Tin mới
“Tình làng nghĩa xóm” của người Việt Nam trên đất Séc

Ngày đăng: 27/09/2015 - 01:27:38

Có lẽ trên thế giới này hiếm có quốc gia nào mà Cộng đồng người Việt Nam lại gắn kết với nhau có tổ chức thống nhất như ở nước Cộng hòa Séc! Hiện nay, Hội người Việt Nam tại Cộng hòa Séc có gần 50 chi hội cơ sở. Các chi hội khá ổn định về tổ chức và hoạt động có hiệu quả.

Họp mặt Cộng đồng người Việt tại thành phố Dolni Poustevna, tỉnh Mikulaso
Ông Giang Thành, Phó Chủ tịch Trung ương Hội người Việt Nam tại Cộng hoa Séc, ở Trung tâm Thương mại Sa Pa, thủ đô Praha, nói với chúng tôi như vậy, và ông còn cho biết thêm: Ngoài ra còn có các tổ chức xã hội, nghề nghiệp như Hội doanh nghiệp, Hội thanh niên, sinh viên, Hội Phụ nữ, Hội Phật tử, Hội Văn học nghệ thuật, Hiệp hội Môi giới lao động, Hội đồng hương cấp tỉnh v.v… hết thảy đều hoạt động khá chặt chẽ. Trong số này có gần 30 hội đã được chính quyền của Séc cấp giấy phép hoạt động và tự nguyện là thành viên của Hội Người Việt Nam tại Cộng hòa Séc!...

Lời mách chỉ ấy như một sự lưu tâm giúp tôi nhận ra tình quê hương đằm thắm của người Việt Nam giữa đất trời Âu.
 
Nhớ hôm anh Nguyễn Thành Sơn, trưởng khu, mời tôi dự họp mặt Cộng đồng người Việt tại thành phố DoLni Poustevna, tỉnh Mikulaso Vice của Tiệp Khắc xưa, nay thuộc nước Cộng hoà Séc. Chả là, vào những năm 80 của thế kỷ trước, đông đảo con em người Việt Nam theo đường của tổ chức Liên hiệp xã Việt Nam sang đây học nghề thủ công, nhưng rồi sự biến động của hệ thống XHCN, sau đó nước Tiệp Khắc chia thành 2 quốc gia là Czech (Séc) và Slovakia vào ngày 1/1/1993. Nhiều con em lao động Việt Nam đã trụ lại sinh sống và lập nghiệp tại vùng đất này (giáp với Đông Đức). Sau nữa, họ đưa người thân của mình sang sinh sống bằng dịch vụ buôn bán, tạo nên xóm người Việt tới 100 hộ gia đình. Trong đó có nhiều người Việt tới đây, nhưng sau lại toả đi nhiều vùng khác nhau.

Kỷ niệm “Với vùng đất lạ/ Nay đã thành quê). Đêm 16/7/2014 tại đây, hội tụ đông đảo cả 3 thế hệ từ mọi vùng trên đất Séc tới trên 300 người. Mặn nồng, đằm thắm, thân thiết như người một nhà lâu gặp lại. Họ “ôn cố tri tân” nhắc nhở nhau dù xa xứ nhưng luôn nhớ về quê hương đất nước, tổ tông, góp sức với Đất mẹ. Họ gom góp đồng tiền kiếm được gửi về hỗ trợ các chiến sỹ cảnh sát biển của ta đang ngày đêm kiên gan chiến đấu giữ vững chủ quyền biển đảo của tổ quốc thân thương... Họ hát vang những bài ca về tổ quốc, về đất nước Việt Nam, Về Trường Sa, Hoàng Sa...

Là khách trong cuộc hội ngộ, tôi biết thêm, nhờ tổ chức cộng đồng, nhờ hội nghề nghiệp, tổ chức xã hội và Hội đồng hương các tỉnh mà họ thường xuyên được gặp nhau, hay biết về nhau, chia sẻ vui buồn, hạnh phúc và gian khổ cùng nhau... Họ bảo: Cộng đồng có tổ chức thống nhất thực sự là nền tảng quan trọng gắn kết chặt chẽ, giúp nhau ổn định cuộc sống, hội nhập sâu hơn với nước sở tại, phát triển kinh tế bền vững, tiếp nhận thông tin đều đặn để hiểu sâu và luôn hướng về quê hương đất nước.

Ông Nguyễn Thành Phương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Hội người Việt, Chủ tịch Cộng đồng người Việt Nam ở vùng Sluknov, tỉnh Usti, khách mời trong đêm họp mặt, am tường về cộng đồng trên đất Séc, giãi bày với tôi: Việt Nam tại Cộng hòa Séc có khoảng 65.000 người, kể cả những người Séc gốc Việt. Phần lớn người Việt Nam ở đây kinh doanh tại các trung tâm thương mại hoặc các chợ do các công ty của người Việt Nam thuê hoặc mua đất xây dựng hoặc tại các cửa hàng trên toàn lãnh thổ Séc, nhưng tập trung nhiều ở một số thành phố lớn và khu vực biên giới. Số ít người làm trong các nhà máy, xí nghiệp, trường học, bệnh viện, doanh nghiệp tư nhân…Nhờ cần cù, chịu thương chịu khó họ đã có 1 cuộc sống ổn định. Chưa kể khá nhiều người kinh doanh thành đạt, trở thành những doanh nhân có uy tín, có thương hiệu. Theo số liệu của Hội cộng đồng người Việt thì “Một số doanh nghiệp đã đầu tư về nước ở nhiều lĩnh vực khác nhau như xây dựng, du lịch, gia công hàng dệt may, hàng thủy tinh cao cấp, sản xuất vật liệu xây dựng, chế biến thực phẩm xuất khẩu, tham gia các công ty đầu tư tài chính, thị trường chứng khoán … góp phần thúc đẩy quá trình xuất khẩu hàng Việt Nam sang Cộng hòa Séc và từ Séc đi một số nước khác và ngược lại”!

Trước lúc vào cuộc vui Đêm hội trăng rằm - “Vầng trăng cổ tích”, ông Đinh Quốc Sự, Chủ tịch Ban Chấp hành Cộng đồng người Việt Nam tại thành phố Rumburk thổ lộ: Trung thu – Trăng rằm là Tết vui truyền thống của các cháu Việt Nam ở trong nước cũng như ở thành phố Rumburk và những vùng phụ cận, cho dù các cháu sinh ra, lớn lên mang quốc tịch cộng hòa Séc, nhưng Việt Nam mãi là quê cha, đất mẹ, là tổ tiên thẳm sâu trong ký ức mà các cháu phải có bổn phận nâng niu, gìn giữ...“Vầng trăng cổ tích” đêm nay là một minh chứng! Đêm hội trăng rằm bừng sáng. Tôi nao nao khi thấy cháu nào cũng xinh xẻo hồn nhiên trong tà áo dài dân tộc Việt, tay rước đèn ông sao, chân như chim sáo, miệng cất ca ca từ hồn hậu bay cao bay xa: “Thế giới này là của chúng mình”... Nào là múa lân, múa sư tử; nhận quà thưởng học sinh học giỏi, làm việc hay, việc tốt, đỗ vào đại học...

Ông Sự nói thêm: Chỉ riêng cho các cháu, thì mỗi năm chúng tôi tập trung lo tốt 3 cuộc vui lớn, giúp các cháu nhớ và gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc Việt Nam mình, ấy là: Ngày Thiếu nhi Quốc tế 1/6; Rằm Tháng tám và Tết Nguyên đán, tết lớn nhất của dân tộc Việt Nam ta. Ngày ấy các cháu mặc quần áo đẹp nhất, vui vẻ, kính trọng bề trên; thân thiện với bạn bè trang lứa, chúc tụng nhau những điều tốt đẹp nhất; nhận lì xì mừng tuổi; ăn bánh chưng dân tộc; múa hát mừng năm mới... Nhờ thế, dù học tiếng dân tộc Séc từ lớp mẫu giáo, vỡ lòng nhưng các cháu đều sõi tiếng Việt và ham thích cùng bố mẹ về thăm đất nước, ông bà, tổ tiên! Nhân thể, ông Sự nói về những điều lớn lao hơn của tổ chức Hội Cộng đồng của mình: “Hằng năm, Đại sứ quán và Hội người Việt Nam tại Cộng hòa Séc tặng nhiều trăm giấy khen và quà cho các cháu học sinh thuộc thế hệ thứ hai của người Việt có thành tích học giỏi hoặc đoạt giải trong các cuộc thi từ cấp huyện trở lên. Một số cháu đoạt giải quốc tế mang lại vinh quang không những cho cộng đồng mà cho cả Cộng hòa Séc”!

Các doanh nhân người Việt ở tỉnh Karlovy Vary, ở thành phố Brno, Praha hay Rumburk... ai cũng thành tâm nhắc đến vai trò thiết thực của Hội Cộng đồng người Việt trên đất Séc đối với các doanh nghiệp như: Xúc tiến thương mại; vận động bà con cộng đồng tích cực chuyển đổi hình thức kinh doanh, từng bước đáp ứng tiêu chuẩn của Séc và EU; tổ chức hội thảo các doanh nghiệp Việt Nam với các cơ quan chức năng của Séc giúp cộng đồng người Việt hiểu biết chính sách mới của Séc và EU để dễ bề tiếp cận và hội nhập. Tuyên truyền, vận động bà con cộng đồng chuyển đổi mô hình kinh doanh từ các chợ biên giới vào nội địa mở cửa hàng, siêu thị. Tổ chức, khích lệ mạnh mẽ hoạt động thể thao, văn hóa, văn nghệ giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc đặc biệt là đối với thế hệ thanh thiếu niên.

Xoay quanh chuyện tình yêu quê hương của người Việt Nam trên đất Séc, thạc sỹ Trần Quang Hùng, Giám đốc điều hành tờ báo Tuần tin mới không quên nhấn mạnh: Cái hay của người Việt Nam mình trên đất Séc này là chịu thương chịu khó, làm việc tối ngày, quanh năm suốt tháng vì tương lai của con cái. Tình yêu thương gắn kết gia đình chòm xóm, hiếu nghĩa với tổ tiên, với quê hương đất nước là bản sắc văn hóa Việt luôn được gìn giữ và phát huy. Nhưng cái yếu, rất yếu của đông đảo bà con là sống khép kín, tự ti; số ít còn đố kỵ, chèn ép nhau; còn có buôn bán ma túy, kinh doanh hàng cấm, vi phạm luật pháp; thiếu tầm nhìn dài lâu... Cho nên công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục là trách nhiệm không hề nhỏ của Đại sứ quán, của tổ chức Hội người Việt Nam ở Séc cũng như của các tổ chức đoàn thể xã hội khác, trong đó có trách nhiệm của báo chí, nhất là khi cộng đồng của ta đã được công nhận là dân tộc ít người của Cộng hòa Séc...

Nói về báo chí, thạc sĩ Trần Quang Hùng kể: Tại Séc đã có hàng chục tờ báo và trang thông tin điện tử tiếng Việt, tạo nên luồng thông tin chủ đạo với cộng đồng. Các Hội, đoàn thể đã xây dựng được trang web riêng. Hội người Việt tham gia, tổ chức nhiều hoạt động đối ngoại như tiếp xúc, gặp gỡ hữu nghị, phối hợp tổ chức Ngày “Văn hoá Việt Nam” ở các địa phương trên toàn lãnh thổ Séc; triển lãm tranh: “Sắc màu Việt Nam qua con mắt người hoạ sỹ”; dịch sang tiếng Séc và xuất bản tập thơ “Nhật ký trong tù’’ và bộ Đại từ điển bách khoa Séc -Việt. Chủ động tham gia các chương trình phỏng vấn, tọa đàm, trao đổi, cung cấp thông tin cho các báo, đài của Séc góp phần làm cho người dân Séc hiểu rõ hơn về các mặt tích cực cũng như sự đóng góp của cộng đồng người Việt Nam với xã hội Séc!...

Nhiều tháng trời lang thang trên đất Séc, đến đâu, ở đâu tôi cũng chứng kiên hình ảnh người Việt Nam ta sum vầy, hội tụ. Đấy có thể là một buổi chung vui của cụm gia đình trong khu vực, mừng con cái thi đậu đại học hoặc được tỉnh thành phố vinh danh công trạng; là đêm sum họp đón mừng ông bà, cha mẹ từ Việt Nam sang thăm; cũng có thể đấy là lần tới chia buồn về sự quá cố của người thân... Thật khó quên những buổi sum họp bạn bè tại gia đình vợ chồng anh chị Phương – Chuyên ở thành phố Sluknov; gia đình anh Đinh Văn Ngọc và chị Nguyễn Thúy Nga ở thành phố Brno; anh chị Dũng-Nga ở thành phố Hranice; anh chị Thắng – Thu ở Karlovy Vary; anh chị Tú – Thanh ở Cheb; gia đình Hiếu – Thành ở Mikulasovice... Đã khá thành đạt trong kinh doanh, lại ấm áp tình bạn bè. Chung vui chén rượu, chung vui lời ca về tổ quốc, về biển đảo Việt Nam. Còn đó, lòng nhân ái góp sức xây dựng quĩ từ thiện của cộng đồng để đỡ đần nhau khi gặp hoạn nạn hoặc có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn...

Tạm biệt nước Séc thân yêu giữa vùng trung Âu xa xôi này mà lòng cứ lay lả, nơi ấy người Việt vẫn nguyên vẹn “tình làng, nghĩa xóm”, vẫn “bầu bí chung một giàn” như chính ở đất nước Việt Nam thân yêu của chúng ta.

Nguồn tin: HNMO


Xem tin theo ngày: