Tin mới
Séc muốn tiếp nhận điều dưỡng viên, y, bác sỹ của Việt Nam

Ngày đăng: 13/06/2019 - 08:43:03

Ngày 11/6 tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung tiếp Đoàn Hạ viện Cộng hòa Séc do ông Vojtech Filip, Phó Chủ tịch Hạ viện, Chủ tịch Đảng Cộng sản Séc - Morava làm trưởng đoàn, nhân chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam.

Điều dưỡng viên tại Khoa Cấp cứu - Bệnh viện Chợ Rẫy Thành phố Hồ Chí Minh tích cực cấp cứu cho bệnh nhân. Ảnh minh họa. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN)
Tại buổi tiếp, hai bên bày tỏ vui mừng về mối quan hệ hữu nghị và hợp tác truyền thống giữa Việt Nam-Séc được lãnh đạo, nhân dân hai nước không ngừng vun đắp qua nhiều thế hệ, đã và đang phát triển mạnh mẽ.
 
Chuyến thăm Séc vào trung tuần tháng 4 vừa qua của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã thúc đẩy hợp tác song phương trên nhiều lĩnh vực giáo dục-đào tạo, lao động, nông nghiệp, khoa học công nghệ, môi trường, văn hóa-du lịch. Đặc biệt, từ đầu tháng 6/2019, Cộng hòa Séc đã chính thức mở lại việc cấp visa dài hạn cho người lao động Việt Nam, dự kiến sẽ mở đường bay trở lại từ Việt Nam sang Séc. Đây là việc làm có ý nghĩa và là hoạt động hợp tác xuất phát từ lợi ích của hai quốc gia, qua đó sẽ phát huy được tiềm năng của cả hai bên.
 
Phó Chủ tịch Hạ viện Séc Vojtech Filip cho biết chuyến thăm và làm việc với Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội lần này nhằm trao đổi, triển khai cụ thể hóa mục đích mà Thủ tướng Chính phủ hai nước đã đề ra.
 
Thời gian tới, Cộng hòa Séc mong muốn hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực đào tạo điều dưỡng viên, y, bác sỹ, đồng thời thành lập một cơ sở đào tạo về lĩnh vực này tại Việt Nam.
 
Sau khi hoàn thành việc đào tạo chuyên môn và ngôn ngữ tại Việt Nam, phía Séc sẽ cấp visa để các công ty trực tiếp ký hợp đồng với các học viên, đảm bảo cho các điều dưỡng khi sang Séc làm việc sẽ có cơ hội học tập, nâng cao trình độ chuyên môn của mình, để sau khi kết thúc hợp đồng có thể trở về phục vụ tại các cơ sở y tế trong nước.
 
Theo Phó Chủ tịch Hạ viện Séc Vojtech Filip, trong quá trình toàn cầu hóa, nhiều nước phải đối mặt với những vấn đề liên quan đến bệnh tật. Hiện châu Âu đang phải ứng phó với làn sóng người dân di cư bất hợp pháp, do đó, Cộng hòa Séc rất quan tâm tới vấn đề y tế, điều dưỡng viên. Về quy mô, dự kiến, Cộng hòa Séc có khả năng tiếp nhận khoảng 3.000-4.000 điều dưỡng viên Việt Nam sang học tập và làm việc.
 
Khẳng định tiềm năng hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực lao động, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết Việt Nam đang bước vào giai đoạn già hóa dân số và luôn xác định trách nhiệm cùng các quốc gia khắc phục tình trạng này.
 
Tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV sẽ thảo luận về Bộ luật Lao động (sửa đổi), trong đó có việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu để đảm bảo đến năm 2039, Việt Nam khắc phục được tình trạng già hóa dân số như một số quốc gia khác.
 
Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội được Chính phủ giao quản lý 1.954 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 48 trường cao đẳng, trung cấp có chức năng đào tạo chuyên ngành về lĩnh vực y tế. Trung bình mỗi năm, Việt Nam xuất khẩu khoảng 145.000 lao động, chủ yếu tập trung ở các nước và vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức, Malaysia.
 
Việt Nam là nước có kinh nghiệm trong việc tổ chức tuyển chọn, đào tạo và đưa công dân đi làm việc ở nước ngoài, trong đó có điều dưỡng viên, hộ lý đi làm việc tại Nhật Bản, Đức.
 
Việt Nam sẵn sàng hợp tác với Cộng hòa Séc trong việc tuyển chọn, đào tạo đưa người lao động Việt Nam đi làm điều dưỡng, hộ lý tại quốc gia này. Bên cạnh đó, Việt Nam mong muốn Séc hỗ trợ đào tạo nâng cao kỹ năng nghề đối với những lĩnh vực mà nước này có thế mạnh như luyện kim, sản xuất máy móc, thiết bị điện tử, phương tiện giao thông, dệt may, dược phẩm, chế biến lương thực thực phẩm... - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.
 
Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đề nghị hai bên giao cho các cơ quan liên quan trao đổi, đàm phán, ký kết thỏa thuận hợp tác và tổ chức thực hiện. Ngoài cung ứng và tiếp nhận điều dưỡng viên, hộ lý đi làm việc tại Cộng hòa Séc, tiếp tục nghiên cứu để mở rộng lĩnh vực ngành nghề, tiếp nhận lao động Việt Nam ở tất cả các nghề mà Séc có nhu cầu, phù hợp với luật pháp của hai nước./.

Nguồn tin: Hạnh Quỳnh (TTXVN/Vietnam+)


Xem tin theo ngày: