Tin mới
Thắt chặt quan hệ truyền thống, nâng tầm đối tác song phương

Ngày đăng: 26/09/2009 - 11:09:48

Từ 26/9-2/10, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm sẽ có các chuyến thăm chính thức Cuba, Chile, Hoa Kỳ và Canada.

Nhận lời mời của Chủ tịch Cuba Raul Castro và Tổng thống Chile Michelle Bachelet, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết sẽ thăm chính thức nước Cộng hòa Cuba (từ 26-29/9) và Cộng hòa Chile (từ 29/9-1/10). Các chuyến thăm nhằm tiếp tục tăng cường mối quan hệ truyền thống hữu nghị và thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại song phương giữa Việt Nam với các nước.

Việt Nam và Cuba có mối quan hệ đoàn kết, ủng hộ, hợp tác toàn diện anh em kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao (2/12/1960). Mối quan hệ truyền thống lâu đời giữa hai nước trong nhiều năm qua không ngừng được duy trì và phát triển. Cuba là nước đi đầu trong phong trào nhân dân thế giới và ủng hộ mạnh mẽ cuộc đấu tranh giành và bảo vệ độc lập, tự do, xây dựng đất nước của Việt Nam.

Hai nước có mối quan hệ hợp tác mọi mặt trên các lĩnh vực có thế mạnh như: xây dựng, giao thông, công nghệ sinh học, y tế, nông nghiệp, thể dục-thể thao. Trong những năm gần đây, hai nước thường xuyên trao đổi các Đoàn đại biểu cấp cao. Các chuyến thăm Cuba của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh (3/2004 và 6/2007), Chủ tịch nước Trần Đức Lương (4/2000 và 11/2004), Thủ tướng Chính phủ Phan Văn Khải (10/2002), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An (8/2003 và 3/2006)... Các chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch Fidel Castro (12/2005 và 3/2003), Phó Chủ tịch Raul Castro (4/2005), Chủ tịch Quốc hội Ricardo Alarcon (6/2007)...

Tăng trưởng kinh tế của Cuba những năm gần đây đạt khá cao (năm 2005: 9%; 2006: 12%; 2007: 10%). Tổng kim ngạch thương mại năm 2008 đạt khoảng 18 tỷ USD, trong đó các mặt hàng xuất khẩu mũi nhọn là dịch vụ du lịch, thuốc chữa bệnh, sản phẩm công nghệ sinh học, ni-ken, đường, thuốc lá xì gà. Cuba ưu tiên nhập khẩu lương thực, nhiên liệu và các nhu yếu phẩm khác...

Cùng với đó, trao đổi thương mại song phương giữa hai nước không ngừng tăng (2006: 300 triệu USD; năm 2007: hơn 300 triệu USD; năm 2008: 497 triệu USD và đến hết tháng 7/2009: 257 triệu USD). Hai nước đã hợp tác trên một số lĩnh vực mới như: dầu khí, sản xuất hàng tiêu dùng, điện tử, đầu tư dịch vụ, viễn thông, du lịch...

Sau chuyến thăm Cuba, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết có chuyến thăm chính thức Cộng hòa Chile, nhằm khẳng định quyết tâm xây dựng quan hệ đối tác toàn diện, thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai nước trên các lĩnh vực, nhất là kinh tế-thương mại, trảo đổi các biện pháp thúc đẩy thực hiện các thoả thuận cấp cao.

Chile là nước có nền kinh tế phát triển, tăng trưởng cao và ổn định hàng đầu khu vực, đạt trình độ cao trong quản lý kinh tế vĩ mô và duy trì quan hệ kinh tế thương mại khá cân bằng với các đối tác, tích cực thúc đẩy quan hệ hợp tác giữa hai bờ Thái Bình Dương. Năm 2009, Chile được Diễn đàn Kinh tế Thế giới xếp thứ 25/117 nước về sức cạnh tranh và đặt mục tiêu đến năm 2015 trở thành một nước phát triển.

Quan hệ Việt Nam - Chile thời gian qua tiếp tục được tăng cường và mở rộng thông qua các chuyến thăm, tiếp xúc cấp cao, nổi bật là Tuyên bố chung Cấp cao xác định khuôn khổ quan hệ đối tác toàn diện vào tháng  5/2007, nhân chuyến thăm Chile của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh.

Mối quan hệ đó gần đây có bước phát triển rất tích cực với việc hai bên thường xuyên trao đổi các Đoàn cấp cao. Các chuyến thăm Chile của Chủ tịch nước Trần Đức Lương (11/2004); Thủ tướng Phan Văn Khải (10/2002); Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan (5/2009)... Các chuyến thăm Việt Nam của cựu Tổng thống Ricardo Lagos (10/2003), Tổng thống Michelle Bachelet dịp dự Hội nghị Cấp cao APEC (11/2006); các chuyến thăm của Phó Chủ tịch Thượng viện Chile (7/2000 và 9/2001) và Phó Chủ tịch Hạ viện Chile (7/2008)...

Hai bên đã ký nhiều văn kiện hợp tác trên các lĩnh vực chính trị-ngoại giao, kinh tế-thương mại, khoa học-công nghệ, văn hóa, du lịch... Quan hệ thương mại hai chiều tăng theo từng năm (từ 18,6 triệu USD năm 2000 lên 240 triệu USD năm 2007). Riêng năm 2008, do tác động của khủng hoảng kinh tế-tài chính toàn cầu, thương mại hai nước giảm xuống mức 173,3 triệu USD.

Để tăng cường hợp tác kinh tế, hai nước đã tiến hành 3 vòng đàm phán Hiệp định tự do thương mại song phương và dự kiến tiến hành vòng 4 tại Santiago vào cuối tháng 9/2009. Chile ủng hộ Việt Nam vào Ủy ban Kinh tế và Xã hội của Liên Hợp Quốc (ECOSOC), APEC, WTO và tuyên bố công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam vào 10/2008.

Tăng cường hơn nữa quan hệ với Mỹ và Canada

Cũng trong khoảng thời gian này, nhận lời mời của Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ và Bộ trưởng Ngoại giao Canada, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm sẽ thăm chính thức Hoa Kỳ và Canada từ ngày 28/9 – 2/10/2009. Chuyến thăm cũng nhằm tăng cường hơn nữa mối quan hệ giữa Việt Nam với các nước.

Kể từ khi bình thường hóa quan hệ (tháng 7/1995) đến nay, quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ đã phát triển trên nhiều lĩnh vực. Hai bên đã trao đổi nhiều đoàn cấp cao, mà gần đây nhất là chuyến thăm Hoa Kỳ của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng (6/2008). Hai bên đã thỏa thuận xây dựng quan hệ “Đối tác xây dựng, hữu nghị, hợp tác nhiều mặt”, các cơ chế hợp tác cụ thể được thiết lập và đang được triển khai trên nhiều lĩnh vực như chính trị, kinh tế-thương mại, khoa học-công nghệ, giáo dục-đào tạo… góp phần tiếp tục củng cố quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ.

Quan hệ kinh tế - thương mại - đầu tư giữa hai nước tiếp tục được đẩy mạnh. Năm 2008, thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đạt 14,5 tỷ USD. Sáu tháng đầu năm 2009, kim ngạch mậu dịch hai nước ước tính đạt 6,2 tỷ USD. Tính đến tháng 8/2009, Hoa Kỳ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam đạt 8,587 tỷ USD, đứng thứ 7 trong số các nhà đầu tư tại Việt Nam.

Với Canada, trong những năm qua, quan hệ hai nước phát triển tốt, biểu hiện qua sự hợp tác tốt trên nhiều diễn đàn quốc tế như Liên Hợp Quốc, ASEAN, WTO, Cộng đồng Pháp ngữ, ARF và APEC. Hai nước cũng nhiều lần trao đổi đoàn cấp cao như, về phía Việt Nam có các đoàn: Phó Thủ tướng Phan Văn Khải (6/1994), Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm (11/1998), Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên (9/2003), Thủ tướng Phan Văn Khải (6/2005); Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan (10/2008). Về phía Canada có các đoàn như: Thủ tướng J. Chretien (11/1994 và 1997), Bộ trưởng Ngoại giao A. Ouellet (11/1995), Bộ trưởng Ngoại giao John Manley (7/2001), Thủ tướng Stephen Harper (11/2006). Năm 2008, Việt Nam và Canada đã kỷ niệm 35 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao.

Quan hệ kinh tế, thương mại giữa Việt Nam và Canada những năm qua có những tiến triền tích cực. Kim ngạch buôn bán giữa hai nước tăng lên đáng kể (từ 121 triệu USD năm 1998 lên gần 1 tỷ USD năm 2007 và đạt khoảng 1,2 tỷ USD năm 2008). Hai tháng đầu năm 2009, kim ngạch buôn bán giữa hai nước đạt 107,4 triệu USD.

Có thể nói, các chuyến thăm chính thức cấp cao của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Gia Khiêm sẽ góp phần tăng cường truyền thống quan hệ đặc biệt cũng như thúc đẩy các mối quan hệ song phương, đa phương với các nước, đặc biệt là về hợp tác kinh tế - thương mại và đầu tư./.



Nguồn tin: VOVNEWS


Xem tin theo ngày: