Tin mới
Mãi nồng nàn một tình yêu Việt Nam

Ngày đăng: 02/11/2016 - 00:00:00

Tôi gặp GS Ivo Vasiljev vào một ngày cuối tháng 11/2011 ở Hà Nội. Tôi bị ấn tượng mạnh bởi giọng Hà Nội chuẩn của ông “Tôi cảm ơn các bạn đã đến đây để lắng nghe tôi. Cảm ơn chú Hoàng đã tổ chức cho tôi buổi gặp gỡ thú vị thế này”. Nhà Việt Nam học không chỉ dí dỏm “Tôi ăn cả tiết canh. Thịt chó cũng rất thú vị”, mà còn tiết lộ, ông dạy tiếng Việt cho người Việt ở quê hương ông, Cộng hòa Czech.

GS Ivo trên đường lên đỉnh Yên Tử thắp hương Phật hoàng Trần Nhân Tông tháng 1/2012. Ảnh tư liệu: Tiền phong.
Hơn 50 lần đến Việt Nam, nói chuẩn giọng Hà Nội, dịch tập thơ Nhật ký trong tù của Hồ Chí Minh ra tiếng Séc, thường xuyên xông đất cho người Việt vào Tết Nguyên đán, GS Ivo như biểu trưng cho một tình yêu Việt Nam hiếm có. Tình yêu mãi cháy, dù ông vừa ra đi ở tuổi 81.
 
Thích ăn phở, đạp xe qua bến sông
 
Chiều muộn ngày 27/10, tôi nhận được bức thư từ người con trai của GS Ivo thông báo ông đã ra đi, trong vòng tay yêu thương của gia đình vào chủ nhật 23/10/2016. Lễ tang tổ chức vào hôm nay 2/11/2016 tại quê hương ông.
 
GS Ivo từng là nhà Việt Nam học duy nhất của Viện Hàn lâm Khoa học Cộng hòa Czech,  ông bắt đầu học tiếng Việt, nghiên cứu văn hóa, ngôn ngữ Việt Nam từ  hơn nửa thế kỷ, năm 1959. Buổi gặp cuối năm 2011 ấy, giữa một GS nước ngoài và các nhà báo Việt Nam, ngôn ngữ sử dụng hoàn toàn tiếng Việt. Với một “giọng Hà Nội xịn”, thi thoảng ông làm người nghe ồ lên bởi những câu nói dí dỏm, chẳng hạn  “tôi từng ăn thịt chó 7 món rồi đấy” (nói về những món ăn Việt yêu thích) hoặc “ ở Czech, nói đến từ bông người ta chỉ nghĩ đến áo bông thôi. Vì vậy, tôi phải dịch sang nghĩa là trắng như tuyết” (ông kể khi dịch câu thơ “gạo giã xong rồi trắng tựa bông” trong tập thơ Nhật ký trong tù ra tiếng Czech).
 
Cánh phóng viên hỏi ông đến Việt Nam bao nhiêu lần rồi? GS cười bảo, hôm rồi ở sân bay Nội Bài, chú công an nhập cảnh cũng hỏi tôi câu đó. Tôi không nhớ rõ nhưng ít nhất là 50 lần. Có thể hơn nữa. Nhiều quá tôi không nhớ được. GS Ivo từng đón Tết Nguyên đán ở Việt Nam vào 1965 khi mà dân Hà Nội hầu hết đi sơ tán để tránh bom Mỹ. Ông bảo, mình nhớ như in, đêm giao thừa, ở cửa vào khách sạn Thống Nhất treo nhiều chuỗi pháo nhỏ, nổ như những hồi tiểu liên. Sáng mùng Một Tết, đi dạo 36 phố phường rồi  xông đất cho một nhà người quen. Vị GS người Czech còn dẫn cả ca dao, tục ngữ để nói về Tết Việt. “Đó cũng là lần đầu tiên tôi được ăn bánh chưng, được mừng tuổi, được chúc tết để hiểu được rõ hơn câu thơ: Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh”.
 
Từ 1985, GS Ivo “về” Việt Nam hằng năm, có những thời gian lưu lại hơn một năm khi tham gia công trình khai quật tàu đắm cổ ở vùng Cù Lao Chàm với vai trò phiên dịch tiếng Việt và tiếng Anh cho đoàn khảo cổ. Vị GS từng kể, những ngày ở Việt Nam, ông thường ăn sáng bằng phở Việt Nam. Thích đạp xe đạp trên những con đường nhỏ, dắt xe đạp xuống những bến sông và qua sông trên những chiếc thuyền. 
 
“Trước khi tôi sang đây, Đại sứ quán Việt Nam tại Czech tiễn tôi bằng món mì xào. Ngoài ra tôi cũng thích nem, rau muống chấm tương, mắm tôm. Tôi ăn cả thịt chó và tiết canh đấy. Khi ở huyện Điện Bàn (Quảng Nam), tôi được thưởng thức thịt chó bảy món do một đầu bếp Hà Nội chế biến”, ông kể khi có người hỏi thích ăn gì ở Việt Nam.
 
Từ chuyện ẩm thực, ông lái sang chuyện trang phục “Ở Czech cũng như các nước châu Âu, thật khó để có thể nhìn thấy một phụ nữ mặc trang phục truyền thống. Ở Việt Nam, các nữ sinh, nhất là học sinh miền Nam, thường mặc áo dài đến trường. Trong các dịp lễ, tết hay các hội nghị, hội thảo, đều dễ dàng nhìn thấy áo dài. Tôi thích sự trân trọng của người Việt Nam với trang phục truyền thống của mình”.
 
GS Ivo Vasiljev chụp ảnh cùng một số nhà khoa học, ngôn ngữ học Việt.
 
Những công trình về Việt Nam
 
Vào thập kỷ 60 của thế kỷ trước, GS Ivo có nhiệm vụ xây dựng môn Việt Nam học ở Tiệp Khắc (cũ), dạy lịch sử, địa lý, một phần văn học Việt Nam ở Trường Đại học Tổng hợp Charles (Praha). Viết sách về Việt Nam, dịch thơ từ tiếng Việt sang tiếng Czech là công việc, như ông nói “phức tạp nhưng thú vị”.  Ông viết sách “Tìm di sản văn hoá của người Việt cổ” bằng tiếng Czech, được Viện Dân tộc học thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Cộng hòa Czech xuất bản năm 1999. Ông cũng  tham gia chương trình nghiên cứu đa ngữ ở châu Âu do 9 trường đại học ở châu Âu thực hiện, trong đó nghiên cứu về vấn đề đa ngữ của cộng đồng người Việt Nam tại Tiệp Khắc. Một số cuốn sách và thơ được ông dịch sang tiếng Czech như thơ Giang Nam, thơ Phan Thị Thanh Nhàn, thơ Hồ Chí Minh. Trong đó, vị GS kể rằng, ông nhớ nhất là việc dịch tác phẩm “Nhật ký trong tù” của Hồ Chí Minh sang tiếng Czech.
 
GS Ivo kể rằng, ông từng được gặp Bác Hồ một tuần. Hồi tháng 10/1966, với trách nhiệm phiên dịch cho đoàn đại biểu Chính phủ Tiệp Khắc do Thủ tướng Lenart dẫn đầu sang thăm Việt Nam, ông gặp Bác Hồ hằng ngày. Tại buổi chiêu đãi đầu tiên ở Phủ Chủ tịch, sau khi ông dịch bài nói chuyện của Thủ tướng Tiệp Khắc, Bác Hồ mời ông ngồi cạnh Bác trong phòng riêng khi Bác tiếp đoàn đại biểu Tiệp Khắc và Bác nói là Chú hôm nay không có nhiệm vụ phiên dịch vì chú là khách của Bác. Điều đó khiến ông rất xúc động. Tập thơ Nhật ký trong tù của Hồ Chí Minh được GS Ivo dịch vào đầu thập niên 80, xuất bản vào năm 1985.
 
Ngoài ngôn ngữ tiếng Việt, GS Ivo Vasiljev còn thành thạo nhiều thứ tiếng gồm tiếng Czech, Anh, Nga, Pháp, Triều Tiên. Ảnh: Nguyễn Hoài.
 
Dạy Tiếng Việt cho người Việt
 
Khi nghe tin GS Ivo mất, tôi vào mạng thì thấy bài viết “Người Việt tại Séc thương tiếc TS Ivo Vasiljev- Nhà Việt Nam học xuất sắc” của tác giả Thiều Quang, một người Việt định cư ở Czech trên Tạp chí Quê hương điện tử (quehuongonline.vn) của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, thuộc Bộ Ngoại giao. Đoạn mở đầu nhiều cảm xúc Khi tôi ngồi viết những dòng này, con người được cả cộng đồng người Việt đang làm việc và sinh sống tại Cộng hòa Séc này ngưỡng mộ, trân trọng, quí mến như anh em ruột thịt đã không còn nữa… ông để lại một khoảng trống không thể lấp đầy trong trái tim những người Việt Nam yêu quí ông.
 
Nhớ lại năm 2011, khi chúng tôi hỏi GS Ivo có thường xuyên tiếp xúc với người Việt tại Czech không? Ông ồ lên “đặc biệt nhiều”. Ông kể vanh vách rằng, hiện có khoảng 60 nghìn người Việt tại Czech. Ông tiếp xúc với người Việt và nói tiếng Việt hằng ngày, trong đó có việc dạy cả tiếng Việt cho trẻ em Việt tại cộng hòa Czech và dạy cả tiếng Czech và văn hóa Czech cho người Việt mới sang Czech. Rồi chuyện, người Việt ở CH Czech đều có bàn thờ các cụ, đều cúng lễ giao thừa, có gia đình mời họ hàng, bạn bè cùng làm bánh chưng. Đặc biệt, phần đông các hộ gia đình người Việt ở CH Czech đều buôn bán nên việc chọn khách xông đất trở thành một việc hệ trọng. 
 
Ông cũng bộc bạch một cách trăn trở rằng, nhiều gia đình người Việt vì bận công việc kinh doanh nên thường giao các con nhỏ cho những bảo mẫu người Czech. Khi các em đến trường lại học bằng ngôn ngữ Czech. Vì vậy, mặc dù trong gia đình vẫn sử dụng ngôn ngữ tiếng Việt nhưng vốn từ vựng của một số em rất hạn hẹp, cách phát âm không chuẩn. Ông bảo “tôi cũng thường trò chuyện với nhiều bậc phụ huynh người Việt và khuyên họ nên chú trọng dạy tiếng Việt cho con của mình vì, đối với tiếng Czech, các em có thể học ở trường”.
 
Trong bài viết của tác giả Thiều Quang có đoạn Hầu như những hoạt động lớn của người Việt ở Séc đều có mặt ông, hay đúng hơn là ông “bị” phải đến. Cũng chỉ bởi chúng tôi quá yêu ông và không muốn ông là của một ai”.
 
Sau lần gặp năm 2011, tôi có trao đổi với GS Ivo một vài lần qua mail. Lần nào cũng nhận được sự hồi đáp nhanh chóng, đầy đủ và dí dỏm của ông. Mail được gửi đi hôm 27/10 có lẽ là bức thư cuối cùng đến từ mail của ông. Một tình yêu Việt Nam hiếm có đã tắt. Ở bên trời Âu, có lẽ nhiều người Việt ở Zech đang tiếc thương và sẽ nhớ ông nhiều như cách viết của tác giả Thiều Quang “Với chúng tôi, những người Việt đang sinh sống ở Cộng hòa Séc này, ông chưa và sẽ không bao giờ mất”.

Nguồn tin: Nguyễn Hoài (tienphong.vn)


Xem tin theo ngày: