Tin mới
Bản Hồ mây trắng

Ngày đăng: 27/07/2009 - 11:14:53

Cuộc sống của người dân Bản Hồ (Sa Pa) thực sự đổi khác kể từ khi người dân ở đây “bắt tay” với Nhà nước làm du lịch cộng đồng...

Cách thị trấn Sa Pa 24km về phía Đông Nam, cao hơn 435m so với mặt nước biển, Bản Hồ (thuộc thị trấn Bản Hồ, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai) có 307 hộ với 1.973 nhân khẩu đang đổi thay từng ngày.

Xứ thần tiên

Chúng tôi thuê xe ôm với giá 30 ngàn đồng cho quãng đường dài 24km rừng núi chẳng phải là đắt, nếu không muốn nói là quá rẻ. (Còn có điều kiện, bạn có thể chọn xe jeep, 300 ngàn đồng cho một chuyến cả đi lẫn về). Bỏ lại đằng sau Sa Pa trăm tuổi khói sương, con đường ngoằn ngoèo, uốn lượn. Một bên là núi cao sừng sững, một bên là vực thẳm hun hút. Anh xe ôm vui tính vừa đi vừa nói chuyện, như thể hét lên, gió lùa qua vành tai vun vút, độ cao hạ thấp dần dần.

Không rét mướt như ở Sa Pa. Không quá lạnh như ở Tả Phìn hay Tả Van... Tiết trời ấm dần lên. Xe cứ chạy cho đến khi trước mắt bỗng oà ra một màu vàng, pha chút nâu đỏ của lá, của cánh rừng quốc gia Hoàng Liên và những thửa ruộng bậc thang cao thấp; đi thêm chút nữa sẽ gặp một ngôi nhà xây bằng đá bỏ hoang ven đường, cạnh đó là cái nhà sàn phía trước đặt một cái bàn, trên có bày thổ cẩm, bánh kẹo, nước giải khát... và có những du khách người nước ngoài ngồi nghỉ chân - quán bà Cảnh - thì biết là đã đến Bản Hồ.

Tưởng gần mà hoá xa, Bản Hồ nằm ở dưới thung lũng kia, chúng tôi đã có thể nhìn thấy rõ những làn khói bay lên trên những nóc nhà, bắc ngang qua dòng suối là một cái cầu treo sơn đỏ và những con đường ngoằn ngoèo, lúp xúp dưới những tàng cây. Quán bà Cảnh được các hướng dẫn viên du lịch coi như trạm trung chuyển bởi tuy xe có thể đưa du khách xuống đến tận nơi, nhưng như thế còn gì là thú vị bằng việc xuống đi bộ tắt qua đường mòn trên núi, thỉnh thoảng lại gặp một con suối róc rách chảy qua. Vậy nên cánh tài xế chỉ có việc “đổ” khách ở đây rồi quay trở lại thị trấn Sa Pa, cứ đúng ngày giờ đến đón như đã hẹn.

“Nghỉ chân cái đã! - anh xe ôm bảo. Các chị phải đi bộ vào bản vì vừa mới qua một trận mưa, đường lầy lội, trơn trượt lại nhiều đèo dốc, ngồi xe nguy hiểm lắm! Cũng gần thôi, khoảng một giờ đồng hồ. Có các em bé người Mông hoặc người Dao dẫn đường. Hoàn toàn miễn phí...”.

Người đàn bà dân tộc tên Cảnh, nói tiếng Kinh chưa sõi, nhưng rất đon đả: “Uống nước đi! Cũng vừa có mấy người nước ngoài vừa xuống Bản Hồ đó...”. Anh xe ôm bảo, khách đi Bản Hồ đều dừng chân ở đây nghỉ lấy sức, bà Cảnh dễ chịu lắm, pha nước mời khách, khách không mua gì cũng vui! Trò chuyện một hồi, chúng tôi xốc ba lô lên vai, theo cô gái người Mông tên Giàng Cho Số, 19 tuổi, nhà ở bản Tả Van, lút cút chen giữa những rặng ổi chín dọc hai bên bờ suối. Vừa đi, Giàng Cho Số vừa phải dừng lại đợi, thỉnh thoảng mệt quá chúng tôi ngả đồ, nhoài mình ra bãi cỏ nhìn mây trắng bay. Cảm giác nhẹ nhõm...

Giàng Cho Số dẫn chúng tôi đến nhà anh Vàng A Dương, 43 tuổi, người Tày, ở thôn Hoàng Liên. Không biết có ai báo trước mà anh Dương đã tươi cười ra đón chúng tôi từ ngoài ngõ.

Bản Hồ tuy mới làm du lịch nhưng đã thu hút được sự chú ý đặc biệt của rất nhiều du khách, nhất là những du khách nước ngoài. Đến Bản Hồ, du khách được sống và sinh hoạt trong không khí ấm cúng và thân mật của gia đình. Qua những câu chuyện chắp nối, chúng tôi được biết gia đình anh Vàng A Dương là một trong những hộ đầu tiên ở đây được chọn thí điểm “bắt tay cùng với Nhà nước” làm du lịch. Buổi sáng, anh Dương hướng dẫn chúng tôi tham quan Vườn quốc gia Hoàng Liên, nơi có chủng thực - động vật vô cùng phong phú. Vì nhiệt độ ở Bản Hồ cao hơn Sa Pa (trung bình từ 18 – 25oC) nên buổi trưa, từ trong rừng ra chúng tôi đã có thể hoà mình vào dòng suối Lave, ngắm thác Đá Nhảy hùng vĩ, bọt tung trắng xoá.

Cơm nước buổi trưa xong, người chủ nhà mến khách đưa chúng đến thôn của người Dao đỏ trên núi cao tắm lá thuốc. Dù có phải leo bộ 3 km đường núi bạn cũng không nên bỏ lỡ cơ hội có một không hai này! Lá thuốc có 18 vị, người Dao phải đi lấy tận trên rừng. Sau khi phơi khô, sao vàng rồi hạ thổ mới có thể dùng được. Nước thuốc sẽ được đổ vào chiếc thùng làm bằng gỗ pơmu thơm ngát, nóng hay lạnh tuỳ thuộc vào sức chịu đựng của mỗi người (nhưng theo những người dân ở đây thì càng nóng càng tốt). Bạn sẽ ngâm mình vào thùng nước ít nhất khoảng một giờ đồng hồ, nhưng cứ 15 phút một lần lại có người rút nước ra đổ thêm nước mới vào. Khi đứng lên, bạn sẽ thấy người lảo đảo như say rượu nhưng sau khi đã ngồi nghỉ chừng nửa tiếng thì thấy người khoẻ khoắn, sảng khoái vô cùng.

Ông Nguyễn Văn Minh, nguyên Phó Chủ tịch UBND xã Bản Hồ cho biết, đây là bài thuốc gia truyền của người Dao và chỉ có người Dao mới biết, đã được Viện Y học cổ truyền thẩm định.

Hướng tới du lịch bền vững

Bản Hồ chia làm ba thôn: Tả Trung Hồ, Xéo Trung Hồ và Hoàng Liên là nơi sinh sống của ba dân tộc Mông, Dao, Tày nhưng người Tày vẫn chiếm đa số. Về chỗ ăn nghỉ, ông Minh cho biết: “Từ 2 hộ đi tiên phong trong việc phát triển du lịch cộng đồng, cuối năm 2000, năm 2001 tăng lên 10 hộ và cho đến nay, đã có gần năm chục hộ chính thức tham gia (có văn bản kí kết hẳn hoi), có thể đón được khoảng 500 du khách/ngày. Nếu cần, hầu hết các hộ gia đình ở Bản Hồ đều có thể đón khách...”. Không có một cái giá cụ thể, nhưng cánh hướng dẫn thường trả 20 ngàn đồng/người/ngày đêm cả ăn nghỉ. Chủ nhà cũng không lấy đó làm quan trọng, có bao nhiêu “của ngon vật lạ” trong nhà đem hết ra thết đãi và chuốc du khách bằng thứ rượu mầm thóc do họ tự cất lấy cho đến khi nào “say mới quí”!

Ở Bản Hồ, khi mặt trời bắt đầu xuống núi là lúc chúng tôi tự do đi dạo một vòng quanh bản, đến những nhà dệt thổ cẩm xem và có thể mua cho mình một tấm với giá chỉ khoảng 25 ngàn đồng mà rộng đủ quấn quanh người thành một cái... váy. Buổi tối ở Bản Hồ, vào những tối cuối tuần, bạn có thể đến nhà sàn văn hoá vui chơi ca hát cùng với người dân bản địa. Mỗi dân tộc sẽ mang đến những trò chơi, điệu múa và những món ăn độc đáo của mình ra mời du khách... Sau khi chủ nhà đãi khách bằng rượu ngô, thịt hun khói và thứ rau cải vườn nhà mà mới ăn thấy nhằng nhặng nhưng càng nhai càng ngọt, cả chủ lẫn khách kéo nhau ra nhà sàn văn hoá của bản. Lửa đã được thắp lên, rượu rót tràn ra bát, chuyền tay nhau. Rượu mềm môi câu hát, rượu chuếnh choáng nhịp chân. Buổi tối không có trong hợp đồng, lẽ ra Giàng Cho Số có thể thoải mái nghỉ ngơi sau một chặng đường dài, trên vai lại cồng kềnh mang vác nặng nhưng cô đã ngồi lại theo yêu cầu của tôi. Tôi muốn nghe một vài câu dân ca Mông trong cái không gian thấm đẫm “hương núi tình rừng” như thế này. Khi tôi đã chuếnh choáng men say, nói không còn được “chuẩn” thì Số tiến ra giữa sàn: “Anh ơi!/ Chim khuyên có gọi mùa, mùa mới về/ Chim khuyên có gọi năm, năm mới tới/ Tháng giêng là mùa ra sấm mới/ Con chim khuyên khôn, hãy đến hót ở đỉnh đồi nhà em/ Em ở đây - cách xa chín ngọn núi/ Em ở đây - cách xa tầm chim bay/ Anh có thương thì hãy làm cây ký zàng (loài chim báo mùa hạ tới)/ Hãy cùng em đi qua mùa Lấu chua (loài chim báo mùa thu tới, mùa lúa chín)/ Anh có yêu hãy đến đón em về...”. Tiếng hát cất lên cùng tiếng kèn lá trong không gian yên ắng, nghe da diết.

Hiện nay, Bản Hồ đang triển khai dự án “Du lịch bền vững”, mỗi người dân sẽ tiếp xúc trực tiếp với du khách. Để làm được điều đó, ông Nguyễn Văn Minh cho biết, chính quyền địa phương đã cho xây dựng một đội ngũ hướng dẫn viên người bản địa, đã đào tạo tiếng Anh cho hơn 50 người để có thể giới thiệu về nét văn hoá và phong tục tập quán độc đáo của từng dân tộc. Ngoài ra, còn một lớp tiếng Anh khác do các thanh niên tình nguyện đang mở thu hút rất nhiều em tham gia, một lớp học nấu ăn và một lớp học hướng dẫn viên... tất cả đều là các con em dân tộc ở Bản Hồ./.


Nguồn tin: QueHuongOnline.vn


Xem tin theo ngày: