ngay từ khi mới thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nhà nước, Chính phủ và nhân dân Séc đã mở rộng vòng tay thân ái, đón hàng trăm thanh thiếu niên Việt Nam sang đào tạo (Dĕtský domov Chrastava - u Liberce - 1956). Nhiều người trong số họ đã hoàn thành xuất sắc chương trình học tập, nghiên cứu và khi trở về nước đã cống hiến hết mình cho sự nghiệp bảo vệ xây dựng, kiến thiết đất nước. Nhưng ngay từ cái thủa ban đầu ấy, tư duy của lãnh đạo Đại sứ quán Việt Nam tại Praha đã vượt trước thời gian để chỉ đạo nhóm sinh viên xuất sắc, đứng đầu là các ông Nguyễn Xuân Chuẩn, Trần Xuân Đàm, Bùi Đức Lại cùng tập thể cộng sự biên soạn cuốn từ điển Séc - Việt (bằng kinh phí tự túc và lòng nhiệt tình cách mạng). Cuốn sách ngay sau khi phát hành cho đến nay đã trở thành người bạn thân thiết, tác phẩm “gối đầu giường” của bao thế hệ học sinh, sinh viên, nghiên cứu sinh và hàng chục ngàn người Việt Nam sang Tiệp Khắc theo Hiệp định Hợp tác lao động những năm 80 của thế kỷ trước.

Phải khẳng định rằng, lớp người Việt Nam đi trước ở Séc, rất có ý thức và nhìn xa – trông rộng. Họ là những người, bằng con tim và khối óc của mình đã đặt những viên gạch văn hóa đầu tiên cho sự hình thành và phát triển cộng đồng người Việt ở vùng đất Séc hôm nay.

Nhưng nếu chỉ nói vậy sẽ là không công bằng bởi từ phía Tiệp Khắc, ngay từ những ngày đầu cũng đã gửi sang Việt Nam một số nghiên cứu sinh văn hóa - ngôn ngữ ưu tú để khám phá và tiếp thu sự đa dạng, phong phú của Văn hóa Việt. Họ đã miệt mài học tập và làm việc nghiêm túc trong điều kiện chiến tranh ác liệt ở miền Bắc để chuyển ngữ sang tiếng Séc, giới thiệu với nhân dân Tiệp Khắc về nước Việt Nam yêu chuộng hòa bình, giầu có - phong phú văn hóa dân gian, một dân tộc đang phải gồng mình dưới mưa bom của Đế Quốc đế giành dật sự sống, bảo vệ tự do - độc lập. Những công dân Séc ưu tú đó đã dịch sang tiếng Séc nhiều tác phẩm văn học Việt Nam tiêu biểu như: Truyện Kiều - Dịch giả Gustar Grancl 1958: Chinh phụ ngâm - dịch giả Atonin Kolek 1960 - 1970; Chuyện cổ tích Việt Nam - dịch giả I. Klinderová 1972; Nhật ký trong tù - Hợp dịch GS Vasiljev và V. Korčák – 1985...v.v…

Giờ giảng tiếng Séc cùng với chuyên gia Séc tại Khoa Quốc tế - Đại học Bách Khoa Hà Nội

Trong số những người Séc tâm huyết, một đời gắn bó với văn học và ngôn ngữ Việt phải kể đến nhà ngôn ngữ, nhà nghiên cứu nhân chủng học, giáo sư Ivo Vasiljev, người không chỉ am hiểu sâu sắc lịch sử, văn hóa ngôn ngữ, phong tục - tập quán Việt Nam mà còn viết rất nhiều sách các thể loại về đất nước chúng ta. Bên cạnh đó, ông còn là tác giả, đồng tác giả hàng loạt tiểu luận, chuyên khảo, bài viết và báo cáo tại các hội thảo Quốc tế và người Việt cổ, cổ vật đại dương từ các chuyến đi điền dã, thực tế của ông qua nhiều miền đất Việt. Công trình đồ sộ, tầm cỡ, "lưu hậu thế" mà ông đang dốc sức làm việc và hợp tác mật thiết với kỹ sư Nguyễn Quyết Tiến là bộ Đại từ điển giáo khoa Séc - Việt. Bộ sách đã xuất bản được tập I và tập II trong sự hân hoan chào đón của cả cộng đồng người Việt và sự ghi nhận công lao của cơ quan văn hóa - giáo dục hai nhà nước.

Trải dài lịch sử quan hệ toàn diện giữa hai nhà nước Việt Nam - Tiệp Khắc xưa và Việt - Séc hôm nay, ở mỗi giai đoạn lịch sử đều có những điểm sáng và những cá nhân, tập thể tiêu biểu, mà đóng góp của họ thật to lớn, ý nghĩa và đáng trân trọng, đặc biệt ở phương diện văn hóa.

Giờ dạy tiếng Séc của cô giáo Anna Riedlová tại Đại học Nha Trang tháng 12 - 2013

Hiện tại, trong xu thế hội nhập Quốc tế toàn diện và hướng tới một xã hội đa dạng về chủng tộc, văn hóa và ngôn ngữ, Cộng hòa Séc, mà cụ thể là Chính phủ, đang cổ vũ, tài trợ cho chương trình giúp đỡ người di trú hòa nhập toàn diện vào xã hội Séc hiện tại. Nội dung chính của chương trình đa văn hóa mà cơ quan quản lý, cung cấp tài chính là Bộ Nội vụ CH Séc đã cho chúng ta thấy việc tổ chức dậy tiếng Séc cho người nước ngoài, người nhập cư, các cá nhân có đơn xin cư trú lâu dài là một yêu cầu rất quan trọng, bởi ngôn ngữ gắn liền với văn hóa và mặc nhiên nó là công cụ tốt nhất, thúc đẩy nhanh sự hòa nhập và nâng cao chất lượng đời sống tinh thần người nhập cư nước ngoài, trong đó có bộ phận cộng đồng người Việt ngày càng gia tăng rõ rệt. Nếu ta theo dõi các trang báo mạng từ hai phía Việt Nam và Séc như của: Hội Hữu nghị Việt Nam - Séc. Hội người Việt tại Séc, Hội Séc - Việt, Klub Hanoi, báo Sec - viet.cz…hoặc trang: www. Čeština pro cizince; www.opv.cz của tổ chức hỗ trợ hội nhập người nước ngoài - Bộ Nội vụ CH Séc…đều thấy đưa tin rất nhiều khóa tiếng Séc miễn phí dành cho người Việt Nam. Ở Séc, hiện tại cũng đang có những con người tâm huyết, lăn xả vào mảng ngôn ngữ Séc vì cộng đồng người Việt như chị Eva Pechová, anh Jiří Kocourek, anh Komers…trong số nhiều người đáng quý mến ấy có cả những người Séc gốc Việt như cô Ngụy Giang Linh, cô Hải Anh - người đang điều hành và trực tiếp dậy tiếng Séc trên Internet thông qua trang: Học tiếng séc - Facebook. Lý do vì sao, Chính phủ Séc và những cá nhân ấy nhiệt tình, trách nhiệm đến vậy. Câu trả lời ở đây thật đơn giản: Họ muốn tất cả người Việt ở Séc hiểu biết ngôn ngữ của nước sở tại để đỡ vất vả, bớt thiệt thòi và phát triển toàn diện như chính công dân Séc vậy. Với tôi – tác giả của bài viết này, nghĩ rằng: Việc làm giàu chất nhân văn và tầm nhìn chiến lược của họ, âu cũng là mong muốn của Nhà nước Việt Nam và thân nhân những người có con em đang cần cù, bươn trải mưu sinh nơi miền đất Séc thân thiện và thanh bình.

Theo tôi được biết, từ phía Việt Nam, một số Hội viên Hội Hữu nghị Việt Nam – Séc cũng có những suy nghĩ, trăn trở. Làm gì đây để góp phần vun đắp, tô thắm thêm tình hữu nghị giữa hai dân tộc và thiết thực hỗ trợ cộng đồng người Việt đang có kế hoạch sang CH Séc định cư, học tập. Về mặt tài lực, tôi biết chắc chắn có nhiều hạn chế, nhưng tâm lực và năng lực ngôn ngữ - Văn hóa Séc ngược lại rất dồi dào, không thể khai thác hết được. Ví dụ: Cô giáo Trần Minh Hiền (hiện là PCT Hội Hữu nghị Việt Nam – Séc), thầy Trần Ngọc Châu… là những giảng viên một đời gắn bó với chuyên ngành ngôn ngữ và văn hóa Séc của trường Đại học Ngoại ngữ Hà Nội, nay là Đại học Hà Nội. Đi sau họ vẫn còn một lớp giáo viên trẻ hơn được đào tạo bài bản và trưởng thành từ vùng đất Séc những năm cuối của thập kỷ 70, thế kỷ trước, như cô giáo Đào Thị Hoa, thầy giáo Nguyễn Tiến Hưng...v.v… Được biết, những thầy, cô này đang còn sung sức, ngày đêm chuyên cần chỉnh nắn từng âm tiết, từng từ, từng câu tiếng Séc cho nhiều lớp học sinh, sinh viên du học và các bạn trẻ đang có đơn xin đoàn tụ gia đình tại Cộng hòa Séc. Bên cạnh các thầy – cô dậy tiếng Séc nhiệt tình, trách nhiệm còn có cả những tấm lòng mạnh thường quân vì tình hữu nghị truyền thống giữa hai dân tộc, vì ngôn ngữ - văn hóa và sự tiến bộ chung của cộng đồng mà tài trợ cho nhiều hoạt động hữu nghị như: Quảng bá hình ảnh, đất nước Séc, dậy tiếng Séc miễn phí, tổ chức thăm quan danh thắng Việt Nam cho chuyên gia, nghiên cứu sinh người Séc kết hợp cùng với sinh viên dự bị du học Séc và khóa học “Tiếng Séc vì cộng đồng”. Thông tin từ CLB Giao lưu Văn hóa – Ngôn ngữ Séc cho biết, các nhà tài trợ thường xuyên và mạnh tay cho văn hóa nhất phải kể đến các ông.

1. Ngô Hồng Chuyên - Lãnh sự danh dự CH Séc tại thành phố Hồ Chí Minh, UV BCH Hội Hữu nghị Việt Nam-Séc, Giám đốc, sở hữu chuỗi nhà hàng nấu bia Hoa viên nổi tiếng.

2. Nguyễn Thành Long - UV BCH Hội Hữu nghị Việt Nam-Séc, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Goldmalt, Phó Giám đốc Công ty TNHH Thương mại & Chuyển giao Công nghệ Séc-Việt.

3. Đỗ Ngọc Việt Dũng - Chủ nhiệm CLB Bohemia, Giám đốc sở hữu Công ty Thủy tinh pha lê Glass-Star

Đặc biệt, trong những tháng mùa hè 2014, khóa học tiếng Séc vì cộng đồng (dậy miễn phí) đã đi qua được quãng đường gần 3 tháng. Khóa học thu hút được nhiều học viên tham dự như: sinh viên, học sinh phổ thông, những người vợ trẻ chờ viza sang Séc đoàn tụ gia đình… Một cô giáo chuyên dạy tiếng cho dự án Hòa nhập người di trú ở Brno, khi biết tin về khóa học đã chủ động gửi E-mail xin tham gia tình nguyện và thực tế cô Dagmal Volnohradská đã sang Việt Nam tháng 7/2014 theo hộ chiếu du lịch và đã có 4 buổi trực tiếp giảng dậy như một lektorka Češtiny chuyên nghiệp cùng với giảng viên ngôn ngữ Nguyễn Tiến Hưng tại CLB, trong lớp Tiếng Séc vì cộng đồng. Theo tôi được biết, mô hình dạy tiếng Séc vì cộng đồng miễn phí tại Hà Nội đang ở giai đoạn thử nghiệm. Khóa học hè 2014 mới chỉ là lần thử nghiệm thứ III. Tuy nhiên, CLB đang nỗ lực để những khóa Tiếng Séc vì cộng đồng tiếp theo được duy trì thường xuyên và có những hoạt động văn hóa – hữu nghị phong phú hơn. Vẫn biết, mọi sự khởi đầu đều khó khăn, vất vả và kết quả không bao giờ được như mong đợi, nhưng những gì mà các thành viên Hội Hữu nghị Việt Nam - Séc đã và sẽ quyết tâm làm được cho mảng văn hóa, ngôn ngữ cộng đồng thật đáng ghi nhận và khích lệ. Có thể ví đây như một bông hoa đầy hương sắc trong vườn hoa Hữu nghị nhân dân Việt Nam - Séc.  Kết thúc ghi chép của mình, tôi muốn nói một lời cảm ơn bằng cả tấm lòng và bằng hai ngôn ngữ Séc, Việt tới tất cả các bạn Séc, những người yêu mến Việt Nam, đã và đang làm việc vì văn hóa và sự tiến bộ của cộng đồng người Việt ở Séc như Giáo sư Ivo Vasiljev, tập thể sáng lập và biên tập viên trang mạng KLUBHANOI, ngài Marcel Winter – Chủ tịch Hội Séc – Việt.…và còn nhiều người khác nữa (Tôi xin lỗi vì biết mà không thể kể hết tên những người bạn Séc quý mến ấy được).

Lời cảm ơn chân thành đương nhiên tôi phải dành cho các anh, chị trong Trung ương Hội Hữu nghị Việt Nam – Séc, những người mà theo tôi biết, rất thành đạt trong mọi lĩnh vực cuộc sống, thân thiện, chân thành và cũng có duyên nợ, nghĩa tình đằm thắm với miền đất, con người Séc.

Tôi hy vọng, bên cạnh nhiều hoạt động hữu nghị sôi nổi khác, các khóa Tiếng Séc vì cộng đồng sẽ tiếp tục được duy trì và khi xuống tới sân bay Václava Havla Praha, Ruzynĕ, người Việt (mới sang) nào cũng nói được câu:


DOBRÝ DEN, JSEM VIETNAMEC/VIETNAMKA, JSEM TADY NOVÝ/NOVÁ.
ČESKY UMÍM JEŠTĚ MÁLO.  MOC SE MI LÍBÍ ČESKÁ REPUBLIKA.

Hà Nội, ngày Quốc khánh Cộng hòa Séc 2014

Minh Phương


Xem tin theo ngày: