Tin mới
Đại sứ Trương Mạnh Sơn trả lời phóng viên báo Mladá Fronta

Ngày đăng: 19/07/2015 - 00:00:00


Đại sứ Việt Nam tại CH Séc Trương Mạnh Sơn
Ông Milan Syruček, phóng viên tự do, cộng tác viên của báo Lidové Noviny, phỏng vấn Đại sứ Việt Nam tại CH Séc Trương Mạnh Sơn những nội dung liên quan 65 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Séc – Việt Nam (1950 – 2015) và 70 năm Quốc khánh Việt Nam (1945 – 2015). Bài phỏng vấn được đăng trên phụ trương Mladá Fronta của báo Lidové Noviny, CH Séc.
Milan Syčucek (MS): Năm nay là 65 năm hai nước Tiệp Khắc và Việt Nam thiết lập quan hệ ngoại giao. Trong khoảng thời gian này không chỉ tên hai nước đã thay đổi, mà hai nước cũng diễn ra những thay đổi đáng kể. Vậy những thay đổi đó có tác động gì đến quan hệ hai nước?

Đại sứ Trương Mạnh Sơn (ĐS): Đúng như ông nói, trong 65 năm qua hai nước chúng ta có nhiều thay đổi. Tuy nhiên, tôi khẳng định rằng, mặc dù trải qua sự thăng trầm của lịch sử thế giới, sự thay đổi trong tình hình nội tại hai nước, nhưng quan hệ hữu nghị truyền thống giữa CHXHCN Việt Nam (mà trước đây là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa) và CH Séc (mà trước đây là CH Tiệp Khắc) không hề thay đổi.

Có thể nói, mối quan hệ giữa Việt Nam và Tiệp Khắc trước đây và CH Séc ngày nay là mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp và hợp tác nhiều mặt được xây dựng từ những năm 1950 của thế kỷ trước. Trước đây, Tiệp Khắc đã dành cho Việt Nam sự ủng hộ nhiệt tình, sự giúp đỡ quý báu trong sự nghiệp giải phóng dân tộc và công cuộc xây dựng đất nước. Séc đã giúp Việt Nam đào tạo nhiều cán bộ khoa học - kỹ thuật và công nhân lành nghề và cung cấp viện trợ phát triển ODA cho Việt Nam. Có nhiều sinh viên và nghiên cứu sinh Việt Nam sau khi tốt nghiệp từ Tiệp Khắc về nước đã trở thành các vị lãnh đạo cấp cao của chính phủ, các bộ, ngành, một số địa phương và một số là sỹ quan cấp cao trong quân đội…).

Từ năm 1958, Chính phủ và nhân dân Tiệp Khắc đã giúp nhân dân thành phố Hải Phòng xây dựng Bệnh viện hữu nghị - Việt Tiệp, sau đó là một loạt các công trình như: Cung Văn hóa hữu nghị Việt-Tiệp tp. Hải Phòng; Cung Thiếu nhi tp. Hà Nội; Trung tâm phục hồi chức năng trẻ tàn tật tại tp. Thái Nguyên… Các công trình này vẫn được sử dụng có hiệu quả cho đến ngày nay.

 Mặc dù có thay đổi thể chế chính trị và sau khi Tiệp Khắc tách thành 2 quốc gia độc lập, Séc tiếp tục kế thừa phát huy mối quan hệ truyền thống này. Hai bên đã ký Nghị định thư về kế thừa các Điều ước ký trước đây giữa Việt Nam và Tiệp Khắc và một số Hiệp định tạo khung pháp lý cho sự hợp tác trong giai đoạn mới như: Hiệp định tránh đánh thuế hai lần, Hiệp định vận tải hàng không. Sau năm 1993, Séc vẫn luôn coi trọng quan hệ với Việt Nam, đưa Việt Nam vào danh sách các nước ưu tiên phát triển quan hệ nhiều mặt, nhất là quan hệ kinh tế - thương mại và đầu tư trên cơ sở mới bình đẳng, cùng có lợi. Cùng với việc thành lập Ủy ban liên chính phủ về hợp tác kinh tế - thương mại, hai nước đã ký nhiều Hiệp định quan trọng, tạo khung pháp lý cho sự hợp tác nhiều mặt trong điều kiện mới. Quan hệ thương mại hai chiều có bước phát triển khá, từ trên dưới 100 triệu USD cách đây chục năm, đến nay lên tới khoảng 700 triệu USD. Con số này chắc chắn sẽ được tăng mạnh trong thời gian tới, nhất là sau chuyến thăm CH Séc của Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang, tháng 5.2015 vừa qua.

Trên diễn đàn quốc tế, hai nước đã phối hợp chặt chẽ và hiệu quả, ủng hộ lẫn nhau ứng cử vào ghế thành viên không thường trực của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc khóa 2008-2009. Từ năm 1999 mỗi năm Séc cấp 4-5 học bổng cho Việt Nam. Hai bên đã ký Hiệp định về hợp tác về giáo dục giữa Việt Nam và Séc nhân chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng Séc tới Việt Nam. Với mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp như vậy, tôi tin tưởng chắc chắn rằng trong những năm tới Việt Nam và Séc sẽ tiếp tục được củng cố và tăng cường, đặc biệt vào năm 2015 hai nước sẽ tổ chức các hoạt động kỷ niệm 65 năm thiết lập quan hệ ngoại giao.

MS: Bản thân nước Việt Nam đã diễn ra những thay đổi gì? Năm nay sẽ kỉ niệm 70 năm ngày ra đời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Vậy trong các hoạt động và lễ kỉ niệm những điểm nhấn gì được chú ý nhất?

ĐS: Đối với Việt Nam, chúng tôi đã trải qua những mốc lịch sử lớn. Hai cuộc chiến tranh giữ nước, giành độc lập dân tộc 1945 – 1954 và 1954 – 1975.  Sau đó Việt Nam thống nhất bước vào thời kỳ xây dựng đất nước. Năm 1986, đánh dấu mốc quan trọng khi Việt Nam tiến hành đường lối Đổi mới. Cho đến nay, qua 30 năm, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên con đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Thế và lực của Việt Nam đã lớn mạnh hơn nhiều và có thêm kinh nghiệm trong lãnh đạo, quản lý, điều hành phát triển kinh tế - xã hội. Kinh tế tăng trưởng ổn định ở mức tương đối cao, đời sống của nhân dân không ngừng được cải thiện, tình hình chính trị và xã hội ổn định, quan hệ đối ngoại được mở rộng và vị thế của Việt Nam ngày càng được nâng cao trên trường quốc tế.

Như mọi người đều biết, năm 2015 là một cái mốc quan trọng đối với Việt Nam và quan hệ Việt Nam – CH Séc: 70 năm thành lập nước, 40 năm thống nhất đất nước, 30 năm tiến hành sự nghiệp Đổi mới, 65 năm thiết lập quan hệ ngoại giao 2 nước Việt Nam – CH Séc.

Tại Việt Nam, lễ kỉ niệm 40 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước đã được tổ chức long trọng tại TP Hồ Chí Minh đúng ngày 30 tháng 4. Tại lễ kỉ niệm này, ông Ivo Vasiljev, công dân CH Séc, một người bạn chung thủy của nhân dân Việt Nam, là một trong những đại biểu quốc tế được Ban tổ chức mời tới dự. Hiện nay, các hoạt động kỉ niệm Quốc khánh 2 tháng 9 đang được tiến hành trên bình diện quốc gia cũng như ở tất cả các địa phương.

Việt Nam lần đầu tiên đăng cai và tổ chức thành công Đại hội đồng liên nghị viên thế giới lần thức 132 (IPU-132) từ 28.3 đến 1.4.2015, với hơn 900 đại biểu đến từ 160 đoàn nghị viện thành viên, thành viên liên kết, quan sát viên và khách mời quốc tế, trong đó đoàn đại biểu Nghị viện CH Séc có 12 thành viên, do Hạ nghị sỹ Stanislav Grospic, Phỏ chủ nhiệm Ủy ban pháp luật Hạ viện Séc làm Trưởng đoàn. Đây là sự kiện có ý nghĩa chính trị quốc tế rất quan trọng.

Một hoạt động vô cùng quan trọng đang diễn ra ở Việt Nam như là một điểm nhấn là đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội toàn quốc Đảng cộng sản Việt Nam lần thứ 12. Đây sẽ một Đại hội vô cùng quan trọng để tổng kết 30 năm thực hiện đường lối Đổi mới, đề ra chiến lược phát triển cho thời kỳ mới – thời kỳ xây dựng Việt Nam trở thành một nước công nghiệp phát triển trong vòng 10 năm tới. Với tình hình đất nước và sự tăng trưởng kinh tế như hiện nay, chúng tôi rất kỳ vọng và tin tưởng vào điều đó.

Tại CH Séc, kỉ niệm 65 năm quan hệ ngoại giao hai nước, Đại sứ quán Việt Nam tiến hành Đề án “Năm văn hóa Việt Nam” 2015 tại CH Séc; gồm có 3 mốc chính: - Tuần khai mạc; - Tuần bế mạc; - Tổ chức 65 sự kiện tượng trưng cho 65 năm quan hệ hai nước. Bao gồm các sự kiện, hoạt động trên tất cả các lĩnh vực chính trị - đối ngoại, kinh tế - thương mại – du lịch, văn hóa – giáo dục, lễ hội dân gian truyền thống… Đã có những sự kiện lớn diễn ra như Tuần khai mạc Năm văn hóa được tổ chức vào trung tuần tháng 5 trong chuyến thăm cấp nhà nước CH Séc của Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang bao gồm các hoạt động Lễ khai mạc Năm văn hóa, triển lãm “Việt Nam – Vẻ đẹp bất tận”, hội thảo kinh tế - thương mại – du lịch Việt Nam – Séc – Slovakia có sự hiện diện của Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang và Tổng thống CH Séc Milos Zeman; Lễ kỉ niệm 65 năm 2 nước thiết lập quan hệ ngoại giao (2.2.1950 – 2.2.2015) tại trụ sở Hạ viện Séc với sự hiện diện của nhiều quạn chức cấp cao CH Séc và khách quốc tế. Ngoài ra, Đại sứ quán phối hợp với Hội người Việt Nam, các tổ chức cộng đồng người Việt Nam cùng với các bộ, các địa phương Séc tổ chức hàng chục cuộc hội thảo, lễ hội vắn hóa truyền thống, được công chúng Séc hoan nghênh nhiệt liệt. Trong tuần bế mạc Năm văn hóa, ngoài phần đánh giá tổng kết, chúng tôi sẽ khen thưởng các tập thể, cá nhân người Séc đã có thành tích xuất sắc góp phần vào tăng cường, thúc đẩy quan hệ hai nước.

MS: Trước đây chúng ta có mối quan hệ đoàn kết gần gũi vì chúng tôi ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam. Ngày nay mối quan hệ này còn mở rộng sang lĩnh vực mới là quan hệ kinh tế. Vậy Việt Nam chào đón gì đối với các nhà đầu tư Séc?

ĐS: Đúng như vậy. Chúng tôi cũng nhận thấy, mối quan hệ kinh tế - thương mại hiện nay còn rất khiêm tốn, chưa tương sứng, ngang tầm với quan hệ chính trị - đối ngoại giữa hai nước, trong khi tiềm năng, khả năng còn rất lớn. Do vậy, chúng tôi xác định trọng tâm mối quan hệ hai nước trong thời gian tới là tăng cường mối quan hệ kinh tế - thương mại – du lịch, hợp tác về văn hóa, giáo dục, khoa học kỹ thuật.

Như ông biết, Việt Nam là một thị trường mới mở cửa, có nền chính trị ổn định, có tiềm năng rất lớn về nguồn tài nguyên thiên nhiên, có nguồn nhân lực dồi dào, yêu cầu phát triển kinh tế là vô cùng to lớn và quan trọng. Ngoài nỗ lực nội tại, chúng tôi cần các nhà đầu tư nước ngoài, ưu tiên là các đối tác truyền thống, trong đó có CH Séc.

Trong thời gian tới, tăng cường quan hệ kinh tế - thương mại với CH Séc được Đại sứ quán Việt Nam tại CH Séc xác định là nhiệm vụ ưu tiên số một. Đại sứ quán sẽ làm tốt nhiệm vụ nắm và nghiên cứu nền kinh tế, thị trường, thành tựu khoa học – kỹ thuật – công nghệ, tìm hiểu và giới thiệu đối tác, tham mưu cho chính phủ và các bộ, ban ngành, cơ quan chức năng, các địa phương Việt Nam có chính sách, bước đi cụ thể  thúc đẩy quan hệ kinh tế - thương mại lên ngang tầm quan hệ chính trị - ngoại giao.

Tiềm năng hợp tác kinh tế giữa hai nước còn rất lớn. Trong thời gian tới, hai bên tiếp tục thúc đẩy, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư và doanh nhân, các địa phương của hai nước tăng cường tìm kiếm đối tác, bạn hàng, ký kết các hợp đồng xuất nhập khẩu các nhóm ngành hàng hai bên có thế mạnh, xây dựng và triển khai các dự án đầu tư tại Việt Nam với mọi hình thức linh hoạt; tiếp tục tích cực trao đổi đoàn các cấp, tăng cường trao đổi thông tin, kết nối giữa các cơ quan quản lý, tổ chức hiệp hội ngành nghề và các doanh nghiệp hai nước. Các bộ, ngành hai bên xây dựng lộ trình triển khai vào thực tế các nội dung Biên bản Khóa họp lần thứ IV tại Hà Nội, tháng 5/2014 của Ủy ban hợp tác liên chính phủ Việt – Séc; tập trung vào các lĩnh vực công nghệ cao, cơ khí chế tạo, năng lượng, khai khoáng, môi trường, công nghiệp quốc phòng, công nghệ sinh học, trang thiết bị ứng dụng phục vụ nông nghiệp, thủy sản, chế biến thực phẩm, y tế (bệnh viện và trang thiết bị), du lịch nghỉ dưỡng, đào tạo nghề, đầu tư phát triển hạ tầng và hiện đại hóa giao thông (đường cao tốc, đường sắt, tàu điện ngầm, đầu máy toa xe .v.v...).

MS: Mối quan hệ gắn bó này cũng không chỉ trên lĩnh vực trao đổi thương mại, mà trước hết hiện có gần 70.000 người Việt định cư tại CH Séc, là một trong những sắc dân thiểu số lớn nhất ở đây. Nhiều người sinh ra, lớn lên, học tập, làm việc tại đây. Ông có đánh giá gì về hoạt động của cộng đồng người Việt Nam? Đại sứ quán giữ mối liên hệ với họ như thế nào? Ngài hài lòng gì về hoạt động của họ và có những lời cầu chúc gì tốt đẹp hơn đối với họ?

ĐS: Hiện có khoảng 60.000 người Việt đang định cư ổn định, lâu dài tại Séc và luôn được chính quyền sở tại tạo điều kiện thuận lợi làm ăn, sinh sống và học tập. Công dân Việt Nam luôn được đối xử bình đẳng như đối với người nước ngoài đang sinh sống tại Séc. Ngày 3/7/2013 cộng đồng người Việt Nam  chính thức được chính phủ Séc công nhận là dân tộc thiểu số thứ 14 tại CH Séc. Đây là sự kiện quan trọng thể hiện sự đánh giá cao, sự ghi nhận của Chính phủ Séc đối với những đóng góp, cống hiến của cộng đồng người Việt tại đây. Đại sứ quán Việt Nam tại CH Séc luôn chủ động, tích cực trong công tác định hướng, hỗ trợ và bảo hộ công dân với mục đích xây dựng một cộng đồng người Việt không ngừng ổn định đời sống, hội nhập sâu rộng vào xã hội sở tại và tiến tới phát triển bền vững. Một trong những mục tiêu mà chúng tôi đặt ra là giúp bà con ổn định đời sống, mở rộng kinh doanh và làm tốt vai trò cầu nối giữa hai nước Việt Nam và CH Séc. Hàng năm chúng tôi tổ chức rất nhiều cuộc hội thảo song phương, đa phương, hội thảo theo nhóm ngành nghề để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp giao lưu, trao đổi, tìm ra các biện pháp tháo gỡ những vướng mắc để hợp tác được tốt hơn, đẩy mạnh kim ngạch xuất khẩu hai chiều. Doanh nghiệp phát triển bền vững, kinh doanh mở rộng, tạo ra nhiều công ăn việc làm cho bà con đó chính là sự hội nhập tốt nhất vào xã hội sở tại. Bên cạnh đó Đại sứ quán, Hội người Việt Nam tại CH Séc đã phối hợp với Bộ Nội vụ CH Séc, Hội Séc – Việt cùng các tổ chức khác của Séc tổ chức nhiều cuộc hội thảo tại một số địa phương trên toàn CH Séc với chủ đề “Cộng đồng người Việt tại Séc nói không với ma túy“

Bên cạnh đời sống kinh tế, việc duy trì, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc cũng là một điều cực kỳ cần thiết đối với một sắc tộc thiểu số. Thế hệ trẻ thứ 2, thứ 3 sinh ra và lớn lên tại CH Séc có lợi thế tiếng Séc tốt và hội nhập một cách thuận lợi, tuy nhiên việc duy trì và sử dụng tiếng mẹ đẻ đối với họ lại rất khó khăn. Đại sứ quán đã cùng với các cơ quan chức năng trong nước hỗ trợ sách giáo khoa, tập huấn cho giáo viên của cộng đồng để duy trì các lớp tiếng Việt, hàng năm các cháu được cử về tham dự trại hè tại Việt Nam cũng là một hình thức để học tiếng Việt và tìm hiểu về quê hương đất nước. Đại sứ quán phối hợp với Hội người Việt Nam tại CH Séc tổ chức các hoạt động nhân dịp ngày lễ, Tết của dân tộc để bà con gắn bó với quê hương đất nước, thế hệ trẻ có dịp tìm hiểu các truyền thống của dân tộc. Trong thời gian tới, Đại sứ quán cùng với Hội người Việt Nam tại CH Séc sẽ nghiên cứu và tranh thủ sự hỗ trợ của chính phủ Séc về mặt chính sách cũng như tài chính cho việc giữ gìn, phát huy và bảo tồn bản sắc văn hóa của dân tộc Việt.

Đại sứ quán Việt Nam tại CH Séc có sự phối hợp chặt chẽ và nhịp nhàng đối với Hội người Việt Nam tại CH Séc, một tổ chức xã hội đại diện cho cộng đồng người Việt Nam ở đây. Chúng tôi thường xuyên có cơ chế phối hợp, trao đổi thông tin hai chiều, Đại sứ quán luôn tạo điều kiện, hỗ trợ cho các hoạt động của cộng đồng nhằm tăng cường sự giao lưu, gắn bó và đoàn kết trong cộng đồng. Bên cạnh đó Đại sứ quán còn hỗ trợ bà con trong việc chuyển đổi, định hướng về kinh doanh nhằm xây dựng một cộng đồng vững mạnh, ổn định và hòa nhập tốt vào xã hội sở tại.

MS: Xã hội Séc cần hiểu biết về cộng đồng người Việt Nam ở đây như thế nào để cả hai cộng đồng Séc và Việt ngày càng gần gũi, hợp tác chặt chẽ với nhau hơn?

ĐS: Cộng đồng người Việt Nam tại CH Séc là một cộng đồng được các nhà Lãnh đạo Séc và các chính khách đánh giá là cộng đồng có tính cần cù, chịu khó và chăm chỉ làm việc. Ở bất kỳ một làng nhỏ nào, hoặc trung tâm thương mại lớn cũng bắt gặp hình ảnh người Việt Nam chăm chỉ làm việc và những người bạn Séc cũng rất hài lòng khi có hàng xóm là người Việt. Cũng có thể có ý kiến cho rằng, người Việt Nam là một cộng đồng khép kín. Điều đó không hẳn chính xác. Cản trở lớn nhất ở thế hệ hiện nay là rào cản ngôn ngữ. Đặc tính của người Việt Nam là chân tình, cởi mở. Tuy nhiên thế hệ hiện nay chủ yếu là những người sang lao động, nên vốn ngôn ngữ tiếng Séc của họ không đủ để giao tiếp một cách dễ dàng với người dân Séc nên đã cản trở lớn đến sự hội nhập của họ. Tuy nhiên, thế hệ thứ 2, thứ 3 sinh ra và lớn lên tại CH Séc lại không phải như vậy. Họ đã hòa nhập hoàn toàn vào xã hội Séc, không phải chỉ về ngôn ngữ, mà cả tư duy, phong cách sống. Tuy nhiên, dòng máu Việt Nam vẫn chảy trong họ. Họ đều là những học sinh chăm ngoan và đạt thành tích cao trong học tập. Tại CH Séc có rất nhiều gương mặt xuất sắc trong các đội tuyển thi đấu của quốc gia về Toán học, Vật lý, Tin học, cờ vua, karate, nghệ thuật góp phần đem lại vinh quang cho CH Séc. Hàng năm cộng đồng người Việt Nam tại CH Séc cũng đóng góp một phần thuế không nhỏ vào ngân sách quốc gia CH Séc.

Ngoài ra mỗi khi nhân dân Séc gặp thiên tai, lũ lụt, cộng đồng người Việt tại đây luôn chia sẻ và giúp đỡ người dân đại phương. Chúng ta còn nhớ trận lũ lụt thế kỷ tháng 8 /2002 tại CH Séc đã gây thiệt hại nặng nề về người và của cho nhân dân Séc, trong đó có bà con cộng đồng người Việt tại đây.Trong những ngày này  Đại sứ quán, Hội Người Việt Nam tại CH Séc và các địa phương như Praha, Brno, Ostrava, Plzeň, České Budějovice, Železné Ruda, Domažlice, Tachov, Děčín vv…đã kịp thời quyên góp gửi tiền và hàng cứu trợ tới các Hội Chữ thập đỏ ở các địa phương, tổng số tiền và hàng lên tới trên 100.000 USD, bằng những việc làm đầy nghĩa cử cao đẹp của Cộng đồng người Việt tại Séc đã được Hội Chữ thập đỏ CH Séc, một số hãng thông tấn báo chí, Đài phát thanh và Truyền hình Séc đánh giá cao.

Tháng 8/2010 khi lũ lụt đã xảy ra tại một số vùng của CH Séc, trong đó có tỉnh Liberec, thị trấn Chrastava và một số vùng lân cận khác. Phát huy tinh thần “đoàn kết, hữu nghị, tương thân tương ái “, ngày 10/8/2010 Đại sứ quán, Hội người Việt Nam tại CH Séc đã ra lời kêu gọi ủng hộ nhân dân Séc và cộng người Việt Nam tại các vùng lũ. Nhân chuyến đi thăm tháng 6/2010 Đại sứ quán và các Hội đoàn của cộng đồng người Việt Nam đã chuyển tiền và hàng cứu trợ đợt đầu tiên tới nhân dân Séc tại địa bàn tỉnh Liberec gồm : 01 xe tải chở 45.000 gói mì ăn liền, 01 xe tải chở các mặt hàng thực phẩm, quần áo, đồ dùng cá nhân do TTTM Sapa – Praha 4 ủng hộ trị giá 150.000,-Kč ( Cua-ron) và tiền mặt là 200.000,-Kč.

Tháng 6/2013 lũ lụt đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản ở nhiều địa phương tại Cộng hòa Séc, trong đó có một số vùng tại Praha.Chiều ngày 07.06.2013 tại kho tiếp nhận Liben - Praha 8, lãnh đạo Đại sứ quán, HNVN tại CH Séc và đại diện cộng đồng người Việt  đã trao số hàng ủng hộ cho việc khắc phục hậu quả sau lũ lụt tại thủ đô Praha trị giá 361.866 Kc.
 
Cũng trong dịp này, cộng đồng người Việt tại Ústí nad Labem đã ủng hộ ủng hộ người dân vùng lũ lụt tại khu vực  Strekov với số tiền là 164 ngàn Cua ron.
 
Ngày 23/6/2013, Chi hội người Việt Nam tại Teplice đã phát động đợt quyên góp ủng hộ nhân dân vùng Bắc Séc bị lũ lụt và thu được số tiền là 147.400,- Cua – ron, Số tiền này tuy không nhiều nhưng qua việc làm này thể hiện tình cảm của cộng đông người Việt Nam đối với người dân Séc khi gặp hoạn nạn, khó khăn đồng thời thể hiện tính nhân văn và tinh thần tương thân, tương ái của người Việt Nam .
 
Hàng năm cộng đồng người luôn tham dự giải bóng đá Thượng viện CH Séc dành cho các dân tộc thiểu số và đạt thành tích cao; tham dự các lễ hội dành cho các dân tộc thiểu số và người nước ngoài tại thủ đô Praha và nhiều thành phố khác của CH Séc đã để lại nhiều ấn tượng tốt đẹp với người dân Séc và du khách quốc tế.
                                                              
Cộng đồng người Việt Nam tại CH Séc yêu quê hương thứ hai của mình là CH Séc như quê hương mẹ đẻ; họ gắn bó và góp phần làm đa dạng phong phú cho nền văn hóa Séc. Với truyền thống yêu chuộng hòa bình và biết ơn đối với sự giúp đỡ và tạo điều kiện của các thế hệ nhân dân Tiệp Khắc trước đây và CH Séc ngày nay, cộng đồng người Việt Nam tại CH Séc là một dân tộc thiểu số gần gũi, hòa đồng và gắn bó với nhân dân CH Séc.

MS: Chủ tịch nước Việt Nam đã đề cập những vấn đề gì với các nhà lãnh đạo Séc trong chuyến thăm Séc tháng 5.2015?

ĐS: Chủ tịch nước Việt Nam Trương Tấn Sang và đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã thăm cấp Nhà nước tới Cộng hòa Séc từ ngày 10-13/5. Trong chuyến thăm này, Chủ tịch Việt Nam đã có các cuộc gặp, làm việc với tất cả lãnh đạo cấp cao của CH Séc, như Tổng thống, Thủ tướng, Chủ tịch Hạ viện, Thương viện Quốc hội Séc. Tại các cuộc gặp này, hai bên nhất trí tăng cường quan hệ chính trị, duy trì trao đổi đoàn ở các cấp và phối hợp và ủng hộ lẫn nhau trên trường quốc tế, tích cực triển khai các thỏa thuận mà lãnh đạo cấp cao đã đạt được, nhất là nâng cao hiệu quả hợp tác giữa các Bộ, ngành. Lãnh đạo hai nước nhất trí nâng cao hơn nữa vai trò của Ủy ban Liên chính phủ trong hợp tác kinh tế - thương mại và đầu tư. Đáng chú ý, Séc coi Việt Nam là một trong những đối tác ưu tiên trong chính sách thương mại của bạn, mong muốn thúc đẩy và đưa quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư phát triển tương xứng với quan hệ chính trị tốt đẹp giữa hai nước. Lãnh đạo Séc đánh giá cao sự đóng góp tích cực của cộng đồng người Việt Nam vào sự phát triển kinh tế - xã hội Séc, coi sự hội nhập thành công của cộng đồng người Việt vào xã hội Séc là mẫu hình cho các cộng đồng thiểu số khác. Lãnh đạo Séc khẳng định tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng người Việt  làm ăn sinh sống ổn định và phát đạt tại Séc.

Nhân cuộc trả lời phỏng vấn này, một lần nữa tôi xin cảm ơn lãnh đạo và nhân dân CH Séc đã hết lòng ủng hộ Việt Nam trong công cuộc đấu tranh thống nhất và xây dựng đất nước. Mong sẽ tiếp tục nhận được sự ủng hộ, hợp tác có hiệu quả hơn nữa trong giai đoạn mới. Xin cảm ơn cá nhân ông cũng như lãnh đạo báo Lidové Noviny, Phụ trương Mladá Fronta đã tạo cơ hội cho tôi được trả lời phỏng vấn để thông tin đến các bạn đọc của báo. Xin kính chúc ông cùng Lãnh đạo, Ban biên tập, đội ngũ phóng viên, cộng tác viên của báo mạnh khỏe, thành công và hạnh phúc./.

Nguồn tin: http://www.secviet.cz


Xem tin theo ngày: