Tin mới
Nhân chuyến thăm hữu nghị chính thức LB Nga, CH Séc, CH Belarus của Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu cấp cao QH Việt Nam: Thế đứng của ngoại giao nhân dân

Ngày đăng: 22/04/2009 - 13:36:48

Nhận lời mời của Chủ tịch Hội đồng Liên bang (Hạ viện) Liên bang Nga Sergei Mironov, Chủ tịch Hạ viện Cộng hòa Séc Miloslav Vlcek, Chủ tịch Viện Đại biểu Cộng hòa Belarus (Hạ viện) Vladimir Andreichenko và Chủ tịch Hội đồng nước Cộng hòa Belarus (Thượng viện) Boris Batura, hôm nay, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng và Phu nhân lên đường thăm hữu nghị chính thức Liên bang Nga, Cộng hòa Séc và Cộng hòa Belarus từ ngày 22.4- 1.5.2009.

Nhớ lại những năm của thập niên cuối, thế kỷ trước, sau những biến cố ở Liên Xô và Đông Âu, quan hệ của chúng ta với các nước này bị chững lại. Song bây giờ thì đã khác. Mối quan hệ truyền thống đã được khôi phục, hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam với Nga, với các nước thuộc Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) và các nước Đông Âu đã vượt qua thời kỳ khó khăn và đang trong giai đoạn phát triển tích cực. Chuyến thăm lần này của người đứng đầu cơ quan quyền lực Nhà nước tối cao của Việt Nam hướng tới mục tiêu quan trọng là củng cố và tăng cường hơn nữa quan hệ hữu nghị, hợp tác truyền thống, cùng có lợi giữa Việt Nam với các nước lên một bước mới.

Theo lịch trình, điểm đến đầu tiên trong chuyến thăm chính thức của Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng là Liên bang Nga- đất nước có diện tích lớn nhất thế giới. Cách đây gần 60 năm, Việt Nam (khi đó là Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa) đã thiết lập quan hệ với Liên Xô, là Liên bang Nga ngày nay. Giờ đây, dù Nga đã thay đổi về thể chế chính trị, song kế thừa và phát huy truyền thống, quan hệ chính trị Việt- Nga không ngừng được tăng cường và tin cậy lẫn nhau. Dấu mốc khá quan trọng là năm 2001, trong chuyến thăm chính thức Việt Nam của Tổng thống Nga V. Putin, hai bên đã thiết lập mối quan hệ đối tác chiến lược. Và cơ sở pháp lý cho quan hệ song phương giữa hai nước cũng đã được ký kết khá đầy đủ. Trong quan hệ kinh tế thì dầu khí và năng lượng luôn là lĩnh vực hợp tác truyền thống và hiệu quả, đem lại nguồn thu lớn cho ngân sách hai nước. Hai bên tiếp tục hợp tác trong việc hiện đại hóa và xây mới các công trình năng lượng tại Việt Nam. Có lẽ trong ba nước mà Chủ tịch QH tới thăm, Liên bang Nga là nơi có số lượng người Việt sinh sống và làm ăn nhiều hơn cả, khoảng 60- 80 nghìn người, và trên 90% số đó vẫn là công dân Việt Nam, có hộ chiếu Việt Nam.

Cũng gần giống như quan hệ với Nga, Việt Nam thiết lập và có quan hệ với Cộng hòa Séc (Tiệp Khắc cũ) qua một chặng đường khá dài- gần 60 năm (từ năm 1950). Kể từ khi tách thành quốc gia độc lập (năm 1993), Séc kế thừa các quan hệ của Tiệp Khắc (cũ) với Việt Nam, và quan hệ giữa Việt Nam với đất nước Trung Âu này đang phát triển tích cực.  Ngay trong quan hệ kinh tế thương mại, Việt Nam và Séc đã ký Nghị định thư về kế thừa các điều ước đã ký trước đây giữa Việt Nam và Tiệp Khắc, cũng như ký một số Hiệp định tạo khung pháp lý cho sự hợp tác trong giai đoạn mới. Kim ngạch mậu dịch giữa hai nước tăng khá nhanh. Việt Nam chủ yếu xuất khẩu nông sản, thực phẩm, sản phẩm may mặc và nhập máy móc thiết bị, thủy tinh, thuốc chữa bệnh… Tuy nhiên kim ngạch vẫn còn thấp so với tiềm năng của cả hai bên. Cũng như ở Nga, cộng đồng người Việt tại Séc khá lớn, khoảng trên 50.000 người. Tại đây có các tổ chức Hội đoàn của người Việt như: Hội người Việt Nam toàn Séc, Hội doanh nghiệp, Hội văn hóa Séc - Việt, Hội Phật tử Việt Nam tại Séc… Phía Séc đánh giá tốt cộng đồng người Việt Nam và người Việt được đối xử bình đẳng như đối với người nước ngoài khác.

Có lẽ, trong số ba quốc gia mà Chủ tịch QH tới thăm thì số lượng người Việt tại Belarus ít hơn cả, chỉ khoảng 600 người. Đất nước Đông âu này có vị trí chính trị khá quan trọng, là một trong những tuyến chính nối Nga với Tây Âu. Sau khi tuyên bố độc lập (năm 1991) và tách khỏi Liên bang Xô viết, Belarus đi theo đường lối đa nguyên chính trị song vẫn giữ chính quyền theo mô hình Xô viết. Quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Belarus không ngừng phát triển. Hai bên đã trao đổi các đoàn cấp cao; các đoàn lãnh đạo các bộ, ngành và địa phương. Quan hệ kinh tế, thương mại tăng hàng năm nhưng vẫn còn khiêm tốn. Tỷ lệ nhập siêu của Việt Nam còn lớn (gấp 5 lần xuất khẩu của Belarus sang Việt Nam).

Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu cấp cao QH Việt Nam mang tới ba nước Liên bang Nga, Cộng hòa Séc, Belarus thông điệp đối ngoại của Việt Nam- độc lập tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ quốc tế, sẵn sàng là bạn và là đối tác tin cậy của các nước trong cộng đồng quốc tế, góp phần nâng cao vai trò và vị trí của Việt Nam trên trường quốc tế và đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam. Cụ thể hóa và thúc đẩy việc thực hiện cam kết xây dựng đối tác chiến lược giữa Việt Nam và Liên bang Nga. Tăng cường quan hệ hữu nghị hợp tác truyền thống với Séc và Belarus. Riêng với Cộng hòa Séc, nuớc đang giữ chức Chủ tịch Liên minh Châu Âu, chuyến thăm của Chủ tịch QH góp phần triển khai mạnh mẽ Đề án tổng thể về quan hệ Việt Nam với Liên minh Châu Âu một đối tác hàng đầu của Việt Nam.

Theo Chương trình, một trong nhiều hoạt động quan trọng của Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng là hội đàm với người đứng đầu cơ quan lập pháp các nước Nga, Séc, Belarus. QH Việt Nam tìm tiếng nói đồng thuận với nghị viện các nước này- để tăng cường vai trò của QH mỗi nước trong giám sát thực hiện các điều ước quốc tế, nhất là về hợp tác kinh tế thương mại mà Chính phủ đã ký kết. Đây là một biện pháp quan trọng và thiết thực của cơ quan lập pháp thúc đẩy quan hệ kinh tế thương mại và các mối quan hệ hợp tác song phương phát triển tương xứng với tiềm năng mỗi nước.

Chuyến thăm chính thức tới ba nước Châu Âu của Chủ tịch QH Nguyễn Phú Trọng và thực tiễn hoạt động đối ngoại của QH thêm một lần nữa khẳng định vị thế của QH Việt Nam, của phương thức ngoại giao nghị viện, thế đứng của ngoại giao nhân dân của Việt Nam trong thời kỳ hội nhập và toàn cầu hóa- tiến bộ, mềm dẻo, thẳng thắn và hiệu quả.


Nguồn tin: Người đại biểu Nhân Dân


Xem tin theo ngày: